Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 20/09/2023, 12:13 PM

Siêng năng tu tập tạo phước lành

Trải qua một cuộc đời thăng trầm, cuối cùng rồi ai cũng phải đi theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử, thế là xong một kiếp người. Ngồi lại suy nghĩ, chúng ta không biết mình sống như thế để làm gì?

Có phải nghĩa vụ của con người là sống thì phải lo ăn, mặc, ở,…; đến khi lớn lên thì lo làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ; tuổi già thì lo làm ông, làm bà; rồi cuối cùng ra đi? Nhìn vào bia mộ, một đời người cũng chỉ là mấy hàng chữ mà thôi: ông Nguyễn Văn A, hay Nguyễn Văn B, sinh năm... chết năm… Thế mà trong khoảng thời gian mấy chục năm trên cuộc đời đó, có bao nhiêu sự phiền phức, mừng, giận, buồn, sợ, thương, ghét, muốn. Cuộc đời con người gói gọn trong hai hàng chữ sinh tử, thế nhưng có người làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người ông, người bà, người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con,… có người không; thậm chí, có những người không những không làm tròn bổn phận mà còn gây thêm đau khổ cho người khác. Nếu chúng ta biết Phật pháp, biết sống có đạo đức thì sẽ làm được những điều tốt, lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, có thể chúng ta sẽ làm khổ cho mình và cho người. Dù biết chết là một điều hiển nhiên, là sự thật không ai tránh khỏi, nhưng chúng ta chết rồi để lại gì đây? 

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

(Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh.)

(Văn Thiên Tường)

Cọp chết để da, người chết để tiếng.

(Tục ngữ)

Phần lớn chúng ta không có hy vọng sau khi chết để lại tiếng thơm cho đất nước, cho nhân loại. Điều đó có lẽ vượt quá khả năng của mình. Điều mà chúng ta có thể làm được là sống mẫu mực, đạo đức, sống có lợi ích cho mình và cho nhiều người. Làm sao để khi từ giã cõi đời này, mỗi lần nhắc đến tên ta, những người thân họ cảm thấy tự hào về người cha, người mẹ, người ông, người bà, chứ không phải cảm thấy tủi hổ. Như vậy, cũng xứng đáng lắm rồi!

01-0801

Trong cuộc sống, việc tạo ra của cải là cần thiết, nhưng chúng ta cũng phải biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Đức Phật dạy, chúng ta không phải chỉ sống một đời này là chấm hết. Chỉ chấm hết cái thân ngũ uẩn này thôi, còn chúng ta vẫn tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Vậy việc gì có thể giúp chúng ta bớt khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử đó? Đó chính là bố thí. Bố thí là một phương tiện rất cần thiết để giữ được tài sản và tạo phước báu cho mình, không chỉ đời này mà còn đời sau. Chúng ta đến với cuộc đời này chỉ có hai bàn tay trắng, lúc ra đi cũng lại trắng tay: 

...Chúng ta cùng đội chung trời,

Nước mắt cùng mặn, khóc cười như nhau,

Máu đào xương trắng một màu,

Cảnh buồn ai cũng đeo sầu như ai.

Vào đời cũng khóc chào đời,

 Ra đi cũng trút làn hơi cuối cùng.

Vào đời cũng cặp tay không, 

Ra đi lại cũng thả thòng đôi tay.

Những chi của thế gian này 

Mấy ai nắm được trong tay chút nào?... 

Khi từ giã cõi đời này chúng ta không mang theo được gì ngoài nghiệp. Bố thí là cách giữ “tài sản” tốt nhất. Bố thí giống như gửi ngân hàng. Gửi vào ngân hàng nhân quả là bảo đảm nhất. Không bố thí thì khi nhắm mắt chúng ta sẽ chẳng còn gì. Do vậy, đức Phật thường khuyến khích Phật tử thực hành pháp bố thí này. Đó là nhân lành để đời này và đời sau được hưởng quả phước. Con người sinh ra hơn nhau chỗ biết bố thí. Người có bố thí, khi tái sinh được hưởng quả phước giàu sang hơn, cuộc sống đầy đủ hơn. “Cho là còn có mất đâu, gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”. Thực tế cho thấy, có những người làm việc cực khổ mãi mà rốt cuộc vẫn chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng cũng có những người làm tới đâu gặp may tới đó, lên như diều gặp gió. Đây chính là quả phước của việc bố thí từ những đời trước. Mình gieo nhiều thì hưởng nhiều. Quý vị cứ suy nghĩ coi, bây giờ chúng ta có một nắm thóc, gieo xuống đất thì sau này thu được biết bao nhiêu hạt thóc. Mà gieo một thúng thóc thì ta thu được bao nhiêu? Còn nếu gieo một bồ thóc nữa thì sao? Như vậy, càng gieo chúng ta càng hưởng, chứ đừng nghĩ gieo là mất. 

Thời đức Phật còn tại thế, ông Cấp Cô Độc là một trưởng giả rất giàu có. Chỉ sau một bài pháp của đức Phật, ông phát tâm lót vàng mua một miếng đất để cúng dường xây dựng tinh xá cho đức Phật và chư Tăng. Vì sao ông lại “trọng đạo khinh tài” như thế? Bởi ông đã thấy được lợi ích của việc xây dựng tinh xá cho Tăng đoàn tu học và hoằng pháp lợi sinh. Trải qua hơn hai ngàn năm mà tiếng thơm của ông vẫn còn. Nhìn lại chúng ta, sống thì có nhiều nhưng nằm xuống thì chẳng còn gì hết. Do đó bố thí là điều cần thiết. Quý vị cứ làm nhiều điều thiện, điều tốt đi, không mất đâu. Đó là cách gìn giữ tài sản hay nhất. Đó cũng là cách để chia sẻ tình thương với mọi người. Sống là phải biết chia sẻ, thương yêu đồng loại. Tốt hơn nữa thì để lại sự nghiệp trí tuệ cho cuộc đời. Thái tử Tất-đạt-đa, một người thông minh, siêu việt, sau khi hiểu được thế gian vô thường, tất cả đều là hư huyễn, giả tạm, Ngài đã từ bỏ sự nghiệp vật chất để đi tìm sự nghiệp trí tuệ. Sự nghiệp đó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Ngài dám từ bỏ tất cả nhưng lại có được tất cả. Còn chúng ta, cố nắm lấy tất cả cuối cùng lại mất tất cả. Phải suy xét lại mục đích sống của mình. Chúng ta không có tham vọng để lại điều gì lớn lao cho đời, cho nhân loại; chỉ cần sống đúng với năm giới, sống có đạo đức và làm một người tốt; như thế là rất quý rồi. Nếu có thể làm được nhiều hơn nữa thì sẽ mang lại hạnh phúc cho mình và cho nhiều người hơn. 

Chết không phải là hết, đó chỉ là một sự thay đổi về vật chất, hình thể. Sau khi kết thúc cuộc đời này, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc đời mới. Mà cuộc đời mới đó lại tùy thuộc vào đời sống hiện tại. Nếu hiện tại tốt đẹp thì tương lai cũng sẽ tốt đẹp; nếu hiện tại không tốt thì tương lai cũng sẽ không tốt. Nhân quả rõ ràng! Cho nên, nếu chúng ta biết tu tập, biết sống đúng với năm giới mà đức Phật đã dạy thì không những hiện đời có được an lạc, hạnh phúc mà trong tương lai cũng sẽ có được an lạc, hạnh phúc. Nếu không chúng ta sẽ rơi vào đau khổ cả đời này và đời sau. Vậy nên cần phải có sự chuẩn bị cho tương lai. Ngày hôm nay, nếu không biết chuẩn bị tư lương cho mình thì khi ra đi chúng ta không biết lấy gì đem theo. Để có được tư lương đó, chúng ta cần phải có đạo đức, sự bố thí và tu tập.

Trong kinh Tăng Chi Bộ II, đức Phật dạy rất rõ: “Có năm sự kiện này, này các Tỳ kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi người nam hay người nữ, bởi người tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm? Thứ nhất, ta phải bị già, không thoát khỏi già. Thứ hai, ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh. Thứ ba, ta phải bị chết, không thoát khỏi chết. Thứ tư, tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Thứ năm, ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. Đây là năm điều mà chúng ta phải thường xuyên nghĩ đến. Ta phải già, phải bệnh, phải chết. Đây là sự thật. Tất cả các pháp khả ái, khả ý đối với ta đều sẽ thay đổi, biến diệt. Nghĩa là hợp rồi cũng sẽ tan. Thân của mình do tứ đại tạo thành, rồi một ngày cũng trở về với cát bụi. Chúng ta sống ở đây có vợ chồng, anh em, bè bạn,… rồi một ngày cũng phải chia tay. Cha mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi ta khôn lớn, ân tình sâu nặng, nhưng rồi một ngày nào đó ta cũng phải đứng nhìn cha mẹ ra đi mà không cách nào giữ lại được. Sự thật thứ năm, ta là chủ nhân của nghiệp và là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là gì? Là những hành động có tác ý. Nếu khi sống chúng ta làm những nghiệp thiện, thì khi chết những nghiệp thiện này sẽ đưa ta đến cảnh giới tốt đẹp. Ngược lại, nếu chúng ta tạo nghiệp ác thì sẽ tự đẩy mình vào cảnh giới đau khổ. Chứ không có ông trời, ông thần, ông thánh nào bắt chúng ta xuống địa ngục hay đưa chúng ta lên thiên đường. Chúng ta tự tạo nhân rồi tự nhận lãnh nghiệp quả. Ta là chủ nhân của nghiệp và là thừa tự của nghiệp. Hay nói cách khác, là nhân quả của chính mình. Hiểu được như vậy thì ngoài việc mưu sinh, chúng ta phải biết tu tập để tạo tư lương cho mình ở hiện tại và tương lai. “Người mê lo sự nghiệp đời này. Người trí lo sự nghiệp cả đời này lẫn đời sau”. Ai cũng phải chết, mà chết rồi sẽ đi về đâu? Chắc chắn sẽ phải có đường đi. Phần lớn chúng ta đều theo nghiệp mà đi và không thể nào vượt ra khỏi sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người và trời. Chỉ có đức Phật, những vị A-la-hán, những vị làm chủ sinh tử mới không trôi lăn trong vòng luân hồi lục đạo. Muốn tránh các cảnh giới đau khổ thì chúng ta phải giữ được năm giới, phải sống có đạo đức và làm nhiều điều thiện. Đó là nhân lành để có an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tạo quả phước cho tương lai.

nhung-viec-lam-giup-tang-phuoc-duc-cuc-don-gian-de-ca-doi-bot-kho-0-155124

Sau khi thành tựu Phật quả, đức Phật nghĩ rằng, giáo pháp mà mình chứng ngộ cao siêu, đi ngược lại dòng đời, liệu có ai nghe được, hiểu được hay không? Chúng sinh xuôi theo dòng đời ham mê ngũ dục, bây giờ nói thế gian vô thường, thân người giả tạm thì ai nghe? Nghĩ vậy nên Ngài định Niết-bàn. Sau đó, Ngài nhớ đến hình ảnh một hồ sen, trong hồ có rất nhiều sen, có những nụ sen còn chìm ở dưới nước, có những nụ sen vừa ngoi lên mặt nước, lại có những nụ sen đã nở. Rồi Ngài nghĩ, chúng sinh cũng có nhiều căn cơ, trình độ như thế. Có người có thể tiếp nhận giáo lý của Ngài và cũng có những người không thể tiếp nhận. Do vậy Ngài quyết định đi hoằng truyền chính pháp. Đức Phật nhìn thấy sự thật của cuộc đời, Ngài đã nói ra sự thật đó, nhưng chúng ta lại không muốn nghe. Chúng ta được nghe sự thật, được nghe Phật pháp, thế mà lại cảm thấy không xuôi tai. Trong giáo lý Tứ Diệu Đế, đức Phật đã chỉ ra sự thật về khổ, các nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường chấm dứt khổ. Muốn chữa bệnh, trước hết phải nắm được nguyên nhân dẫn đến bệnh, sau đó tùy bệnh cho thuốc. Cũng vậy, chúng ta học Phật là học cách nhìn và chấp nhận sự thật để thoát khỏi những khổ đau trong cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta luôn cố gắng tìm hiểu nhiều hơn lời dạy của đức Phật. Hiểu biết đúng mới suy nghĩ đúng, suy nghĩ đúng mới thực hành đúng và có thực hành đúng mới đem lại kết quả tốt đẹp được. Tu không cần phải đợi đến tương lai mới có kết quả, mà ngay trong đời này chúng ta sẽ có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bài kinh: Sáu Pháp hòa kính

Kiến thức 10:30 06/05/2024

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tinh xá Ghosita. Lúc bấy giờ, các Tỷ kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải, không chấp nhận hòa giải.

Nhập Không môn vào thế giới Phật

Kiến thức 09:39 06/05/2024

Tu thiền, ngộ được thiền và tu đến mức nhập Không môn là vào cửa Không, thiền sư sẽ thấy mình tan biến vào hư không, tất cả là hư không, lúc đó không còn có ngã, nhơn và thọ giả, nói cách khác, không còn gì, gọi là Niết-bàn được giải thoát.

Xứng đáng là ruộng phước

Kiến thức 08:14 06/05/2024

Một thời, Thế Tôn trú ờ Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Đức Thế Tôn đang có mặt

Kiến thức 15:30 05/05/2024

Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Mỗi khi có từ bốn người trở lên tới với nhau, sống với nhau và thực tập theo con đường Giới, Định, Tuệ thì Đức Thế Tôn có mặt ở tại đó”.

Xem thêm