Ngày 05/09 là một ngày dường như im lặng tuyệt đối và trong lúc hầu Sư ông, chúng con chỉ thấy nơi ánh mắt của Sư ông vẫn chưa vơi được nét trầm tư kỳ lạ ấy và thường hay lắc đầu. Ngay vào buổi sáng này, Sư ông đã ra dấu đưa Sư ông về Thái Lan. Sư ông đã chỉ vào Sư cô Linh Nghiêm, một sư cô lớn người Thái Lan xuất gia tu học với Sư ông, rồi chỉ lên trời và chúng con biết là Sư ông muốn đi xa. Chúng con không chắc lắm nên Sư cô Linh Nghiêm xác nhận lại với Sư ông:
. Sư ông gật đầu và ra dấu phải tiến hành liền. Chúng con báo cho ban tiền trạm. Các sư anh, sư chị trong ban tiền trạm đ&at
Hơn 8 giờ sáng, thứ Hai, ngày 04/09/2017, ánh mặt trời thắp trong vắt trên các ngọn cây và thả từng vạt mỏng trên nền vườn chùa Tổ, Sư ông đã có gần hai giờ đồng hồ rong chơi quanh khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu, nơi đã gắn bó sâu sắc với những năm đầu tiên Sư ông xuất gia học đạo.
Đây, ngôi tháp cổ phủ rêu phong theo năm tháng, nơi bóng hình của Tổ khai sơn Tánh Thiên Nhất Định vẫn còn đó bài học hiếu đạo và công trình dựng tăng đã lưu xuất nhiều thế hệ xuất sĩ, nhiều bậc cao tăng tài đức.
Đây, con đường đất sỏi đi ngang Tàng Tháp, nơi những bức tường sạm màu ấy, Sư chú Phùng Xuân ngày xưa đã cùng với các huynh đệ khác gom lá thông nướng nấm, nướng măng.
Đây, trên con đường từ Tổ đình qua Ni xá Diệu Trạm, hồ Sao Hôm cuối hạ vẫn còn cho những đóa sen hồng tươi thắm. Nơi thư quán, Sư ông đã dừng lại ngắm nhìn từng tác phẩm của mình trên kệ sách, thăm coi phòng ở của các sư cô và nơi sinh hoạt có được thoải mái không.
Đây, khu Lăng viện nơi Sư chú Phùng Xuân đã từng ra nằm đọc sách trên nền mát rượi. Hôm nay, Sư ông đến thăm và dừng lại đọc rất nhiều tấm bia bằng chữ Hán trong Lăng viện.
Đây, cổng tam quan cổ kính, gần hồ bán nguyệt, nơi đã không biết bao nhiêu buổi chiều Sư chú Phùng Xuân ngồi nhổ cỏ và nghe tiếng tụng kinh công phu của chú Tâm Mãn từ đại hùng bảo điện vọng xuống. Trong khung cảnh mầu nhiệm ấy, Sư chú Phùng Xuân lắng tai nghe cho đến khi bóng tối phủ đầy mà vẫn chưa chịu bước xuống hồ rửa tay.
Đây, hồ bán nguyệt, nơi Sư chú Phùng Xuân đã từng mang những trái mít non tươi xuống gọt vỏ để cho dì Tư hay chính sư chú sẽ nấu một nồi canh mít thơm ngon với lá lốt. Hôm nay, Sư ông đã ngồi chơi rất lâu nơi những bậc cấp dẫn xuống hồ. Sư ông thưởng thức trà, ngắm nhìn hồ nước, ngắm nhìn cổng tam quan, nghe quý thầy quý sư cô và những phật tử cư sĩ hát thiền ca. Có lúc, Sư ông dạy tất cả mọi người ngưng hát, cùng im lặng để có mặt nơi thực tại mầu nhiệm trong phút giây huyền thoại này, phút giây thầy trò hiện hữu nơi chốn Tổ linh thiêng.
Quý thầy trong phiên thị giả cho biết rằng, lúc mười giờ tối và hai giờ khuya, Sư ông cũng đã đi dạo những nơi gần thất Lắng Nghe, ra thăm thiền đường Trăng Rằm, nơi có chân dung của Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, bậc cao tăng khai sơn Tổ đình. Sư ông muốn đi xuống Tổ đường nhưng đường dẫn xuống đã bị phá bỏ. Sư ông dạo quanh khuôn viên thiền đường Trăng Rằm và ngắm nhìn rất kỹ những cây cối trong vườn, ngắm nhìn cây vả đang cho rất nhiều trái bên hông thất Sư ông trong ánh trăng tháng Bảy.
Buổi chiều, Sư ông cũng ra ngoài dạo chơi, thăm giếng nước xưa, thăm đồi thông cổ, thăm lại những cây bùi già đã cho rất nhiều trái ngon. Từ nơi khoảng sân đất quen thuộc bên hông chính điện, Sư ông ra thăm tháp Bổn sư là Sư cố Thanh Quý Chân Thật. Sư ông đã đi thiền quanh tháp một vòng, dừng lại đọc bài kệ bằng chữ Hán in nơi bức tường thành, thật chậm rãi và kính cẩn, trước khi qua thăm tháp của Sư thúc Chí Mậu và về lại thất nghỉ ngơi. Nơi bốn trụ lớn trước tháp Sư thúc, lúc Sư ông dừng lại thăm, có những con chim bồ câu bay đến đậu rất yên bình.
Mỗi nơi Sư ông đi qua, chúng con cảm thấy Sư ông đã tiếp xúc rất sâu sắc với năng lượng thương yêu, bình an và có mặt. Chúng con cảm thấy chư vị Tổ sư qua các thời đại và hồn thiêng sông núi cùng có mặt trong khung cảnh mầu nhiệm này. Nghĩa tình, hiếu đạo, tha thứ và bao dung trọn vẹn nơi sự có mặt của Sư ông. Nhưng dường như trên khuôn mặt của Sư ông lộ rõ một ưu tư gì đó gợn nét buồn khó tả. Chẳng biết có phải vì Sư ông thấy không khí Tổ đình không còn sinh khí như xưa, nơi đã từng có trên một trăm người xuất gia tu học miên mật bên nhau. Chúng con, ban thị giả không thể thấu hiểu được hết cảm nhận, tâm sự, trăn trở của Sư ông và chỉ biết làm một việc thôi - việc thị giả.
Chúng con vẫn nghe lời Sư ông trong nắng gió, như là một lời hứa mà Sư ông vừa thực hiện: "Chừng nào các con về chùa Tổ, thầy sẽ đưa các con đi khắp các nẻo đồi núi, vườn tược, ngõ ngách, bụi tre, bờ giếng của chùa. Các con sẽ tập nhìn bằng mắt của Sư ông, bằng mắt của thầy, nghĩa là bằng mắt của chính các con. Góc nào cũng đầy những kỷ niệm. Ví dụ cái thành vôi ở ngôi mộ bên đồi Tàng Tháp. Ngày xưa chú Tâm Mãn và chú Phùng Xuân thường nướng những gốc măng cán giáo và những gói nấm tươi ở đấy.
Trước hết là những gốc măng cán giáo. Hai chú đi quơ lá thông dồn vào góc tường và đốt cho đến khi các gốc măng chín mềm. Thịt măng vàng tươi và thơm ngon lạ thường. Hai chú ăn măng nướng với tiêu muối đựng trong một chiếc lá vả. Còn nấm nữa. Đủ các loại nấm. Nấm thông, nấm mỡ, nấm mồng gà, nấm tràm, nấm mối... Hai chú xuống suối rửa nấm thật sạch trong lòng suối, xát nấm bằng muối, rửa sạch lại lần nữa, rồi mới bọc nấm, tiêu, muối vào nhiều lớp lá vả tươi, gói lại, dùng lá thông khô mà đốt. Khi nấm chín, các chú ăn với những lá rau thơm, rau húng, rau quế, rau tía tô... hái ở các vườn chùa. Tuổi thiếu niên rất thèm khát, thèm chơi, thèm nghịch ngợm, thèm riêng tư, thèm những gì không chính thức, thèm những gì hoang dại. Tình bạn thời niên thiếu, nhắc lại, vẫn còn thấy thèm mãi mãi.
...Trăng núi đồi Dương Xuân sáng quá.
Chú Phùng Xuân không thể không trở thành thi sĩ.
Nhưng thơ không phải chỉ là ánh trăng. Con cũng đã biết như thầy là chất liệu làm nên thi ca cũng là cảnh bùn lầy nước đọng, cũng là bão lửa giữa hư không, cũng là mái tranh nghèo chờ đợi ven sông, cũng là mái chèo của đoàn người cứu trợ, cũng là hiểm nguy xông pha, cũng là hoa vàng trúc tím và chân như bản thể". (Trích từ tác phẩm "Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời" - Sư ông Làng Mai)
Cũng ngay trong buổi chiều cùng ngày, sau khi đi dạo quanh chốn Tổ, Sư ông đã ra dấu đưa Sư ông rời Tổ đình. Sư ông đã dạo quanh hồ bán nguyệt một vòng và đúng vào lúc 15 giờ 40 phút, khi ánh mặt trời vẫn còn thắp sáng chốn cố đô, trải từng vạt mỏng nơi cổng tam quan Từ Hiếu, Sư ông quay lại đưa tay xá chào chốn Tổ. Hình ảnh Sư ông ra hiệu thị giả dừng lại, rồi hướng về cổng tam quan, xa xa là những nơi chốn ghi dấu bao kỷ niệm êm đềm trong cuộc đời Sư chú Phùng Xuân, Sư ông chắp tay, cúi đầu xá chào trước khi lên xe, đã in đậm trong lòng mỗi chúng con. Bản thân chúng con - thị giả bên cạnh Sư ông - cảm thấy rất bất ngờ trước quyết định đột ngột và dứt khoát của Sư ông. Chúng con đều ngơ ngác không hiểu lý do vì sao!
Ngày 05/09 là một ngày dường như im lặng tuyệt đối và trong lúc hầu Sư ông, chúng con chỉ thấy nơi ánh mắt của Sư ông vẫn chưa vơi được nét trầm tư kỳ lạ ấy và thường hay lắc đầu. Ngay vào buổi sáng này, Sư ông đã ra dấu đưa Sư ông về Thái Lan. Sư ông đã chỉ vào Sư cô Linh Nghiêm, một sư cô lớn người Thái Lan xuất gia tu học với Sư ông, rồi chỉ lên trời và chúng con biết là Sư ông muốn đi xa. Chúng con không chắc lắm nên Sư cô Linh Nghiêm xác nhận lại với Sư ông: "Bạch thầy, có phải thầy muốn về Thái Lan không?". Sư ông gật đầu và ra dấu phải tiến hành liền. Chúng con báo cho ban tiền trạm. Các sư anh, sư chị trong ban tiền trạm đã nhanh chóng sắp xếp công việc. Lại một lần nữa chúng con vô cùng bất ngờ và không hiểu được lý do vì sao!
Chiều tối, có Hòa thượng Giác Quang vào thăm, nắm tay Sư ông, chúng con đứng quanh, cảm nhận được tình thầy trò thâm sâu, hiểu nhau trong sự im lặng. Đây là những tri kỷ của Bụt, của Tổ. Hòa thượng Giác Quang đã có mặt rất sớm tại Diệu Trạm để chờ đón Sư ông trong ngày Sư ông trở về Từ Hiếu, chúng con thấy nơi bóng hình ấy chỉ có tình thầy trò, tình huynh đệ, không sợ hãi, không nghi kỵ, không đua tranh, không nhân danh bất kỳ một hệ phái tư tưởng nào.
Thầy Từ Hải và quý sư cô ở Diệu Trạm cũng có mặt hầu thăm Sư ông, dùng cơm tối chung với Sư ông và hát thiền ca. Thầy Từ Minh, thầy Từ Tế, thầy Minh Hy, thầy Pháp Nhiệm và các sư cô Diệu Trạm sáng hôm sau cũng có mặt thăm Sư ông.
Chiều 06/09, hai giờ, Sư ông chào tạm biệt đại chúng, chào tạm biệt gia đình chủ nhà và các thân hữu, lên xe ra sân bay. Sau khi làm các thủ tục, máy bay đã cất bánh khỏi đường băng sân bay quốc tế Đà Nẵng đúng 15 giờ 13 phút. 16 giờ 31 phút, máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Don Mueang, Bangkok. Sư ông về đến Tu viện Làng Mai Thái Lan vào lúc 19 giờ 50 phút với đông đảo hàng đệ tử xuất sĩ và cư sĩ cung đón.
Sáng hôm sau, Sư ông ngồi thưởng thức trà nơi hành lang thất Nhìn Xa và nhìn bốn chúng dùng cơm sáng quanh hồ trước thất với ánh nhìn tràn đầy yêu thương nhưng cũng không giấu được nét ưu tư còn đọng lại trong ánh mắt, có lẽ đó là ưu tư về vận mệnh của chùa tổ Từ Hiếu! Sức khỏe của Sư ông vẫn rất tốt sau chuyến đi dài.
Chuyến đi Việt Nam bắt đầu từ ngày 29/08 và kết thúc vào ngày 06/09, chín ngày được đi bên cạnh Sư ông, chúng con luôn cảm thấy nguồn năng lượng tuệ giác tổ tiên dân tộc và tổ tiên tâm linh có mặt bên cạnh Sư ông trong những quyết định và những lời dạy vô ngôn của người. Sư ông đã trở về lặng lẽ, đã ở lại Tổ đình Từ Hiếu không quá 24 giờ đồng hồ và đã rời Việt Nam trong sự bất ngờ của nhiều người, khiến cho chúng con nhớ một câu thơ trong truyện Kiều: "Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài". Chúng con xin trích bốn câu thơ của Sư ông Làng Mai:
"Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng"
Ban Thị giả kính ghi