Pháp sư là thiện thuyết
Pháp sư đa phần chỉ là tạm gọi, pháp sư đích thực phải là bậc thiện thuyết, khéo nói; nói ra sự thật ngũ uẩn giai không để người nghe tin hiểu mà buông bỏ, xả ly, không còn chấp thủ tự ngã.
Học pháp, hành pháp và thuyết pháp là nhiệm vụ quan trọng của hàng đệ tử Phật. Không chỉ hàng xuất gia mà các đệ tử tại gia cũng luôn thuyết giảng, chia sẻ và luận đàm giáo pháp.
Ai ai cũng thuyết pháp nhưng chỉ một số ít là pháp sư, bậc thầy thuyết giảng Phật pháp. Còn lại thì chia sẻ hiểu biết của riêng mình về giáo pháp mà thôi.
Giống như danh xưng thiền sư, bậc thầy dạy thiền nhưng phần lớn chỉ là giáo thọ của trường thiền mà thôi. Thiền sư đích thực trước cần sáng đạo, sau đó tìm phương tiện chỉ bày cho người sau “ngộ nhập tri kiến Phật”. Cũng vậy, pháp sư đa phần chỉ là tạm gọi, pháp sư đích thực phải là bậc thiện thuyết, khéo nói; nói ra sự thật ngũ uẩn giai không để người nghe tin hiểu mà buông bỏ, xả ly, không còn chấp thủ tự ngã.
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
- Như Thế Tôn nói pháp sư, vậy thế nào gọi là pháp sư?
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết những gì mà Như Lai đã nói về nghĩa pháp sư phải không?
Tỳ-kheo bạch Phật:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Nếu người nào đối với sắc mà nói pháp khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì đó gọi là pháp sư. Nếu người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói pháp khiến sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là pháp sư. Đó cũng gọi là những gì mà Như Lai đã nói về pháp sư.
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 1, kinh 26. Thiện thuyết pháp)
Phật dạy thuyết Pháp cho người phải có đủ năm đức

Vạn pháp bao la, muôn hình vạn trạng nhưng chung quy không ngoài ngũ uẩn. Phật pháp cũng vậy, mênh mông như trời biển, từ pháp thế gian cho đến xuất thế gian nhưng thâu về một mối là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Thiền minh sát, tinh túy của thiền học Nguyên thủy, nhằm thấy ra các pháp sinh diệt tương tục nên không bám víu, chẳng dính mắc. Cốt tủy của thiền học Đại thừa là nhận ra tự tánh không, sống với đương thể tức không, xả ly toàn triệt. Tuy nói khác nhau nhưng bản chất là một.
Chính tuệ giác này mới dẫn đến dứt nghiệp, thành tựu tâm và tuệ giải thoát. Phật, A-la-hán, thiền sư đều xuất phát từ đây. Pháp sư là bậc có thể giúp người nhận ra và thể nhập vào tuệ giác vô thượng này. Có nhiều cách để nhận ra sự thật vô ngã, đi từ ngoài vào hay từ trong ra, tùy duyên tùy nghiệp. Đức Phật lúc còn tại thế cũng tùy duyên thuyết pháp, tùy bệnh cho thuốc. Pháp gì hay thuốc gì là phương tiện, mục tiêu cuối cùng là lành bệnh, sáng mắt, hết mê.
“Lõi cây” của giáo pháp là thấy ra sự sinh diệt, vô thường, vô ngã của năm uẩn; của thân, tâm và thế giới. Thấy rõ ràng như thật sự nó đang là. Nhờ thấy rõ nên “yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh”, không còn chấp thủ vào năm uẩn. Ai chỉ cho người tin hiểu và sống với tuệ giác này thì chính là pháp sư. Thành ra, giảng sư hay giáo thọ thì chỉ cần giảng thuyết đúng kinh điển. Bậc pháp sư cũng thuyết giảng nhưng có khả năng giúp người nghe nhận ra sự trống rỗng của năm uẩn mà xả ly, buông bỏ hoàn toàn tham ái và chấp thủ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Pháp sư là thiện thuyết
Lời Phật dạy
Pháp sư đa phần chỉ là tạm gọi, pháp sư đích thực phải là bậc thiện thuyết, khéo nói; nói ra sự thật ngũ uẩn giai không để người nghe tin hiểu mà buông bỏ, xả ly, không còn chấp thủ tự ngã.

Tu ngay nơi nếm và ngửi
Lời Phật dạy
Muốn tu cái mũi và cái lưỡi thì hãy bắt đầu bằng tuệ giác về ẩm thực, nên ăn uống những gì cơ thể cần hơn là thọ dụng những gì mà chúng ta thích để tiết chế tâm tham đắm mùi vị.

“Thí mạng, thí sắc, thí an, thí sức, thí biện” theo lời Phật dạy
Lời Phật dạy
Sẻ chia, cho đi một phần mình đang có, là hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Nhờ cho đi, không cố nắm giữ mà thành tựu phước báo đủ đầy, an vui trong hiện tại và vị lai. Hạnh thí xả của người con Phật luôn bắt đầu từ nơi tâm, rồi từ đó thể hiện ra bằng sự buông bỏ trong các phương diện của đời sống hàng ngày.

Đủ duyên thì đắc pháp
Lời Phật dạy
Đến với đạo sớm hay muộn là nhân duyên, đi trước chưa chắc là sẽ đến trước và đi sau cũng chưa hẳn sẽ về sau. Một người phàm thì không biết được nhân duyên nên cẩn trọng, chớ xem thường người đi sau, kể cả người chưa vào đạo.
Xem thêm