Sát sinh và quả báo theo góc nhìn đạo Phật
Theo nhân quả, việc sát sinh sẽ mang đến khổ đau lâu dài không chỉ đời này mà còn trong nhiều đời sau. Đức Phật đã đưa sát sinh là giới cấm thứ nhất trong 5 giới của Phật tử tại gia.
Vậy sát sinh sẽ đem đến cho chúng ta quả báo gì? Nếu lỡ sát sinh thì sám hối thế nào? Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây qua chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh!
Sát sinh là gì?
“Sát” nghĩa là giết; “sinh” là sinh mạng, mạng sống, cũng có nghĩa là chúng sinh. Sát sinh là đoạn đi mạng sống của những chúng sinh hữu tình mà những chúng sinh ấy có tình cảm, biết đau, biết sợ, biết yêu quý mạng sống của chính mình.
Những chúng sinh ấy cũng giống con người, đều muốn sống trọn một kiếp. Nhưng với tư tưởng “vật dưỡng nhân”, động vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người, chúng ta đã sát mạng rất nhiều chúng sinh.
Quả báo của việc sát sinh
Trong các việc sát sinh, giết người là tội nặng nhất. Nếu giết chúng sinh khác như trâu bò, gà vịt, tôm tép,... tuy tội có nhẹ hơn nhưng sát sinh nhiều thì cũng kết thành quả báo nặng. Vậy những quả báo của tội sát sinh là gì?
1. Gây sự oán thù, dẫn đến chiến tranh
Trong kinh Phật ghi lại câu chuyện vua Lưu Ly bị dòng họ Thích Ca làm nhục do ông là con của nô tỳ (tức Hoàng hậu Mạt Lợi sau này) mà khởi lòng thù hận, đem quân giết toàn bộ dòng họ Thích. Đức Phật đã ba lần đứng ra ngăn cản khiến vua Lưu Ly rút quân về nước. Đến lần thứ tư, vua Lưu Ly ồ ạt khởi binh sang đánh, Đức Phật không ngăn cản nữa vì Ngài biết đây là ác nghiệp mà dòng họ Thích đã đến thời phải trả quả báo.
Nhìn thấy dòng họ Thích bị vua Lưu Ly giết hại, Đức Mục Kiền Liên thương xót, liền dùng thần thông cứu tất cả người dòng họ Thích còn lại thu vào trong bình bát của mình bay lên hư không. Đến khi tàn cuộc chiến tranh, Đức Mục Kiền Liên hạ bình bát mở ra, Ngài thấy bên trong là một bát máu, không một ai còn sống sót.
Đức Phật dạy nguyên nhân của việc này: Tiền kiếp của vua Lưu Ly là con cá lớn và quân binh của ông ta là những con cá nhỏ sống trong một cái ao. Những người dòng họ Thích khi đó là những người dân đi tát ao, bắt cá và giết những con cá trong ao đó, trong đó có con cá lớn (chính là vua Lưu Ly sau này). Đến kiếp này, nhân duyên hội đủ khiến họ báo thù và giết hại nhau. Đức Phật cũng kể, trong tiền kiếp đó, Ngài là một cậu bé, tuy không giết cá nhưng vì lấy gậy đập đầu con cá ba cái nên kiếp này, Ngài cũng phải chịu quả báo bị đau đầu ba ngày.
Từ câu chuyện này, chúng ta hiểu rằng, sát sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh. Hiện nay, chúng ta thấy chiến tranh vẫn đang xảy ra ở nhiều quốc gia, dân tộc, đảng phái. Họ giết nhau, chiến đấu với nhau, gây đau khổ cho biết bao nhiêu con người. Theo Phật giáo, không chỉ loài người mà chư Thiên và thần A-tu-la cũng chiến đấu với nhau.
Đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều nhà máy lại sát sinh công nghiệp, giết mổ hàng loạt bằng máy móc, theo băng chuyền. Chúng sinh nào cũng quý mạng sống của mình. Vì thế khi bị giết hại, loài vật cũng chất chứa những oán hờn, phẫn nộ, đau đớn, sợ hãi; những oán khí này mỗi ngày chất chứa, tích tụ ngập tràn thế giới. Cho nên, thế giới hiện nay nhiều tai ương, hoạn nạn là do nghiệp sát sinh này chiêu cảm đến.
2. Không được thụ hưởng tài sản
Trong kinh “Sát sanh - Lợi bất cập hại”, Đức Phật dạy rằng: “Ta cũng không thấy, cũng không nghe người đồ tể, sau khi giết các con dê, heo, bò… được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Vì sao? Vì người đồ tể giết các loài thú, với ác ý nhìn các loài thú bị giết; vì vậy người không được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn”.
Kiểm chứng lời Phật dạy, chúng ta thấy những người làm đồ tể, sát sinh thường gặp quả báo hiện tiền! Câu chuyện về phố thịt chó Nhật Tân là một minh chứng như vậy. Trước đây, khu phố này nở rộ như hoa, nhà này nhà kia bày bán thịt chó nhưng cuối cùng đều phải gỡ bỏ. Các gia đình đều gặp chuyện tai ương, tài sản tiêu tan.
Như vậy, Đức Phật nói rõ chúng ta muốn làm giàu bằng nghề sát sinh thì không thể giàu được và chúng ta cũng không được thụ hưởng tài sản đó. Trong các nghề nghiệp, Đức Phật dạy: Sát sinh là ác nghiệp. Vì thế, những ai đang làm nghề sát sinh thì cố gắng tìm cách chuyển sang nghề an lành để không phải chịu ác nghiệp.
3. Chịu khổ trong ba đường ác
Nếu 10 thiện nghiệp dẫn chúng sinh đến nơi tốt đẹp và thanh tịnh thì 10 ác nghiệp lại dẫn chúng sinh trong luân hồi sinh tử, không được sinh vào những nơi cao quý, không được làm thân người, thân Trời mà phải đọa xuống ba đường ác. Một trong 10 ác nghiệp đó có tội sát sinh.
Trong kinh Trường thọ và đoản thọ, Đức Phật dạy: “Có người đàn bà hay người đàn ông sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú. Nếu được tái sanh trong loài người, người ấy phải đoản mạng”.
Những người tạo tội sát sinh thì sau khi chết, nghiệp lực dẫn họ vào ba đường ác (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ) rất đau khổ. Trong kinh Địa Tạng cũng mô tả sự thống khổ nơi địa ngục: bị băm, chém, xay, giã với những hình thức tra tấn khủng khiếp hơn cả trần gian. Nếu tái sinh làm súc sinh thì bị người giết mổ trở lại. Nếu ở ngạ quỷ cũng phải chịu vô lượng những nỗi khổ. Thời gian chịu quả báo của những người này có thể tính đến nghìn năm, vạn năm. Đến khi nào chịu hết quả báo ấy rồi mới được tái sinh làm người nhưng lại làm người nhiều bệnh tật và không được thọ mạng lâu dài.
Nếu lỡ sát sinh thì nên sám hối thế nào để giảm quả báo?
Chúng ta sống đời tại gia có thể không tránh khỏi chuyện sát sinh; hoặc khi chưa biết đến nhân quả, nghiệp báo đã từng sát mạng chúng sinh rất nhiều. Do đó, nếu lỡ sát sinh thì chúng ta nên đối trước Phật để đảnh lễ sám hối hoặc đối trước chư Tăng có giới đức thanh tịnh để sám hối thì tội lỗi của chúng ta phần nào được nhẹ bớt.
Thứ nữa, nay đã học Phật Pháp, chúng ta nên khởi tâm từ đối với chúng sinh: “Đây là vì kế sinh nhai, không còn kế nào khác; chúng tôi thật tâm rất áy náy, không muốn, không thích thú với việc sát sinh nhưng chúng tôi bắt buộc, miễn cưỡng phải làm”. Khi thật tâm như vậy thì tội sát sinh của chúng ta cũng được nhẹ bớt một phần.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể để dành tiền làm các việc phúc thiện để tăng trưởng phước báu như phóng sinh, cúng dường Tam Bảo rồi đem phước báu đó hồi hướng cho những con vật mà mình đã sát sinh. Con vật có thể chưa hết oán nhưng cách này có thể giúp chúng ta nhẹ bớt tội lỗi của mình. Việc tác phúc như vậy khiến cho con vật mình đã giết hại được tăng phước báu, được sinh vào nơi tốt đẹp thì chúng sẽ không kết oán với chúng ta nữa.
Từ lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta thấy rằng, sát sinh là việc làm ác, khiến chúng ta phải chịu sự chi phối của quả báo xấu.
Theo lời Phật dạy, chúng ta nên tu đức bình đẳng, tu tâm từ bi và tôn trọng sự sống của chúng sinh. Nếu mỗi người chúng ta đều làm được như vậy thì thế giới này sẽ rất tốt đẹp, tâm chúng ta sẽ luôn được an lạc, hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm