Suy nghiệm lời Phật: Không dính mắc
Ai cũng biết câu ‘Có thực mới vực được đạo’. Muốn lạc nghiệp cần phải an cư, muốn tu hành thăng tiến thì những nhu cầu tối giản cho đời sống như bốn vật dụng (cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc men) phải tạm đủ.
Thọ dụng mà không dính mắc đối với người tu tưởng dễ mà thực ra không dễ chút nào. Bởi những tham ái phiền não ngủ ngầm bên trong sẽ chờ thời cơ trỗi dậy, chỉ cần một chút sơ suất mất chánh niệm thì tâm liền dính mắc.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Nay Ta sẽ nói: Có người như sư tử và có người như dê. Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ đó. Các Tỳ-kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo rằng:
Người kia tại sao mà giống sư tử? Ở đây, Tỳ-kheo! Có người được cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Người đó được rồi liền tự ăn uống, không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng, hoàn toàn không có niệm này, tự biết pháp xuất yếu. Cho dù không được lợi dưỡng, cũng không khởi loạn niệm, không có tâm tăng giảm. Ví như sư tử ăn thịt thú nhỏ. Bấy giờ vua loài thú ấy cũng không nghĩ rằng: ‘Cái này tốt, cái này chẳng tốt’, không có tâm dính mắc, cũng không dục ý, không khởi các tưởng. Người này cũng lại như thế. Nếu được cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men, trị bệnh, người này được rồi liền tự ăn uống, không khởi ý dính mắc; ví dù không được cũng không có các niệm.
Ví như có người nhân người cúng dường y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, được rồi liền ăn uống, khởi tâm dính mắc, sanh ý ái dục, không biết đạo xuất yếu. Giả sử không được, người ấy hằng sanh tưởng niệm này. Người ấy được cúng dường rồi, hướng về các Tỳ-kheo, mà tự cống cao hủy báng người khác: ‘Chỗ ta hay được y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Các Tỳ-kheo này không hay được’. Ví như có một con dê trong bầy dê lớn, ra khỏi bầy, đến đống phân lớn. Con dê này ăn phân no rồi trở về bầy dê, liền tự cống cao: ‘Nay ta được ăn ngon, các con dê này không hay được ăn’. Đây cũng như thế, nếu có một người được lợi dưỡng y phục, ẩm thực, giường nằm, thuốc men trị bệnh, khởi các loạn tưởng, sanh tâm dính mắc, người ấy liền hướng về các Tỳ-kheo mà tự cống cao: ‘Ta hay được cúng dường, các Tỳ-kheo này chẳng hay được cúng dường’. Thế nên, các Tỳ-kheo hãy học như vua sư tử, chớ như dê. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm20.Thiện tri thức,VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.340)
Trên bước đường tu, mỗi người có một phước báo khác nhau. Có người được tín thí cúng dường hậu hĩ, dư dật nhưng cũng có người kém duyên, ít phước, chỉ tạm đủ sống qua ngày. Dù dư dả hay thiếu thốn thì người tu cũng là những ‘kẻ ăn xin’ (khất sĩ) mà thôi. Trớ trêu là, hiện có không ít người tu có biểu hiện tự hào, thậm chí cống cao về phước báo hữu lậu; thành quả ‘ăn xin’ của chính mình. Nếu thọ dụng nhiều rồi ‘khởi tâm dính mắc, sanh ý ái dục, không biết đạo xuất yếu’ thì cũng nên suy ngẫm về ảnh dụ ‘có một con dê trong bầy dê lớn, ra khỏi bầy, đến đống phân lớn, con dê này ăn phân no rồi trở về bầy dê, liền tự cống cao: Nay ta được ăn ngon’ của Thế Tôn.
Dĩ nhiên khi chưa qua sông, ta rất cần chiếc bè. Cũng vậy, người tu cần thọ dụng để làm phương tiện tiến tu. Tuy nhiên cần thọ dụng trong tinh thần ‘không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng, hoàn toàn không có niệm này, tự biết pháp xuất yếu’. Người tu không chết vì sự thiếu hụt mà ngược lại thường bị ngộp trong sự đủ đầy. Thế nên, khi thọ dụng của cúng dường, người tu cần chánh niệm thẩm sát để luôn tự tại trong mọi hoàn cảnh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm