Tại sao phải tụng kinh và tụng kinh như thế nào?
Tụng kinh có thể chia ra làm nhiều hình thức, từ đơn giản cho đến cầu kỳ. Đơn giản thì người hành trì chỉ cần đọc lên bài kinh Phật đó, dù là đọc thầm hay đọc lớn tiếng lên đều được, tất nhiên đọc lớn tiếng thì mệt hơn, bù lại, sẽ đạt được nhiều công năng vi diệu.
Tụng đọc kinh điển, hay gọi đơn giản là tụng kinh, là một pháp môn căn bản trong Phật Pháp, được duy trì từ thời Đức Phật cho đến tận hiện nay, dù theo tông phái nào, Nam Tông hay Bắc Tông, Tịnh Độ Tông hay Thiền Tông, Mật Tông…thì Tăng Ni tu sĩ và cư sĩ cũng đều thường xuyên hành trì, chỉ khác nhau ở phần chọn kinh nào để tụng đọc mà thôi.
Định nghĩa một cách đơn giản, tụng kinh là đọc lại lời Phật dạy trong kinh điển Phật thuyết.
Đôi khi trong đạo Phật có một vài kinh không phải do Phật thuyết, mà do các đệ tử đời sau thuyết, xong cũng đã ghi rõ tác giả ( như kinh Na Tiên Tỳ Kheo do Ngài Na Tiên thuyết, kinh Pháp Bảo Đàn do Ngài Lục Tổ Huệ Năng thuyết, Lương Hoàng Sám do Ngài Chí Công soạn, Từ Bi Thủy Sám do Ngộ Đạt Quốc Sư soạn…). Còn lại cơ bản kinh Phật đều là Đức Phật thuyết.
Tụng kinh có thể chia ra làm nhiều hình thức, từ đơn giản cho đến cầu kỳ. Đơn giản thì người hành trì chỉ cần đọc lên bài kinh Phật đó, dù là đọc thầm hay đọc lớn tiếng lên đều được, tất nhiên đọc lớn tiếng thì mệt hơn, bù lại, sẽ đạt được nhiều công năng vi diệu.
Cao cấp hơn, để việc tụng kinh trở nên linh thiêng, trang trọng, chuyên nghiệp hơn thì người hành trì có thể thêm vào việc đánh chuông, gõ mõ, đốt hương, đốt trầm, mặc pháp phục trang nghiêm, ngân xướng lời kinh theo một giai điệu cầu kỳ, lễ lạy v.v…Những việc này là phần thêm vào, có thì càng tốt, xong không phải là bắt buộc phải có. Trong nhiều trường hợp, việc cứng ngắc bám chấp vào những phần thêm vào này khiến người hành trì cảm thấy ái ngại, gây cản trở cho việc tụng kinh.
Tụng kinh có công năng như thế nào mà đệ tử Phật lại thường xuyên đọc tụng như vậy?
Công năng căn bản và hiển nhiên nhất, đó là tụng kinh để biết Đức Phật đã dạy những gì, tạo nên một nền tảng kiến thức vững vàng (Chánh kiến). Dựa vào đó, chuyển sang bước tiếp theo là tự mình tư duy, suy xét mọi việc (Chánh tư duy) rồi thực hành theo lời Phật dạy (Chánh Ngữ, Chánh nghiệp…). Không tụng đọc kinh điển, đệ tử Phật đời sau không thể biết tu tập như thế nào.
Vì kinh Phật thường rất cô đọng, ý nghĩa thâm thúy, sâu xa, nhiều chỗ cao siêu khó hiểu, nên đệ tử Phật thường phải đọc đi đọc lại nhiều lần năm này qua tháng khác, thậm chí có người học thuộc lòng một số bài kinh. Nhờ quá trình đó, người đệ tử Phật ngày càng thấm nhuần một cách sâu sắc thâm ý trong kinh điển.
Cụ thể hơn, quá trình ấy diễn ra như sau:
Tư tưởng của mỗi người được hình thành thông qua các bước: Tiếp xúc với vô số thông tin khác nhau tràn ngập trong cuộc sống, gạn lọc thông tin để tích lũy kiến thức, phân tích, nghiền ngẫm kiến thức để hình thành tư tưởng, dựa vào tư tưởng để ra quyết định hành động.
Người tụng kinh thường xuyên chính là đang tiếp xúc với nguồn thông tin quý giá của một bậc Thánh nhân trí tuệ, thông qua từng bước tiếp theo, là tích lũy kiến thức, phân tích, nghiền ngẫm giáo lý, hình thành tư tưởng và cuối cùng, người đó với một tư tưởng thấm nhuần những triết lý thâm sâu và thánh thiện từ lời Phật dạy. Từ đó, người tụng kinh sẽ thường đưa ra những quyết định sáng suốt, thiện lành. Mà đã hay làm những việc thiện lành, thì đương nhiên sẽ có được nhiều phước báo. Cứ tiếp tục như thế, lặp đi lặp lại quá trình trên, người ấy sẽ huân tập thành những thói quen mới vững chắc dần qua thời gian nhiều kiếp.
Lưu ý, quá trình chuyển hóa thân tâm thông qua việc tụng kinh này diễn ra một cách hết sức chậm rãi. Con người ta không phải chỉ cần "biết đúng" là lập tức có thể "hành động đúng", vì hành động còn do bản năng, ham muốn, dục vọng trong mỗi người chi phối. "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Bạn đừng quá kỳ vọng chuyện thay đổi tâm tính trong chỉ vài năm vài tháng, mà cần sẵn sàng chờ đợi một thời gian dài, có thể lên đến nhiều kiếp.
Qua phân tích trên, ta thấy được giá trị cốt yếu quan trọng nhất của việc đọc tụng kinh điển, chính là để hiểu rõ lời Phật dạy, làm nền tảng để sau này thực hành theo. Xong đó mới chỉ là xét trên tiến trình tâm lý, pháp môn tụng kinh không đơn giản chỉ có thế.
Xét trên tiến trình vận hành của luật Nhân quả, thì việc tụng kinh giống như gieo những hạt giống bồ đề vào trong kho tàng phước báu của mình. Những kiếp sau, hạt giống ấy sẽ nảy mầm thành vô số những duyên lành với Phật Pháp, ngay cả với người tụng kinh nhưng chưa hiểu nghĩa, vẫn sẽ có những lợi ích sau:
1. Hiện tại chưa hiểu, nhưng nhờ có đọc kinh nhiều, nên đến một lúc gặp cơ duyên phù hợp, nhớ lại lời kinh mà hiểu ra và thấm thía.
2. Người ấy sẽ luôn gặp được những cơ duyên học hỏi giáo lý, thân cận các bậc thiện tri thức, sẽ tái sinh cùng thời và được gặp các Đức Phật tương lai để học đạo. Nhờ những duyên lành ấy, dần dần người ấy sẽ tu học đạt được những đạo quả trong Phật Pháp.
3. Trí tuệ từng bước khai mở, hiểu được những giáo nghĩa sâu xa mà trước kia không thể hiểu được, thâm nhập được vào những cảnh giới trước kia không thể với tới được.
4. Khi một người tụng kinh, trong vô hình thường có nhiều vong hồn, những chúng sinh thuộc cảnh giới quỷ thần, thậm chí là cả chư thiên đến nghe kinh. Khác với con người bị giới hạn bởi thân xác vật lý nặng nề, những chúng sinh trong vô hình rất nhạy cảm với uy lực của kinh Phật, họ cảm nhận rõ rệt lợi ích vi diệu của lời kinh, chỉ cần cung kính lắng nghe ai đó tụng kinh Phật, họ cũng được chuyển hóa ngay lập tức. Còn nếu thường xuyên nghe nhiều, họ sẽ được siêu thăng lên những cảnh giới cao hơn. Thế nên người tụng kinh sẽ có thêm vô số phước lành nhờ việc giúp những chúng sinh trong vô hình được siêu thăng.
Và còn rất nhiều công đức vi diệu khác mà một phàm phu mắt thịt không thể thấy hết, phải đến trí tuệ của Đức Phật và các Đại Bồ Tát mới hiểu được. Thế nên chỉ đành giới thiệu sơ lược vài điểm như vậy.
Cách thức thực hành tụng kinh:
Đầu tiên là chọn kinh gì để tụng. Khi xưa Đức Phật thuyết pháp, Ngài đều quan sát đối tượng lắng nghe là ai, có trình độ, căn cơ, tâm tư như thế nào mà thuyết giảng nội dung cho phù hợp, sao cho người đang nghe được lợi ích cao nhất. Người trình độ cao nghe giảng những nghĩa lý rất cao siêu thì tràn đầy hứng thú, trái lại, người trình độ thấp nghe những lời ấy thì mơ màng, hoang mang vì nghe không hiểu. Ngược lại, người trình độ nhập môn nghe những giáo lý cơ bản thì thấy thích thú, nhưng người trình độ cao thì lại thấy chán…
Thế nên Đức Phật đã thuyết giảng ra rất nhiều kinh điển, độ sâu cạn, cao thấp khác xa nhau. Điều đáng tiếc là giờ đây không còn Đức Phật hiện tiền để xác định ai phù hợp với giáo lý nào, kinh điển nào. Trình tự cao thấp, trước sau như thế nào.
Thành ra chúng ta chỉ còn cách tự mình thử nghiệm đọc lần lượt qua nhiều kinh điển khác nhau, rồi tìm xem mình phù hợp với những kinh nào. Khi tìm được đúng những kinh hợp với mình, người tụng sẽ thấy rất hứng thú, sinh tâm tín kính và có thể duy trì tụng niệm lâu dài.
Ngược lại, nếu không có duyên với một bộ kinh nào đó, khi cố ép mình tụng sẽ sinh tâm chán nản, khó hiểu, cảm thấy nghi ngờ, không thể duy trì đọc tụng thường xuyên, và bỏ tụng. Bộ kinh tốt nhất chính là kinh phù hợp với mình nhất, riêng mỗi người một khác, chứ không có cứng ngắc là tất cả ai cũng đều nên đọc kinh này hay kinh kia.
Với người mới bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp muốn tụng kinh nhưng chưa biết chọn kinh nào để khởi đầu, có thể bắt đầu với những kinh Phật dễ hiểu như kinh Địa Tạng, phẩm Phổ Môn, kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, kinh A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện...Khi đã nắm được phần cơ bản rồi thì tìm hiểu qua những kinh điển khác, thấy kinh nào hợp với mình thì có thể chọn để thường xuyên tụng đọc.
Khi tụng kinh, nếu có thể giữ tâm thanh tịnh, quỳ tụng lớn tiếng trước bàn thờ Phật là tốt nhất. Xong hoàn cảnh mỗi người một khác, không thể chọn được cách tốt nhất thì chọn cách tốt nhì, tốt ba…dù sao có vẫn còn hơn không.
Nếu hoàn cảnh không cho phép, thì không có bàn thờ Phật, thậm chí ở nơi công sở, ở ngoài đường, hay bất kì nơi nào cũng có thể tụng đọc.
Không thể đọc thành tiếng, thì có thể đọc lầm rầm hoặc đọc thầm bằng mắt, cũng không cần ngân nga theo các giai điệu nhạc, đọc rõ ràng câu từ là được rồi.
Không quỳ được thì mình ngồi, đứng, đi…miễn đừng nằm, trừ khi mình bị bệnh tật, hay người già đuối sức thì nằm cũng được.
Không có chuông, mõ, nhang, đèn, pháp phục áo tràng…thì ta vẫn cứ tụng bình thường, miễn là trang phục chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo sát nách, áo ba lỗ hay cởi trần với nam giới là được rồi.
Không có quyển kinh, thì ta dùng điện thoại, lên Google, tìm kiếm bằng tên của kinh rồi nhìn điện thoại đọc tụng. Một số kinh chú ngắn, dễ thuộc, ta nên học thuộc sẽ dễ dàng tụng đọc trong mọi hoàn cảnh.
Không giữ tâm tập trung hoàn toàn vào lời kinh được, mà bị các tạp niệm lăng xăng trong đầu, thì vẫn cứ tiếp tục duy trì. Việc làm cho tâm tập trung hoàn toàn vào câu chữ trong kinh thực sự rất khó, nhiều người tụng mấy chục năm vẫn cứ bị vọng tưởng lăng xăng trong đầu gây mất tập trung.
Nhưng dù như thế vẫn cứ rất tốt, vẫn được công đức vô lượng, vẫn được cảm ứng với Tam Bảo, dần dần nhiều năm, nhiều kiếp rồi tâm sẽ thanh tịnh hơn.
Và điều tối quan trọng đó là cần cố gắng hết sức để hiểu rõ lời kinh, thậm chí là vừa đọc, vừa dừng lại để phân tích, so sánh, đối chiếu, tư duy kỹ càng, để vượt qua cả giới hạn của ngôn từ, hiểu sâu vào thâm ý Đức Phật muốn truyển tải. Không thể hiểu hết thì cũng hiểu đến mức tối đa mình có thể. Chứ không nên chỉ tụng kinh như một nghi lễ cầu phước, gấp quyển kinh lại là chẳng biết Đức Phật đã dạy điều gì.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm