Thứ, 31/10/2016, 11:54 AM

Sự phát triển của Phật giáo ở Hoa Kỳ

“Khi nào chim sắt bay được vào Tây Tạng và ngựa chạy bằng bánh xe thì dân Tây Tạng sẽ rải rác như bầy kiến trên khắp mặt đất và giáo pháp của đức Thế Tôn sẽ truyền đến xứ của người da đỏ”. 


Trên đây là lời tiên tri còn được truyền tụng đến nay, của Tổ sư Padma Sambhava, người đầu tiên đã đem Phật giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ VIII. Nay, chim sắt đã bay… ngựa đã chạy bằng bánh xe… và Phật giáo đã đến Hoa Kỳ, xứ sở của người da đỏ.

I. Sự truyền bá:

Ðối với nhiều người, Phật giáo đã chính thức đến Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 9 năm 1893, khi Ðại hội cộng đồng tôn giáo thế giới được khai mạc tại Chicago, với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ hơn 10 truyền thống tín ngưỡng thế giới. Ngoài các truyền thống Thiên chúa giáo và Do thái giáo, các tôn giáo Á châu như Ấn Ðộ giáo, Hồi giáo và Phật giáo cũng đều có mặt. 

Khổng giáo và Lão giáo cũng được trình bày bởi một vị từ sứ quán Trung Hoa. Riêng Phật giáo Á châu, đại biểu Phật giáo Tiểu thừa từ Tích Lan, Thái Lan, Phật giáo Ðại thừa từ Nhật Bản và Trung Hoa đã tích cực đóng góp để đại hội đạt được “một thành quả cao cả và đáng vinh danh nhất của thế kỷ”. Trước đại hội, Phật giáo được chính thức ra mắt người dân Hoa Kỳ và ngược lại cũng đã được người dân Hoa Kỳ đón tiếp rất nồng nhiệt. 
 
Sau Ðại hội tôn giáo thế giới năm ấy, nhiều lãnh tụ Phật giáo đã lần lượt đến Hoa Kỳ hoằng hóa, thiết lập nhiều tu viện, chùa chiền, thuộc nhiều giáo phái khác nhau, chuyển hóa nhiều phật tử, đào tạo nhiều lãnh tụ Phật giáo người Hoa Kỳ, hình thành một nền Phật giáo của Hoa Kỳ với những tính chất rất đặc thù và viễn cảnh đầy triển vọng.

1. Đến từ Nhật Bản:

Thiền sư Soyen Shaku, trước khi từ Đại hội về Nhật, đã làm quen với một học giả kiêm nhà xuất bản sách tôn giáo là Tiến sĩ Paul Carus. Ông P.Carus muốn mời Thiền sư Soyen Shaku ở lại hợp tác phiên dịch một số thư tịch tôn giáo Á châu sang tiếng Anh, nhưng Thiền sư đã từ chối và chỉ định ông Daisetzu Teitaro Suzuki làm việc đó giúp ông Carus. 

Ông D.T.Suzuki không phải là một người xa lạ đối với phật tử trên thế giới. Ông đã là tác giả khoảng 30 cuốn sách về Zen - thiền Nhật Bản, rất nổi tiếng và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong số những người cư sĩ có công trong việc truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ, Tiến sĩ Suzuki phải là một trong những người đứng hàng đầu. 

D.T.Suzuki, mặc dầu chỉ là một cư sĩ, nhưng đã là một thiền gia đầy đủ. Ông sinh năm 1870, dòng dõi võ sĩ đạo, gia đình theo Thiền Lâm Tế như các gia đình võ sĩ đạo khác. Ông lập gia đình với một người Mỹ năm 1911. Ông mất năm 1966.

Trong những năm 50, một số các nhà trí thức cấp tiến, chịu ảnh hưởng của Thiền Nhật Bản, của Suzuki, đã tiếp tục phổ thông hóa - đúng hơn đã Mỹ hóa - Phật pháp trong xã hội Hoa Kỳ.

Song thực ra, sự lan tràn của Phật giáo và tầm mức quan trọng của nó trong xã hội Hoa Kỳ phần lớn nhờ ở sự truyền giáo của các bậc tu hành xuất gia đạo cao đức trọng từ Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan và Miến Điện, và sau này từ Tây Tạng, Ðại Hàn và Việt Nam sang, thuộc đủ các tông phái.

Tông phái đến Hoa Kỳ sớm nhất có lẽ là Phật giáo Tịnh Ðộ của người Nhật, bởi vì người Nhật Bản là sắc dân đã đến Mỹ sớm và đông đảo nhất. Năm 1899, hai nhà truyền giáo thuộc Tổ đình Tây Bản Ðại Tự ở Kyoto, Nhật Bản, được cử sang vùng San Francisco để giảng dạy Phật pháp và trông nom Phật sự cho cộng đồng người Nhật. Lúc đầu khách thập phương chỉ là dân Nhật từ bản quốc sang. Dần dà có thêm người gốc Nhật sinh tại Mỹ, và những người Mỹ chính cống. Ðến năm 1900, đã có một tăng đoàn gồm 20 người Nhật và 25 người Mỹ. Ðến năm 1942, khi Mỹ và Nhật trở thành đối nghịch thì tất cả kiều dân Nhật đã bị giam vào các trại tập trung. Phật giáo Tịnh Ðộ Nhật Bản cũng bị vạ lây. 

Nhật Liên Tông được truyền sang Mỹ quốc từ đầu thập niên 1930 trong cộng đồng di dân Nhật. Tôn giáo này có một tổ chức cư sĩ, có tên là Soka Gakkai (Sáng Giá Học Hội), rất hữu hiệu trong việc truyền bá Nhật Liên Tông tại Nhật cũng như tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ. Người sáng lập ra tổ chức cư sĩ này là ông Josei Toda. Chính ông đã tập hợp các cư sĩ thành Soka Gakkai USA (gọi tắt là SGI-USA). Người ta ước lượng biến thể của tổ chức này hiện nay có khoảng 400 ngàn hội viên trong đó 25% là dân Á đông, 40% là người da trắng, 19% là người da đen và 4% là Nam Mỹ.

Nếu Tịnh Ðộ Tông Nhật đã đến Hoa Kỳ sớm nhất thì Thiền tông Nhật Bản - Zen mới là tông phái Phật giáo được truyền bá sâu rộng trong mọi giới Hoa Kỳ. Thiền Sư Soyen Shaku, sau khi tham dự Ðại hội tôn giáo thế giới tại Chicago, đã trở lại Hoa Kỳ, vùng San Francisco, với một số đệ tử, để truyền bá Zen.

Cho đến năm 1938, đã có hai Thiền đường Zen, ba chùa Tịnh Ðộ tông, và hai tu viện Nhật Liên tông do các tu sĩ Nhật Bản thành lập. Trong khoảng thời gian đệ Nhị Thế chiến, các kiều dân Nhật tại Mỹ, trong số đó có các thiền sư, đã bị ruồng bắt và giam trong những trại tập trung. 

Sang đến những năm 1960, Thiền Nhật ngành Tào Ðộng phát triển tại vùng San Francisco dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Shunryu Suzuki. Ông đã lập nên 3 thiền đường, dạy thiền tại Kim Sơn tự, giảng pháp, công án và kinh luận bằng Anh ngữ... 

Ðến năm 1966, một đệ tử của S.Suzuki là Richard Baker tìm thấy một miếng đất trong vùng Los Padres. Trung tâm phải tự túc sinh kế và T.S.Suzuki đã áp dụng phương pháp “bất tác, bất thực” của tổ Bá Trượng ngày trước tại đây. 
 
2. Đến từ Tây Tạng:

Năm 1950, chính trị Tây Tạng có thay đổi. Năm 1959 Ðức Dalai Lama - lãnh tụ tôn giáo cũng như chính trị của xứ này, cùng nhiều lãnh tụ khác, rời khỏi Tây Tạng. Từ đó bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng được truyền sang đến xứ của người da đỏ. Bốn tông phái đó là: Nyingma, Kagyu, Geluk và Sakya.

Nyingma là tông phái cổ nhất, thành lập bởi Ðại Sư Padma Sambhava, người Ấn Ðộ, người đầu tiên mang Phật giáo vào Tây Tạng vào thế kỷ VIII. Tông phái này phát triển mạnh ở Âu châu. Vị thiền sư quan trọng thuộc tông phái Nyingma đến hoằng pháp tại Hoa Kỳ là Ngài Tarthang Tulku. Ông đã đến San Francisco năm 1969 và thành lập tại đó Trung tâm Thiền học Mật giáo đầu tiên tên là Padma Ling. Sau đó ông mở một trung tâm huấn luyện Kim Cang thừa gọi là Nyingma Institute. Nhờ ông mà Kim Cương thừa được mang đến Hoa Kỳ. Sang đến năm 1970, một đại sư khác thuộc tông phái Nyingma tên là Sonam Kazi đến Mỹ. Năm 1976, Ngài Dujom Ripoché cũng sang Hoa Kỳ hoằng pháp và mở một trung tâm Phật giáo Tây Tạng Nyingma tại Nữu Ước.

Tông phái Kagyu là tông phái lớn nhất ở Tây Tạng. Choyam Trumpa Rinpoché là vị tu sĩ thuộc tông phái này có ảnh hưởng lớn tại Hoa Kỳ. Sau khi ra khỏi Tây Tạng ít lâu, ông được học bổng sang học tại Oxford - Anh, về tôn giáo, triết học và cả nghệ thuật. Năm 1968, khi ấy ông mới 29 tuổi, ông sáng lập trung tâm Phật giáo Tây Tạng đầu tiên của châu Âu tại Scottland. Nhưng sau đó ông đã sa ngã trước phong trào ăn chơi và có một cuộc đời trác táng, dính dáng đến rượu chè, nữ sắc, ma túy, khiến trung tâm phải đóng cửa. Ông lại bị một tai nạn xe hơi trầm trọng làm ông bị tê liệt xuốt đời phải ngồi xe lăn. Ông đã quyết định sang Hoa Kỳ năm 1970 làm lại cuộc đời và hành đạo 17 năm tại đây truyền bá Phật giáo Tây Tạng ngành Kagyu. 

Nhiều trung tâm Thiền Mật tông được ông lập nên tại Boulder, Vermont, New York, Boston, Berkeley, Los Angeles và Naropa Institute ở Rocky Mountain. Naropa Institute nay đã trở thành một đại học nhân văn của Hoa Kỳ. Năm 1974, vị tăng thống cao nhất tông phái Kagyu là Rangjung Rigpe Dorje, vị Karmapa thứ 16 sang Hoa Kỳ và tiếp theo đó là Ngài Kalu Rinpoché. Những sự viếng thăm này đã giúp nhiều cho sự phát triển của tông phái Kagyu tại Hoa Kỳ.

Ðức Dalai Lama là vị tăng thống tối cao cuả tông phái thứ ba Geluk Tây Tạng, nhưng Ngài cũng là quốc trưởng chính trị của xứ này. Ngài sống tại Ấn Ðộ, thỉnh thoảng mới sang hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Ðại sư Geshe Wangyal cuả ngành Geluk đã đến Hoa Kỳ để truyền bá Phật giáo từ 1955, mở thiền đường Lạt Ma giáo tại New Jersey và có nhiều học trò người Mỹ theo học. 

Tông phái Sakya là tông phái Phật giáo Tây Tạng nhỏ nhất. Tông phái này cũng có mặt tại Hoa Kỳ với Ðại sư Deshung Rinpoche. Ngài sáng lập và điều khiển hai trung tâm Phật giáo tại Seattle và New York. Ðức tăng thống tối cao của phái Sakya là Ngài Sakya Tridzin cũng sang Hoa Kỳ năm 1977 thăm các thiền viện đã được lập nên tại Seattle, New York và Berkeley. 

3. Đến từ Trung Hoa:

Rất có thể là Sư Huệ Sơn cùng một số tăng sĩ Trung Hoa đã là những phật tử đầu tiên đặt chân vào nước Mỹ từ thế kỷ thứ IV, trước Columbus rất lâu. Nhưng những dấu chân đó, nếu thực sự có, nay không còn chút vết tích nào. 

Người tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đem Thiền Trung Hoa vào Hoa Kỳ để rồi trở nên một truyền thống Phật giáo Trung Quốc lớn mạnh là Hoà thượng Tuyên Hóa. Ngài sinh năm 1908, đi tu khi còn nhỏ, sang Hoa Kỳ năm 1962 hoằng pháp tại khu Hoa kiều vùng San Francisco. Năm 1970, hội Phật giáo Mỹ - Hoa của Ngài mua lại một xưởng làm đệm, sửa sang lại thành một ngôi chùa khang trang đặt tên là Kim Sơn Tự. Ðến năm 1976, hội cũng đã mua lại của chính phủ một nhà thương (cho tù nhân mất trí) ở Mendocino và biến cơ sở 237 hec ta, với 280 phòng giam này thành một trung tâm Phật giáo đồ sộ: Vạn Phật Thành. Tại đây, không phải chỉ có Thiền tông của Hoà thượng Tuyên Hoá, mà còn có tất cả các tông phái khác của Phật giáo Trung Hoa, được giảng dạy như Tịnh Ðộ tông, Thiên Thai tông và Hoa Nghiêm tông v.v. Ðây cũng là một trung tâm phiên dịch các kinh điển, tài liệu Phật giáo sang nhiều thứ tiếng. 

Dư luận Hoa Kỳ đã chú tâm đến Phật giáo nói chung và Vạn Phật Thành nói riêng từ năm 1974, khi hai tu sĩ từ chùa này đã thực hiện một cuộc hành hương “Tam bộ nhất bái” (đi ba bước thì lại lễ nằm dài xuống đất một lễ) để cầu nguyện cho Hòa bình thế giới. Hai nhà sư Trung Hoa này đã mất 9 tháng trời để “tam bộ nhất bái” từ Vạn Phật Thành ở San Francisco, tiểu bang California đến Seattle thuộc tiểu bang Washington, đi qua tiểu bang Oregon. Hai vị này đã thực hiện lại một cuộc hành hương vô tiền khoáng hậu theo gương sư tổ của họ. 

4. Đến từ Hàn Quốc:

Thiền sư Phật giáo Ðại Hàn Soen-sa-nim đã từng giảng pháp tại Nhật Bản và Hồng Kông sau đệ Nhị Thế chiến. Ðến năm 1972, với một chút tiền, không một chữ tiếng Anh nào, sư sang Hoa Kỳ, định đến Los Angeles, mà tại đấy đã có một cộng đồng Ðại Hàn khá đông đảo. Nhưng trên phi cơ, sư gặp một người đồng hương dạy học tại Providence, Rhode Island. Ông này cũng là chủ một tiệm giặt ủi và đã rủ sư về đấy làm cho ông ta. Sư về Providence sinh sống , bắt đầu học Anh ngữ, làm quen với một giáo sư Ðại học Providence môn Phật Học. Sư vào đại học này giảng Phật học bằng tiếng Nhật, được vị giáo sư của trường dịch sang Anh ngữ. Từ đó Phật Giáo Ðại Hàn trưởng thành với hai trung tâm, một tại New York và một tại Los Angeles.

5. Đến từ Việt Nam:

Nói tới sự du nhập của Phật giáo từ Việt Nam vào Hoa Kỳ cho người Hoa Kỳ thì phải nói tới Hòa thượng Thích Thiện Ân và Hòa thượng Thích Nhất Hạnh. 

- Hoà thượng Thiện Ân đã tới Hoa Kỳ từ năm 1966, làm giảng sư môn Triết lý Ðông phương tại Ðại học UCLA, sau khi đã tốt nghiệp Tiến sĩ về Văn chương Ðông Phương tại đại học Wasada, Nhật Bản. Ngài cũng giảng dạy Phật học, Thiền, tại một căn nhà nhỏ vùng Hollywood. Sau Ngài sáng lập nên trung tâm thiền học International Buddhist Meditation Center cho những người Hoa Kỳ muốn học thiền. Ðến năm 1973, Ngài thành lập đại học College of Oriental Studies (sau trở thành University of Oriental Studies) dạy Phật học, với giảng sư là những thiền sư, những nhà Phật học danh tiếng xuất thân từ những thiền viện Nhật bản, Thái Lan, Ðại Hàn và Tây Tạng. 

Sau năm 1975, một số người Việt Nam sang Hoa Kỳ thì Hòa thượng đã lãnh đạo một phong trào phật tử Hoa Kỳ trợ giúp dân tỵ nạn trên nhiều phương diện về đạo cũng như về đời. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (VietNam Buddhist Churches in America) được thành lập với trụ sở là chùa Việt Nam tại Los Angeles. Tháng 10 năm 1980, Ngài viên tịch. Trung tâm thiền học được giao cho học trò Ngài là ni sư Karuna Dharma. Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác được cử đến thay người điều khiển Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

- Hòa thượng Nhất Hạnh đã ra khỏi nước và đến Hoa Kỳ từ năm 1961, nhưng Thầy chỉ thực sự mang Phật giáo Việt Nam vào xã hội Hoa Kỳ từ năm 1983, khi Thầy thành lập một dòng tu Tiếp Hiện, mà Thầy đã sáng lập ra khi còn ở Việt Nam, tại Berkely, California. 

Cơ sở chính của Thầy là Làng Hồng (sau đổi tên lại là làng Mai) gần Bordeaux, phía Nam nước Pháp. Tuy nhiên, Thầy hằng năm đều sang Hoa kỳ, cùng nhiều nơi khác trên thế giới, hoằng pháp, tổ chức những khóa tu ngắn hạn hay trung hạn, mở những buổi diễn thuyết, tham dự những khóa hội thảo. Ảnh hưởng lớn của thầy Nhất Hạnh vào xã hội Hoa Kỳ chính là số lượng lớn sách vở Thầy đã trước tác, bằng Anh ngữ, cũng như Việt ngữ, giới thiệu Phật giáo cho người Hoa Kỳ. 

Năm 1997 Thầy thành lập tu viện Ðạo tràng Thanh Sơn tại Hartland-Four Corners, Vermont và Tu viện Rừng Phong, tại South Woodstock, Vermont. Hai cơ sở này nhằm vào, và được điều khiển bởi, các tu sĩ không có gốc Á châu. Ðến năm 2000, Thầy thành lập thêm Tu viện Lộc Uyển tại Escondido, miền Nam California. Thầy đã nói: “Phật giáo tại Hoa Kỳ phần đông sẽ là cư sĩ tại gia. Gia đình sẽ là nơi tu tập cá nhân mà các trung tâm sẽ là nơi thăm viếng và tu tập cho gia đình. Như vậy không có nghĩa là sẽ không có tăng sĩ. Chúng ta phải xây dựng đạo Phật (ở Hoa Kỳ) bằng dân địa phương”. 
 
- Ngoài hai vị trên, nhiều tăng sĩ Phật giáo Việt Nam, đã theo làn sóng di cư sang Hoa Kỳ, lập chùa cảnh tại những nơi có đông người di dân Việt Nam như Orange County, San José tại tiểu bang California, Houston, tiểu bang Texas… mà mục đích chính là để cung ứng Phật sự truyền thống Tịnh Ðộ tông cho dân Việt di cư. Ðây không phải là những trung tâm Phật học, Thiền học hay tu tập thực sự, do đó không thu hút được nhiều phật tử chính gốc Hoa Kỳ như các trung tâm Phật giáo Nhật Bản, Ðại Hàn, hay Tây Tạng. Ảnh hưởng của các chùa chiền Việt Nam này chỉ quanh quẩn trong một cộng đồng bé nhỏ, không giúp ích đáng kể vào việc phát triển Phật pháp tại xứ này. 

- Kể từ năm 1998, ngành Thiền Trúc Lâm Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Thiền sư Thích Thanh Từ cũng đã sang tới Hoa Kỳ và được tín đồ Phật giáo Việt Nam hâm mộ. Thầy Thanh Từ đã thành lập những thiền thất chuyên tu, tại Orange County tiểu bang California, Houston tiểu bang Texas, cho những ai muốn học Thiền hay tu hành, dù là xuất gia hay tại gia. Hiện nay ngành Thiền Trúc Lâm còn phôi thai, nhưng với một tôn chỉ đứng đắn, một tổ chức quy mô, đào tạo ra nhiều tăng sĩ giỏi, đạo cao, hạnh cả, và được sự ủng hộ của quần chúng trong cộng đồng, ngành này có một triển vọng tốt trong tương lai tại xứ này. 

Phật giáo đã bắt rễ vào xã hội Hoa Kỳ và đã đi vào mạch chính của đời sống Hoa Kỳ, mặc dầu đôi khi vẫn còn là nạn nhân của những kỳ thị, xuyên tạc.

II. Có bao nhiêu phật tử tại Hoa Kỳ?

Rất ít nguồn thống kê chính xác về điểm này. Năm 1990, có một thống kê ước lượng con số khoảng một triệu, nhưng lại có một nguồn thống kê khác, năm 1992, cho rằng có khoảng 5 đến 6 triệu rồi. Năm 1997, một nguồn thống kê khác từ Âu châu mà nhiều người cho là đáng tin hơn nói là ở Hoa Kỳ có từ 3 đến 4 triệu người theo đạo Phật. Trong số này một phần ba là người Hoa Kỳ sinh ra tại đây. Hai phần ba kia là người gốc Á châu nhập cư vào nước Mỹ trong diện di dân. Trong khi đó ở Âu châu, Pháp là nước có Phật giáo thịnh hành nhất cũng chỉ có 650.000 phật tử.

III. Mấy đặc điểm:

Phật giáo đã có một địa vị rất vững vàng trong xã hội Hoa Kỳ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân xứ này. Ngược lại, đạo Phật cũng chịu ảnh hưởng lớn lao của nền văn hóa và sự sinh hoạt của xã hội Hoa Kỳ mà biến đổi cho thích hợp với nếp sống ở đây. Do đó, Phật giáo Hoa Kỳ đã có những đặc điểm khác với, không thấy tại, các quốc gia chính gốc ở Á châu.

1. Đầu tiên là tính cách đa dạng, đa nguyên của Phật giáo Hoa Kỳ. 

Vì Hoa Kỳ là một đất mới, một xã hội hợp chủng, đa nguyên, có một tổ chức chính trị, văn hóa rộng rãi cởi mở, nên Phật giáo Hoa Kỳ cũng mang một mầu sắc tương tự. Chẳng đâu người ta thấy sự có mặt của đủ các truyền thống Phật giáo như ở đây: Tiểu thừa, Ðại thừa, Kim Cương thừa, Tịnh Độ tông, Liên Hoa tông, Thiền tông Nhật Bản, Thiền tông Trung Hoa, Mật tông Tây Tạng... 

Tất cả các truyền thống này phát triển tự nhiên, như có đầy đủ duyên lành, song song, không ganh đua, không gây ra những mâu thuẫn giáo lý, quyền lợi thế tục như người ta đã thấy nơi một số tôn giáo khác. Người phật tử Hoa Kỳ do đó có thể chọn lựa các giáo phái, truyền thống khác nhau, cho thích hợp với bản năng và xu hướng tâm linh của mình. 

2. Thành phần cộng đồng phật tử ở Hoa Kỳ cũng rất khác biệt. 

Ở các nước Á Châu (Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa…), theo truyền thống thì có hai nhóm: một là tăng đoàn, là đoàn thể những người tu sĩ đã xuất gia dành trọn đời tu hành theo chính pháp. Và hai là cư sĩ bao gồm những phật tử tại gia, có đời sống và gia đình riêng, mà hoạt động tôn giáo chú trọng vào việc ủng hộ tăng đoàn tu tập cho đạt thành chánh quả. Ðối với nhóm người này, Phật giáo là truyền thống tín ngưỡng của gia đình của dân tộc nhiều hơn là một nguồn sống cho nhu cầu tâm linh. 

Ở Hoa Kỳ, ngoài hai nhóm trên tương đối ít, lại có một nhóm phật tử thứ ba, thành phần khá đông, nửa là cư sĩ, nửa là tu sĩ. Họ vẫn có công ăn việc làm như những người khác - đôi khi họ lại vẫn có, vẫn giữ truyền thống tín ngưỡng của gia đình, nhưng có một đời sống tu tập Phật pháp rất chuyên cần nghiêm chỉnh. Họ đến các trung tâm Phật giáo để học hỏi, tìm hiểu đạo Phật, để hành thiền, để tìm những lời giải cho những thắc mắc tâm linh. 
                              Ngôi trường dạy Phật pháp ở Mỹ
Người phật tử cư sĩ Mỹ không nghĩ đến chuyện phải giúp đỡ, ủng hộ các nhà sư xuất gia mà chỉ nghĩ đền sự giải thoát cho chính mình. Niềm tin phải giúp đỡ các tu sĩ chuyên tu, làm công quả ở chùa để có thêm công đức dường như không có nơi người Mỹ. Nhiều phật tử Hoa Kỳ không lưu tâm đến khía cạnh tôn giáo, khía cạnh linh thiêng, tín ngưỡng của Phật giáo mà chỉ chú ý nhiều đến khía cạnh thực tế của sự tu tập, đến kỹ thuật quán tưởng (meditation), ngồi thiền (Zen), có một đời sống chay tịnh lành mạnh (ăn chay, tránh sát sinh) hay coi đạo Phật như là một phương pháp chữa trị những căn bệnh tinh thần. Nhiều người trí thức Hoa Kỳ lại chỉ chú ý đến Phật giáo như một ngành khoa học về tâm lý, về tâm linh con người. 

Do đó, nhiều người Mỹ, theo đạo Phật, không thấy có gì là mâu thuẫn với tín ngưỡng cổ truyền của họ. Ðiều này đã giải thích phần nào sức hấp dẫn và sự thành công của Phật giáo trên đất Mỹ.

Thiền sư Nhật S.Suzuki đã thốt lên: “Người Tây phương các anh, không ra là phật tử tại gia, mà cũng không phải là tu sĩ xuất gia, thọ giới, sống độc thân tu hành. Các người là một loại gì đâu đấy!”

3. Cơ cấu tổ chức cũng như phương thức hành trì cuả Phật giáo Hoa Kỳ cũng bị thay đổi nhiều, khác lạ với Phật giáo tại các nước Á châu.

Hệ thống tổ chức tôn ti trật tự trên dưới bớt chặt chẽ, chế độ “thầy - trò, sư phụ - đệ tử” được “dân chủ hóa” bởi tinh thần trọng tự do và bình đẳng của người Mỹ. Không khí tu tập tại các trung tâm Phật giáo rất thoải mái, khác với không khí trang nghiêm tại các chùa Á châu. 

Cũng khác với nhiều nước bên Á châu, phái nữ theo đạo Phật rất đông, hoặc bằng hoặc là đông hơn phái nam. Do đó, cũng như trong nhiều cơ chế khác ở xã hội Mỹ, Phật giáo Hoa Kỳ được “nữ giới hóa”, nghĩa là trong đó tiếng nói cũng như quyền lợi của phái nữ được đề cao và tôn trọng. Sự đóng góp của phái nữ vào công việc truyền bá phát triển Phật giáo rất đáng kể. Rất nhiều ni sư, nữ thiền sư, những ni sư trưởng, được đào tạo tại Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Ðộ hay ngay tại Hoa Kỳ đã xuất hiện, ban pháp thoại, giảng kinh, viết sách, viết báo để hoằng dương Phật pháp. 

4. Tinh thần thiết thực, thích tham gia vào công tác xã hội của người Hoa Kỳ đã giúp cho Phật giáo phát triển mạnh.

Ðó là ngành Phật giáo “dấn thân vào đời”. Ðây là một ngành Phật giáo mới xuất hiện sau này ở Âu Châu và Mỹ châu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng giúp công đẩy mạnh Phật giáo dấn thân với ngành Tiếp Hiện, mà thầy đã thành lập tại Việt Nam, nay được truyền bá tại Hoa Kỳ, vùng Berkeley.

5. Nếu không khí cởi mở, tự do của xã hội Hoa Kỳ đã giúp cho sự phát triển của Phật giáo, thì nó cũng đã có những ảnh hưởng không lành mạnh. 

Vào những năm 60, Thiền Nhật Bản Zen trở thành một cái “mốt” thời thượng trong giới trẻ của phong trào chống đối lề thói thường của phong trào “híp-py”. Hiện tượng này đã làm nhiều thiền sư Nhật lo ngại và các bậc thầy đã phải mất rất nhiều công phu, thời giờ tổ chức những cuộc hành thiền, pháp thoại, viết sách, viét báo để sửa sai sự lệch lạc ấy của Phật giáo Hoa Kỳ.

Vào những năm 80, Phật giáo Hoa Kỳ cũng bị một số tai tiếng xấu. Một vị thiền sư thủ tọa, viện trưởng, người Hoa Kỳ, đã bị tố giác là có quan hệ bất chính với một nữ tín đồ, cũng là người Mỹ, đã có gia đình. Sau đó người ta cũng vạch ra nhiều tai tiếng khác trong lề lối quản trị của trung tâm, kể cả sự che dấu quan hệ bất chính của vị thủ tòa mà nhiều người đã biết. 
                                   Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy đây không phải là một hiện tượng chỉ xảy ra đối với Phật giáo, vụ tai tiếng này đã làm xôn xao cộng đồng Phật giáo một thời, vì ít người nghĩ là những lỗi lầm này lại có thể xảy ra tại những thiền đường, đối với những vị thiền sư đã trải qua những thời kỳ tu luyện gay go, nhiều năm khép mình vào giới luật, và được coi là đã giác ngộ. 

Người ta cho rằng phong tục tập quán của xứ này trong quan hệ nam nữ (rất phóng túng), quan hệ thầy trò (rất lỏng lẻo), quan niệm về giá trị cá nhân (rất cao), nhất là nhãn quan nhìn “Thiền thất” như là một “trung tâm huấn luyện”, không khác một “trường đại học” bao nhiêu, thay vì là một cơ sở tôn giáo trang nghiêm như ở bên Á châu, đã ảnh hưởng không ít vào sự đổ vỡ trên.

IV. Tương lai của Phật giáo Hoa Kỳ sẽ ra sao?

Với câu hỏi này, không thể có được một câu trả lời xác quyết. Nếu có cũng chỉ là một lời phỏng đoán, vì như ta đã biết là tôn giáo này đã từng có ở một vài nơi những thời kỳ rực rỡ, cực thịnh để rồi lại bị chìm đắm trong quên lãng như tại Ấn Ðộ, Nam Dương, vì một khúc ngoặt bất thường của lịch sử.

Với câu hỏi này, Ðức Dalai Lama trả lời: “Câu hỏi khó trả lời quá”. Ngài suy nghĩ thêm một lúc rồi nói: “Tôi nghĩ là mọi người ai cũng như ai, đều có những vấn đề như nhau: sinh lão, bệnh, tham ái, vướng mắc. Giảng dạy Phật pháp thì ở đâu cũng giống nhau, vì cùng từ một nguồn gốc mà ra. Thế nhưng văn hóa mỗi nơi một khác. Ngày nay Phật giáo đã sang Tây phương và sẽ trở thành Phật giáo Tây phương. Tôi nghĩ thật là một đại hạnh khi Phật giáo trở thành một thành phần của đời sống Hoa Kỳ”.

Tuy vậy có nhiều người, đã rất tin tưởng vào sự phát triển của tôn giáo này. Giáo sư Robert A. F.Thurman của đại học Columbia, đã thuật lại một nhận định của một vị giáo sư người Nhật ở đại học Kyoto, tên là Gadjin Nagao: “Phật giáo có 5 thời kỳ cực thịnh và nhân loại đã chứng kiến 4. Thời kỳ thứ nhất, tất nhiên là thời kỳ đức Phật Thích Ca còn tại thế và còn đang hành đạo. Thời kỳ thứ hai tương ứng với thời kỳ phát triển của Phật giáo Ðại thừa từ Ấn Ðộ, đề rồi lan truyền sang Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ v.v. Thời kỳ thứ ba, kéo dài từ đời nhà Ðường bên Trung Hoa cho đến thế kỷ thứ bảy sau khi Thiền tông đã nảy nở vững chắc tại Trung Hoa và Nhật Bản… Thời kỳ thứ tư chính là triều đại Kiếm Thương bên Nhật đồng thời với thời kỳ Chấn hưng Phật giáo tại Tây Tạng khi Mật tông đã trở thành quốc giáo xứ này. Còn thời kỳ thứ năm? 

- “Sẽ không có thời kỳ cực thịnh thứ năm, trừ phi Phật giáo phát triển được tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là xứ độc nhất giúp Phật giáo có được một thời cực thịnh nữa trong lịch sử loài người. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được bởi người phật tử Hoa Kỳ và một khi Phật giáo được chấn hưng từ Mỹ nó sẽ có ảnh hưởng lớn lao, ngược lại về các nước châu Á. Thời kỳ cực thịnh thứ năm chỉ có thể xảy ra tại Hoa Kỳ mà thôi”, ông nhấn mạnh. Tiếc thay ông đã không đưa ra một luận cứ nào minh chứng cho lời tiên đoán đó.

Ðào Viên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm