Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 09/10/2017, 11:05 AM

Tài liệu tu học bậc Trì - cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại là lịch sử công cuộc chấn hưng Phật giáo đã ghi nhận công đức lớn lao của nhiều vị tôn túc danh tăng thạc đức nhiệt tình vì nước hết lòng cho đạo đồng thời cũng có nhiều vị cư sĩ tại gia tân tiến lỗi lạc đã đóng góp công sức rất to lớn phục vụ và hoằng dương chánh pháp. Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là một gương mặt sáng chói mà sự nghiệp hộ pháp của cư sĩ đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam bất diệt.

 
Một trong những thành tựu đặc sắc của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là đã đưa ra sáng kiến đầu tiên, thành lập ĐOÀN THANH NIÊN PHẬT HỌC ĐỨC DỤC (1940) là hạt nhân cho sự ra đời GIA ĐÌNH PHẬT TỬ sau này.

Trong số những người viết về tiểu sử của bác sĩ Lê Đình Thám, trước hết nên kể đến nhà văn Võ Đình Cường, vốn là một trong những đoàn viên xuất sắc của đoàn Phật học Đức dục được bác sĩ dẫn dắt đào luyện trong những ngày đầu thành lập đoàn, về sau trở thành một trong những người thành lập, phát triển GĐPT và đã giữ chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, trải qua nhiều năm đầy khó khăn sóng gió đối với GĐPT và hiện nay là Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, Trưởng ban Văn Hóa Trung Ương GHPG Việt Nam. Vậy nên trích ra đây bài viết “ Sơ lược tiểu sử tác giả Tâm Minh Lê Đình Thám” của cư sĩ Võ Đình Cường được in trong tập sách “ Phât học thường thức” của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám do Viện Nghiên cứu Phât học Việt Nam ấn hành vào năm 1991.

***
Bác sĩ Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.Bác sĩ là thứ nam của cụ Lê Đình (làm quan dưới triều Tự Đức với chức vụ Đông Các điện Đại học sĩ sung chức Binh bộ Thượng thư) và mẹ là cụ bà Phan Thị Hiệu (kế thất).

I. Đường đời: Thời thơ ấu, bác sĩ cùng anh là Lê Đình Dương (sau này là Đông Dương y sĩ) đã trực tiếp học chữ Hán với thân phụ. Cả hai anh em đều thông minh xuất chúng ngay từ thuở còn thơ. Lớn lên, bác sĩ còn được theo học tại các trường Pháp-Việt. Trong những năm còn là học sinh hay sinh viên, bác sĩ đã được cảm tình của thầy và bạn, luôn luôn giành được vị trí hàng đầu trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Bác sĩ tốt nghiệp Y sĩ Đông dương (thủ khoa) tại Hà Nội năm 1916 và đỗ Y khoa bác sĩ ngạch Pháp quốc tại Y khoa Đại học đường Hà Nội năm 1930. Bác sĩ ra trường (1916) đúng vào lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh là y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp bắt đày lên Buôn Mê Thuột và mất tại đó. Bác sĩ bị tình nghi và luôn luôn bị theo dõi. Trong thời gian này, bác sĩ được bổ nhiệm công tác tại các bệnh viện Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Hội An (từ năm 1916-1926). Chính trong thời gian này, bác sĩ nghiên cứu thêm về triết học Đông phương như Nho, Lão, Phật…

Năm 1926, trong lúc đang phụ trách y sĩ điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng nam), bác sĩ được tin cụ Phan Chu Trinh mất. Bác sĩ cùng những người yêu nước chống Pháp thời bấy giờ đã làm lễ truy điệu trọng thể và chịu tang nhà chí sĩ yêu nước. Thực dân Pháp thuyên chuyển bác sĩ ra Hà Tĩnh, và sau đó ít lâu, lại thuyên chuyển về Huế đảm trách Y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur. Ở đây, bác sĩ đã cộng tác với bác sĩ Normet (Giám đốc Y tế Trung kỳ) phát minh ra Se1rum Normet và mấy dược phẩm có giá trị khác. Trong thời gian này, bác sĩ lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế khoảng 12 Km, để học đạo với Hòa thượng trú trì ở đây là ngài Giác Tiên. Sau khi nhận chân được giáo lý cao thâm của đạo Phật, bác sĩ đã chuyển hướng đời mình: phát nguyên quy y Tam bảo, trường trai trong những ngày còn lại của đời mình, quyết tâm nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo để hoằng dương hóa độ sinh. Bác sĩ đã được Hòa thượng Giác Tiên làm lễ thọ Quy y Ngũ giới và đặt pháp danh là Tâm Minh.

II. Đường đạo: Năm 1926-1933, bác sĩ thọ giáo với Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp, Bình Định), nghiên cứu các bài giảng của ngài Thái Hư đại sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, bác sĩ đã đệ đạt ý kiến của mình lên quý Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết và được các Ngài chấp thuận. Từ đó, Hội An Nam Phật học ra đời, do các vị Tôn túc Hòa thượng và Cư sĩ tiên tiến đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công việc hoằng dương chánh pháp. Trụ sở đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm do bác sĩ làm Hội trưởng và các Tôn túc Hòa thượng nằm trong Ban Chứng minh và cố vấn cho Hội. Sau đó, Hội dời trụ sở về chùa Từ Đàm (mới xây dựng lại) và bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức mới do sáng kiến và công lao hàng đầu của bác sĩ.

-  Thuyết pháp thường kỳ cho tín đồ nghe tại chùa Từ Đàm và Từ Quang.

-  Mở trường đào tạo Tăng tài từ sơ đẳng đến cao đẳng Phật học.

- Thành lập các Tỉnh hội, Chi hội, Khuông hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương chánh pháp khắp tỉnh miền Trung.

-  Thành lập đoàn Thanh niên Phật học Đức dục, các Gia đình Phật hóa phổ.

-  Xuất bản tờ báo Phật giáo (Nguyệt san Viên Âm)

-  Xây dựng Đại Tòng lâm tại Kim Sơn (Huế)

Từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức Phật giáo và công cuộc đào tạo Tăng tài. Kết quả của những năm tháng mà bác sĩ đã đóng góp mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng tài đã nở rộ trong đó có một số hiện nay đang giữ những nhiệm vụ trọng yếu trong Giáo hội, một giới cư sĩ Phật tử thuần thành, có thực tu thực học, trợ thủ đắc lực cho giới Tăng già trong công cuộc hoằng dương chánh pháp.
 
III. Đời đạo hài hòa: Mùa thu năm 1946, theo tiếng gọi chống thực dân Pháp cứu nước, bác sĩ cùng gia đình rời khỏi Huế vào chiến khu tham gia kháng chiến đồng thời tiếp tục làm Phật sự tại địa phương (Liên Khu V). Sau khi công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, bác sĩ về thủ đô Hà Nội và được mời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình  Thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới, góp phần thắt chặc tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, gìn giữ hòa bình. Cũng trong thời gian này, bác sĩ được bầu làm Phó hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Ngoài những giờ làm việc cho xã hội, bác sĩ thường đến chùa Quán sứ để dịch kinh và giảng pháp cho Tăng Ni và Phật tử. Mặc dù lúc ấy đất nước ta đang bị chia cắt làm 2 miền Nam Bắc, bác sĩ vẫn vun vén mối quan hệ đạo tình giữa Phật giáo miền Nam và Phật giáo miền Bắc. Một bằng chứng cụ thể là trong Đại hội Phật giáo Thế giới, họp tại Ấn Độ năm 1957, bác sĩ đã vận động để cho hai phái đoàn Phật giáo miền Bắc và miền Nam nhập làm một phái đoàn Phật giáo Việt Nam và bầu Hòa thượng Huệ Quang làm trưởng đoàn.

Sau những năm tháng tận tụy phục vụ đắc lực cho đạo pháp và dân tộc, bác sĩ đã bình thản ra đi vào lúc 10 giờ sáng ngày 23-4-1969 (nhằm 07/3 ÂL) tại Hà Nội.

IV. Mấy cảm nghĩ của người chép tiểu sử về cuộc đời bác sĩ Tâm Minh Lê ĐìnhThám.

1/ Nguyên nhân gì đã đưa bác sĩ Lê Đình Thám đến với đạo Phật?

Trong các bài viết vể tiểu sử bác sĩ Lê Đình Thám, thường thấy có nói đến một chi tiết được xem như là một nguyên nhân chính đã thu hút bác sĩ Lê Đình Thám đến với đạo Phật, đó là bài kệ của Tổ Huệ Năng. Câu chuyện được kể như sau: ”Năm 1926, trong thời gian công tác tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam), một hôm đi viếng cảnh chùa Non Nước ( Đà Nẵng), bác sĩ tình cờ thấy trên vách chùa có ghi bài kệ của Tổ Huệ Năng (Bồ đề bổn vô thọ- Minh cảnh diệt phi đài- Bổn lai vô nhất vật- Hà xứ nhạ trần ai – 菩提本無樹. 明鏡亦非臺. 本來無一物. 何處有(匿)塵埃 Bồ-đề vốn chẳng cây, Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật, Nơi nào dính bụi trần?) Bài kệ đã đập mạnh vào tâm trí của bác sĩ, ghi mợt ấn tượng sâu sắc khó phai mờ. Hai năm sau (1928), khi được thuyên chuyển về làm y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur tại Huế, nhân một hôm đi tham quan chùa Trúc Lâm, bác sĩ đã yết kiến Hòa thượng Giác Tiên và được Hòa thượng khai ngộ cho về ý nghĩa thâm sâu của bài kệ. Từ đó, bác sĩ phát tâm bồ đề, xin quy y Tam bảo và nhận Hòa thượng Giác Tiên làm bổn sư”.

Chúng tôi không phủ nhận ý nghĩa thâm sâu của bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng, cũng không phủ nhận cái ảnh hưởng có mức độ của bài kệ trong tâm hồn của bác sĩ. Nhưng cho rằng bài kệ là nguyên nhân chính thúc đẩy bác sĩ đến với đạo Phật thì thật là quá đáng. Chúng ta thử đặt một giả thiết ngược lại: nếu không tình cờ đọc được bài kệ ấy trên vách chùa Non Nước, nếu không may gặp được Hòa thượng Giác Tiên giải thích cho bác sĩ hiểu được ý nghĩa thâm sâu của bài kệ ấy thì bác sĩ sẽ không đến với Phật để trở thành một trụ cột chính của phong trào chấn hưng Phật giáo của miền Trung, và đồng thời của cả nước không? Chắc chắn một giả thiết như vậy không thể đứng vững được. Chúng tôi có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng, dù có hay không có bài kệ của Tổ Huệ Năng, con đường tất yếu mà bác sĩ phải chọn để đi là con đường đến với đạo Phật. Và, để có được sự khẳng định này, chúng tôi đã căn cứ trên nhiều yếu tố cụ thể bản thân và gia đình của bác sĩ, hoàn cảnh xã hội và giai đoạn lịch sử của đất nước lúc bấy giờ.

Đọc tiểu sử của bác sĩ, chúng ta nhận thấy bác sĩ đã hưởng được nhiều thuận lợi, may mắn trong đời mà ít người có được: một dung mạo khôi ngô dễ mến, một học vấn quán xuyến cả cả Đông và Tây phương, một địa vị trí thức hàng đầu trong nền trật tự xã hội mới. Nhưng bên cạnh những thuận lợi quí báu ấy, những khó khăn trở ngại mà bác sĩ đương đầu không phải là ít: một thân sinh làm đến chức Thượng thư nhưng đã treo ấn từ quan, nghĩa là đang “có vấn đề” với triều đình, một người anh ruột bị bắt và chết trong ngục thất vì chống đối chế độ thực dân Pháp, một tài năng xuất chúng nhưng không được trọng dụng vì thực dân nghi ngờ, một lòng yêu nước nồng nàn nhưng phải sống trong cảnh cá chậu chim lồng. Và đây chính là nỗi đau đớn nhất, niềm trăn trở nhức nhối nhất của bác sĩ. Làm cách nào góp sức cởi cái ách thực dân quá lớn đang đè nặng trên đầu dân tộc? các cuộc khởi nghĩa vũ trang của những người đi trước đã bị tiêu diệt, các phong trào yêu nước Cần Vương, văn Thân, Đông Du đã theo nhau tan rã, nền cai trị của thực dân mỗi ngày mỗi củng cố, triều đình Huế chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của uy quyền quốc gia.

Chúng ta có thể hình dung được những ngày chán chường, bác sĩ phải kéo lê cuộc đời tẻ nhạt của mình như mợt cuộc lưu đày, sau khi ra trường, qua 7 tỉnh miền Trung, từ Bình Thuận đến Hà Tĩnh, và khi từ Hà Tĩnh thuyên chuyển về Huế, thực dân thôi “săn sóc” bác sĩ và cuộc lưu đày 10 năm chấm dứt chăng? Chưa đâu! Đây chỉ là một sự thay đổi chiến thuật: Thực dân không muốn để cho bác sĩ ở lâu tại Hà Tĩnh – một tỉnh nghèo nhất nước, nhưng cũng sản sinh ra nhiều chí sĩ cách mạng nhất nước – là vì sợ bác sĩ “nhiễm” nặng thêm cái tinh thần yêu nước chống ngoại xâm nên đưa bác sĩ về Huế - nơi cũng sản sinh không ít những nhà chí sĩ yêu nước thương nòi, nhưng cũng không ít những “thương nữ bất tri vong quốc hận”, đêm đêm trên dòng sông Hương “nước chảy lờ đờ” cất lên những giọng ca ai oán sầu bi làm nhụt chí nam nhi! Trong những năm đầu về Huế, vị bác sĩ kính mến của chúng ta có lẽ cũng có lúc bị mê hoặc bởi tiếng đàn ca réo rắt, ai oán ấy. 
 
Nhưng rồi một buổi sáng chủ nhật, bác sĩ đã rời dòng sông Hương đi về phía núi Ngự, tìm đến những ngôi chùa cổ rêu phong để học đạo, rồi sau đó đã xin thọ tam quy, ngũ giới với những vị cao tăng thạc đức. Chúng ta có thể hình dung được tiếng cười khoái trá của viên Chánh sở Mật thám Sogny khi được nhân viên báo cáo sự kiện này. Ông ta sẽ nói gì trước một tin bất ngờ như vậy? Có thể là một câu nói tương tợ như thế này với cái giọng Việt Nam lơ lớ: ”Đi tu? Rời bỏ tiếng đàn tiếng hát trên sông Hương để đi theo tiếng chuông mõ sau núi Ngự? Tốt thôi, cứ để cho anh ta tự do đi chùa!”. Đối với viên mật thám vô cùng quỷ quyệt này, bác sĩ lúc bấy giờ là một “anh hùng đã thấm mệt” – nói nôm na là “ hết xài”. Nhưng đối với bác sĩ, đây là giai đoạn khởi đầu của một cuộc đời có ý nghiã. Bác sĩ đến với Phật giáo không phải là để tìm sự thảnh thơi mà chính là để thực hiện tấm lòng yêu nước thiết tha của mình, bằng cách trở về nguồn, tìm lại những tinh hoa của nền văn hóa truyền thống dân tộc, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật, đạo của Từ bi và Trí tuệ, Bình đẳng và Vị tha… Qua cái nhìn chính xác và sâu sắc của bác sĩ, đạo Phật có một giá trị nhân bản và một  tiềm năng rất lớn, nếu biết khai thác và cải cách cho thích hợp với thời đại mới thì sẽ cống hiến cho đời nhiều chất liệu quý báu để xây dựng người và xã hội tốt đẹp. Nắm vững chủ trương đúng đắn ấy, bác sĩ đã tập họp và huy động được những đồng tâm đồng chí trong giới Tăng ni và cư sĩ Phật tử có tâm huyết bắt tay vào phong trào Chấn hưng Phật giáo. Và từ đó, đạo Phật Việt Nam đã có một sắc thái mới mẻ, trong sáng hơn.

2/ Những yếu tố gì trong con người của bác sĩ Lê Đình Thám đã đưa bác sĩ thành công trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo?

Có một lý tưởng cao đẹp đã là khó, thực hiện thành công lý tưởng cao đẹp ấy lại còn khó hơn. Hai cái khó ấy, bác sĩ đã vượt qua không mấy khó khăn. Trước tiên là nhờ trí tuệ thông minh vô cùng nhạy bén của bác sĩ. Thứ đến là nhờ có một học vấn sâu rộng vững chắc quán xuyến cả Đông Tây (trình bày ở phần trên), cộng thêm đức tính say mê tìm tòi, hiểu biết về mọi lãnh vực: khoa học, triết học, văn chương, nghệ thuật … Một sự trùng hợp ngộ nghĩnh, không mà như có chuẩn bị trước. Đức Phật thường dạy đệ tử cần phải trau giồi Ngũ minh để giúp đời: Nội minh (tinh thông giáo lý nội điển), Nhân minh (thinh thông phương pháp biện luận),Thanh minh (tinh thông ngôn ngữ), Y phương  minh (tinh thông y lý để chữa bệnh), Công xảo minh (tinh thông nghề nghiệp). Trong năm cái Minh này, bác sĩ có đủ cả năm và sử dụng một cách thành thạo xuất sắc đạt hiệu quả cao, không ai sánh kịp.

Nhưng nếu chỉ có trí tuệ và tài năng, thông minh và kiến thức thì chưa đủ để trở thành một nhà lãnh đạo lớn nói chung, và của Phật giáo nói riêng. Ở bác sĩ, có một đức tính quý báu nhất, đã đưa bác sĩ đến thành công, là sự quên mình vì công việc chung. Khi bắt tay vào một việc gì, bác sĩ tận tụy hết mình, không quản khó khăn mệt nhọc, không tiếc sức khỏe, thời gian, tiền bạc, chỉ mong sao cho công việc được viên thành. Vì không thấy có mình, nên bác sĩ đã dễ dàng hòa mình với mọi người, mọi giới, mọi đoàn thể, mọi tổ chức. Vì không thấy có mình nên bác sĩ đã dễ dàng thông cảm, hiểu thấu tâm tư nguyện vọng, sở trường sở đoản của người khác và từ sự hiểu biết đó, dành cho họ một chỗ đứng thích nghi, một công tác thích hợp với khả năng của mỗi người, mỗi giới trong cái công trường rộng lớn của xã hội.

Chúng ta không thể không ngạc nhiên và vô cùng thán phục bác sĩ, khi thấy bác sĩ đã động viên được không những giới đồng liêu Tân học, mà cả giới cựu học thâm Nho, không những giới Cư sĩ mà cả giới Tăng già, từ các bậc đại lão Hòa thượng đến các cháu Thanh Thiếu Đồng niên, mọi người hăng hái tham gia vào phong trào Chấn hưng Phật giáo. Nơi bác sĩ đã có một sức hút rất lớn, đã tập họp được các giới đồng bào đến với Phật giáo, là do bác sĩ đã thể hiện được đức tính Vô ngã, Vị tha.

Cuộc đời bác sĩ Lê Đình Thám là một tấm gương sáng cho Phật tử chúng ta cùng soi gương.

Cư sĩ Võ Đình Cường
PL. 2535 (28/05/1991)

*Để tưởng nhớ công đức to lớn và nhân cách cao quý của vị Cư sĩ Hộ pháp bậc nhất, hàng năm vào ngày 22/4, Hội đồng Trị sự GHPGVN, các Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội (Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế) đều tổ chức Lễ kỷ niệm ngày mất của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.

Câu hỏi:
1- Nói vắn tắt thân thế và đường đời của bác sĩ Lê Đình Thám.
2- Nói tóm lược sự nghiệp hộ trì hoằng dương chánh pháp của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
3- Theo anh (chị) thì động lực nào thúc đẩy bác sĩ Lê Đình Thám đến với đạo Phật?
4- Yếu tố nào ở con người bác sĩ Lê Đình Thám đã đưa bác sĩ đến thành công trong cuộc Chấn hưng Phật giáo?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Xem thêm