Vài vấn đề về cuộc đời các thiền sư Không Lộ và Nguyễn Minh Không
Một số nhà nghiên cứu khi tìm hiểu văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ thường nhầm lẫn hai nhà tu hành đạo Phật đời Lý là một người. Đó là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không.
Sách Thiền uyển tập anh biên soạn khoảng niên hiệu Khai Hựu (1329 - 1341) và sách Lĩnh Nam chích quái biên soạn vào mùa xuân năm Hồng Đức thứ 23 (1492) đều chép tiểu truyện Không Lộ một cách giản lược, nhưng vẫn phân biệt được Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không.
Cũng vào thế kỷ XV, sách Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng chép truyện Không Lộ thần dị thì, tác giả đã lẫn lộn giữa sự tích Không Lộ và sự tích Minh Không. Càng về sau, sự lầm lẫn này càng trở nên phổ biến.
Tượng Thiền sư Không Lộ
Do việc thần thánh hóa một nhà hành đạo và do xu thế cần được bảo tồn, phát triển các truyền thuyết dân gian, sự tích Không Lộ đã được đắp thêm bằng nhiều mẩu chuyện dựa trên những mô - típ vốn có trong nhiều truyện cổ lưu truyền trong nhân dân. Vì thế, Không Lộ không những là nhà tu hành được suy tôn là bậc thánh, mà ông còn được xem như một nhân vật siêu phàm nổi bật trong số những người có công đầu sáng tạo văn hóa của một vùng cư dân nông nghiệp rộng lớn ở hai bên hạ lưu sông Hồng. Suốt một vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, lên cả đến Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay, nhiều hòn đá giống hình chiếc dép để lại giữa đồng, được giải thích là dép Không Lộ, chiếc đó Không Lộ, ...
Văn hóa dân gian được sử dụng đan cài trong các lễ tiết nhà chùa, đã dần dần trở thành những chứng cứ được nghệ thuật hoá làm phong phú thêm cho sự tích Không Lộ. Bên cạnh đó có không ít tình tiết hoang đường để tô vẽ cho tài đức một nhà tu hành có thật trong lịch sử. Cho nên đã có nhiều bản in khắc gỗ nói về sự tích Không Lộ lầm lẫn đến nỗi người ta khó phân biệt được Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một hay hai nhà tu hành của đạo Phật ở thời Lý.
Từ năm 1957, chùa Keo Thái Bình được Bộ Văn hóa xếp hạng vào loại những công trình kiến trúc cổ có giá trị, thì việc nghiên cứu giới thiệu lịch sử di tích này mới thực sự được nhiều người chú ý.
Bài Thăm chùa Keo đăng trên Tạp chí văn hóa nghệ thuật số 9, năm 1971 của Trần Huy Bá và Trương Chính cho biết: khi tác giả đến thăm chùa Keo Thái Bình, còn được đọc ba cuốn sách chữ Hán là: Không Lộ thiền sư ký ngữ lục, Địa bạ và Thánh tổ thực lục diễn ca. Trừ sách Địa bạ liệt kê những người cúng ruộng vào chùa, chúng tôi thấy cần chú ý cuốn thứ nhất và cuốn thứ ba.
Theo tác giả lược thuật về sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục thì vị thiền sư này “người Hải Thanh, họ Dương, pháp hiệu là Minh Không, làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề đi tu, đắc đạo, có pháp thuật, có thể bay trên không, đi trên mặt nước, bắt long, hổ phải qui phục, v.v...
Đời Lý Thái Tông, năm Minh Đạo nguyên niên (1041), giúp nhà vua đánh được Chiêm Thành. Lại năm Bính Thìn (1136) đời Lý Thần Tông, nhà vua bị bệnh hoá hổ. Lương y khắp nước chữa không khỏi. Sau cho sứ giả đến chùa đưa nhà sư về cung. Cuối cùng nhà sư chữa khỏi bệnh cho vua. Nhà vua sắc phong Đại pháp kiêm Quốc sư, ban ruộng hàng vạn khoảnh. Nhà sư tịch ngày 3 - 6 năm Kỷ Hợi. Chính vị thiền sư này được Lý Anh Tông (1138 - 1175) cho lập đền thờ ở Thăng Long, gọi là đền Lý Quốc Sư”.
Về sách Thánh tổ thực lục diễn ca, tác giả lược thuật rằng: “ Sách này nói Không Lộ họ Nguyễn, người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình, tiểu sử có nhiều chỗ hoang đường, chúng tôi lược bớt. Phần lớn như Vũ Quỳnh kể trong Lĩnh Nam chích quái, kể cả chuyến đi sang Trung Quốc, được vua Trung Quốc cho đồng, bỏ tất cả mấy kho đồng vào một cái túi nhỏ, thả nón xuống sông làm thuyền đi về Nam Hải. Cũng vì vậy Minh Không còn được coi là ông tổ nghề đúc ở ta, thờ ở đình Ngũ Xá và chùa Tổ ong(1) ở phố Lò Đúc”.
Như thế, về họ, quê quán và sự tích Không Lộ qua hai quyển sách trên có nhiều điểm sai khác nhau rất cơ bản. Sách trên thì nói Không Lộ họ Dương, sách dưới nói họ Nguyễn. Sách trên nói Không Lộ người Hải Thanh, sách dưới nói người làng Đàm Xá. Sách trên nói Không Lộ làm nghề đánh cá, sau bỏ đi tu, đắc đạo, có pháp thuật. Sách dưới không thấy nói những sự kiện này. Sách trên nói Không Lộ giúp vua đánh được Chiêm Thành và chữa khỏi bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông. Sách dưới chỉ nói ông sang Trung Hoa lấy đồng. Hai sách đều giống nhau một điểm gọi pháp hiệu là Minh Không.
Cuốn Thơ văn Lý - Trần tập I của Nxb. KHXH, H, 1977, tr.384, phần viết về tiểu sử Dương Không Lộ như sau:
“Dương Không Lộ, tên thực và năm sinh đều chưa rõ. Người hương Hải Thanh, tổ tiên vốn làm nghề chài lưới. Đến đời ông mới bỏ nghề ấy đi tu, là thế hệ thứ chín dòng Thiền Quan Bích. Từng tu ở các chùa Nghiêm Quang, Chúc Thánh và Hà Trạch.
Ông chuyên tâm nghiên cứu về Thiền tông và Mật tông. Thường cùng thiền sư Giác Hải du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh. Sống giản dị điềm đạm, không màng danh lợi.
Ông mất ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 đời Lý Nhân Tông (tức ngày 12-07-1119)".
Phần tiểu sử này cho thấy một điểm đáng chú ý, Dương Không Lộ không phải là tên thực của ông. Tuy viết thế, nhưng ở chú thích 4, sau khi dẫn ra một số sách vở và tài liệu đã tham khảo, trong đó có cả bài Thăm chùa Keo của Trần Huy Bá và Trương Chính, người viết tiểu sử Dương Không Lộ vẫn tỏ ra nghi ngờ: “Như vậy không rõ Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không ở đời Lý có phải là một người hay không? Chúng tôi chưa dám khẳng định vì Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử ký toàn thư nói họ khác nhau. Trong nhiều bản Lĩnh Nam chích quáicũng có một bản chép là hai người”.
Tháng 6 - 1975, Ty Thông tin văn hóa Thái Bình xuất bản cuốn Chùa Keo của Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng. Trong sách này, phần Truyền thuyết về thiền sư Không Lộ, hai tác giả cũng sử dụng ba quyển sách đã dẫn trong bài Thăm chùa Keo và thêm một vài tư liệu khác. Nhưng hai tác giả đã dựa vào nội dung sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục rồi đem so sánh với nội dung bài văn bia ở chùa La Vân, thuộc xã Quỳnh Vân, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Sở dĩ có việc làm này vì hai tác giả đã cho rằng chùa Keo và chùa La Vân cùng thờ một ông thánh. (Sự thực thì chùa Keo thờ Dương Không Lộ, chùa La Vân thờ Nguyễn Minh Không). Kết quả việc so sánh ấy đã làm cho hai tác giả thấy những điểm khác nhau cơ bản như trường hợp bài Thăm chùa Keo đã nêu ở trên.
Tạp chí Văn học số 6 năm 1974 có bài Hình bóng người anh hùng sáng tạo văn hóa trong truyền thuyết dân gian Không Lộ của Nguyễn Quang Vinh. Với cách nhìn của người nghiên cứu văn học dân gian, tác giả bài tạp chí cho rằng “Có Không Lộ của sử sách, có Không Lộ của dân gian. Trong giới nhà nho và các nhà sư, Không Lộ là cái tên đã từng được dùng để chỉ hai nhà sư có thật trong lịch sử. Khi thì để trỏ nhà sư Dương Không Lộ, quê ở đất Hải Thanh (thuộc các huyện Xuân Thủy, Nam Ninh tỉnh Nam Định ngày nay), thuở nhỏ làm nghề đánh cá, đời Lý Thần Tông tu thiền định ở chùa Hà Trạch cùng thiền sư Giác Hải, mất năm 1120, khi thì lại để trỏ vào nhà sư Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không, quê làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, Ninh Bình có công chữa khỏi ác tật cho Lý Thần Tông, được phong Lý triều quốc sư. Minh Không từng ở chùa Không Lộ, hương Giao Thủy (nên có lẽ vì thế cũng mang tên Không Lộ chăng?); nhà sư mất năm 1141. Theo sách Thiền uyển tập anh, Dương Không Lộ là người kế thừa thứ chín của phái thiền sư Vô Ngôn Thông; Nguyễn Minh Không là người kế thừa đời thứ mười ba, phái thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi” (tr.62).
Nếu nói: “... Không Lộ là cái tên đã từng được dùng để trỏ vào hai nhà sư có thật trong lịch sử” là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không thì cũng chưa thật đúng mà cả Minh Không cũng là cái tên đã từng được dùng để chỉ hai nhà sư có thật này. Hay nói cách khác, sự tích của Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không từ lâu đã bị pha trộn không chỉ trong nguồn truyện kể dân gian mà cả trong nhiều bản in khắc gỗ, các nơi thờ Không Lộ hay thờ Minh Không. Vì thế, tác giả bài tạp chí đã cho rằng: “Sẽ ít có triển vọng, nếu xem xét từng mặt riêng rẽ của hiện tượng Không Lộ. Chẳng hạn chỉ coi đây là sự tích một nhà tu hành, hoặc một vị “tổ sư” nghề đúc đồng, một danh y hoặc một vị thánh của đạo giáo pha đạo Phật” (trang 61).
Quả đây là một vấn đề rất phức tạp. Năm 1980, khi về thăm chùa Am làng Lại Trì, nay thuộc xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, nơi thờ Không Lộ và thờ thánh mẫu (tức mẹ Không Lộ), chúng tôi được cụ Trần Văn Thuyết, 74 tuổi (thủ từ) kể cho nghe về một vụ án như sau:
Năm Duy Tân thứ 2 (1908), dân làng Lại Trì khắc một đôi câu đối bằng gỗ cúng vào chùa với hai vế chữ Hán là:
陽家集福天生聖
李世尊禪國有師
"Dương gia tập phúc thiên sinh thánh;
Lý thế tôn thiền quốc hữu sư".
(Phúc đức tập hợp vào nhà họ Dương để trời sinh ra bậc thánh nhân;
Đời nhà Lý tôn sùng đạo Phật, nên nước có Quốc sư).
Khi đôi câu đối này treo lên thì nổ ra cuộc tranh cãi về tên họ của vị thánh thờ ở đây. Cụ Cử nhân Vũ Công Quán cho rằng: thánh người họ Dương (tức Dương Không Lộ) là đúng. Ngược lại, cụ tú kép Trần Văn Ước lại cho rằng thánh họ Nguyễn (tức Nguyễn Minh Không). Hai cụ dùng mọi lý lẽ qua những văn bản khác nhau để tranh biện. Cãi nhau không xong, cả hai cụ đều phát đơn kiện việc này nên toà án Thái Bình. Cuối cùng toà án Thái Bình đã xử cho cụ Kép Ước thắng cuộc và đương nhiên thừa nhận thánh họ Nguyễn. Dư luận của dân sở tại lúc đó cho rằng cụ Kép Ước thắng cuộc vì cụ có người con trai cả là Trần Văn Vỡi làm thông phán ở Thái Bình chạy kiện cho bố. Tuy vậy dân làng Lại Trì vẫn phải theo lệnh của toà án cho khoét chữ “陽” (Dương) trên câu đối đi, ghép miếng gỗ khác và khắc chữ “阮” (Nguyễn) điền vào đó. Hiện nay, đôi câu đối trên vẫn còn vết ô vuông chỗ ghép gỗ.
Khi làm thư mục về vấn đề Không Lộ, chúng tôi tìm đọc cuốn Quỳnh Côi dư địa chí của Ngô Vi Liễn(2), nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1933.
Phần viết về xã La Vân, trang 63, mục mười, nói về đình chùa, có đoạn ông viết: “Phụng khảo bia làng này là phụng sự đức Minh Không thiền sư, cũng có người nói hai người tức là một, nên thánh tích của làng này thì sự tích hai ngài chép lẫn nhau, nhưng xét trong quốc sử và sự tích các nơi khác phụng sự thì đức Minh Không họ Nguyễn, đức Không Lộ họ Dương, ngày sinh ngày hoá khác nhau, vậy dịch thuật ra sau này để tiện khảo cứu”.
Sau đó, Ngô Vi Liễn đã viết thứ tự sự tích của cả bốn nhà sư nổi tiếng ở thời Lý: Không Lộ, Minh Không, Giác Hải và Đạo Hạnh. Ở đây, tác giả đã ghi rõ bốn nhà sư này đều có quê quán, ngày sinh, ngày mất và sự tích hoàn toàn khác nhau. Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh lại cùng thế hệ và là bạn thân thiết với nhau. Họ cùng đi trong chuyến sang Tây Trúc học pháp thuật vào năm thứ hai niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1060) đời vua Lý Thánh Tông. Không Lộ và Giác Hải được vua Lý Nhân Tông cho người triệu về kinh để trừ hai con tắc kè kêu trên xà điện Liên Mộng. Vì tiếng tắc kè kêu đã làm cho vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không chữa khỏi. Còn Minh Không lại là học trò của Đạo Hạnh, và Minh Không mới là người chữa khỏi bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông.
Phần chú thích của trang 69, tác giả tỏ ra có tìm tòi nghiên cứu để giải thích rõ ràng về Nam thiên tứ khí (bốn vật dụng của nước ta). Theo tác giả thì tháp Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông cho xây ở Kinh đô. Chuông Qui Điền do vua Lý Nhân Tông cho đúc. Minh Không tạo tượng Quỳnh Lâm. Còn chuông Phả Lại là “khi đức Không Lộ tu ở Phả Lại đúc ra, mà cũng có sách lại cho là của Minh Không đúc và liệt kê vào Nam thiên tứ khí là nhầm”.
Ngô Vi Liễn còn cho biết tên thật của bốn nhà sư trên: Không Lộ là Dương Minh Nghiêm, Minh Không là Nguyễn Chí Thành, Giác Hải là Nguyễn Việt Y, Đạo Hạnh là Từ Lộ.
Tuy vậy, đọc sự tích bốn nhà sư trên, chúng ta không rõ Ngô Vi Liễn đã căn cứ vào những sách vở tài liệu cụ thể nào, ngoài việc “phụng khảo bia làng này” (tức làng La Vân).
Tác giả chỉ nói “ xét trong quốc sử và các nơi khác phụng sự...” một cách chung chung. Vì vậy, khảo về sự tích Không Lộ, chúng ta cần có những văn bản đáng tin cậy thì mới có thể giải quyết thoả đáng hơn về vấn đề này,
Cũng vào thời gian đó, tại địa bàn xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, chúng tôi đã sưu tầm được một cuốn sách chữ Hán chép tay, giấy bản, khổ 21 x 12cm gồm 28 tờ, được chép chữ trong 48 trang. Nội dung sách này gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Tên sách, đề giữa trang bốn chữ to (Quốc sư bảo lục). Phía bên phải đề (Hoàng triều Bảo Đại tam niên (1928) Mậu Thìn mạnh thu phụng tu). Phía trái đề (Lại Trì xã phụng tự).
Ở phần thứ nhất này chép Lý triều quốc sư tích lục gồm 10 trang. Trang cuối ghi lạc khoản: Bính Thìn khoa đồng Tiến sĩ Tuần phủ trí sĩ Thiện Đình Đặng Hy Long tiên sinh khảo bạt gồm 6 trang.
Phần thứ hai: Dòng thứ nhất đề: Lại Trì xã. Dòng thứ hai đề: Quốc sư sự tích ký ngữ lục, gồm 17 trang. Tiếp theo chép: Đạo Hạnh biệt truyện gồm 5 trang. Cuối cùng có bài Tự điển khảo đính gồm 4 trang.
Nhìn vào bố cục của sách, chúng ta thấy phần đầu gồm 22 trang là sách của Đặng Xuân Bảng, hiệu Hy Long, người xã Hành Thiện(3). Căn cứ vào mấy chữ trong lạc khoản nói trên “Thiện Đình Đặng Hy Long tiên sinh”, chúng ta biết người sao chép sách này là một nhà nho người làng Lại Trì và là học trò của Đặng Xuân Bảng, vì lạc khoản có hai chữ “tiên sinh” (chỉ thầy học của mình). Theo ông Vũ Công Toàn, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương thì, sách này do thân phụ ông là Vũ Công Hoạt (1871 - 1945), (còn gọi là Vũ Công Quán) viết. Cụ Vũ Công Quán đỗ Cử nhân. Theo Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục và sách Những ông Nghè ông Cống triều Nguyễn, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1995, Vũ Công Quán người xã Lại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Thái Bình, thi Hương khoa Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900), tại trường Hà Nội - Nam Định đỗ Cử nhân. Ông là học trò của ông Nghè Đặng Xuân Bảng.
Đọc phần sách của Đặng Xuân Bảng, chúng tôi thấy tác giả chép sự tích Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không giống hệt như sách Quỳnh Côi dư địa chí của Ngô Vi Liễn, chỉ khác là sách của Đặng Xuân Bảng thì viết chữ Hán, còn sách của Ngô Vi Liễn in chữ quốc ngữ.
Một vấn đề đặt ra là sách nào viết trước và sách nào có cơ sở khoa học đáng tin cậy hơn.
Như trên chúng tôi đã trình bày, sách Quỳnh Côi dư địa chí được in năm 1933, còn sách Quốc sư bảo lục không ghi viết năm nào, mà chỉ biết sách được sao chép năm 1928.
Tìm đọc sách Thánh tổ hành thực diễn âm ca của Đặng Xuân Bảng, ký hiệu VHv.2380 trong kho sách Hán Nôm do Viện nghiên cứu Hán Nôm quản lý hiện nay, chúng tôi thấy sách ghi rõ: viết vào tháng 10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái, tức là tháng 11 năm 1898. Sách này được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, có chú thích tỉ mỉ bằng chữ Hán, nội dung sách hoàn toàn giống sự tích Không Lộ chép trong sách Quốc sư bảo lục đã nói ở trên. Do đó, chúng ta có thể biết tác giả Đặng Xuân Bảng đã biên soạn sách Quốc sư bảo lục muộn nhất vào tháng 11 năm 1898 cùng với thời gian tác giả diễn âm thành sách Thánh tổ hành thực diễn âm ca.
Như vậy rõ ràng sách Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng đã viết trước khi in sách Quỳnh Côi dư địa chí của Ngô Vi Liễn 35 năm.
Để thấy được cách làm thận trọng nghiêm túc của tác giả sách Quốc sư bảo lục, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn phần dịch nghĩa bài Thiện Đình, Tuần Phủ Đặng tiên sinh khảo bạt như sau:
“Chùa làng ta phụng sự đức Không Lộ. Khi còn nhỏ, tôi thường thấy các bậc cố lão nói rằng đức Không Lộ tức là đức Minh Không. Tôi lấy làm ngờ. Nhân có dịp xem sách nhà chùa, tôi thấy có hai tập: một tập là Tiền lục nói rằng: Đức Không Lộ họ Dương, húy Minh Nghiêm, quán phủ Hải Thanh; một tập là Hậu lục nói rằng: đức Không Lộ họ Nguyễn, húy Chí Thành, quán làng Đàm Xá, biệt hiệu Minh Không. Tôi càng ngờ.
Khi xem sách Lĩnh Nam chích quái của ông Vũ Quỳnh thì sự tích thành tổ hợp với Tiền lục, nhưng tôi lại ngờ rằng hoặc là Hậu lục đã có khảo cứu chăng? Khi đi du lãm các nơi, tôi thường hỏi thánh tích và so sánh sách Chích quái với quốc sử thì Không Lộ họ Dương, Minh Không họ Nguyễn, Không Lộ huý là Minh Nghiêm. Minh Không huý là Chí Thành. Họ và tên đều khác nhau. Không Lộ quê ở phủ Hải Thanh, Minh Không quê ở Đàm Xá, quê quán cũng khác nhau. Không Lộ sinh năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) triều Lý Thái Tổ. Minh Không sinh năm Bính Ngọ niên hiệu Long Chương Thiên Tự nguyên niên (1066) triều Lý Thánh Tông. Không Lộ mất năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong thứ 3 (1094) triều Lý Nhân Tông. Minh Không mất năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141) triều Lý Anh Tông. Khi sinh cách nhau 51 năm, khi mất cách nhau 48 năm. Ngày sinh ngày mất không giống nhau. Như thế Tiền lục đúng Hậu lục sai. Các bậc cố lão làng ta không khảo cứu Tiền lục nên lầm. Vả lại, Hậu lục nói sau, có lẽ vì chùa Diên Phúc nguyên là nơi Không Lộ tu hành, về sau Minh Không cũng tu ở đây. Và do pháp thuật hai vị đều nổi tiếng nên Hậu lục chép lầm cũng vì cớ đó.
Qua những sách vở, tài liệu trình bày ở trên, cho chúng ta thấy:
1. Không Lộ là đạo hiệu có thật ở thời nhà Lý.
2. Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Không Lộ ở thế hệ trước cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh.
3. Nguyên nhân dẫn đến sự lầm lẫn giữa Không Lộ với Minh Không vì sự tích hai nhà sư này có những điểm tương tự như nhau:
a, Cả hai người đều chữa bệnh cho vua nhà Lý. Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của Lý Nhân Tông (1072-1128), còn Minh Không chữa bệnh hóa hổ cho Lý Thần Tông (1128-1138).
b, Cả hai người đều được nhà Lý phong làm Quốc sư.
c, Minh Không cũng tu ở chùa Diên Phúc (sau đó là Viên Quang) nơi mà Không Lộ và Giác Hải trước đó đã từng tu.
4. Do ảnh hưởng của sách Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng và nhất là sách Hành Thiện hậu lục đã dẫn đến những sai lầm về nội dung của các sách ra đời sau đó như: Nam Việt Phật tổ tam thánh sự tích thiền uyển ngữ lục ký tập hiện có ở chùa Keo làng Hành Thiện, Không Lộ thiền sư ký ngữ lục ở chùa Keo Thái Bình trước đây, Quốc sư sự tích ký ngữ lục ở chùa Am xã Vũ Tây, Kiến Xương, v.v...
5. Sách Quốc sư bảo lục của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng thể hiện cách làm việc nghiêm túc của một tác giả ở cuối thế kỷ XIX. Sự tích Không Lộ qua Quốc sư bảo lục dẫu còn có màu sắc tôn giáo và được đan cài bằng những mẩu chuyện có chung mô - típ với một số truyện cổ dân gian khác, nhưng những điểm cơ bản như họ, tên, đạo hiệu, quê quán, ngày sinh, ngày mất cùng nhiều sự kiện khác của cuộc đời Không Lộ không bị trùng lặp với bất cứ nhà sư nào cùng thời.
Sự tích Không Lộ qua Quốc sư bảo lục không còn sơ lược như trong Thiền uyển tập anh và Lĩnh Nam chích quái. Ở đây tác giả tỏ ra có nhiều công phu khảo cứu. Do đó, nhiều tên đất, tên người đã được tác giả chú giải tường tận rõ ràng. Chúng tôi xem đây là một tài liệu tin cậy để viết về sự tích Không Lộ.
Từ những căn cứ trên, năm 1984, chúng tôi đã trình bày vấn đề Không Lộ trong Hội thảo khoa học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức qua bài Sự tích Không Lộ, Minh Không qua quyển sách chữ Hán mới sưu tầm. Sau đó, bài tham luận đã được đăng trên tập san Nghiên cứu Hán Nôm năm 1984. Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bài viết đó lại được tuyển chọn đăng trong tập Tạp chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn.
Năm 1985, do yêu cầu phải viết lại cuốn Chùa Keo, Ty Văn hóa và thông tin Thái Bình đã xuất bản sách Chùa Keo mới của hai tác giả Phạm Đức Duật và Bùi Duy Lan. Bản thảo mới này Phần thứ nhất với tiêu đề Lịch sử chùa Keo, tác giả bản thảo đã dựa vào nội dung sách Quốc sư bảo lục của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và tài liệu Khảo về sự thay đổi địa danh Giao Thủy Hành Thiện chùa Thần Quang của Cúc Viên luyện sĩ để so sánh đối chiếu với các văn bản khác. Do đó, sự tích Dương Không Lộ cùng lịch sử xây dựng chùa Nghiêm Quang và cuộc vận động xây dựng chùa Thần Quang được trình bày rõ ràng, giải thích được những điều từ lâu bị lầm lẫn.
Phó Giáo sư Bùi Duy Tân viết bài Không Lộ - sư tổ chùa Keo cuộc đời - Văn nghiệp đăng trong nội san Nghiên cứu Phật học số 5 - 1992 và năm 2001 được in lại trong Khảo và luận một số thể loại - tác giả - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam. Tập Hai Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng viết: “Về cuộc đời Không Lộ: do có sự nhầm lẫn, chưa rõ từ bao giờ giữa Không Lộ và Minh Không, con người và huyền thoại, v.v… mà một số tập sách, bài báo xuất bản ở trung ương và địa phương trước đây chưa có sự phân định rõ ràng tiểu sử và hành trạng của hai thiền sư này; thậm chí còn cho “chuyện về quốc sư thời Lý có thể đúng sai khó bề khảo đính” hoặc “như vậy không rõ Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không ở thời Lý có phải một người hay không?”
“Điều đáng nói nữa là, tác giả của những điều nghi ngờ trên đây đều có đọc ít hoặc nhiều những thư tịch cổ, hầu hết đã được phiên dịch, xuất bản như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược, Nam ông mộng lục v.v... trong đó hai thiền sư khác nhau cả về tên họ, quê quán, năm mất .v.v... chỉ còn nhầm nhoè đôi chi tiết. Thế mà còn quá thận trọng nên vẫn chưa quả quyết đây là hai con người đích thực. Lạ thật nữa là, sau khi Phạm Đức Duật đã công bố: “Sự tích Không Lộ, Minh Không trên Nghiên cứu Hán Nôm - 1984, về một tập sách Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng viết khoảng 1898, biện minh về hai nhà sư này, mà Thiền uyển tập anh in 1990 vẫn cứ “tạm lược bỏ chuyện Minh Không, không đưa vào bản dịch này”. Sách Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, xuất bản 1991 cũng chưa thật rạch ròi trong việc khảo cứu về các đền chùa liên quan đến hai nhà sư”.
Gần đây, Tạp chí Văn hóa dân gian số 2 - 2008 trong mục Nghiên cứu - trao đổi, đăng bài Việc thờ phụng Thánh Dương Không Lộ ở Bắc Bộ của Lê Thị Thu Hà, tr.52-53, tác giả bài viết vẫn nêu: “hiện nay, vẫn còn hai quan điểm khác nhau về nhân vật Không Lộ:
- Trong một số tài liệu, thư tịch cổ, theo một số nhà nghiên cứu và nhất là trong tâm thức của người dân vùng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình: Dương Không Lộ chính là Nguyễn Minh Không - một nhà sư được vua Lý Thần Tông phong là Quốc sư.
- Một số ý kiến lại cho rằng: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai người khác biệt, có tiểu sử rõ ràng, cả hai đã từng chữa khỏi bệnh cho vua (Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông).
“Với phạm vi một bài viết, chúng tôi không có tham vọng giải quyết thấu đáo vấn đề đã và đang gây tranh cãi về mặt học thuật giữa các nhà nghiên cứu, mà chỉ xin được nêu ra những suy nghĩ bước đầu trên chặng đường nghiên cứu về vị thánh này”
Nói như thế, nhưng ngay sau đó tác giả bài tạp chí của Lê Thị Thu Hà lại viết:
“Cho đến nay, thánh Không Lộ vẫn được thờ phụng ở khá nhiều địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội... hiện ở chùa Keo (Thái Bình) - một trong hai nơi chính nhất thờ thánh Không Lộ còn lưu giữ một số tài liệu chép tay bằng chữ Hán có tiêu đề Không Lộ thiền sư ký ngữ lục. Rồi tác giả bài tạp chí trên lại dẫn sách này ra, gây lại sự nghi ngờ giống như hai tác giả Trần Huy Bá và Trương Chính trong bài Thăm chùa Keo ở Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 9 năm 1971. Và cũng lặp lại sự sai lầm của Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng viết cuốn Chùa Keo năm 1975 do Ty Văn hóa và Thông tin Thái Bình xuất bản. Các tác giả trên đều dựa vào Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục nên gây thêm sự nghi ngờ, làm cho phần viết về tiểu sử Dương Không Lộ trong cuốn Thơ văn Lý - Trần tập I đã nói ở trên đã phải viết: “... như vậy không rõ Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không ở đời Lý có phải một người không? (!)”
Rõ ràng vấn đề tiểu sử Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không đã được làm sáng tỏ trên hai mươi năm nay rồi. Nếu còn trao đổi lại là việc lặp lại không cần thiết. Viết lại những vấn đề này ở đây, chúng tôi không có ý phê phán ai mà chỉ để thông báo lại khi công tác thông tin tư liệu nghiên cứu của chúng ta hiện nay chưa có điều kiện cập nhật rộng rãi.
Chú thích:
(1) Thực ra tên chùa là Tổ ong hiện ở tại số 8 ngõ 79 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ (Hà Nội) [Đinh Khắc Thuân chú].
(2) Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam của Trần Văn Giáp (tập II), Nxb. KHXH, H. 1972. Ngô Vi Liễn (1894 - 1945) quê xã Đại Thanh, huyện Thường Tín nay thuộc tỉnh Hà Tây. Ông tốt nghiệp trung học, rồi vào học trường cao đẳng (ban Luật học). Ra trường ông làm Tham tá ở Thư viện Trung ương từ năm 1923-1928. Năm 1928, ông làm Tri huyện Cẩm Giàng, Quỳnh Côi, Bình Lục, Võ Giàng và có soạn sách địa lý những hạt này.
(3) Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học, H. 1993. Đặng Xuân Bảng sinh năm 1828, quê làng Hành Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nay là thôn Hành Thiện xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thuỷ, anh của Vũ Ngọc Toản. Ông đỗ Cử nhân khoa Canh Tuất (1850). Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 9 (1856). Trước khi thi Hội làm Giáo thụ phủ Ninh Giang. Sau khi đỗ Tiến sĩ được bổ chức Tuần phủ Hải Dương. Khi quân Pháp chiếm thành Hải Dương (1873), ông bị cách chức, rồi được khôi phục làm Quang Lộc tự Thiếu khanh, lĩnh chức Đốc học Nam Định. Sau về hưu trí, ông miệt mài nghiên cứu những chỗ còn tồn nghi trong quốc sử, phần nhiều đều có phát hiện. Ông cũng là người biết nhiều tên các loài cây, loài vật, ghi riêng thành tập. Sỹ phu nước ta suy tôn ông là bậc học nhiều biết rộng.
Đặng Xuân Bảng, tự Hy Long, hiệu Thiện Đình và Văn Phủ. Tác phẩm có: Độc sử bị khảo, Nam phương danh vật bị khảo, Thiện Đình thi văn tập./.
Phạm Đức Duật (Nguyên cán bộ Viện Văn học)
Theo Tạp chí Hán Nôm
Thi phẩm NGÔN HOÀI của Thiền sư Không Lộ
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thướng cô phong đính,
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Dịch nghĩa
Chọn được kiểu đất long xà rất hợp, có thể ở được,
Tình quê suốt ngày vui không chán.
Có lúc lên thẳng đỉnh núi bơ vơ,
Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời.
Ý bài thơ này dựa theo bài Tặng Dược sơn cao tăng Duy Nghiễm của Lý Ngao 李翱 đời Đường (Trung Quốc).
Bài thơ này được sử dụng làm bài đọc thêm trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.
Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học xã hội, 1977
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Đức Phật đến với chúng ta
Đức Phật 09:12 05/11/2024Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Xem thêm