Đây là bức thông điệp, tôi muốn gửi đến tất cả Phật giáo đồ trên thế giới. Dĩ nhiên, bất cứ ai thực hành tôn giáo, tôn giáo nào đều cần tình yêu thương, từ bi tâm. Tình yêu thương, từ bi tâm này cần được hướng dẫn đến với tất cả chúng sinh: “Nguyện cho tất cả pháp giới chúng sinh đều được an lạc hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau”. Vì vậy, khi bất cứ nơi nào mà tất cả những người nào đó phải chịu cảnh não nhiệt, lạnh giá buốt trong khổ đau, quý bạn nên cầu nguyện vị “bảo hộ” mà quý bạn đã thọ quy y.
Hãy chắp tay cầu nguyện vì lợi ích của tất cả quốc gia trên thế giới: ví dụ: “Cầu nguyện cho những người chịu cảnh thời tiết khắc nghiệt bởi hạn hán gặp được mưa; cầu cho những người thiếu nước được nước thanh khiết; cầu dập tắt ngọn lửa sân hận gây tổn thương cho một số người”. Quý bạn nên cầu nguyện theo phong tục của mình.
Là Phật giáo đồ, chúng ta có thể tụng kinh cầu nguyện cho hòa bình thế giới, hay nhất tâm khẩn nguyện đức Bồ tát Đại bi Quán Thế Âm (Tara). Đây là trách nhiệm của mỗi tín đồ tôn giáo, ngay cả khi quý bạn là người duy nhất trong nhà. Những lời cầu nguyện như vậy chắc chắc sẽ mang lại phúc lành. Ngay cả khi chỉ có một hoặc hai người cầu nguyện, nó chắc chắn mang lại sự cát tường như ý.
Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện vì an lạc hạnh phúc của mọi quốc gia. Điều này cũng mang lại lợi lạc cho chúng ta. Nếu chúng ta với tâm ích kỷ và chỉ quan tâm đến sự hạnh phúc của bản thân mình, thì tất nhiên điều này sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Nhưng nếu bạn với tâm quảng đại cầu nguyện với động lực làm lợi lạc cho tất cả thế giới này, điều đó thực sự sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi lạc nhất và nó cũng sẽ mang lại lợi lạc cho thế giới. Điều này gọi là “hoàn thành lợi ích chung cho tha nhân và chính mình”.
Ví dụ các phật tử có thể khẩn nguyện tới đức Bồ tát Quán Thế Âm (Jetsun Tara) trì Lục tự Đại minh Chân ngôn; thực hiện những nghi lễ tịnh hóa trước các Bảo tháp hay trước những bức tượng Phật nhỏ; bố thí cho động vật .v.v...Tất cả những thực hành này sẽ mang lại lợi ích cho thế giới. Nếu không thì sân hận và đố kỵ sẽ gia tăng trên thế giới này, và tình yêu thương, từ bi tâm sẽ giảm thiểu. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng nhiệt lượng của trái đất và cuối cùng nó sẽ bốc cháy.
Vì thế nếu mọi người cùng để tâm đến điều này thì thật là tốt. Tất cả chúng ta nên cầu nguyện và hãy dành mối quan tâm to lớn từ trái tim đến điều này. Nếu chúng ta thờ ơ trước sự đau khổ của người khác chừng nào điều đó không ảnh hưởng tới cá nhân mình thì chúng ta đơn thuần chỉ đang thực hiện nghi lễ với đầu môi chót lưỡi khi cầu nguyện “Nguyện cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc và nguyện cho họ thoát khỏi khổ đau.”
Nguyên nhân duy nhất của tất cả những đau khổ trên thế giới, như bão lũ bên ngoài và xung đột bên trong là những tâm bất thiện, sinh ra sự sân hận và đố kỵ của những cư dân trên hành tinh này. Thay vì bằng việc giúp đỡ nhau thì người ta lại hãm hại nhau: các nước đua nhau trong chiến tranh, con người và các nhóm tôn giáo xung đột mâu thuẫn nhau. Tóm lại, tình yêu thương, từ bi tâm - sự hài hòa của các yếu tố nội tại - ảnh hưởng đến sự hòa hợp của các yếu tố bên ngoài. Năm món hôn ám (Ngũ triền cái) và ngũ dục lạc bên ngoài liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, những nỗ lực phát khởi từ bi tâm, tình yêu thương của chúng ta sẽ mang lại kết quả bởi phẩm chất của ba sức mạnh.
Thứ nhất là sức mạnh bởi thanh tịnh tâm của chúng ta, của ý chí thuần túy của con người – trái tim tuyệt vời của con người. Thứ hai là sức mạnh của chư Như Lai. Tất cả chư Phật tam thế (quá khứ, hiện tại và vị lai) đã phát nguyện nhưng thêm vào đó chúng ta cần khẩn nguyện các Ngài. Cũng giống như viên ngọc như ý, chỉ khi chúng ta bày tỏ ước nguyện thì nó mới được viên thành. Nếu chúng ta khẩn nguyện thì chúng ta sẽ nhận được sức mạnh của tất cả chư Phật, đây là sức mạnh của chư Như Lai. Và thứ ba là sức mạnh của Pháp tính – luân hồi sinh tử và niết bàn có cùng một nền tảng. Tính nhị nguyên của luân hồi và Niết bàn chỉ tạm thời hiện hữu tách biệt bởi những phiền não, nghiệp chướng của chúng sinh.
Do kết quả của những nghiệp chướng (hành động) được tiến hành bởi tâm thức nhiễm ô mà ngày nay chúng ta chứng kiến rất nhiều khổ đau trên thế giới này. Vậy làm sao để tịnh hóa những tâm thức ô nhiễm này? Tất cả các phiền não phát sinh từ chấp ngã (cái tôi ích kỷ) và phương pháp trị liệu với chấp ngã là tâm xả kỷ vị tha. Tâm xả kỷ vị tha sẽ mang lại lợi lạc cho chúng ta, trong mọi hoàn cảnh: trong cuộc đời này, trong kiếp sau và trong giai đoạn trung ấm. Mọi người đều cần có tâm xả kỷ vị tha. Thậm chí một sinh vật nhỏ xíu sẽ trải nghiệm hạnh phúc tương ứng với mức độ xả kỷ vị tha của nó.
Như vậy, chúng ta cầu nguyện rằng: Nguyện cho chúng sinh có được hạnh phúc và nhân của hạnh phúc”. Nhân của hạnh phúc chính là từ bi tâm, tình yêu thương. Và, “Nguyện cho chúng sinh thoát khỏi mọi khổ đau và nhân của khổ đau”. Nguyên nhân của khổ đau chính là chấp ngã. Không có Pháp nào khác hơn. Bản chất cốt lõi của Pháp là từ bi tâm, tình yêu thương. Không có Pháp nào tồn tại tách rời khỏi từ bi tâm và tình yêu thương. Danh xưng “Phật” mà chúng ta thường gọi chính là sự hoàn thiện của trí tuệ, trí tuệ bát nhã. Trí tuệ tinh tế của Phật tính là nền tảng của luân hồi và niết bàn. Vì vậy, nếu một người có từ bi tâm và tình yêu thương thì trí tuệ sẽ tăng trưởng. Nếu quý bạn hiểu được điều này, quý bạn sẽ tìm ra phương pháp để mang lại hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ đau.
Vì vậy, chúng ta nên phát khởi những ước nguyện toàn hảo. Bởi vì thế giới hiện đang trong tình trạng hiểm họa, nên tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy chí thành cầu nguyện.
Tác giả: Garchen Rinpoche
Vân Tuyền dịch
Nguồn: Surya Drikung Dharma Center