Sư thầy cứu người
Tăng sĩ Phật giáo Nam Tông thường đắp tấm y màu vàng, nhưng thầy mặc áo blouse trắng. Là nhà sư, nhưng công việc mỗi ngày của thầy là khám bệnh, bốc thuốc, truyền dạy đông y cứu người, và khẳng định người bệnh cần thuốc hơn là nghe thuyết pháp.
Người 'cha' chôn cất hơn 20.000 thai nhi, cứu sống hơn trăm đứa trẻ
Thầy là Thượng tọa Thích Tuệ Tâm, giám đốc Trung tâm kế thừa và ứng dụng y học cổ truyền - Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa, nơi người nghèo ở Huế ốm đau thường tìm đến. Ở đó, họ được khám bệnh, bốc thuốc, châm cứu miễn phí. Phòng khám bệnh nằm trong chùa Pháp Luân - nơi tu hành của nhà sư.
Nguyện hiến thân để cứu người
Một buổi sáng, tôi đến chùa Pháp Luân thăm sư Tuệ Tâm. Khác với mọi ngôi chùa ở Huế thường thoảng hương hoa, chùa Pháp Luân ngào ngạt mùi đông dược. Sư cũng mời khách uống nước nấu bằng các vị thuốc nam.
"Đời tu hành, mỗi người có một hạnh nguyện. Người thuyết giảng, người viết kinh sách. Tôi thì chọn chữa bệnh cứu người" - sư Tuệ Tâm bắt đầu câu chuyện.
Một chiều 42 năm trước, trong ngôi chùa nhỏ Huyền Không trên núi Hải Vân, tu sĩ trẻ Thích Tuệ Tâm ngồi nhìn hoàng hôn, nhận thấy sự mong manh của kiếp người, tâm tư chợt bừng hạnh nguyện.
Tu sĩ bước vào chánh điện, quỳ trước Đức Phật, thắp một nén nhang, gõ tiếng chuông và phát nguyện: "Kể từ hôm nay con nguyện dâng hiến xác thân này để phục vụ tha nhân, cho đến hơi thở cuối cùng". Đó là năm 1978, tu sĩ ấy mới 23 tuổi.
Ngôi chùa cưu mang 51 trẻ em đang cần giúp đỡ
Công việc cứu độ chúng sanh mà Tuệ Tâm chọn là chữa bệnh bằng đông y. Nghề gia truyền mà thân phụ là thầy thuốc nổi tiếng. Nhà sáu anh chị em thì bốn người đã theo nghề này.
"Từ nhỏ tôi đã muốn làm thầy thuốc, nhưng khi lớn lên thì cha không đồng ý truyền nghề. Ông bảo nghề y chỉ dừng lại đây và không truyền lại cho ai nữa, bởi ông sợ con cháu lợi dụng nghề y để thu lợi bản thân" - sư Tuệ Tâm nhớ lại.
Cho đến khi con trai 16 tuổi quy y cửa Phật, người cha mới yên tâm truyền nghề. Khi phát nguyện hiến thân cứu người thì Tuệ Tâm đã nghĩ cứu người bằng nghề thuốc, và nghĩ về pháp danh Tuệ Tâm có liên hệ gì đó với danh y Tuệ Tĩnh năm xưa.
Kể từ đó Tuệ Tâm chuyên tâm nghiên cứu y lý Đông phương, sách thuốc, thuật châm cứu, bấm huyệt...
Sau giờ giấc công phu tọa thiền và kinh kệ, thầy Tuệ Tâm thích đi vào rừng tìm cây thuốc, vừa chữa bệnh cho các sư huynh, sư đệ, vừa chữa cho người dân ở làng xóm Lăng Cô dưới núi Hải Vân.
Tìm đến các lương y giỏi ở Huế để học vẫn chưa đủ, thầy còn tìm vô chùa Dược Sư ở Sài Gòn để học thêm nghề thuốc với nhà sư lương y Thích Tâm Ấn.
Năm 1978, chùa Huyền Không chuyển về làng Nham Biều, xã Hương Hồ, ngoại ô Huế. Thầy Tuệ Tâm vẫn chú tâm với việc trau dồi đông y và chữa bệnh cứu người.
"Pháp môn tu học của tôi: chữa bệnh cứu người"
Tấm lòng của sư thầy nuôi 6 trẻ bị bỏ rơi ở Hà Nội
Rồi sau nhiều ngày suy nghĩ, sư đệ Tuệ Tâm mời các sư huynh đến trước điện Phật để thưa chuyện: "Xin các huynh cho đệ xuống núi!". Đã chọn việc chữa bệnh cứu người cần phải có một y viện với đủ điều kiện để bắt mạch, bốc thuốc, châm cứu. Y viện đó phải ở trong thành phố thì người dân mới dễ dàng đến chữa bệnh. Các sư huynh gật đầu vì đã biết đó là tâm nguyện của sư đệ, nhưng vẫn lo: "Có đủ sức không?". "Muôn vàn khó khăn, nhưng đệ sẽ vượt qua bằng nguyện lực của mình!".
Năm 1982, tháng 6, sư Tuệ Tâm cùng sáu đệ tử của mình xuống núi, hành đạo cứu người bằng việc lập một phòng khám đông y với lưng vốn là 2.000 đồng và 25 thúng lúa do sư huynh Giới Đức chia sẻ.
Ban đầu thầy trò "cắm trại" ở chùa Tăng Quang, ngôi chùa Phật giáo Nam Tông đầu tiên ở đất Huế. Khám bệnh miễn phí mà thuốc thang, điều trị cũng miễn phí hoàn toàn.
Người nghèo nghe tiếng tìm đến, nên chỉ sau ba tháng số vốn ít ỏi của thầy đã cạn. Đến năm 1989 Tổ chẩn trị y học dân tộc sáp nhập với phòng khám tây y trở thành Tuệ Tĩnh Đường ở nhờ trong khuôn viên chùa Diệu Đế.
Để tồn tại Tuệ Tĩnh Đường miễn hoàn toàn tiền khám bệnh, nhưng phải thu tiền thuốc đối với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế. Hộ nghèo miễn hoàn toàn. Đến năm 2005, Tuệ Tĩnh Đường chuyển qua chùa Pháp Luân ở số 3 đường Lê Quý Đôn và đổi tên thành Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa.
Sư Tuệ Tâm nói không thể nào kể hết những gian nan của ngày đầu xuống núi. Chùa nghèo, sư nghèo, Phật tử, bệnh nhân cũng nghèo. Có bữa thầy trò phải ăn cháo bo bo nấu với rau khoai, vì phải dành tiền để mua thuốc.
Phòng khám chẳng khác gì ngôi chùa giữa chợ đời, bị bủa vây bởi bao thị phi và cám dỗ. Sư nói thầy dùng việc chữa bệnh để cứu người, và cũng chính công việc đó đã cứu thầy thoát khỏi những khổ nạn của thế tục. "Đó là pháp môn tu học của tôi!" - nhà sư nói.
Người đau ốm cần thuốc hơn là nghe thuyết pháp
Chùa nghèo và lòng từ của một Sư cô
Có người hỏi suốt ngày khám chữa bệnh, tối lại nghiên cứu đông y, rồi lên lớp dạy y học dân tộc, dạy Hán văn, liệu sư còn thời giờ cho kinh kệ của một tu sĩ? Sư cười: "Lúc khám bệnh là tôi đang công phu hành trì đó!".
Mỗi ngày nhà sư thức lúc 4h sáng, khai kinh, tọa thiền, đọc sách báo, rồi bắt đầu khám bệnh cho đến cuối chiều, khi không còn người bệnh nào ngồi chờ mới nghỉ. "Người đau ốm trước tiên cần thuốc thang hơn là nghe thuyết pháp" - sư Tuệ Tâm nói. Và người bệnh còn rất cần lời an ủi, động viên để chữa tâm bệnh.
Không chỉ khám chữa bệnh, nhà sư còn rất xem trọng truyền nghề cho đệ tử và sinh viên các trường y. "Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật!" - nhà sư nói. Thầy xem việc truyền nghề đông y cũng là cách để nhân lên nhiều lần việc giúp đỡ chúng sinh, nối dài hạnh nguyện "chữa bệnh cứu người" mà thầy đã suốt đời tận hiến.
Năm nay sư Tuệ Tâm vào tuổi 65. Mong ước cuối đời của thầy là lập một viện điều dưỡng để vừa điều thân vừa dưỡng tâm. Đó là cách chữa bệnh đông y, chữa tận gốc rễ căn bệnh, cả thân bệnh lẫn tâm bệnh.
"Y lý Đông phương thâm hậu lắm. Y học dân tộc là di sản quý giá mà thầy cha ta với biết bao thần y, danh y đúc kết nên, cần phải được xem trọng" - nhà sư nói. Vì lẽ đó, thầy chuyên chú truyền nghề cho đệ tử và sinh viên. Thầy truyền hết để rời cõi thế cho nhẹ nhàng.
Ngôi chùa do một tay thầy dựng lên, thầy đã cúng dường cho chư tăng. Tiền bạc tiết kiệm được từ phòng khám và quán cơm chay, thầy ghi rõ trong di chúc: để dành cho việc chữa bệnh cho người nghèo và giúp tăng ni tu học. "Mọi thứ không phải của tôi. Tôi chẳng có chi cả".
Thầy đã đến và sẽ đi nhẹ nhàng như mây trắng bay qua đỉnh Hải Vân.
Chú tâm truyền nghề y cho hậu thế
Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa là phòng khám đông y có số lượng bệnh nhân đông nhất ở Huế, với khoảng 250 bệnh nhân mỗi ngày mà phần lớn là bệnh nhân nghèo, đến từ khắp miền Trung.
Đặc biệt sư rất chú trọng việc truyền nghề cho hậu thế, nên khuyến khích các lương y đi học mọi nơi để nâng cao tay nghề, và mở lớp dạy nghề đông y miễn phí cho bất cứ ai muốn học. Một phòng khám từ thiện mà phát triển rất bài bản với 40 nhân viên gồm bác sĩ, lương y, y tá, dược tá, cùng với một quán cơm chay dưỡng sinh lúc nào cũng đông khách.
Bác sĩ Đặng Thị Mai Hoa (Chủ tịch Hội Đông Y Thừa Thiên Huế)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm