Sự thấu hiểu và yêu thương của Tu sĩ trẻ nơi tuyến đầu chống dịch
Nhờ đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn trên và thấu hiểu được những góc khuất ấy, hi vọng rằng bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ; bằng nhiều động lực để dấn thân, Tu sĩ trẻ chúng tôi sẽ sưởi ấm những trái tim lạnh giá bằng tình yêu thương chân thật nhất của chính mình.
Trải qua 28 mùa lá đổ, người viết hình như đã quen dần với sự nhộn nhịp của thị thành, xe cộ qua lại và những con người tấp nập, bon chen. Người viết chưa từng suy nghĩ sẽ có 1 lúc trong thời đại công nghệ số 4.0, Sài Gòn lại im lặng đến thế! Mấy ai ngờ thành phố mang tên Bác, giờ đây chỉ còn thấy những chiến sĩ ra đường, phương tiện lưu thông cũng ít, nhà lại khóa chặt cửa, chợ búa phải có phiếu mới được đi. Không ai ngờ, những lần tức giận khi kẹt xe là những lần chúng ta có thể vui vẻ nắm tay nhau mà không lo ngại gì! Có phải chăng khi lặng nhìn đất nước chưa bao giờ khó khăn như bây giờ, chúng ta mới thấy được tình đồng bào lại mạnh mẽ như thế. Điều này được thể hiện qua sự đoàn kết một lòng của người dân trên mỗi miền đất nước đều chung tay hướng về giúp đỡ nơi có tên gọi Hồ Chí Minh.
Người viết cũng thế! Tuy Sài Gòn không phải là nơi sanh ra nhưng đối với người viết “Sài Gòn là nơi mang nặng ân tình; là nơi ươm mầm cho những ước mơ; nơi giúp chúng tôi trưởng thành.” Xét theo lẽ thường tình, những người bệnh ấy họ không phải là bà con thân thuộc nhưng đối với người viết, họ cũng sẽ là quyến thuộc Bồ-đề của quá khứ và vị lai. Thử hỏi, nếu trong số những người bị bệnh đang cần sự giúp đỡ ấy có người thân của chúng ta, liệu ta có thể ngồi yên ổn và an lành? Thế nên khi thành phố mang tên Bác bệnh nặng, chúng tôi – những Tu sĩ trẻ của Phật giáo cũng phải dấn thân xông pha. Bởi vì, ân Đất nước vẫn là trọng ân trong đạo Phật và dù ở nơi đâu, địa vị nào, chúng tôi vẫn là công dân Việt Nam máu đỏ da vàng.
Thật xót xa khi người viết nhìn thấy những hình ảnh của các Y-Bác sĩ và tình nguyện viên nhiều tháng qua không được về nhà và kiệt sức để chăm lo cho bệnh nhân, các vị ấy cũng có cha mẹ, người thân, bạn bè, cũng biết sức ảnh hưởng lớn của Covid-19, cũng lo ngại việc sanh tử nhưng họ vẫn một lòng cống hiến hi sinh và phụng sự. Chính nhờ những lúc nguy nan và khó khăn như thế, chúng tôi mới tận tường và thấu hiểu những gánh nặng trên vai; nhìn thấy sự đau lòng, lo lắng, những giọt nước mắt không thành lời, những xót xa của các Bậc lãnh đạo chính quyền các cấp khi mỗi ngày số người nhiễm bệnh còn nhiều. Từ việc ở một vị trí rất cao, nay các Ngài không những lặn lội đến tận nơi để thăm và sách tấn động viên các Y-Bác sĩ và tình nguyện viên mà còn nhắn nhũ đến những người bị nhiễm bệnh luôn luôn giữ vững niềm tin và đừng lo lắng.
Là một người học Phật khi đứng trước thế thái nhân tình từng thấu hiểu mọi thứ là Vô ngã, Vô thường giả tạm, chúng tôi muốn chia sẻ phần nào nỗi đau khổ của nhân sinh và đây cũng là cơ hội ứng dụng lời Phật dạy vào việc thực hành. Thử hỏi lòng mình khi đối trước cửa sanh tử, tâm có bình thản không hay cũng giống như phàm tình tham sống và sợ chết? Đời người mấy mươi năm rồi cũng trở về cát bụi, quan trọng ngay giây phút hiện tại chúng ta đã làm được gì? Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, hi vọng bằng tâm chân thành và yêu thương, người viết có thể giúp ích cho những người bị bệnh cảm thấy an lòng, vững tâm hơn khi một thân một mình trên giường bệnh lạnh lẽo và cô đơn, không một người thân chăm sóc.Từng ánh mắt, câu nói cảm ơn và những cái nắm tay trìu mến của các bệnh nhân, tuy không thể hiện nhiều nhưng tình nguyện viên chúng tôi luôn cảm nhận sâu sắc những tâm tư, tình cảm và những tia hi vọng gần như được tràn về trong mắt họ. Ít nhất trong hoàn cảnh độc hành như thế, họ (bệnh nhân) vẫn có chúng tôi (đội ngũ Y-Bác sĩ và tình nguyện viên) cảm thông và thấu hiểu.
Mặt khác, trước khi tham gia tuyến đầu chống dịch lời chia sẽ của một Thầy ở chùa Vạn Đức, Tân Bình làm người viết suy tư rất nhiều. Thầy nói rằng: Ban đầu do không phát hiện nhiễm bệnh nên lúc dùng Ngọ trai, huynh đệ ngồi sát bên nhau (một bàn 4 vị) thì trước mặt Thầy là F0, bên trái là F0, bên phải cũng vậy. Buổi chiều huynh đệ còn cùng nhau chơi thể thao để tăng cường sức khỏe. Nhưng khi các huynh đệ phát hiện đã nhiễm bệnh và cách ly, Thầy vẫn khỏe mạnh, lấy mẫu xét nghiệm mấy lần vẫn không vấn đề gì? Thế có phải Thầy có sức đề kháng cao? Nếu xét Covid truyền nhiễm bằng đường không khí vậy xác suất lây nhiễm rất cao, vậy tại sao gia đình 10 người: Có 8 người nhiễm còn 2 người lại bình thường. Có phải Covid-19 lựa chọn người để lây nhiễm? Hay có phải quá khứ chúng ta gieo nghiệp gì giờ phải bị cộng nghiệp chăng?
Tinh thần dấn thân phụng sự của người tu sĩ trẻ
Thật vậy! Nhờ là Tu sĩ Phật giáo, chúng tôi hiểu rõ rằng: Con người sanh tử, danh lợi hay bất cứ việc gì đều không tránh khỏi vận mệnh, trừ những vị có sự tu tập và tích công lũy đức nhiều. Thế nên, nếu trong mệnh của chúng ta không có những đau khổ do bệnh tật Covid kia thì cầu cũng không có và ngược lại muốn tránh cũng không được, hà tất gì phải âu lo, bởi vì nhân quả xưa nay chẳng sai lệch. Vì thế, tình nguyện viên chúng tôi không lo ngại cho gì cho tương lai. Nếu có xảy ra trường hợp gì xấu nhất, chúng tôi dẫu có ra đi vẫn sẽ cười bởi, đã tỏ tường định luật Nhân quả, Nghiệp báo và tôn chỉ của đạo Phật nhập thế là dấn thân và phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật.
Mặt khác, Hòa thượng Nhất Hạnh từng dạy rằng: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.”
Thế nên, nhờ đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn trên và thấu hiểu được những góc khuất ấy, hi vọng rằng bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ; bằng nhiều động lực để dấn thân, Tu sĩ trẻ chúng tôi sẽ sưởi ấm những trái tim lạnh giá bằng tình yêu thương chân thật nhất của chính mình. Mong rằng sau những ngày chống chọi với virut Corona, chúng ta sẽ tìm thấy lại sự nhộn nhịp của thị thành, của những ngày náo nhiệt bởi những cuộc đàn ca, của những người qua lại… Chúng ta sẽ không còn xa cách nhau bởi chiếc khẩu trang che kín mặt, cũng không còn phiền phức bởi những tiếng còi xe, cũng không còn phiền não bởi những lần trái ý nghịch lòng… Bởi nhờ những lần ồn ào như thế, chúng ta mới thật sự được chăm sóc, được yêu thương những người thân và hạnh phúc hơn khi nhìn đời bằng đôi mắt thấu hiểu.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm