Sự linh ứng kỳ diệu của thần chú Đại bi
Sự linh nghiệm, hiển linh của Thần Chú Đại Bi từ lâu đã được dân gian Việt Nam nói riêng, dân chúng khắp nơi trên toàn cõi phương Đông nói chung hiểu là “Thần Chú của Phật Pháp”. Chú Đại Bi cứu khổ cứu nạn con người không bị ma quỷ, kẻ ác hãm hại; bảo vệ con người trước mọi khó khăn.
>>Nên niệm Chú Đại Bi như thế nào cho đúng?
Theo kinh sách Phật giáo, Thần chú Đại Bi được rút ra từ Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, do chính Đức Phật Thích Ca diễn nói trong một pháp hội.
Ngài cho biết lý do ra đời của Thần chú là vào vô lượng ức kiếp về trước, Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai, vì tâm thương tưởng đến chúng sanh nên đã nói ra Thần chú Đại Bi và khuyến khích Bồ Tát Quán Thế Âm nên thọ trì tâm chú này để mang đến lợi ích an vui lớn cho chúng sanh trong đời vị lai.
Bồ Tát Quán Thế Âm lúc bấy giờ mới ở ngôi sơ địa khi nghe xong thần chú này liền chứng vượt lên đệ bát địa. Vui mừng trước oai lực của Thần chú, Ngài bèn phát đại nguyện: “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân con liền sanh ra nghìn mắt nghìn tay”.
Lập tức, Ngài thành tựu ý nguyện. Từ đó, hình ảnh của vị Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt trở thành một biểu tượng cho khả năng siêu tuyệt của một vị Bồ Tát mang sứ mệnh vào đời cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh.
Nghìn tay, nghìn mắt nói lên cái khả năng biến hóa tự tại, cái dụng tướng vô biên của thần lực từ bi và trí huệ tỏa khắp của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nghìn mắt để có thể chiếu soi vào tất cả mọi cảnh giới khổ đau của nhân loại và nghìn tay để cứu vớt, nâng đỡ.
Thần chú Đại Bi sau đó đã được một Thiền sư Ấn Độ du hóa qua Trung Quốc vào niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường dịch và chuyển âm từ tiếng Phạn qua tiếng Trung Hoa và được Hoà Thượng Thích Thiền Tâm chuyển ngữ qua tiếng Việt. Với oai lực và linh nghiệm đã được chứng minh qua không gian và thời gian, Thần chú Đại Bi đã được trân trọng trì tụng trong các khoá lễ, các nghi thức tụng niệm chính của các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Đại thừa như : Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…
Uy lực lớn lao của Thần Chú đã được chính Đức Thế Tôn giảng rõ trong Kinh Đại Bi Tâm Đà-Ra-Ni rằng, bất cứ một ai khi trì tụng Thần Chú Đại Bi với tất cả tâm thành, chắc chắn sẽ đạt được tất cả những điều mong cầu, ước nguyện bởi trong cõi dục giới này, con người đâu có mong cầu điều gì hơn ngoài an lạc, hạnh phúc và sống lâu.
Một công năng khác của Thần chú là cứu khổ. Giáo lý của nhà Phật cho biết rằng tất cả mọi việc trên cõi đời này không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Tất cả những đau thương bất hạnh mà ta phải gánh chịu trong kiếp sống hiện tại: gông cùm, tù tội, bệnh hoạn, nghèo hèn,… là kết quả của những ác nghiệp mà ta đã gây nên từ bao kiếp trước hoặc trong kiếp này, nay đến lúc ta phải trả. Sở dĩ Thần chú Đại Bi có khả năng đưa con người vượt qua khỏi cơn khổ nạn vì công năng siêu tuyệt của nó là phá ác nghiệp chướng.
Đối với những người không theo Phật giáo, câu chuyện linh nghiệm của Thần chú Đại Bi trên đây có thể mang màu sắc huyền bí, khó tin. Nhưng xin biết rằng, ý nghĩa sâu xa hơn tất cả đó là Thần Chú Đại Bi mang đến cho người trì tụng tâm an lành, nhắc nhớ luôn sống vì mọi người, không ngừng gieo thiện lương… Đó cũng chính là đích đến của mỗi người ở cuộc đời này.
>>Phật tử có thể tìm đọc loạt bài về thần chú Đại bi tại đây!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm