Thứ ba, 05/07/2022, 08:34 AM

Sức cảm hóa của sự chân thật và giản dị

Dẫu ở ngôi vị nào, vai trò nào, ngài vẫn vậy: khiêm cung, tự tại, chung thủy với nếp đạo phát nguyện thuở ban đầu. Vẫn góc phương trượng đơn sơ, chiếc áo nâu sờn nếp, tận tình chỉ dạy cho hàng hậu học, từ ái với mọi người bất phân thượng hạ…

Không ai có thể được miễn trừ đối với cái chết. Chết là một phần của sự sống, trong tiến trình sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng có những con người mà cuộc đời, kể cả cái chết của họ đã để lại những bài học xúc động lòng người, làm sống dậy những giá trị của sự chung thủy, chân thật và giản dị đúng nghĩa rất cần cho cuộc đời này.

Trong tuần qua, tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã làm xúc động, có sức cảm hóa biết bao người về nếp sống đạo, sự tự chủ của người tu. Di huấn của vị Trưởng lão Hòa thượng sống ngoài một thế kỷ chung thủy với nếp sống đạo hạnh, giới luật tinh nghiêm, rất mực khiêm cung, giản dị chất phác đã được sơn môn, Giáo hội thực hiện: “sống thế nào, hậu sự thế ấy”!

Những hình ảnh chân thực về phương trượng nơi ngài an trú mấy mươi năm qua được truyền tải trên các trang điện tử, một lần nữa, gây xúc động cho nhiều người đã có duyên lành biết đến, tạo những ngỡ ngàng cho những ai chưa từng diện kiến, nghe kể về ngài - một vị giáo phẩm đạo cao đức trọng của Phật giáo Việt Nam.

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích

Trưởng lão Hòa thượng thế danh là Nguyễn Quang Bích. Ngài sinh năm Quý Sửu (1912) tại làng Mai Xá, xã Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình thuộc dòng họ khoa bảng Nguyễn Bá Thị, cha là cụ ông Nguyễn Hữu Thượng, mẹ là cụ bà Dương Thị Cẩm.

Năm lên 5 tuổi (1917), ngài theo cha mẹ rời xa bản quán đi buôn bán xa phương. Khi đến thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng, gia đình ngài gặp đôi vợ chồng nhà nho Dương Đình Huỳnh, Trọng Thị Như. Qua giao tiếp, cảm mến trước khí khái tao nhã, với những tư tưởng suy nghĩ có phần khác người bình thường, toát lên phong thái tư chất của bậc quân tử, cụ Dương Đình Huỳnh đã xin cụ Nguyễn Hữu Thượng cho ngài về làm con nuôi, để dạy dỗ với mong muốn gửi gắm vào ngài những hoài bão mà cả đời ông chưa hoàn thiện.

Sau khi chuyển về ở nhà cha mẹ nuôi, ngài được cha nuôi là nhà nho Dương Đình Huỳnh dạy dỗ cẩn thận, cho đi học các trường tư thục bên ngoài. Năm 12 tuổi, ngài đã có trong người lượng kiến thức Nho học và xã hội tương đối ổn định; đặc biệt đã học thông tiếng Pháp, có khả năng giao tiếp thạo với người nước ngoài cũng như soạn viết các văn bản chữ Nôm, chữ Hán.

Thắng duyên hơn, ngài lại gặp minh sư. Người chú ruột của ngài - Hòa thượng Thích Thông Tiến (thường gọi là Tổ Thiên Phúc) là một bậc pháp khí thiền gia lỗi lạc, một trong ba vị luật sư danh tiếng ở miền Bắc vào thời bấy giờ, người thường vào Viện Viễn Đông Bác Cổ phiên dịch kinh điển, có hơn 10 năm khắc ván in kinh trong chùa Vĩnh Nghiêm, xuất gia với Tổ Tế Xuyên, học đạo ở Tổ Nguyên Uẩn, được Tổ Bà Đá truyền Tâm Ấn. Một hôm trên đường vân du, Tổ Thiên Phúc ghé ngôi chùa bến đò Song dừng chân nghỉ, gặp cậu bé thư đồng ngồi chắp tay niệm Phật, hỏi ra mới biết cháu mình. Được Tổ Thiên Phúc nói pháp vô thường và con đường giác ngộ của Đức Phật, ngài đã liền phát nguyện xuất gia khi tròn 12 tuổi.

Biết chuyện, mẹ và chị nuôi hết sức vui mừng, nhưng cha nuôi Dương Đình Huỳnh lại có phần ái ngại; phần vì thương con, phần vì muốn con mình nối tiếp chí ông, tiếp tục đi học theo đuổi con đường công danh. Nhưng trước ý chí quyết tâm của con, ông đành chấp nhận đưa con đến chùa Sủi, thôn Phú Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội học đạo với Tổ Thiên Phúc, được Tổ đặt pháp hiệu là Tâm Bích, pháp danh Thích Thanh Bích.

Năm 13 tuổi (1925), ngài được Tổ Thiên Phúc cho sang chùa Bà Đá tòng Tăng chấp tác. Ở đây, hình ảnh của Lục Tổ năm xưa lại xuất hiện. Là người bé nhỏ, nhưng hàng ngày phải gánh nước để phục vụ sinh hoạt của chư Tăng, không biết mệt mỏi. Cuối năm ấy, Tổ Bà Đá nhận thấy ngài là bậc pháp khí thiền gia, cơ duyên đầy đủ, liền đăng đàn thụ giới Sa-di tại ngôi tổ đình này.

Sau đó, tại chốn Tổ Tế Xuyên, sau hơn 10 năm giã gạo phụng sự chư Tăng chốn Tổ, ngài được thầy nghiệp sư cho thụ giới Cụ túc tại Giới đàn tổ đình Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh lúc vừa tròn 24 tuổi.

Cũng tại nơi đây, ngài gặp người bạn đạo Thích Phổ Tuệ, nay là Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hai ngài - một Bi, một Tuệ, cùng chung chí hướng, chung con đường, nên nghĩa tương giao mau chóng kết thành tình đồng đạo pháp lữ. Các ngài tương kính trong cung cách của các bậc thiền gia mỗi khi gặp nhau: “Trải chiếu luật nghi nhà trượng thất, bạn cao tăng đến thỉnh lên ngồi”.

Sau 22 năm theo thầy vân du học đạo, mùi tương dưa ngấm đủ vị thiền, năm 1940, Trưởng lão trở về ngôi chùa Sủi ở Bắc Ninh, chuyên tâm công phu tu tập Thiền - Tịnh. Thực hành theo hạnh “một ngày không làm, một ngày không ăn” của Bách Trượng thanh quy, “Thiểu dục tri túc”, ăn cỏ dày, nằm bện rơm, sớm khuya đèn sách, kinh kệ ròng rã trải qua 20 năm tinh tấn không hề gián đoạn. Tấm gương sáng đạo hạnh tu hành ấy, người dân Sủi cho đến hôm nay vẫn hết lời ca ngợi và tự hào mảnh đất quê hương của họ đã có những bậc hiền nhân đạo hạnh dừng chân để cho dân làng học noi gương sáng.

Năm 1960, gánh vác trọng trách kế Tổ truyền đăng của tông phong Lâm Tế, ngài cùng với tôn sư là Tổ Thiên Phúc trở về tổ đình Hội Xá, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) - nơi phát tích của Tổ Tính Dược, Hải Quýnh, Tịch Truyền, Chiếu Khoan, Phổ Tịnh, để duy trì đạo mạch, nối tiếp đèn thiền tông phong của Tổ Như Trừng Lân Giác.

Năm 1966, mến mộ đạo hạnh của Đức Trưởng lão, người dân xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Tây cảm thỉnh ngài sang trụ trì ngôi chùa Đậu (Thành Đạo tự), để giúp đỡ nhân dân về đời sống tín ngưỡng tâm linh. Ở nơi đây, học theo hạnh tu của Tổ Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, thường ngày ngài tiết chế ăn uống ngủ nghỉ, khi tứ đại bất thường đều nhịn ăn, uống nước, thiền quán chữa bệnh; luôn luôn giữ chính niệm tỉnh giác, như lý tác ý, như lý giác sát.

Hàng trạng tu tập của ngài đáng để hàng hậu học đảnh lễ, noi theo

Hàng trạng tu tập của ngài đáng để hàng hậu học đảnh lễ, noi theo

Vòng trời đất chuyển xoay theo lẽ vô thường, khi thầy nghiệp sư trả nhục thân cho tứ đại, năm 1986, Trưởng lão Hòa thượng đã gửi lại nhân dân xã Nguyễn Trãi - chùa Đậu toàn bộ số tiền hương hoa, lui về tổ đình Hội Xá để kế Tổ truyền đăng.

Kể từ đó đến nay, Trưởng lão Hòa thượng luôn là bậc trưởng thượng mực thước cho hàng tứ chúng Thiền gia noi theo. Đối với tự thân thì khắc kỷ, đối với người thì rộng lượng bao dung, chan hòa nhã nhặn, từ bi tiếp vật, mẫn niệm độ sinh; luôn mật hạnh, làm nhiều hơn nói, khiêm nhường nhẫn nại, không tự cao tự đại; lấy việc tu làm yếu vụ, việc sinh tử làm trọng, việc độ sinh là cốt yếu; đặt chữ tàm quý ở trên đầu, lấy Tứ ân để khắc dạ, nghĩ Tam đồ để răn lòng; hiểu công cày cấy nhiều ít của người nông phu, cơm ăn áo mặc đều do tín thí… không dính mắc công danh, tiền bạc, sống thanh bần thủ đạo trong nếp sống thiền gia; ngày thì cày bừa, cấy hái, trên kính lo Tam bảo, đối với bản thân thì tự phục dịch, luôn đọc kinh sách, nghiền ngẫm và thực hành theo pháp xuất thế của bậc thượng nhân. Tuổi đã đến mực “bách tuế” mà buổi buổi bên hiên, dù 6 giờ trời nhá nhem tối, không ánh đèn, không kính, ngài vẫn đều đặn theo từng câu chữ trong kinh điển, cổ thư của chư Tổ.

Trưởng lão luôn có sự kính trọng mọi người, thường chắp tay cung kính xưng con với cả sư bác, sư chú mà vẫn thấy lòng an nhiên tĩnh tại. Lòng từ bi của Trưởng lão mở rộng đến cả muôn loài chúng sinh, nên đám mèo hoang vẫn tìm đến bầu bạn, tìm nơi an ủi bên ngài. Ở tuổi ngoài 70, mà hàng tháng ngài vẫn đi bộ hơn chục cây số từ chùa Đậu sang tổ đình Võ Lăng tụng giới Bố-tát cho đến khi sức khỏe không còn cho phép; hay khi an cư kiết hạ tại chùa Đỏ Văn Quán (Hà Đông), vì lên muộn giờ lâm thụy nên chùa đã cửa đóng then cài, ngài cũng không dám gõ cửa động chúng mà lại tiếp tục thiền hành cả đêm cho đến khi trời rạng. Rồi cũng chính trong hạ trường Văn Quán, vì điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn, chư Tăng thiếu chỗ ngủ nghỉ, Đức Trưởng lão đã ra ngoài nhà kho ngủ để nhường chỗ cho chư Tăng trì tĩnh, những việc ấy thật hiếm có giữa đời này!

Cuộc sống thường nhật của Đức Trưởng lão Hòa thượng thanh bạch cốt cách, luôn giản dị trong tấm áo nâu sồng đã bạc màu theo năm tháng; cả đời xuất gia tu đạo, chưa khi nào Trưởng lão tự may cho mình bộ quần áo mới, hay mua những vật dụng trang trí tự thân. Tất cả vật dụng đều do tín thí phát tâm, ngài đều tùy công đức nhiều ít của mình mà thọ nhận vật dụng.

Khi Tăng sai, Đức Trưởng lão đã trải qua nhiều trọng trách của Giáo hội như Chánh Ban đại diện Phật giáo huyện Thường Tín, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chứng minh BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, Viện chủ tổ đình Hội Xá, Trưởng sơn môn Tế Xuyên - Hà Nam. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII cuối năm 2012, toàn thể đại biểu đã cung thỉnh ngài vào ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Trưởng lão Hòa thượng cũng là ngôi thầy Hòa thượng, A-xà-lê, đăng đàn truyền trao giới châu tuệ mệnh cho hàng nghìn giới tử Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, là ngôi đường chủ nhiều năm của hạ trường Mai Xá, Hội Xá, Mỗ Lao… cùng nhiều trường hạ khác trong và ngoài thành phố Hà Nội để làm khuôn mẫu cho học chúng noi theo.

Dẫu ở ngôi vị nào, vai trò nào, ngài vẫn vậy: khiêm cung, tự tại, chung thủy với nếp đạo hạnh sơ phát nguyện thuở ban đầu. Vẫn góc phương trượng đơn sơ, chiếc áo nâu sờn nếp, vật dụng góp nhặt, tận tình chỉ dạy cho hàng hậu học, từ ái với mọi người bất phân thượng hạ…

Cuộc đời của một bậc cao tăng giản dị, chân thật với chính mình và mọi người dù ở đâu và hoàn cảnh nào - chính đó là linh hồn của những trú xứ mà ngài đến, là NGÔI CHÙA cho tất cả những ai khát ngưỡng đời sống tâm linh, hướng thiện và hướng thượng theo tinh thần Đức Thế Tôn đã dạy để an trú, học tập, sống đạo.

Sự chân thật và giản dị qua cuộc đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích có một sức hấp dẫn lớn lao đối với lòng người, tạo dựng niềm tin về giá trị căn bản của đời sống là hạnh phúc, an lạc, không lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, mà xuất phát từ thế giới bên trong tâm thức. Khi tâm giải thoát thì làm mà không dính mắc, xong việc lại quay về với nếp đạm bạc thiền gia, tự tại an nhiên giữa thịnh suy của cuộc đời.

Sự chân thực, giản dị tự nhiên luôn có sức cảm hóa, cuốn hút lạ thường!

*Bài đăng năm 2013

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1

Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024

Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế

Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024

Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.

Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam

Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024

Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.

Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất

Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024

Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.

Xem thêm