Quán so sánh
Khi gặp một sự việc bất như ý, hãy nhìn rộng ra để thấy những hoàn cảnh còn bất hạnh hơn mình. Từ đó, chúng ta sẽ thấy mình vẫn còn phước, và thay vì chỉ biết than thân trách phận, chúng ta sẽ tìm được cách để vượt qua nỗi khổ của mình.
Khi gặp một sự việc bất như ý, thay vì chỉ biết than thở, đau khổ, chúng ta hãy nhìn rộng ra những hoàn cảnh xấu hơn, để thấy rằng mình vẫn còn may mắn, vẫn còn có phước. Từ đó, chúng ta có thể chuyển hóa khổ đau và tìm được an vui. Đây chính là phương pháp quán so sánh để chuyển hóa khổ đau.
Có một cô Phật tử đến than thở với tôi rằng, cô có một người con gái thường xuyên đến chùa làm công quả và đi theo quý thầy, quý sư cô làm các việc từ thiện, không lo việc ở nhà. Tôi nói được như vậy là hạnh phúc rồi. Cô nói: “Trời ơi, nó bỏ đi hoài thì hạnh phúc gì thầy?”. Tôi liền kể cho cô nghe một câu chuyện:
Dạo trước, có một cô Phật tử cũng dắt một đứa con gái khoảng 15, 16 tuổi đến nhờ tôi khuyên bảo cho ở chùa tu tập và làm công quả. Cô ấy than rằng:
- Nó ở nhà không chịu học, toàn theo bạn bè bỏ đi chơi, con khuyên bảo thế nào cũng không được. Con đã khóc rất nhiều vì sợ nó sẽ rơi vào cạm bẫy hoặc là dính vào xì ke, ma túy.
Cô còn nói thêm rằng:
- Không phải con có ý cho nó xuất gia, nhưng thời gian này con muốn nó ở chùa tu tâm sửa tính. Còn vấn đề tiền bạc hay bất cứ nhu cầu gì, con sẽ cung cấp đầy đủ, miễn là nó chịu ở chùa thôi.
Tôi kể câu chuyện này xong rồi nói: “So với trường hợp của cô kia, cô thấy mình có hạnh phúc hơn không? Rõ ràng là cô có phước vì con gái của cô biết tu, biết đi chùa và làm từ thiện xã hội”. Nghe tôi nói đến đây, cô liền nhận ra đúng là mình có phước và cảm thấy vui hơn.
Như vậy, khi có một sự việc bất như ý xảy ra, chúng ta có thể dùng phương pháp so sánh để thấy rằng hoàn cảnh của mình vẫn còn hạnh phúc chứ chưa phải là bế tắc, từ đó dần dần chuyển hóa khổ đau thay vì cứ ôm ấp chúng mãi.
Lại có trường hợp một người vợ đến than với tôi rằng, ông chồng của cô tối ngày chỉ lo tụng kinh, niệm Phật, không chịu làm gì cả, cô nhờ tôi khuyên ông đừng như vậy nữa. Tôi liền kể cho cô nghe về người vợ có chồng tối ngày đi ăn nhậu. Người này đến gặp tôi than thở:
- Chồng con chỉ thích đi nhậu, con phải nuôi, phải cho tiền ổng. Đã vậy có yên đâu, nhậu về rồi ổng còn chửi bới, gây chuyện với vợ con. Con rất là khổ! Không những gia đình khổ mà hàng xóm cũng khổ, vì mỗi lần nhậu say về là ổng quậy.
Và cô nhờ tôi khuyên người chồng bỏ nhậu. Tôi nói:
- Cô bảo ổng vào đây gặp mặt thì nhà chùa mới có thể giúp ổng được.
- Khó quá, con không biết làm sao để khuyên ổng đi. Giờ con chỉ mong ổng vô chùa, con sẽ nuôi hết, tốn kém bao nhiêu cũng được, miễn là ổng chịu vô chùa công quả, tu tập để cho con yên tâm làm ăn.
Kể xong câu chuyện này, tôi hỏi cô đó: “Chồng cô biết tu như vậy là cô có phước hay không có phước? So với người vợ kia, rõ ràng là cô có phước hơn”. Sau khi nghe vậy, cô cảm thấy vui hơn vì có ông chồng không ăn nhậu bê tha, đánh chửi vợ con, quậy phá hàng xóm.
Nhưng nếu được gặp chồng cô này, tôi sẽ khuyên ông ta tu tập theo đúng tinh thần của người Phật tử tại gia, không nên chỉ biết lo cho bản thân mà thiếu trách nhiệm với gia đình. Do không gặp được người chồng nên tôi chỉ giúp được người vợ, bằng cách dùng phương pháp quán so sánh để cô ấy hiểu, thông cảm và nhận ra mình vẫn còn hạnh phúc.
Một trường hợp khác, có cô gái đến chùa than khóc vì mẹ vừa mới mất. Tôi nói: “Con người ta ai cũng phải chết, đó là việc không thể tránh khỏi”. Cô nói cô cũng biết như vậy, nhưng vì mẹ cô mất rất đột ngột, bà lên cơn đau tim và chỉ trong vòng một ngày là ra đi; hơn nữa, bà mất sớm quá, cô chưa kịp lo lắng, phục vụ, báo đền được gì cho mẹ hết. Tôi nói: “Như vậy cũng là có phước, mẹ cô ra đi không phải chịu nhiều đau khổ, mà cũng không làm cho con cháu phải khổ theo”.
Rồi tôi kể cho cô nghe câu chuyện về một bà cụ bị tai biến mạch máu não. Bà phải nằm cả năm trời, đến nỗi cơ thể bị lở loét, hôi thối. Những người con, mặc dù rất có hiếu, nhưng cuối cùng ai cũng mong mẹ mình có thể sớm ra đi. Không phải là họ bất hiếu, mà vì thấy mẹ mình đau khổ quá, sống không yên mà chết cũng không xong.
Sau khi nghe tôi kể câu chuyện này, cô mới bớt cảm giác đau khổ và tự trách bản thân.
Như vậy, khi gặp một sự việc bất như ý, hãy nhìn rộng ra để thấy những hoàn cảnh còn bất hạnh hơn mình. Từ đó, chúng ta sẽ thấy mình vẫn còn phước, và thay vì chỉ biết than thân trách phận, chúng ta sẽ tìm được cách để vượt qua nỗi khổ của mình.
Thích Chân Tính
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm