Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tâm sự mùa thi

Mùa thi tới, lịch học dày, nhiều lúc không kịp ăn lấy một bữa tử tế, cộng thêm áp lực về mục tiêu của bố mẹ khiến các em luôn cảm thấy ngột ngạt, quá sức, tâm trạng lúc nào cũng căng như dây đàn. Điều này đôi khi vượt quá sức chịu đựng của các em, dẫn đến những hậu quả đau lòng…

“Chọn trường N.T đi con, biết đâu lại đỗ. Sợ gì trường top, cố gắng thêm tí là được”… “Ai đi chọn cái trường này, nếu đỗ thì cũng chỉ mang cái tiếng đỗ Đại học chứ trường này có tiếng tăm gì đâu”… - Người em họ tâm sự với tôi, đôi mắt trũng sâu sau những đêm dài ôn thi và giọng nói thật buồn… 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Đây được coi là kỳ thi có “sức nặng” nhất đối với cuộc đời của mỗi học sinh. “Sức nặng” về kiến thức; “sức nặng” về sự lựa chọn trường, ban sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai phía trước; cũng như “sức nặng” của trách nhiệm, của sự kì vọng nơi gia đình đè trĩu lên đôi vai của các em. 

Nếu ai đã từng trải qua kỳ thi này thì có lẽ đều hiểu được nỗi mệt mỏi, chán chường, cái cảm giác áp lực vừa “vô hình”, vừa “hữu hình” này.   

“Em đã tìm hiểu và chọn được một trường Đại học với khoa và điểm vừa sức với mình rồi. Nhưng bố mẹ và gia đình cứ giục em phải đăng ký vào trường top chị ạ. Bảo em cố thêm tí nữa là đỗ thôi. 

Em biết sức học của mình ở đâu chứ chị. Học hành cũng nhàng nhàng thôi, ngoài đời đầy bạn giỏi hơn mình gấp tỉ lần, em lấy đâu ra tự tin mà thi vào trường cao. Học 12 năm, chọn trường vừa sức mà thi em vẫn thấy “đuối”, làm sao trong 1 tháng mà bắt em học giỏi lên được. Nhiều lần em nói với gia đình rồi nhưng vẫn bị mắng”
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mùa thi tới, lịch học dày, nhiều lúc không kịp ăn lấy một bữa tử tế, cộng thêm áp lực về mục tiêu của bố mẹ khiến các em luôn cảm thấy ngột ngạt, quá sức, tâm trạng lúc nào cũng căng như dây đàn. Điều này đôi khi vượt quá sức chịu đựng của các em, dẫn đến những hậu quả đau lòng… Như vụ việc nam sinh lớp 10 chọn cách nhảy lầu để kết thúc cuộc sống của mình, bởi không đáp ứng được mong mỏi của người thân trong việc học hành. Sự việc làm dấy lên nỗi lo ngại về áp lực học tập từ nhà trường và gia đình là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương tâm lý của học sinh. 

Dù rằng luôn mong muốn con trẻ có một tương lai tươi sáng nhưng chúng ta liệu đã một lần tự hỏi bản thân mình rằng: Có thật là chúng ta muốn con, cháu mình đỗ trường cao để có tương lai tốt đẹp hơn hay thứ ta khao khát là cái danh có người con, người cháu học trường top để mang khoe với người đời? 

Bọn trẻ học thì nên để chúng học thứ yêu thích, để chúng chịu trách nhiệm với chính tương lai của bản thân không phải tốt hơn sao? Cầm tù, định khuôn tương lai rồi tụi nhỏ lại mờ mịt trên con đường cha mẹ chọn có lẽ không phải là điều tốt. Khi các em quá áp lực, chúng dễ bị trầm cảm và thay đổi tâm lý, dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng và xót xa…

Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của người lớn trong việc đưa ra lời khuyên, định hướng và lựa chọn con đường tương lai của các em. Nhưng “chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ” như lời của nhà khoa học thiên tài Galileo Galilei đã từng nói. Cha mẹ chỉ có thể dạy cho các con biết cách “bơi” chứ đâu thể “bơi” hộ các con suốt cả cuộc đời được, phải không các bậc cha mẹ?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tôi vẫn nhớ những dòng đầu tiên trong Kinh Pháp cú: Tâm làm chủ. Lời đức Phật từ ngàn năm trước đã nhắc nhở chúng ta về tâm là định hướng và dẫn đường cho tư duy của ý, lời nói của miệng và hành động của thân. Do đó, nếu tâm của các sĩ tử trẻ không an, thường hỗn loạn, phân tán, loạn xạ bởi nỗi áp lực đến từ nhiều phía (thi trường cao, đạt điểm giỏi, phải đỗ đại học, phải học ngành này, phải chọn ban kia…) thì tư duy và hành động các em sẽ không có định hướng, lăng xăng như khỉ chuyền cành, tung hoành như ngựa chứng không cương và không thể nào tập trung được. Tâm các em sẽ loay hoay như người ở trong rừng, không thể tìm ra đường lớn mà chỉ loanh quanh trong bụi rậm và mệt nhoài đến hao gầy tâm trí và héo mòn xác thân. 

Xen kẽ thời gian học tập căng thẳng, các em nên dành cho mình những khoảng “trống”, những phút “thiền”, tặng cho tâm trí mình chút “khoảng lặng” để nghỉ ngơi, thanh thản. Kiến thức cũng cần thời gian để “tiêu hóa”, giống như khi ta ăn no bụng thì dù ai có nài ép gì cũng không sao ăn thêm được nữa. Hay cái cây phải ngày ngày tưới tẩm chăm sóc, đâu có ai đổ cả xô nước để mong cây lớn thật nhanh bao giờ?
 
Tôi bật cho em họ nghe mấy bài nhạc thiền an nhiên, mặc cho dòng suy nghĩ thả trôi theo từng cơn gió nhẹ đầu hè, mong phần nào giúp em giải tỏa được tâm lý căng thẳng và tìm lại sự cân bằng. “Em chẳng suy nghĩ gì trường lớp nữa đâu, từ giờ em sẽ chỉ chuyên tâm ôn thi thật tốt thôi. Dù kết quả có thế nào cũng không ân hận, vì em đã làm hết sức của mình rồi chị nhỉ!” - Em nói với tôi cùng nụ cười thật đẹp và sáng trong, như đã gạt được tảng đá đè nặng lên tâm trí của em trong suốt những ngày qua.

Tôi chỉ biết chúc người em của tôi và tất cả các sĩ tử trẻ sắp bước vào kì thi quan trọng nhất của cuộc đời học sinh sẽ đạt được kết quả thật tốt. Dù kết quả có ra sao thì đó cũng là một cột mốc và kinh nghiệm cho sự trưởng thành của mỗi chúng ta. 

Nhưng tôi tin khi các em tập trung được vào một điểm, mà nhà Phật gọi là nhiếp tâm về một mối thì trí tuệ sẽ phát sáng, không có việc gì không thể giải quyết thông suốt: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”.

Hè về, kì thi sắp tới, mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các sĩ tử trẻ của chúng ta!

Kim Tâm 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Giải phóng chính mình khỏi mọi niềm tin giới hạn

Phật giáo thường thức 09:20 27/04/2024

Hỏi: Tại sao cùng một bài giảng, cùng một câu chuyện hay cùng một vấn đề mà những người nghe lại tiếp nhận chúng theo rất nhiều hướng khác nhau?

Phấn chấn hơn lên

Phật giáo thường thức 09:00 27/04/2024

Làm thế nào, bằng phương pháp khả thi cụ thể nào giúp ta siêng năng, tinh tấn, phấn chấn hơn lên hướng về những mục tiêu tốt đẹp mà ta đã vạch ra là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người, mọi giới kể cả các vị tu hành.

Thuốc trị bệnh tham sắc

Phật giáo thường thức 08:05 27/04/2024

Đến bệnh tham sắc. Đây cũng thuộc loại bệnh trầm trọng. Bệnh này lấy thuốc quán bất tịnh để trị.

Vì sao chúng ta không thường niệm Phật Thích Ca lại niệm Phật A Di Đà?

Phật giáo thường thức 07:57 27/04/2024

Niệm Phật A Di Đà là do Bổn Sư Thích Ca dạy niệm, như cha mẹ sanh con phải đem giao cho thầy dạy, học vấn thành công là do thầy lập ra. Niệm Phật A Di Đà cũng vậy.

Xem thêm