Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/11/2023, 10:23 AM

Niệm Phật được thành Phật đạo

Người niệm Phật mà được sự hộ niệm của chư Phật, nhiếp trì nguyện lực của Phật A Di Ðà thì lúc mạng chung vào thẳng ngôi bất thoái, tự giác tiến tu thẳng đến thành Phật.

Kinh A Di Ðà nói: “Những chúng sinh sinh lên nước ta đều là bất thoái chuyển, trong số đó có rất nhiều người một đời được bổ xứ làm Phật, số ấy rất nhiều, không thể tính đếm hết được”. Suy xét câu một đời được bổ xứ thành Phật, tức là thân sau chót, như vậy há không phải một đời tức được thành Phật sao?

Hoặc hỏi: “Niệm Phật vốn là việc rất dễ, thành Phật là điều khó, Phật đạo cao xa, trong kinh nói phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, siêng tu lục độ vạn hạnh mới được thành tựu, sao niệm Phật mà được thành Phật?”. Ðáp rằng: “Pháp môn tu hành có nhanh chậm khác nhau. Chậm thì phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp tu nhân luyện hạnh mới thành Phật đạo, nhanh thì không cần phải trải qua ba đại a tăng kỳ vẫn được pháp thân, không thể khái luận chung chung được”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Niệm Phật chính là hoành siêu sinh tử, thành tựu Bồ đề nhanh chóng, là pháp môn viên đốn; chỉ sợ mọi người không chịu niệm Phật, chứ nếu tinh tấn thì quả vị Phật quyết định có ngày thành tựu. Ðại sư Quang Minh Thiện Ðạo nói: “Nguyện cho hết thảy mọi người, khéo tự tư duy, đi, đứng, nằm, ngồi đều khắc ghi, ngày đêm chẳng bỏ thì lúc mệnh chung, niệm trước niệm sau liền sinh Cực lạc, vĩnh kiếp thọ niềm vui vô vi cho đến lúc thành Phật, như vậy há không sung sướng sao!”. Ðại sư Thiện Ðạo cả đời chuyên tu pháp môn niệm Phật, niệm một tiếng miệng phóng ra một luồng ánh sáng, niệm trăm tiếng, nghìn tiếng ánh sáng cũng luôn phóng ra như thế. Như những lời khai thị trên đây, mỗi người tự nên tin sâu, thêm thiết nguyện thực hành vậy.

Lại Văn Thù Sư Lợi bảo Ðại sư Pháp Chiếu, Tổ thứ tư Liên tông rằng: “Trong các pháp môn tu, không pháp môn nào qua pháp môn niệm Phật”. Một ngày, Tứ Tổ đến chùa Trúc Lâm ở Ngũ Ðài Sơn, thấy hai vị đại sĩ Văn Thù, Phổ Hiền ngồi hai bên tả hữu, xoa đầu Tứ Tổ bảo rằng: “Ông chuyên tu niệm Phật, không lâu sẽ chứng vô thượng Bồ đề. Nếu thiện nam tín nữ, muốn chóng thành Phật, nên tu niệm Phật, mau chứng vô thượng chánh đẳng giác”. Suy xét lời của hai vị đại sĩ, rõ ràng chỉ thị niệm Phật có thể thành Phật, còn nghi ngờ gì nữa?

Người niệm Phật mà được sự hộ niệm của chư Phật, nhiếp trì nguyện lực của Phật A Di Ðà thì lúc mạng chung vào thẳng ngôi bất thoái, tự giác tiến tu thẳng đến thành Phật. Kinh A Di Ðà nói: “Những chúng sinh sinh lên nước ta đều là bất thoái chuyển, trong số đó có rất nhiều người một đời được bổ xứ làm Phật, số ấy rất nhiều, không thể tính đếm hết được”. Suy xét câu một đời được bổ xứ thành Phật, tức là thân sau chót, như vậy há không phải một đời tức được thành Phật sao? Ðây là nói về sự. Nếu nói về lý, niệm Phật công thâm, vô niệm mà niệm, niệm mà vô niệm, tâm, Phật viên dung. Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật, chứng duy tâm Tịnh độ, thấy tự tánh Di Ðà, không chờ vãng sinh, tức thành Phật đạo, còn sự nhanh chóng nào hơn?

Hoặc nói: “Niệm Phật vãng sinh, điều ấy có đúng không?” Ðáp rằng: “Ba món tư lương tín, nguyện, hạnh đầy đủ thì tất được vãng sinh vậy!”. Ðại sư Vĩnh Minh nói: “Không thiền có Tịnh độ, mười tu mười đắc ngộ”. Tịnh Ðộ Vãng Sinh tập: “Xuất gia tại gia niệm Phật vãng sinh, số ấy rất nhiều, lâm chung đều có chứng nghiệm; hoặc biết trước giờ chết, hoặc ngồi thẳng mà đi, hoặc thân phát ra hương lạ, hoặc nhạc trời trổi dậy...” há lời nói hư dối sao? Thời Tống, Hoàng thợ rèn ở Hồ Nam sống bằng nghề rèn, nhà có bốn người, cuộc sống hoàn toàn dựa vào ông, ngày nào không làm việc thì coi như ngày đó không có gạo bỏ nồi. Hoàng thường hay than oán, do đời trước không tu, đời nay mới khổ như vầy, Hoàng luôn nghĩ đến tu hành, nhưng không biết phải tu pháp nào, vừa làm việc mà vẫn tu được. Một ngày, nhân thấy vị khách tăng đi qua trước tiệm, Hoàng bèn mời vào thỉnh giáo. Tăng nói: “Có. Chỉ sợ anh không tin thôi!”. Hoàng nói: “Ðại sư dạy, nào dám không tin!”. Tăng bảo: “Ông muốn lìa khổ được vui, thế giới Ta bà này không có thật lạc, chỉ có nước Cực lạc của Phật A Di Ðà mới không có các khổ, chỉ có an vui. Muốn sinh lên nước ấy chỉ cần nhất tâm xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, niệm niệm không ngừng thì lúc mạng chung nhờ Phật tiếp dẫn, tức được vãng sinh lên nước Cực lạc. Tôi dạy ông lúc cầm ống thổi, niệm một câu Nam mô A Di Ðà Phật, lúc sắt cháy đỏ, lấy ra, nện một chùy, niệm một câu, mỗi mỗi búa đều như thế. Lúc không đánh búa cũng niệm, nếu cứ vậy niệm mãi, cam đoan lâm chung ông sẽ được vãng sinh Cực lạc”. Hoàng thợ rèn nghe xong, vui mừng khôn xiết, cực kỳ tin tưởng, đã được tu hành lại được làm việc, liền y giáo phụng hành. Người đời đều chế nhạo Hoàng thợ rèn ngu ngốc, làm nghề rèn vốn đã rất vất vả, nay lại niệm Phật, há không phải khổ cộng thêm khổ sao? Hoàng thì không như thế, càng niệm càng thâm tín, bảo: “Pháp môn niệm Phật này thật sự có lợi ích! Tôi ngày thường đứng bên lò lửa, luôn cảm thấy khổ bị cái nóng bức bách; lúc nện búa, bị cái khổ của lao nhọc; nay niệm Phật hoàn toàn không thấy nóng, thấy mệt gì cả”. Từ đó, Hoàng càng thêm tinh tấn. Ba năm trôi qua... Một ngày, Hoàng tự biết trước giờ chết, bèn cạo đầu, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo sạch rồi bảo với vợ rằng: “Hôm nay tôi về nhà đây”. Người vợ nói: “Anh còn có nhà nào?”. “Ðây chẳng phải là nhà tôi, nhà tôi ở Tây phương kia”. Thế rồi lại đứng bên lò lùi sắt, vẫn niệm Phật luôn, sắt cháy đỏ, lấy ra nói kệ rằng: “Bon bon beng beng, luyện lâu thành thép; bình yên đã tới, tôi về Tây phương”. Niệm một câu Nam mô A Di Ðà Phật, nện xuống một búa rồi đứng yên mà hóa, khắp thân phát ra mùi hương lạ, nhạc trời trổi dậy. Ðây là tướng lành Phật A Di Ðà tiếp dẫn vãng sinh Tây phương vậy. Mọi người ngửi thấy mùi hương lạ, không ai mà không kinh ngạc.

Từ đó, người Ðàm Châu về sau đều niệm Phật, đến nay còn rất thịnh. Xưa nay biết bao nhiêu chuyện niệm Phật vãng sinh, không thể không tin.

Lại hỏi: “Chúng sinh trong mười phương thế giới, nếu niệm Phật vãng sinh hết thì cõi Cực lạc chỗ đâu mà chứa?”. Ðáp: “Biển xanh nhận nước của muôn vạn dòng sông mà có đầy đâu, tấm gương nhỏ xíu chứa vạn cảnh nào có dư đâu. Những vật thế gian mà còn được như thế, huống hồ nguyện lực rộng lớn và lực bất khả tư nghì của Phật A Di Ðà, thành tựu vô biên cõi Phật trang nghiêm, sao không đủ chỗ để dung chứa?”.

Thiền sư Hoài nói: “Sinh thì thật có sinh, đi thời chẳng chỗ đi”. Nếu bảo thật có vãng sinh Tịnh độ, há không trái với lời người xưa sao?. Ðáp rằng: “Không trái. Ðây chính là cổ đức đã ngộ được yếu chỉ chân tục không trái, lý sự vô ngại của thật tướng niệm Phật vãng sinh. Anh chỉ đọc mà không hiểu. Câu trước “sinh thì thật có sinh” là pháp giới tục đế thuộc sự, câu sau “đi thời chẳng chỗ đi” là pháp giới chân đế thuộc lý, tức là sinh duy tâm Tịnh độ, lý sự không cách hào tơ, làm sao có tướng đến đi? Niệm Phật vãng sinh, Phát Bồ Ðề Tâm Văn của Ðại sư Tỉnh Am, có kệ rằng: “Hoa sen hóa sinh Phật hiện tiền, hào quang Phật chiếu tía kim liên; thân theo chư Phật lên Tây cảnh, không đến không đi việc dường như”. Vãng sinh là điều có thật, không nên hoài nghi, nếu có một chút nghi ngờ tức là niềm tin chưa sâu, nguyện lực chưa thiết vậy.

Lại nữa, duy tâm Tịnh độ, không phải không có thế giới Tây phương Cực lạc trang nghiêm thanh tịnh mà là chỉ chân tâm, thể thì biến khắp mười phương; lượng thì đầy hư không giới. Tức cõi Tây phương Cực lạc cũng không ngoài tự tâm nên nói duy tâm Tịnh độ. Người niệm Phật cẩn thận chớ hiểu sai chữ duy tâm; nếu lấy hai chữ “duy tâm”, tức bảo không có Tây phương Tịnh độ, vậy thì Kinh A Di Ðà, Ðức Thích Ca bảo Xá Lợi Phất: “Từ cõi Ta bà hướng về phía Tây, vượt qua 10 vạn ức cõi Phật, có thế giới gọi là Cực lạc, nước ấy có Phật hiệu là A Di Ðà, hiện đang thuyết pháp”. Ðây há là lời dối người sao? Phật là bậc toàn giác, tuyệt không có việc dối người. Lại không thể không thấy thế giới Cực lạc rồi cho rằng là không có. Như có người chưa từng đến châu Âu, làm sao có thể nói rằng thật không có châu Âu? Niệm Phật chắc chắn thành Phật, Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Nếu người nào tâm tán loạn, vào tháp miếu, xưng niệm một câu Nam mô Phật, đều có thể thành Phật đạo”. Người tâm tán loạn niệm một câu danh hiệu Phật, còn được thành Phật, huống hồ tinh tấn niệm Phật một đời, há có lý không thể thành Phật?

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Ðại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương nói: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tại đương lai, nhất định thấy Phật, cách Phật không xa”. Suy xét câu “cách Phật không xa” rõ ràng là ý chỉ niệm Phật tức được thành Phật. Sao gọi là hiện tiền thấy Phật? Hoặc lúc chuyên tâm niệm Phật mộng thường thấy Phật. Tôi từng mộng thấy thế giới Cực lạc Di Ðà từ tôn, đồng thời cũng được nghe thuyết pháp, Ðức Di Ðà dạy tôi hãy tu trì tịnh nghiệp, tự độ độ tha. Nên sau 36 năm thiền tịnh song tu, mỗi lần truyền giới tam quy hoặc pháp hội giảng kinh tôi đều hết sức khuyên mọi người phát tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ. Tôi bảo họ rằng: “Tu hành niệm Phật là ổn đáng nhất, nên lấy trì danh niệm Phật làm chánh hạnh, tu các pháp thiện khác là trợ hạnh, chánh trợ cùng hành thì như buồm xuôi gió lại thêm sức chèo, vãng sinh Tịnh độ, phẩm vị cao là chắc chắn”.

Hoặc tam muội công thành, trong định thấy Phật. Như Ðại sư Tuệ Viễn, Sơ Tổ phái Liên tông, kết tập Liên xã ở Lô Sơn, chuyên tu pháp môn niệm Phật, ba mươi năm không xuống núi, trừng tâm nhập định, ba lần thấy Thánh tướng, tướng tốt trang nghiêm, một đêm tháng 7, xuất định ở Bát Nhã đài, thấy Phật A Di Ðà thân đầy khắp hư không, trong ánh viên quang có vô số hóa Phật, Quán Âm, Thế Chí hầu cận hai bên, lại thấy ánh sáng sông ngòi, phân thành 14 nhánh diễn nói pháp âm khổ, không, vô thường, vô ngã. Phật bảo rằng: “Ta dùng bổn nguyện lực đến an úy ông, ông sau bảy ngày sẽ sinh lên nước ta”. Lại thấy các vị trong Liên xã trước đây như Phật Ðà Da Xá, Tuệ Trì, Tuệ Vĩnh, Lưu Di Dân... đều ở bên cạnh Phật A Di Ðà. Các vị ấy nói: “Thầy đã sớm phát tâm từ lâu, sao đến muộn vậy?”. Ðây đều là những minh chứng trong định thấy Phật. Ðến ngày 7 tháng 8, ngài triệu tập chúng cáo biệt, bảo hai đệ tử Pháp Tịnh, Tuệ Bảo rằng: “Trong 11 năm trở lại đây, ta ba lần thấy Thánh tướng, nay lại thấy nữa, ta vãng sinh đây!”. Dặn dò đệ tử xong, ngồi thẳng niệm Phật mà tịch, hương lạ khắp nhà, nhạc trời rền vang, đệ tử nhập tháp ngài trên đỉnh phía Tây Lô Sơn.

Thế nào gọi là đương lai thấy Phật? Nếu niệm Phật công thành, lúc mạng chung sẽ thấy Phật A Di Ðà hiện thân tiếp dẫn, đây là đương lai thấy Phật vậy. Lại hóa sinh sen báu, hoa khai kiến Phật, thân ánh sắc vàng, chứng vô sinh nhẫn, được vào địa vị bổ xứ, không chỉ thường được thấy Phật mà còn được thành Phật. Pháp môn viên đốn thù thắng này, có thể cắt ngang dòng sinh tử, đến bờ giác tức thì. Phàm muốn ly khổ đắc lạc, siêu phàm nhập thánh, hãy nên trì pháp niệm danh hiệu Phật, là pháp môn duy nhất không pháp nào trên. 

Thích Nguyên Anh Việt dịch 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm