Tại sao cùng trải qua 81 kiếp nạn nhưng Sa Tăng và Trư Bát Giới không trở thành Phật như Tôn Ngộ Không?
Trong Tây Du Ký, từng ngông cuồng đòi làm Ngọc Hoàng cai quản tam giới, xuống Địa phủ xóa sổ sinh tử, nhưng lý do tại sao chỉ Tôn Ngộ Không có thể đắc đạo thành Phật trong khi Sa Ngộ Tĩnh và Trư Bát Giới đều chỉ dừng lại ở chức vị La Hán và Sứ giả?
Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không hiện lên như một kẻ bất trị, đại náo long cung thủy tề, phá hội Bàn Đào, quậy phá tam giới, thực không coi ai ra gì. Nhưng khỉ đá Mỹ Hầu Vương thực sự là một kẻ khát khao tìm Đạo, có một trái tim hồn hậu và kiên cường. Đến được nơi cần đến là núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh, Mỹ Hầu Vương đã bái kiến Bồ Đề tổ sư làm thầy.
Khi Bồ Đề Tổ Sư hỏi "Nhà ngươi tên gì?", Thạch Hầu nhanh miệng trả lời ”Con không có danh tính. Nếu người khác chửi con, con không thấy phiền não; nếu người khác đánh con, con cũng không tức giận; chỉ là lấy lễ đáp lại là được. Một đời không có tên". Phát hiện được căn cơ của Thạch Hầu, Bồ Đề tổ sư đã truyền dạy đạo pháp trường sinh cùng 72 phép biến hóa, còn gọi là Thất thập nhị huyền công - Địa Sát.
Do sớm ngộ lẽ vô thường, tầm sư học Đạo, trở thành một Thái Ất kim tiên. Được Thượng Đế sắc phong làm Tề Thiên Đại Thánh, ngao du khắp chân trời góc biển, hưởng phúc lành cõi thần tiên. Chỉ vì sinh lòng ngông ngạo, Tôn Ngộ Không đã đại náo thiên cung, bị Phật Tổ phạt giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm, "đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng". Sau gặp Đường Tăng nguyện ý từ bỏ dục vọng thành tâm đi theo con đường Phật pháp.
Chỉ có Tôn Ngộ Không đắc quả vị Phật
Từng chấp niệm, đại phá thiên đình, đại khai sát giới, ngông cuồng đòi làm Ngọc Hoàng cai quản tam giới, xuống Địa phủ xóa sổ sinh tử, nhưng đến cuối cùng chỉ có duy nhất Ngộ Không đắc đạo thành Phật trong khi Sa Ngộ Tĩnh và Trư Bát Giới đều chỉ dừng lại ở chức vị La Hán và Sứ giả? Ấy là vì Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh còn có rất nhiều khuyết điểm cũng như tâm chấp trước, trong khi cảnh giới tu hành của Tôn Ngộ Không lại vượt rất xa hai vị sư đệ của mình, cơ bản đã đạt đến cảnh giới cần có để trở thành một vị Phật.
Căn cơ cao đến đâu thì yêu cầu đối với tu luyện cũng cao đến đó. Khi đặt tên cho Ngộ Không, Bồ Đề tổ sư đã xuất phát từ chữ "Tôn" trong "Hồ Tôn" nghĩa là khỉ. "Không" là cảnh giới cao nhất để đạt đến viên mãn, đắc đạo, là hoàn toàn vô niệm. Chỉ khi đạt đến trạng thái "Không" này, người tu luyện mới có thể thực sự trở về với chân ngã và bản nguyên cao quý của chính mình.
Căn cơ phi phàm là thế, nên ngay từ khi vừa mới bước chân vào tu luyện, Ngộ Không đã có thể hiển tài năng hiếm có, đạt đến một tầng thứ rất cao, có thể làm náo động thiên cung mà không một vị thần tiên nào thu phục được.
Trải qua 80 kiếp nạn, Tôn Ngộ Không đã vượt lẽ thường để đạt đến từ bi
Trong chuyến hành trình đi tìm chân kinh, duy chỉ có Ngộ Không thật sự từ bỏ ma tâm để sống với thiện tâm, một lòng học Đạo, phò tá sư phụ Đường Tăng, trừ gian diệt ác, lấy lại lẽ phải, công bằng. Ở chương Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Ngộ Không đã vượt qua lẽ thường con người để đạt đến cảnh giới siêu thường của bậc Giác Giả. Đó là từ bi.
Trước đó, Đường Tăng vì vẫn còn cái tình nên mới bị tình dẫn động, đến mức mê muội, hồ đồ, 3 lần đều bị Bạch Cốt Tinh lừa gạt. Tin người ngoài nhưng Tam Tạng lại không mở lòng với đệ tử của mình. Khi kiên quyết đuổi Ngộ Không, Tam Tạng lạnh lùng sắt đá nhất quyết ruồng rẫy.
Ngộ Không tuyệt nhiên không thay lòng đổi dạ, luôn canh cánh trong lòng rằng: "Quên ơn chẳng phải là quân tử, ơn nghĩa sư phụ bao giờ mới có thể đáp đền? Gặp nơi ma thiêng nước độc, ta đi rồi, ai sẽ bảo vệ sư phụ, ai sẽ diệt quái trừ yêu?". Tôn Ngộ Không đã đạt được đến cảnh giới cao nhất của kẻ tầm Đạo. Chịu nỗi hàm oan nhưng không uất hận, mà chỉ lo nghĩ cho thầy, cũng không oán trách, không tủi phận mình, mà chỉ e "giữa đường dang dở, công quả chẳng thành".
Tâm tư ấy của Ngộ Không so với Đường Tăng đã cách nhau một ý niệm. Thật khó để diễn tả nỗi lòng của Ngộ Không, mênh mang, sâu thẳm, có bi mà không luỵ, có sầu mà không thảm, có cúi đầu mà không hạ thấp bản thân mình.
Trên suốt chặng đường lấy kinh, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới mâu thuẫn không ít, có thể nói là ngày nào cũng đấu khẩu với nhau. Nhưng Ngộ Không luôn nhảy khỏi cái khung ích kỷ hẹp hòi mà quan tâm giúp đỡ sư đệ, đủ để thấy được sự trưởng thành của Mỹ Hầu Vương năm nào. Nỗi buồn đã nâng Tôn Hành Giả lên một cảnh giới vô cùng thánh khiết, thanh cao, đó là từ bi - cảnh giới cao nhất của bậc tu hành, điều mà Trư Bát Giới và Sa Ngộ Tĩnh chưa làm được.
Đến kiếp nạn cuối cùng, chỉ Tôn Ngộ Không đủ bản lĩnh bước lên cầu độc mộc
Sau khi trải qua 80 kiếp nạn đến kiếp nạn cuối cùng, Tôn Hành Giả cùng hai sư đệ và Đường Tăng lên đỉnh núi Linh Sơn bái kiến Phật Tổ. Khi đến bến Lăng Vân, bến nước trắng xóa một dòng nước xiết cuồn cuộn, sóng vỗ tung trời, rộng tới 89 dặm, chung quanh không có lấy một bóng người và chỉ nguyên có 1 cây cầu độc mộc không đặt vừa bàn chân. Nhìn cảnh dữ, Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng ba người lo lắng, chần chừ.
Duy chỉ có Tôn Ngộ Không không quản ngại thử thách, khuyên sư phụ sư đệ mạnh dạn bước lên cầu đi về phía trước và nhất quyết không sử dụng thuật cân đẩu vân. Thấy Bát Giới rụt rè không dám bước lên, Tôn Ngộ Không bước lên trước, ôn tồn nói: "Phải bước qua cầu mới thành chính quả".
Thầy trò đi qua bến Lăng Vân, Đường Tăng thoát khỏi phàm thai, quỳ lạy cảm tạ ba đồ đệ đã bảo vệ che chở suốt dọc đường. Tôn Ngộ Không lúc này không còn cao ngạo cuồng vọng như trước nữa, Ngộ Không đã khiêm tốn và tôn kính, y đỡ thầy dậy nói rằng: "Chúng con nhờ sư phụ được giải thoát, mượn đường lối tu hành, may thành chính quả. Còn sư phụ nhờ chúng con hộ vệ mà giữ giáo Già Lam, thoát khỏi thai phàm". Cuồng vọng qua đi, Ngộ Không dần bước đến cảnh giới cao của tu Đạo.
Căn cơ, tâm tính, ngộ tính đều tập trung trong một Tề Thiên Đại Thánh từng bất trị. Tu thành chính quả, trên núi Linh Sơn, Đức Như Lai đã tấn phong: "Tôn Ngộ Không, nhà ngươi phò Đường Tăng dọc đường trừ ma diệt ác có công, sau trước vẹn tròn, gia phong người chức Đấu chiến thắng Phật". Tôn Ngộ Không trở thành con người tu Đạo đúng nghĩa, khiêm nhường, khoan dung, hành thiện tích đức.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm