Suy nghiệm lời Phật: Con đường Bàhiya
Con đường Bàhiya là một con đường đẹp. Mọi người có thể đi đến giải thoát trên con đường đó. Điểm lưu ý là Bàhiya là một du sĩ xả ly tuyệt vời...
Có những đoạn tận các kiết sử, chấm dứt các tuỳ miên (phiền não), do tu tập, làm cho sung mãn tuệ quán có định niệm đi trước. Có những đoạn tận các kiết sử, chấm dứt các tuỳ miên (phiền não), do tu tập, làm cho sung mãn định niệm có tuệ quán đi trước. Có những đoạn tận các kiết sử, chấm dứt các tuỳ miên (phiền não), do tu tập, làm cho sung mãn tuệ quán và định niệm gắn liền. Có những đoạn tận các kiết sử, chấm dứt các tuỳ miên (phiền não), do dứt sạch dao động với các pháp khi tâm an trú, an tọa, định tĩnh và nhất tâm.[1]
Bàhiya là một vị thầy đoạn tận các kiết sử, chấm dứt các tuỳ miên, tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, do dứt sạch dao động với các pháp khi tâm an trú, an tọa, định tĩnh và nhất tâm nghe Đức Phật dạy ngắn gọn những lời kinh:
“Thế này, Bàhiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bàhiya.”
“Khi với ông, này Bàhiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bàhiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bàhiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bàhiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bàhiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bàhiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”
1. Câu chuyện Bàhiya
Một thời, Thế Tôn đang ngụ gần Savatthi, trong Vườn Jeta, ở tự viện của Anathapindika. Vào lúc đó, Bàhiya Áo Vỏ Cây đang ngụ trên bờ biển, ở Supparaka. Ông được thờ phượng, kính ngưỡng, ngợi ca, vinh danh, kính lễ và đầy đủ cúng dường.
Rồi, khi ông ở một mình, tâm niệm này chợt khởi, “Bây giờ, ta là một trong những người trên thế giới này đã chứng quả A-la-hán hay đã vào con đường A-la-hán?”
Rồi thì một vị trời, trong quá khứ từng là bạn đồng tu của Bàhiya, đọc được tâm niệm đó. Với lòng từ bi và muốn làm lợi ích cho ông, vị trời này tới nói với Bàhiya, “Ông Bàhiya. Ông không phải A-la-hán, mà cũng chưa vào con đường A-la-hán. Ông không theo pháp tu để có thể là một A-la-hán hay vào con đường A-la-hán.”
“Vậy thì trong thế giới này, kể cả chư thiên, ai là A-la-hán hay đã vào con đường A-la-hán?”
“Bàhiya, tại một quốc độ xa phía Bắc, có một thành phố tên là Savatthi. Nơi đó có Thế Tôn đang ngụ cư; Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Ngài thực sự là một A-la-hán và dạy Pháp dẫn tới quả A-la-hán.”
Rồi Bàhiya, xúc động thâm sâu bởi lời của vị thiên, rời ngay khỏi Supparaka. Trên suốt dặm trường, chỉ nghỉ có một đêm, ông đi thẳng tới Savatthi, nơi Đức Phật đang ngụ ở vườn Jeta, tại tự viện của Anathapindika. Vào lúc đó, nhiều vị Tỳ-kheo đang đi thiền hành ngoài trời.
Rồi Bàhiya Áo Vỏ Cây tới gần các Tỳ-kheo đó và nói, “Thưa quý ngài, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đang ở đâu? Chúng tôi muốn gặp Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.”
“Này Bàhiya, Thế Tôn đã vào giữa các nhà để khất thực.”
Bàhiya liền vội vã rời vườn Jeta. Vào Savatthi, ông thấy Thế Tôn đang đi khất thực trong Savatthi - hài lòng, khả ái, với các căn an tịnh và tâm an tịnh, đã chế ngự, đã thành tựu, đã tỉnh giác với các căn được phòng hộ. Thấy ngài, ông tới gần Thế Tôn, sụp xuống, đặt đầu lên bàn chân Đức Phật và nói, “Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài.”
Nghe như thế, Đức Phật nói với Bàhiya Áo Vỏ Cây, “Bây giờ không phải thời, Bàhiya. Chúng ta đã vào giữa các nhà để khất thực.”
Lần thứ nhì, Bàhiya nói với Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, nhưng khó để biết Thế Tôn sẽ còn sống bao lâu nữa, hay con sẽ còn sống bao lâu nữa. Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài.”
Lần thứ nhì, Đức Phật nói với ông, “Bây giờ không phải thời, Bàhiya. Chúng ta đã vào giữa các nhà để khất thực.”
Lần thứ ba, Bàhiya nói với Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, nhưng khó để biết Thế Tôn sẽ còn sống bao lâu nữa, hay con sẽ còn sống bao lâu nữa. Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài.”
“Thế này, Bàhiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bàhiya.”
“Khi với ông, này Bàhiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bàhiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bàhiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bàhiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bàhiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bàhiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”
Nghe xong bài pháp ngắn từ Đức Phật, tâm của Bàhiya Áo Vỏ Cây tức khắc được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Đức Phật cũng bước đi sau khi nói pháp xong.
Không bao lâu sau khi Đức Phật rời đi, một con bò cái có bầu húc vào Bàhiya Áo Vỏ Cây và giết chết ông. Rồi thì Đức Phật, đi khất thực tại Savatthi, thọ thực và trở về cùng với nhiều Tỳ-kheo, thấy rằng Bàhiya đã chết. Khi thấy ông, Đức Phật nói với các Tỳ-kheo, “Các thầy Tỳ-kheo, hãy mang thi hài Bàhiya, đặt lên cáng và mang đi, hỏa thiêu xác và xây tháp cho ông. Người đồng hành với quý ông trong thánh hạnh đã chết.”
Các Tỳ-kheo trả lời, “Xin vâng lời Đức Phật.”
Sau khi đặt thi hài của Bàhiya trên một cái cáng, mang đi, hỏa thiêu, và rồi xây một tháp cho ông, các thầy Tỳ-kheo tới gặp Đức Phật, quỳ lạy, và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống rồi, các thầy Tỳ-kheo bạch với Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, xác của Bàhiya đã được thiêu xong, tháp cũng đã được xây xong. Nơi đến của Bàhiya là gì? Kiếp tương lai của vị này là gì?”
“Các thầy Tỳ-kheo, Bàhiya Áo Vỏ Cây là một người trí tuệ. Ông đã hành trì đúng Pháp, và không quấy rầy ta với tranh cãi về Pháp. Các Tỳ-kheo, Bàhiya Áo Vỏ Cây đã nhập Niết-bàn tối hậu.”
Rồi thì, nhận ra ý nghĩa lớn lao của việc đó, Đức Phật nhân việc này đọc lên các lời cảm hứng sau:
Nơi mà đất, nước, gió, lửa không có chỗ đứng,
nơi đó các ngôi sao không chiếu sáng,
nơi không mặt trời thấy được,
nơi không mặt trăng xuất hiện,
Nhưng [là nơi] không hề có sự tối.
Và khi một vị hiền trí,
một vị Phạm hạnh với trí tuệ,
tự thân chứng được điều này,
thì vị này giải thóat khỏi tướng và vô tướng,
giải thóat khỏi hạnh phúc và khổ đau.[2]
2. Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy
“Thế này, Bàhiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bàhiya.”
“Khi với ông, này Bàhiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bàhiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bàhiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bàhiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bàhiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bàhiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”
Bàhiya tức khắc được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, sau khi nghe bài pháp ngắn (ở trên) của Đức Phật. Bàhiya đã tự thấy gì, đã tự chứng gì, mà không còn chấp thủ và giải thoát các lậu hoặc?
Bàhiya đã thấy trong cái thấy của mắt, trong cái nghe của tai, trong cái thọ tưởng của tâm và trong cái thức tri của thức, không có và hoàn toàn không có một cái gì là tôi, là của tôi ở đó. Cái thấy có là do con mắt và đối tượng của con mắt có. Cái nghe có là do lỗ tai và đối tượng của lỗ tai có. Cái thọ tưởng có là do tâm cảm thọ tưởng và đối tượng của tâm cảm thọ tưởng có. Cái thức tri có là do ý thức nhận thức và đối tượng của ý thức nhận thức có. Một dòng sông nhân quả nhân duyên vô ngã tính tự nhiên hợp, trụ, tan rồi hợp, trụ, tan. Không gọi tên được thật sự thấy là gì, nghe là gì, thọ tưởng là gì và thức tri là gì. Chỉ có thấy, nghe, thọ tưởng và thức tri.
Bàhiya đã chứng trong cái thấy, nghe, thọ tưởng và thức tri đó, cái ta, của ta hay cái được gọi là Bàhiya, đều không có. Không có ở với được, không có là với được; không có ở trong được, không có là trong được; ở nơi này, ở nơi kia hay ở chặng giữa đều không thể định vị. Một vị trí để có thể định vị tôi là hoàn toàn biến mất. Không tôi là, không định vị, nên không có chấp thủ. Không có chấp thủ nên không có khổ. Mọi dao động đối với thấy, nghe, thọ tưởng và thức tri biến mất. Các kiết sử được đoạn tận và các lậu hoặc tuỳ miên được chấm dứt. Bàhiya hoàn toàn giải thoát trong thấy, nghe, thọ tưởng và thức tri mà mình thấy, nghe, thọ tưởng và thức tri. Một trạng thái giải thoát của giải thoát cảm được trong vắng lặng có mặt. Trạng thái giải thoát của giải thoát đó được cảm như Huệ Năng [3] tự cảm sau mười ba thế kỷ khi nghe câu kinh: “Có tâm sinh khởi, nhưng không có chỗ trụ”.[4]
3. Con đường Bàhiya
Bàhiya đoạn tận khổ đau, giải thoát lậu hoặc, đoạn tận các tuỳ miên, không có chấp thủ, khi nghe lời pháp ngắn của Đức Phật, là một sự kiện tuyệt vời minh chứng cho một con đường có thể gọi tên là con đường Bàhiya, dành cho những tâm hồn như Bàhiya. Lục tổ Huệ Năng[5] là một trong những tâm hồn đó. Huệ Năng giác ngộ “xưa nay không có cái tôi nào, nên không có khổ đau nào có mặt cả”[6].
Con đường Bàhiya là một con đường đẹp. Mọi người có thể đi đến giải thoát trên con đường đó. Điểm lưu ý là Bàhiya là một du sĩ xả ly tuyệt vời. Người đã khước từ các dục, sống đời sống biết đủ với y phục vỏ cây và một ít vật thực vừa đủ. Người được dân chúng kính ngưỡng như một thánh nhân. Điểm đặc biệt, người có thể nghe tiếng chư thiên (có uy lực thiền định) và có tâm thành mãnh liệt hướng đến giải thoát tối hậu như một A-la-hán.
Khi Bàhiya đến gần Đức Phật, Người sụp xuống, đặt đầu lên bàn chân Đức Phật và nói: “Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài.”
Nghe như thế, Đức Phật nói với Bàhiya: “Bây giờ không phải thời, Bàhiya. Chúng ta đã vào giữa các nhà để khất thực.”
Nhưng Bàhiya vô cùng tha thiết và chân thành được học, dù biết không hợp thời. Bàhiya đã ba lần thỉnh cầu Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, nhưng khó để biết Thế Tôn sẽ còn sống bao lâu nữa, hay con sẽ còn sống bao lâu nữa. Bạch Thế Tôn, xin hãy dạy Pháp cho con. Bạch Thiện Thệ, xin hãy dạy Pháp cho con, để con được lợi ích và an lạc lâu dài.”
Một con người chân thành, thiết tha cầu pháp như thế, với sự hiểu biết rất rõ vô thường, làm sao không thể không đoạn tận kiết sử và chấm dứt tuỳ miên!
Con đường Bàhiya, một con đường đẹp có thể đi cho những ai đã có đủ một tâm an trú, an tọa, định tĩnh và chuyên nhất. Con đường mà Ananda nói một Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni đi qua nó, sẽ đi đến A-la-hán, đoạn tận các kiết sử, dứt hết các tuỳ miên.[7]
-----------
[1] Tăng Chi Bộ Kinh, Kinh Gắn Liền Cột Chặt (AN 4.170), Hoà thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
[2] Tiểu Bộ Kinh, Cảm Hứng Ngữ (Udana), Kinh Bàhiya.
[3] Tham khảo: Pháp Bảo Đàn Kinh (法寶壇經).
[4] 《金剛經》:“應無所住,而生其心”.
[5] 六祖惠能.
[6] 《法寶壇經》: “本來無一物, 何处惹塵埃”.
[7] Kinh Gắn Liền Cột Chặt (AN 4.170).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật dạy 5 điều thân kính với bà con
Lời Phật dạy 08:05 21/11/2024Mối quan hệ bà con cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Có một “tâm oán thù xem như hết thuốc chữa”
Lời Phật dạy 19:35 20/11/2024Nếu không tha thứ được cho nhau lúc cả hai còn sống thì khi kẻ thù mất đi phải buông bỏ niềm đau, khép lại hận thù. Kiếp này không hỷ xả, bao dung được với nhau thì kiếp sau xin đừng oán kết.
Giữ giới và định tâm pháp tu căn bản của Phật tử
Lời Phật dạy 16:00 19/11/2024Giữ năm giới là khó, giữ gìn một cách hoàn hảo càng khó hơn. Muốn giữ giới hoàn hảo, trước phải học và thông hiểu về mỗi giới cùng các điều kiện liên quan, nhất là biết rõ lợi ích to lớn nhờ giữ giới, hoan hỷ và an lạc trong sự bảo hộ của Thánh giới.
Oán gia không muốn kẻ thù có lợi lớn
Lời Phật dạy 18:00 18/11/2024Người có tâm oán thù thường không muốn kẻ thù của mình làm ăn tấn tới, chẳng vui khi kẻ thù thành đạt, ngược lại luôn mong cho kẻ thù phá sản, thất bại. Đây cũng là thói thường ở thế gian.
Xem thêm