Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 05/11/2023, 15:09 PM

Sức mạnh của niệm Phật

Là người tu thiền, nghe nói niệm Phật tự nhiên thấy ngờ ngợ như dị ứng. Vì chúng ta biết rõ cứu cánh của hai pháp môn không khác, nhưng phương tiện vào cửa thì gần như đối lập. Một bên dùng tín hạnh nguyện để hành trì, còn một bên dùng trí tuệ chiếu kiến.

Bên này thì cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, bên kia thì vô sanh. Như hai người cùng lên núi, một người đi hướng đông, một người đi hướng tây, hai hướng đối lập, mỗi hướng có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi lên đến đỉnh thì gặp nhau.

Do đó tu thiền mà bảo niệm Phật thì hoàn toàn không hợp lý, đó là vì chúng ta chỉ hiểu trên sự tướng mà chưa nhận ra lý tánh của niệm Phật.

Niệm là nhớ, Phật là giác, niệm Phật tức là nhớ tánh giác, như vậy người tu thiền có cần nhớ tánh giác không? Nói nhớ tánh giác là gượng nói, vì dễ khiến người hiểu lầm là tánh giác là cái bị nhớ, trong khi tánh giác là cái sẵn có của mọi người. Nhưng sống với vọng tưởng thì tưởng chừng như từ lâu quên không có, đến lúc biết có thì lại hay quên, cứ để vọng tưởng lôi dẫn, nên phải khắc ghi gọi là nhớ.

Kỳ thực tánh giác không bao giờ mất, chỉ cần không theo vọng tưởng, vì vọng tưởng là nghiệp của thân khẩu ý, là nguồn gốc của sanh tử luân hồi. Cho nên vọng tưởng lặn thì cái còn lại chính là giác. Dù tu pháp môn nào, nếu nhắm vào mục đích giải thoát sanh tử thì đều gặp nhau ở điểm này.

Pháp môn niệm Phật thì dùng danh hiệu Phật A Di Đà thường nhớ thường niệm không để vọng tưởng xen vào. Cho đến nhất tâm bất loạn thì người đó khi lâm chung sẽ được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chữ A Di Đà nghĩa là Vô Lượng Thọ, Vô lượng Quang, Vô Lượng Công Đức. Chúng ta thử xét xem có ai có thể hội đủ những đức tính đó, nếu không phải là tánh giác. Tánh giác không sanh diệt tức là Vô Lượng Thọ, sáng suốt không mê thường biết rõ là Vô Lượng Quang, lưu xuất các đức lành diệu dụng là Vô Lượng Công Đức.

Như vậy niệm Phật A Di Đà tức là nhớ tánh giác, mà tánh giác không có tướng mạo nên rất khó nhận. Nhờ hình ảnh đức Phật A Di Đà hoặc danh hiệu Phật A Di Đà mà bặt trừ những vọng tưởng cho đến nhất tâm bất loạn. Khi có sức lóng trong, liền trực nhận ra: “Tự tánh Đi Dà vô biệt niệm, bất lao đàn chí đáo Tây Phương”

Hoặc Sơ Tổ Trúc Lâm đã từng dạy trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, hội thứ hai:

Tịnh độ là lòng trong sạch, Chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương. Di Đà là tính sáng soi, Mà phải nhọc tìm về Cực Lạc.

Nhưng tại sao lại phải về thế giới phương tây thì rất vui (Tây Phương Cực Lạc thế giới). Ví như người ra chợ buôn bán từ buổi bình mình là phải bày hàng ra, rao hàng, giới thiệu, trông coi, giữ gìn mua bán vào ra, rất là vất vả lăng xăng vui buồn qua lại.

Cho đến bóng ngã về tây, trời sắp tối không còn ai mua nên thu dọn nghỉ ngơi, lúc đó mới cảm thấy nhẹ nhàng thảnh thơi vui khỏe. Trời tây là ngầm ý hoàng hôn phủ xuống thì phải dọn dẹp mọi việc để nghỉ ngơi, thời điểm đó rất vui. Cũng vậy nếu trong tâm chúng ta biết thu dọn các vọng tưởng lại, đừng để chúng bày biện lăng xăng thì lúc đó tâm an, không còn một bóng dáng phiền não, nên gọi là rất vui.

Như vậy người tu thiền không chờ đợi đến khi lâm chung mới về thế giới rất vui. Khi vọng tưởng đã dứt bặt không còn nguyên nhân của sự bất an, chính là vui.

Đây là một sự thật cụ thể kiểm chứng được trong hiện tiền đối với những hành giả đã nếm được pháp vị!

Như trên đã dẫn, tánh giác không có tướng mạo nên khó nắm bắt, khó nhận ra. Tuy không tướng mạo nhưng thường hiển lộ qua sáu căn, mắt thấy sắc nếu không có tánh thì làm sao biết nên gọi là tánh thấy, tai nghe tiếng liền biết nên có tánh nghe, tự mỗi căn đều có tánh biết, động dụng thì có khác nhưng tánh biết thì không hai.

Thói quen từ lâu nay của chúng ta là khi thấy sắc liền khởi phân biệt đẹp xấu để sanh ra biết bao nhiêu nghiệp nhân quả, quên mình theo vật trôi theo sanh tử luân hồi cũng vì sáu căn. Hôm nay nhờ có duyên lành tỉnh ngộ, biết mình có tánh giác không sanh diệt, không sanh già bệnh chết, thì có đâu luân hồi, nên phải cố gắng tu tập để sống được tròn đầy. Do đó:

– Mắt thấy sắc thì biết, liền nhớ tánh thấy nên không nhiễm đẹp xấu, không có vọng tưởng, không dính mắt đó là mắt niệm Phật.

– Tai nghe tiếng thì biết liền nhớ tánh nghe không khởi phân biệt hay dở… đó là tai niệm Phật. Tương tự chúng ta sẽ có đủ sáu căn niệm Phật.

Như vậy người tu thiền không phải không niệm Phật, mà niệm Phật là nhớ tánh giác, cho nên phải nhớ một cách tha thiết cho đến lúc sống được trọn vẹn với tánh giác không còn niệm mê, tức là toàn giác, là Phật. Đã tha thiết chí thành như vậy, nên không thể tính đếm trên xâu chuổi, trên thời khóa, trên sổ công cứ, nghĩa là không được phép nghĩ ngợi vì một niệm bất giác đã đủ thành tai họa rồi.

Người tu thiền không chỉ niệm Phật bằng miệng, bằng ý, mà niệm Phật bằng tất cả sáu căn. Vì bất cứ căn nào đối cảnh mà sanh tâm dính mắc thì cũng vào sanh tử luân hồi. Cho nên phải giữ gìn sáu căn niệm Phật một cách miên mật trong mọi oai nghi, cho đến lúc đối cảnh vô tâm thì chẳng hỏi thiền, mà cũng chẳng hỏi Phật.

Người tu thiền mà niệm Phật thì có một sức mạnh thần kỳ, ngay tức khắc đã sống trong thế giới Cực Lạc. Vì vừa có vọng tưởng dấy khởi liền nhớ tánh giác, thì vọng tưởng mất sức lôi dẫn, cho nên chẳng sợ niệm khởi mà chỉ ngại giác chậm. Giác được rồi thì tâm khinh an thơi thới, giác liên tục thì phiền não cũng tiêu tan, vì bị biết rõ nên rất vui, vui không phải đối lại với buồn, mà vui vì sáng tỏ, đã rõ nguồn cơn, chưa hề ô nhiễm.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm