Sự có mặt của tình thương
Sự có mặt của tình thương là sự có mặt của đức Phật, sự có mặt của đức Phật là sự có mặt của tình thương, của an vui và hạnh phúc.
Đức Phật thị hiện trên cõi đời này: Tất cả cũng chỉ vì tình thương yêu chúng sanh, vì muốn cho chúng sanh hiểu rõ nhân quả, biết được, đâu là tà, đâu là chánh, đâu là giả, đâu là thật; đâu là con đường nên đi, đâu là con đường không nên đi. Nói cách khác, Ngài đến đây để đem chất liệu của sự hiểu biết và thương yêu cho nhân loại. Nơi nào cần thì Ngài đến, nơi nào gọi thì Ngài đi, không từ nan khó nhọc. “Phật tâm vô xứ bất từ bi” (không một nơi nào mà tình thương của Phật không trải đến). Nơi nào thiếu chánh pháp thì nơi đó có dấu chân đức Phật đi qua, nơi nào còn bóng tối thì nơi đó có ánh sáng của Phật soi đến, nơi nào còn đau khổ thì nơi đó có dòng suối từ bi tắm mát. Hơn bao giờ hết, thẳm sâu trong tận đáy lòng của mình, lúc nào Thế Tôn cũng mong muốn cho chúng ta có được đời sống thật sự tràn đầy bình an và hạnh phúc.
* Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, phẩm Một Người đã nói lên điều đó: “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là sự xuất hiện luôn đem hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác”.
Như chúng ta biết, đức Phật có mặt ở cõi đời này, Ngài chỉ biết hy sinh cho chúng sanh, chứ Ngài không bao giờ nghĩ lợi về mình. Trước khi thành Phật, Ngài là một thái tử sống trong ngai vàng, gấm lụa, đầy quyền uy và thế lực; nào là vợ đẹp, con ngoan; nào là cung phi, mỹ nữ; nào là đàn ca, hát xướng; nào là hoa tươi, trái ngọt; nào là cao lương, mỹ vị; nào là nệm ấm, chăn êm, muốn gì có nấy. Đời sống của Ngài tột đỉnh giàu sang và sung sướng không ai bằng.
* Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Ðược Nuôi Dưỡng Tế Nhị, tr. 259 – 260:
Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị.
Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải kàsi là áo cánh, bằng vải kàsi là nội y, bằng vải kàsi là thượng y. Ðêm và ngày, một lọng trắng được che cho ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay xương.
Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm, cháo chua. Trong nhà phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo, thịt gà và cơm nấu.
Tuy đời sống sung túc và đầy đủ như thế, nhưng Ngài cảm thấy không hạnh phúc khi thấy nhân loại còn đau khổ.
Ngài không thể sống trên ngai vàng khi nhìn thấy chúng sanh vẫn còn chìm đắm trong biển ái sông mê, không biết đường đi, lối về.
Ngài không thể sống sung sướng trong nhung gấm lụa là khi bóng đêm sanh, già, bệnh, chết vẫn còn bao phủ kiếp người.
Ngài không thể sống được khi chưa tìm ra chân lý, chưa tìm ra nguyên nhân đem đến khổ đau và con đường đoạn diệt khổ đau cho chúng sanh.
Khi vua cha không cho đi tu, Ngài đã cương quyết đặt ra những câu hỏi thật là cảm động và đáng kính như sau:
1. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh sống mãi không chết, không cha?
2. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh trẻ mãi không già, không cha?
3. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh mạnh khỏe mãi không bệnh, không cha?
4. Cha ơi! Cha có thể làm cho con và tất cả muôn loài chúng sanh hạnh phúc mãi không khổ đau, không cha?
Với những ưu tư, khắc khoải nặng trĩu tình thương cho chúng sanh như thế, cuối cùng, Ngài rủ bỏ tất cả để đi tìm con đường giải thoát cho chúng sanh.
Ngài đến đây mở trường đại học để đào tạo ra những con người thật sự có đạo đức, thật sự có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, đất nước và cho cả thế giới.
Những con người này phải luôn mang trong mình những chất liệu của sự hiểu biết, thương yêu, từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, thông cảm, tha thứ và hơn thế nữa là luôn biết hạ mình, hy sinh, chịu đựng để làm lợi ích cho tha nhân.
Hạnh phúc thật sự không phải ở xe hơi, nhà lầu, vợ đẹp, con ngoan, chức quyền và thế lực mà hạnh phúc ở những tâm niệm như sau:
1. Chúng ta có biết sống thương yêu và làm lợi ích cho mọi người hay không?
2. Chúng ta có biết thăng hoa cuộc sống của mình hướng theo chân, thiện, mỹ hay không?
3. Chúng ta có biết làm cho tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhàng, tinh khiết, an vui hay không?
4. Chúng ta có biết sống làm chủ tất cả mà không bị lệ thuộc vào ngũ dục giả tạm của thế gian hay không?
Nếu chúng ta sống mà luôn chánh niệm, tỉnh thức nhìn lại chính mình, luôn biết mình là ai như vậy mới là hạnh phúc thật sự.
Nếu chúng ta sống trên đống vàng, mà trong khi đó chúng ta không biết đường đi, lối về, không biết tu tập, tâm hồn đầy ắp nỗi khổ niềm đau, âu lo, sợ hãi, hận thù, hơn thua, phải quấy, phiền não, đố kỵ, ganh tỵ, nhỏ mọn, ích kỷ, thấp hèn thì đời sống chúng ta chỉ là hố sâu đầy thảm họa và chông gai mà thôi.
Đức Phật là tấm gương sáng, là lẽ sống thực cho chúng ta. Ngài đến với cuộc đời này, chỉ biết cho mà chưa bao giờ biết nhận. Ngài đến đây không phải vì danh, vì lợi cho riêng mình, mà Ngài đến đây tất cả cũng chỉ vì chúng sanh, vì tình thương, vì hạnh phúc, vì an lạc cho đa số.
Ở đây, chúng ta học được nơi Ngài một đạo lý thâm sâu: “Bỏ tất cả rồi sẽ được tất cả, ôm tất cả rồi sẽ mất tất cả”.
Đức Phật là tấm gương thiết thực đã sống đúng theo đạo lý trên. Nếu ngày xưa, Ngài chỉ ôm chặt địa vị vương quyền, sống trong ngai vàng gấm lụa thì bây giờ không ai biết đến Ngài. Với túc căn sẵn có, Ngài nhận thức được cuộc đời giả tạm, mạng sống mong manh, nên Ngài đã rủ bỏ tất cả để đi tu. Chính sự buông bỏ dứt khoát ấy, bây giờ ai ai cũng biết và hướng theo con đường của Ngài.
Sống ở đời, nếu chúng ta biết hy sinh vì chánh pháp và hết lòng làm lợi ích cho tha nhân, thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình một cách tự nhiên. Như câu: “Hoa không mời ong bướm, hoa thơm thì ong bướm tự tìm đến”.
Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Ngài đến đây giảng đạo, thuyết pháp có phải vì lợi dưỡng cho riêng mình hay không?
* Kinh Trung Bộ 3, kinh Như thế Nào, trang 55-56 đã trả lời như sau: - Này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào? Có phải vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp? Hay có phải vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp?
- Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con không nghĩ rằng: “Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”.
- Và như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông không nghĩ như sau: “Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp... vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”. Vậy này các Tỷ-kheo, đối với Ta, các Ông nghĩ như thế nào?
- Như thế này, bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, chúng con nghĩ như sau: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp”.?
Qua đoạn kinh này, chúng ta mới thấu hiểu được trái tim của đức Phật dành cho chúng sanh thật là nồng thắm và mát dịu. “Tất cả cũng vì từ tâm, vì lòng từ, vì tình thương, vì lợi tha cho chúng sanh mà Ngài thuyết pháp”.
Nhân đoạn kinh này, chúng ta học được nơi Thế Tôn một đạo lý cao cả: “Sống ở đời là chúng ta phải sống bằng cả trái tim từ tâm và lợi tha”.
Trái tim từ tâm: là một trái tim vĩ đại, một tình thương cao cả, rộng lớn, bình đẳng, không phân biệt, không ích kỷ, nhỏ mọn, so đo, chấp trước, tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, ganh tỵ, hơn thua, hận thù, thấp hèn, mà trái tim này luôn chứa đựng những hạt giống: hiểu biết, thương yêu, từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, thông cảm, tha thứ và luôn biết hạ mình, hy sinh, chịu đựng để làm lợi ích cho muôn loài chúng sanh.
* Kinh Từ Tâm đã day:“Thế Tôn thuyết giảng những lời, liên quan tu tập nên người từ tâm. Là người rất đỗi ân cần, thương yêu trải khắp kẻ gần người xa. Tấm lòng nhân ái bao la, thật là thuần khiết, thật là cao thâm. Hướng về tất cả chúng sanh, người từ tâm trọn quên mình mà thương. Không vì ái luyến vấn vương, không vì mong đợi chút đường lợi danh, không vì ân nghĩa riêng đành, không vì cân nhắc với mình lạ quen. Thương người quen lẽ tất nhiên, cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ, xóa đi ngăn cách thân sơ, xóa đi ngần ngại hững hờ bấy lâu. Tình thương lan tỏa đến đâu, giúp xây nơi ấy nhịp cầu cảm thông. Người từ tâm đủ bao dung, đủ lòng độ lượng, đủ lòng thương yêu. Với người mưu hại đủ điều, bất nhân ác cảm gây bao hận thù. Người từ tâm trước như sau, trải lòng ra mãi, đậm sâu thương người. Với người oán ghét bao đời, nguồn thương yêu ấy làm vơi tỵ hiềm. Chuyện không hay chẳng trách phiền, cho vơi bớt những nghiệp duyên với người. Người từ tâm trước muôn loài, đem lòng thương xót cảnh đời không may. Thương người sống kiếp đọa đày, làm thân cầm thú nghiệp gây chẳng lành. Hoặc loài ngạ quỷ vô hình, hoặc trong địa ngục, tội tình vương mang. Từ tâm như ánh trăng ngàn, dịu dàng soi thấu mọi đường trầm luân. Ở đâu có chúng hữu tình, thì nơi ấy có từ tâm hướng về, như tàng lá mát rộng che, chúng sanh vô lượng, tâm từ vô biên. Tâm từ như suối triền miên, thấm vào mạch sống mọi niềm an vui. Tâm từ làm gốc vun bồi, cho người cao thượng, cho đời vinh hoa. Thấy người khổ nạn khó qua, lòng mình đau xót như là khổ chung. Thấy người hạnh phúc thành công, lòng mình sung sướng như cùng vui theo. Thấy người lầm lỗi ít nhiều, lòng mình tha thứ mến trìu càng hơn. Người từ tâm sống vẹn tròn, thương yêu bình đẳng, sắt son bền lòng”.
Đức Phật dạy, một người luôn sống với trái tim từ tâm thì sẽ được tám lợi ích:
1. Ngủ đươc an lành.
2. Tâm hồn luôn được thư thái và an vui.
3. Đi đâu ai cũng thương và quý mến.
4. Được các loài phi nhơn hộ trì.
5. Được chư thiên tán thán và gia hộ.
6. Không có hiểm nạn não hại.
7. Được sinh lên cõi trời.
8. Vững vàng trên lộ trình giác ngộ, giải thoát.
Trái tim lợi tha: là một trái tim luôn đem lợi ích và niềm vui đến cho tất cả muôn loài.
Trái tim lợi tha được nuôi sống và lớn lên bởi sáu dòng máu đỏ như sau:
1. Dòng máu bố thí: là dòng máu luôn biết hy sinh, nhịn ăn, nhịn uống để đem hết tài sản được làm ra từ mồ hôi, nước mắt của mình mà nuôi sống cho tất cả chúng sanh. Dòng máu bố thí này không chỉ giúp đỡ, san sẻ về ngoại tài như: tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, thuốc men, giường nằm, nệm ấm, chăn êm mà còn giúp đỡ, san sẻ luôn nội tài như: tim gan, máu huyết, phổi thận, mắt tai, mủi lưỡi, thân mạng cho tất cả muôn loài.
2. Dòng máu trì giới: luôn luôn lưu thông và thanh lọc những chất cặn bả, nhơ bẩn như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ích kỷ, nhỏ mọn, so đo, chấp trước, tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, ganh tỵ, hơn thua, phải quấy, hận thù, thấp hèn ra ngoài, để tái tạo một dòng máu tươi tốt, trong sạch, luôn chuyên chở những chất liệu từ bi, hỷ xả, bao dung, độ lượng, lắng nghe, thấu hiểu, thương yêu, thông cảm, tha thứ để nuôi sống mình và cho tất cả chúng sanh.
3. Dòng máu nhẫn nhục: là dòng máu luôn xem mình như đất, cát, sỏi, đá, thậm chí cũng xem mình là khùng, là điên, là câm, là ngọng, là điếc, là đui, ai muốn nói gì thì nói, ai muốn đổ gì thì đổ mà không hề buồn phiền và trách móc. Dòng máu nhẫn nhục này luôn chịu đựng những nghịch cảnh trái ngang và luôn hóa giải mọi nỗi khổ niềm đau để tạo ra một dòng máu mát lạnh, tươi tốt, ôn hòa, đoàn kết, thương yêu cho tất cả muôn loài
4. Dòng máu tinh tấn: là dòng máu không bao giờ ngơi nghỉ, luôn siêng năng, chuyên cần, tinh tấn tu tập hướng theo điều thiện, loại bỏ điều ác và nhắm đến lý tưởng, con đường giác ngộ, giải thoát thành Phật.
5. Dòng máu thiền định: là dòng máu luôn chảy về nội tâm, luôn nhìn lại chính mình để vệ sinh cho tâm hồn được sạch sẽ, mạnh khỏe, trong sáng. Chính dòng máu thiền định này là định lực, là sức mạnh làm chất xúc tác cho các dòng máu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn phát triển mạnh.
6. Dòng máu trí tuệ: là dòng máu được kết tinh từ năm dòng máu trên. Chính vì thế mà dòng máu này đã thấu suốt tất cả chân tướng của vạn pháp và vũ trụ. Chính dòng máu trí tuệ này mới thật sự soi sáng và mang lại hạnh phúc, an lạc cho tất cả muôn loài.
Như vậy, trái tim lợi tha được sống mãi và làm lợi ích cho tất cả muôn loài âu cũng là nhờ sáu dòng máu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Sự có mặt của tình thương là sự có mặt của đức Phật, sự có mặt của đức Phật là sự có mặt của tình thương, của an vui và hạnh phúc.
Như kinh Lòng từ, thuộc kinh Tiểu Bộ, tập 1, trang 28 đã dạy như sau:
“Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống
Kẻ yếu hay kẻ mạnh
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp loại lớn, nhỏ,
Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sinh
Sống hạnh phúc an lạc.
Mong rằng không có ai,
Lường gạt lừa dốí ai,
Không có ai khinh mạn
Tại bất cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau
Không vì tưởng chống đối
Lại có người mong muốn
Làm đau khổ cho nhau.
Mong mọi loài chúng sanh
Được an lạc an ổn.
Mong chúng chứng đạt được
Hạnh phúc và an lạc.”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm