Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/09/2023, 09:55 AM

Tập nghiệp chúng sinh

Nhân quả nghiệp báo sẽ không chừa bỏ một ai khi đủ nhân duyên, đủ điều kiện. Chiêm nghiệm những gì đã xảy ra trong cuộc đời của chúng tôi và một số bài học nhân quả của đức Phật.

Nhờ có môi trường tu hành tốt, mỗi năm chúng tôi được nhập thất một lần 49 ngày cho đến 3 tháng và hiện nay có thêm chương trình nhập thất từ 3 tháng đến 3 năm cho mỗi thiền sinh.

Chúng tôi đủ duyên nhập thất được 12 lần từ lúc xuất gia cho đến ngày hôm nay. Vì vậy mà những gì xưa kia chúng tôi lầm chấp cho rằng chết là hết không có nhân quả nghiệp báo, tội phước hoặc những gì ta làm thì không thể thay đổi được. Hôm nay nhờ gặp được Tam Bảo, nhờ gặp được Phật pháp và gặp được minh sư chân chánh, mà chúng tôi biết được cách thức chuyển hóa được những thói hư, tật xấu có tính cách làm tổn cho người và vật.

Được sự chỉ dạy tận tình của sư phụ Thường Chiếu giúp cho tôi làm mới lại chính mình, từ một con người xấu xa tội lỗi đã thay đổi cuộc đời, bằng những việc làm thiết thực để dấn thân đóng góp phục vụ cho tha nhân. Qua lời Phật dạy trong kinh Nghiệp báo chúng tôi trích dẫn ra đây để mọi người cùng tham khảo và học hỏi.

Hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình chủ động tạo lấy, rồi bị nó chi phối sai sử trở lại làm cho ta dính mắc vào đó không thể buông xả được.

Như vậy nghiệp là do ta huân tập lâu ngày trở thành thói quen, đâu phải ai đem đến ép buộc cho mình. Nên nói  tập nghiệp tánh nó vốn không, nếu tánh nó thật có thì mọi người ra đời đều giống nhau như khuôn đúc. Nhưng rõ ràng là không phải vậy, vì mỗi người đều có sự sai biệt khác nhau về mọi mặt. Do bản chất của nó vốn là không, nhưng tại ta tập nên lâu ngày trở thành nghiệp, cho nên nói là tập nghiệp.

Chỉ có Phật pháp mới giúp ích cho chúng ta biết cách làm chủ bản thân, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết để ta dấn thân, đóng góp phục vụ tốt cho gia đình và xã hội. Ảnh minh hoạ.

Chỉ có Phật pháp mới giúp ích cho chúng ta biết cách làm chủ bản thân, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết để ta dấn thân, đóng góp phục vụ tốt cho gia đình và xã hội. Ảnh minh hoạ.

Thói quen ham thích là căn bệnh chung của tất cả mọi người hầu như ai cũng có, ham thích nhiều hay ít là do thói quen huân tập của chúng ta. Quý Phật tử ở nhà ăn uốngnhững món quen miệng hợp khẩu vị, bây giờ vô chùa quý thầy cho ăn món khác, mình không thích nên ăn cảm thấy không ngon miệng. Cụ thể như đa số quý Phật tử quen ăn mặn, hôm nào đi chùa quý thầy đãi ăn chay, quí vị liền nói con ăn chay không được nên chạy ra ngoài kiếm ăn.

Như vậy thói quen thích ăn mặn là do mình huân tập lâu ngày, bây giờ tuy mình là Phật tử nhưng không thích ăn chay, vì ăn chay chúng ta mới tập, chớ hồi nhỏ cha mẹ cho ăn gì ăn nấy, đâu biết chay mặn là gì đâu? Nhưng khi chúng ta đã tập quen rồi, nếu thức ăn có khác đi mình chịu không nỗi, chẳng muốn ăn. Trong ăn chay cũng có cái thích và không thích nữa. Như người thích rau luộc, thích đồ mát đem thức ăn có nhiều dầu hoặc đồ giả mặn thì ta không thích. Tại sao vậy? Tại vì rau luộc hợp với khẩu vị của ta.

Người thích ăn đậu hủ, người thích xào chiên, người thích ăn rau luộc mỗi người thích mỗi thứ không ai, giống ai. Bây giờ chúng ta thử nghiệm lại coi cái thích đó tự nó có hay là do mình huân tập? Rõ ràng là do mình huân tập, lâu ngày trở thành thói quen, khi người đã quen ăn chay rồi khi nghe món mặn thì thấy khó chịu vì tanh. Cho nên cái gì chúng taham thích và cố gắng duy trì thì trở thành thói quen, thành ra cái thích đó trở lại sai sử chúng ta.

Từ cái chưa tập mình cố gắng huân tập cho thành có, cái có đã thuần thục rồi cho nên gọi là tập nghiệp và chúng ta bị nghiệp đó chi phối lại. Tất cả những gì ta ham thích, đó là sở thích theo nghiệp nên ta bị nghiệp sai sử trở lại, cho nên chúng ta phải gọi là thích đủ thứ. Bây giờ thử ta đi từ tập nghiệp hiện tại, trở lui về tập nghiệp quá khứ xem nó ra sao.

Như người nam hồi còn trẻ chưa biết hút thuốc là gì, họ có bao giờ thèm thuốc đâu? Nhưng khi thấy người lớn phì phà điếu thuốc trông oai phong lắm nên từ đó bắt chước theo, mới đầu chỉ tập hút một hai điếu cảm thấy đắng miệng, khó chịu nhưng tập dần riết thành quen, rồi chừng năm ba tháng sau thành ghiền. Lỡ bữa nào không có thuốc hút, họ cảm thấy khó chịu nên nói tôi thèm thuốc quá, có ai cho tôi xin một điếu thuốc hút thì ngon biết mấy.

Khi hút thuốc lâu ngày trở thành ghiền, những lúc như vậy nói tôi ghiền thuốc quá nên không làm gì được thật là khốn khổ, khó chịu vô cùng. Người nào không ghiền thuốc thì thấy khỏe re vì đâu có huân tập mà ghiền. Người nam thì hay có tật nếu không hút thuốc thì phải biết uống rượu. Nhiều người thấy hút thuốc, uống rượu hao tiền tốn của, suy giảmtrí tuệ nên cố gắng chừa bỏ. Khi bỏ được chừng vài ba tháng bị bạn bè trêu chọc là pê đê, thờ bà nghe nói vậy liền tức quá hút thuốc, uống rượu trở lại sau này bị ghiền nặng hơn làm khốn khổ vợ con. Nếu ta trước kia chưa từng uống rượu, khi thấy rượu ta có ghiền, có thèm hay không? Nhưng khi ta đã uống năm ba năm rồi thấy ai bài sòng nhậu ra, dù người ta không mời, ta cũng tìm cách nhào vô uống, vì ta quá thèm và nghiền rượu rồi. Có người rắn mắc khi thấy người ta uống rượu, không mời mình liền nói: có ai kêu tôi không, không kêu à thì tôi tự phạt mình ba ly. Nhưng luật uống rượu vào ba thì ra bẩy, cuối cùng xạo xạo cũng uống được mười ly, đó là câu châm biến những kẻ ghiền rượu mà hay uống ké. Quý vị thấy mắc cở chưa, tại vì ghiền cho nên mới làm liều như vậy ai chê thì chê, miễn mình đỡ thèm là được rồi. Tại sao thèm? Vì ta huân tập lâu ngày nên thành quen, bữa nào thiếu nó thì chịu không nỗi, giống như con gà mất toi đứng ủ rủ.

Đa số người nam biết uống rượu, hút thuốc là có hại vừa tốn tiền vừa bệnh hoạn, nhưng do ta tập hoài lâu ngày thành thói quen nếu thiếu nó ta chịu không nỗi. Thế là mình bị nghiệp ghiền thuốc, ghiền rượu sai sử chi phối nên thiếu mấy thứ đó ta cảm thấy bần thần rã rượi và mệt mỏi, không làm gì được.

Trở lui về quá khứ chúng ta thấy tập quán của con người, do người này uống người kia hút rồi níu kéo chằng chịt nhau mời qua mời lại để rồi thành bạn ghiền. Nhất là ở thôn quê có tập tục, đám ma, đám cưới, đám giổ họ bày ra hút uống nhậu linh đình mỗi khi có dịp. Họ cho đây là một truyền thống tốt đẹp của người xưa để lại, nếu con cháu không bắt chước theo sợ ông bà tổ tiên buồn phiền. Nên mỗi khi có đám giổ, đám ma họ bày tiệc nhậu linh đình gọi là trả nợ thế gian, vì gia đình này mời gia đình kia.

Thậm chí có nhiều nhà rất nghèo thiếu thốn khó khăn đủ thứ, vậy mà khi có đám giổ cũng ráng mượn nợ làm cho thật lớn để được gia đình người thân chòm xóm khen, nhà thằng Ba làm đám giổ cha nó lớn ghê, đúng là ông Bảy có phước thật. Phước đâu chẳng thấy chỉ thấy để lại hậu quả không tốt, hễ thanh niên, đàn ông là phải biết hút thuốc uống rượu, rồi lại còn cái nghiệp cờ bạc nữa. Đó là chưa nói đến vấn đề trai gái, ái chà quá nhiều thứ không tốt làm cho người ta điên cuồng trong si mê nghiện ngập để rồi càng ngày làm mất đi nhân cách làm người của mình.

Thế giới chúng ta mỗi ngày có khoảng 40 ngàn người thiếu ăn vì không có đủ lương thực để cấp cho họ. Vậy mà từ gạo người ta biến chế ra rượu là cái thứ làm cho nhân loại hao tiền tốn của, mất thời gian để rồi sinh bệnh hoạn. Và từ đó vẫn đến nhiều tệ nạn xã hội do rượu gây ra, hiếp dâm, cướp của giết người, phá rối trật tự công cộng, bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, lãng phí giờ làm việc hành chánh và rượu còn tiêu tốn vào đối tác giao dịch làm ăn. Các làng nướng mọc lên như nấm, dần hồi làm mất đi phẩm chất nhân cách của con người cũng tự rượu mà ra.

Như vậy, chúng ta sở dĩ khổ đau mất tự chủ là do nghiền thuốc, nghiền rượu và làm cho người thân gia đình và xã hội lo thêm gánh nặng? Việc huân tập uống rượu, hút thuốc này ta không thể đổ thừa cho ai được, vì rõ ràng là do mình tập tành từ lúc ban đầu. Nếu ta đổ thừa tại vì người này dụ tôi hút thuốc, tại vì người kia dụ tôi uống rượu, đó là cách thức bao che lý luận đổ thừa bâng quơ không có căn cứ thực tế. Người ta ép dụ mà mình không hút, không uống thì thôi, tại vì mình ham thích và muốn chứng tỏ bản lĩnh với đời, nếu ta không huân tập thì làm sao trở thành tập nghiệp được.

Nghiệp nghiền rượu, nghiền thuốc là chính mình đã huân tập lấy chớ nên đổ thừa cho ai. Ta đã lỡ huân tập nó rồi sau đó mới thấy khốn khổ, hao tiền tốn của, thân thể sinh bệnh hoạn, tâm trí mờ mịt tối tăm làm khổ gia đình, người thân. Bây giờ chúng ta muốn bỏ nghiệp ấy thì phải làm sao đây? Ta phải can đảm, dũng mãnh chấp nhận đau thương một thời gian và thường xuyên nghiệm xét, quán chiếu sự tác hại của nó. Nghiệp do mình tạo ra từ thân, miệng, ý khi muốn bỏ, chúng ta cũng phải bắt đầu từ đó. Chúng ta biết rõ ràngtrước kia mình đâu có nghiền rượu, nghiền thuốc, tại ta tập hút, tập uống lâu dần mới thành ghiền.

Bây giờ chúng ta muốn hết nghiền, đỡ tốn tiền, ít bệnh hoạn và bớt khổ đau thì ta cố gắngtập trở lại, đừng hút thuốc, đừng uống rượu nữa. Vì bản chất của rượu, thuốc tánh nó là không, chúng ta tập lâu ngày trở thành thói quen, rồi thói quen đó trở lại sai sử chúng tacho nên gọi là tập nghiệp.

Nghiệp tuy có nhưng biết nó là không thật, đừng theo nữa thì từ từ nó sẽ hết chớ có gì khó khăn đâu, tại vì ta không chịu bền bỉ, kiên trì buông bỏ chúng. Thấy thuốc không thèm hút, thấy rượu không thèm uống, tuy có khổ sở khó chịu một thời gian, nếu ai có nói móc, nói méo là chuyện của họ, ta cứ an nhiên, bình thản thì lâu ngày sẽ hết nghiền. Bởi tánh của nghiệp nó vốn là không, đâu phải thật có, nó từ bên ngoài huân tập vô rồi trở thànhnghiệp, không phải cái có sẵn từ trước đến giờ. Như vậy, nếu ta cố gắng kiên trì, bền bỉ một chút thì bỏ dễ dàng, chớ đâu có gì là khó khăn mà nhiều người không thể làm được.

Có mười nghiệp khiến chúng sinh bị quả báo sinh nhiều bệnh tật. Những gì là mười?

Một là vui thích với việc đánh đập chúng sinh và giết hại.

Hai là khuyến khích người khác đánh đập và hành hạ chúng sinh.

Ba là khen ngợi tán thán khi thấy người khác đánh đập chúng sinh.

Bốn là thấy người đánh đập hành hạ chúng sinh mà mình sinh tâm vui mừng.

Năm là luôn nói nặng lời với cha mẹ khiến cha mẹ buồn khổ.

Sáu là phỉ báng và chê bai các bậc hiền Thánh.

Bảy là thấy người đau khổ bệnh tật mà mình sinh tâm vui mừng.

Tám là khi thấy người khác an vui hạnh phúc mà mình sinh tâm ghen tỵ, tật đố.

Chín là không nhiệt tình chăm sóc cho người hết bệnh hoặc cho lầm thuốc giả.

Mười là ăn đêm chưa tiêu mà lại tiếp tục ăn thêm.

Do mười nghiệp đánh đập hành hạ chúng sinh cho nên trong hiện đời bị quả báo nhiều bệnh tật khổ đau. Tại sao chúng tôi mới tám chín tuổi đầu mà đã biết hút thuốc, cờ bạc và uống rượu rồi?

Con người từ khi mở mắt chào đời là đã chịu sự chi phối của nghiệp nhân quá khứ, dần dần lớn khôn có sự hiểu biết, bắt đầu chúng ta huân tập nghiệp mới, cái gì ta tập lâu ngày thì trở thành thói quen. Nếu ta biết sống thân cận gần gũi và lắng nghe những lời chỉ dạy của các bậc hiền Thánh, luôn làm những điều hay lẽ phải thì lâu ngày ta trở thành người tốt, để đóng góp phục vụ cho gia đình và xã hội.

Ngược lại nếu ta thường xuyên sống gần gũi những người xấu ác, thì lâu ngày ta sẽ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu, làm cho nhân cách và phẩm chất đạo đức của ta trở nên tối tăm mờ mịt, tự mình chuốc lấy khổ đau.

Cho nên tục ngữ việt Nam có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là có nguyên nhân. Gần người tốt thì chúng ta cũng dễ dàng bắt chước làm tốt theo và gần người xấu thì ta cũng dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của họ, đó là tập nghiệp trong hiện tại. Vậy cái gì đã thôi thúc chúng tôi bị dính mắc từ khi còn nhỏ.

Phật gọi là tập nghiệp chúng sinh, còn nói theo từ ngữ khác là do thói quen hay còn gọi là chủng tử đã được huân tập thuần thục trong nhiều đời.

Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là năng lực, là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần qua thân, miệng, ý của mỗi người, rồi lâu ngày trở thành thói quen. Thói quen đó có sức mạnh chi phối và sai sử lại chúng ta. Bản thân chúng tôi nếu không gặp được Tam bảo, không gặp được thầy lành bạn tốt thì suốt cuộc đời sống theo những tập nghiệp xấu ác.

Thời gian được xuất gia tại Thiền Viện Thường Chiếu chúng tôi phải cố gắng tu học và lao động. Trong thời gian này chúng tôi bị nhiều chứng bệnh tưởng chừng như không qua khỏi. Thứ nhất là bị suy thận vì di chứng ba lần bệnh xã hội, huyết áp tăng cao đến độ không thể ngờ thường xuyên từ 21 hoặc 22 trên 11, bị viêm gan siêu vi B, bị bệnh trĩ, bệnh tim. Thân thể bị suy nhược mất sức đề kháng nên thường xuyên bị cảm cúm, đi phân sống bị tiêu chảy và nhất là bệnh mờ mắt. Bác sĩ Hồng Nhung sau khi khám bệnh đã khẳng định một câu rằng, mắt của thầy không thể chữa trị được vì đồng tử đã bị giản nở.

Vì nhiều bệnh như thế, cho nên tôi phải áp dụng phương pháp nhịn ăn mỗi ngày chỉ uống nửa lít nước là tối đa, thời gian nhịn mỗi lần là 21 ngày. Bản thân chúng tôi tuy hiện tạibệnh tật có bớt nhiều so với khi trước, nhưng hết bệnh này thì đến bệnh khác. Loại bệnh thứ nhất là do nghiệp báo quá khứ tạo nên bây giờ phải trả. Loại bệnh thứ hai do hiện tạiăn uống sinh hoạt không phù hợp, trong 8 năm gần đây tôi bị đủ thứ bệnh hành hạ nhiều khi muốn thoái bồ đề tâm. Nhưng nhờ có tu chút đỉnh nên tôi sẵn sàng chấp nhận quả báo mệt mỏi, khổ đau và nặng nề nhất là bệnh mất trí nhớ vì bị tai biến mạch máu não.

Đó là quả báo của sự làm khổ và hành hạ chúng sinh hoặc xúi giục người khác đánh đập và giết hại. Nhẹ thì bệnh hoạn, nặng thì chết yểu. Đức Phật đã từng dạy rằng đã làm người ít ai hoàn toàn không gây tạo tội lỗi làm hại chúng sinh, chính vì những tập nghiệp của mỗi người khác nhau nên không ai giống ai, người tốt kẻ xấu, người thiện kẻ ác.

Chúng ta từ vô thủy kiếp cho đến nay không ít thì nhiều khi có mặt trong cuộc đời này, đều làm khổ đau cho nhau ngoài trừ các bậc Thánh nhân. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Nicòn phải chịu nhiều quả báo trong hiện đời, như bị cô gái giả làm bụng bầu để vu oan giá họa đức phật trước mặt bàn dân thiên hạ. Bị bọn ngoại đạo giết một cô gái rồi đem chôn trong Tịnh xá để vu oan cho đức Phật hãm hiếp.

May nhờ phước đức của Ngài quá lớn nên đã chiêu cảm vua quan tìm ra sự thật. Nhân quả nghiệp báo sẽ không chừa bỏ một ai khi đủ nhân duyên, đủ điều kiện. Chiêm nghiệm những gì đã xảy ra trong cuộc đời của chúng tôi và một số bài học nhân quả của đức Phật.

Chúng tôi chân thành khuyên nhủ tất cả mọi người hãy nên tin sâu nhân quả, vì làm lành được hưởng phước báo tốt đẹp, làm ác chịu quả sa đoạ khổ đau. Và chỉ có Phật pháp mới giúp ích cho chúng ta biết cách làm chủ bản thân, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết để ta dấn thân, đóng góp phục vụ tốt cho gia đình và xã hội.

Trích "Lột xác và tập nghiệp chúng sinh"

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm