Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 05/09/2022, 19:25 PM

Tây Du Ký: Ý thức từ đâu

Ngô Thừa Ân thông qua chuyện lấy kinh mà dẫn dắt chúng ta đến việc không ngừng kiểm soát nội tâm trên đường đời, chiến thắng dã tâm, dục vọng, cuối cùng lấy được chân kinh, thành công một đời.

> Theo dõi bài 1

> Theo dõi bài 2

> Theo dõi bài 3

Mới vào đầu truyện, Ngô Thừa Ân làm một bài thơ thật có ý nghĩa:

Hỗn độn chưa chia trời đất loạn

Mờ mờ mịt mịt chẳng ai hay

Hồng mông từ khi Bàn Cổ mở

Trong đục phân minh tự thuở này

Che chở mọi loài nhờ trời đất

Phát sinh muôn vật tốt lành thay.

Muốn biết công to của tạo hóa

Đọc chuyện Tây Du giải ách đây.

Hình như trong truyện Ngô Thừa Ân mượn những từ bên Lão giáo để nói về tâm linh. Ở đây thiết nghĩ bài thơ trên diễn đạt trạng thái thanh tịnh trong suốt bất động, nhưng do vì sự bất giác ban đầu dẫn đến ý thức phát sinh, rồi từ đấy sanh khởi ra muôn vàn sự vật, sự việc sau đó. Và ông nói rằng đọc Tây Du là để giải ách khổ đau kiếp nhân sinh, chớ không như phần  đông chúng ta xem chỉ chạy theo tình tiết diễn biến ở truyện nên không thấy được cái hay tuyệt vời mà tác giả muốn nói.

Hai câu đầu nói lúc đất trời hỗn độn mờ mịt ngụ ý nói khi còn phàm phu thì chân giác và bất giác lẫn lộn không phân định được. Bởi chân giác và bất giác giống như sóng với nước vậy, tuy hai mà chẳng phải hai, nhưng không phải một - vì hai trạng thái khác nhau. Bởi chẳng rõ chân giác (Phật) nên gọi là bất giác (chúng sinh). Song, cái tướng của bất giác không thực thể, chỉ nương nơi chân giác mà có nên nó không rời chân giác. Nếu bất giác không còn thì tâm và cảnh cũng theo đó mất, chân giác (Phật tâm) sẽ hiện bày.

Screenshot_167

Bất giác do tâm động gọi là vô minh, vì có động mà sanh ra phân biệt (ý thức), do có tâm phân biệt mới vọng hiện ra cảnh giới bị phân biệt, từ đó tâm (năng) và cảnh (sở) không rời nhau. Thể tánh chân thật xưa nay rỗng lặng thanh tịnh bất động (chân giác) không có năng sở, song vì mê lầm nên bất giác vọng động (nghiệp tướng vô minh) sanh ra có cái hay phân biệt (chuyển tướng) và cảnh giới bị phân biệt (hiện tượng). Đây là nói theo tuần tự thứ lớp chớ khi có bất giác vọng động thì tâm và cảnh đồng thời chung khởi. Đã có cảnh giới hiện ra nên sanh tâm phân biệt trời đất, đục trong, nam nữ, thương ghét v.v... từ đó bắt đầu có tham sân; do có tâm phân biệt thương ghét, đục trong mới sanh ra các niệm khổ vui, mừng sợ v.v... không dứt; do có niệm tương tục phân biệt không gián đoạn nên ái nhiễm dính mắc trên các pháp rồi giả đặt ra những danh tự để kêu gọi, từ đó tạo ra các nghiệp lành dữ, bị nghiệp dẫn đi thọ lãnh quả báo tốt xấu ở đời sau. Vì vậy, khi có bất giác vọng động thì phát sinh ra chủ thể và đối tượng mà có những cặp đối đãi, từ đó các pháp sanh (vạn pháp duy thức). Khi tâm vọng động thì sanh ra các pháp tạp nhiễm sai khác, nhưng vọng động bất giác dừng thì có vô lượng diệu dụng công đức thanh tịnh. Cho nên tất cả đều tùy tâm của chúng sinh mà hiện ra các tướng nhiễm tịnh. Thế thì nhiễm, tịnh, giác và bất giác đều như huyễn, như hóa chỉ là danh tự không thật.

Truyện nói từ khi hỗn độn đã chia, đục trong phân minh có trời đất, ở nước Ngao Lại, trên núi Hoa Quả, có tảng đá tiên nứt ra sinh một trứng đá to bằng quả cầu, gặp gió hóa ra con khỉ đá. (hồi 1)

Đoạn này cho thấy con khỉ từ trứng đá sinh ra, mà trứng đá từ trời đất có. Vậy trời đất từ đâu sinh? Ở đây phải nói ngược lại là trời đất từ con khỉ sanh. (Trời đất ở đây cũng có thể hiểu là không và sắc). Tại sao? Vì trời không nói đây là trời, đất không nói đây là đất, mà từ khi có con khỉ (ý thức) thì nói cái khoảng trống rỗng không vật đó gọi  là trời; còn chỗ có cây cỏ và muôn vật sinh sống thì gọi là đất. Vậy thì, từ khi có con khỉ sinh ra nên mới gọi đây là trời, kia là đất và có tất cả việc trên đời này.

Như chúng ta đã biết, Khỉ là một con vật không chịu ở yên, tay chân rất táy máy, hết buông cái này lại nắm bắt cái kia, khi thì cào gãi, lúc thì trèo leo…. Chỗ này Ngô Thừa Ân ẩn dụ rất hay. Như thân thể chúng ta có đầu, mình và tứ chi. Đầu là phần chủ của toàn thân, vì não bộ và hệ thần kinh trung ương ở đó, mà não chỉ bằng quả cầu là tượng trưng cho trứng đá. Nếu trứng đá bằng quả cầu mà không gặp gió thì chắc không sinh ra con khỉ đá, nên trứng đá chỉ là trứng đá.

Ở đây nói gió là Động, mà Động là tâm máy động tức là tâm vọng tưởng (suy tư nghĩ tưởng đâu đâu), là Vọng niệm (nhớ nghĩ hư dối), là Vọng thức (hiểu biết hư vọng, so sánh phân biệt) hay còn gọi là Vọng tâm. Tất cả trạng thái tâm đó đều là động cả. Khi tâm động thì trái với tâm thể thanh tịnh nên gọi là Vọng. Tuy nó có mà không thật nên nói là giả dối. Bởi tâm có khởi động mới nói các sự vật chuyển động, chớ mọi sự vật tự nó không nói là động hay chẳng động. Như câu chuyện trong chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, có hai vị tăng thấy lá phướn treo trước chùa gió thổi phất phơ, một vị nói gió động, vị kia nói phướn động, nên hai người cãi nhau không ra lẽ. Khi ấy có ngài Huệ Năng tiến đến nói: “Không phải gió động, không phải phướn động mà tâm nhơn giả động”. Câu nói này làm hai vị tăng thức tỉnh (kinh Pháp Bảo Đàn).

Cũng vậy, nếu ta tỉnh táo sáng suốt, não tuy có mà tâm không vọng động thì ý thức không sinh. Tuy không vọng động - suy nghĩ tính toán - nhưng thấy biết rõ ràng mà vẫn sáng suốt an nhiên tự tại, chẳng bị các pháp ràng buộc, giống như có trứng đá mà không gặp gió thì danh từ con khỉ cũng không có. Chính khi ấy nơi sáu căn cái Rõ Biết hằng thấy, hằng nghe ... này, khi có sắc hay không sắc; khi có tiếng hay không tiếng, cái hằng thấy biết đó luôn rỗng lặng sáng suốt. Ở đây nói rỗng lặng sáng suốt có nghĩa là sáu căn đối diện trước muôn pháp hiện bày biết rõ ràng tất cả mà không có ý thức vọng động, chớ chẳng phải sáng suốt là tỏa hào quang cho người ta thấy. Nó rất linh hoạt và an nhiên trước muôn sự muôn vật. Và muôn sự muôn vật cũng bất động như như trước cái linh hoạt rỗng lặng đó. Cả hai đều không dính mắc, không cái nào bám trụ vào cái nào cả. Chính khi ấy mình và muôn sự muôn vật đồng hòa một thể rỗng lặng bất động, không có phân chia đây là mắt thấy (chủ thể), kia là vật bị thấy (đối tượng) gì gì cả. Do vì phàm phu khi đối diện với các pháp bằng cái nhìn vọng kiến, khởi vọng tình, sanh vọng thức, nên mới phân chia chủ thể và đối tượng. Từ đó mới có những cặp đối đãi là buồn thương, giận ghét v.v... nên mới có khổ đau.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta làm tất cả việc mà không đắm nhiễm dính mắc sáu trần, tâm luôn an định thản nhiên (vì vọng động không có) thì đâu cần tu hành làm chi, đâu cần phải giác, phải thành Phật làm gì đúng không? Nhưng chúng ta đâu có chịu vậy, hễ làm tất cả việc là dính mắc, cái gì cũng muốn đem về cho mình, rồi bảo thủ. Ta phải biết, Phật, Tổ dạy không cho khởi nghĩ là chỉ cho chúng ta biết cái nhân để thể nhận ra tâm chân thật không sinh, không diệt hằng hiện diện nơi sáu căn. Và cũng vì người cố chấp dính mắc các pháp, chấp cái hiểu biết Phật pháp cho là mình đã nhận ra Phật pháp, nhưng sự thật đó chỉ là tri giải, nên Phật, Tổ mới lập ra các phương tiện mà dẹp cái tri giải đó của hành giả, rồi dùng phương tiện thiện xảo để chỉ cái linh hoạt an định sáng suốt. Bởi chúng sinh ái chấp thành ra bệnh nên các Ngài vì người mà dẹp phá sự ái chấp đó, nếu người không ái chấp khi nghe những lời này chỉ cười thôi. Thành thử nói đạo là việc sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, sinh hoạt giống như mọi người mà không bị phiền não trói buộc. Nên có người hỏi ngài Nam Tuyền:

- Thế nào là đạo?

Ngài Nam Tuyền đáp:

- Tâm bình thường là đạo.

Bình thường tâm đây là không có tất cả tâm yêu ghét, phải quấy, hơn thua v.v... Trong sinh hoạt hằng ngày đối tất cả cảnh tâm không đắm nhiễm dính mắc, thấy biết rõ ràng mà an định sáng suốt nên gọi là tâm bình thường. Nếu khởi niệm không lợi ích cho người thì đừng khởi, đừng dấy động hãy để nó yên tịnh. Còn những việc thấy có lợi ích cho người thì mình làm, nhưng trong khi làm đừng chấp có ta làm thì mới không bị dính mắc. Trong cuộc sống, tất cả công việc hằng ngày như nấu cơm, giặt giũ, quét nhà v.v... chúng ta làm tất cả việc đó mà đừng lo ra khởi nghĩ gì khác thì công việc rất chu đáo và mau lẹ. Nhưng nếu các công việc ấy lại không khởi nghĩ để làm, thấy sao để vậy thì đúng hay chăng? Hoặc thấy người bị tai nạn, hoặc lối xóm cháy nhà ta không khởi nghĩ đến sự cứu giúp, như vậy có đúng không? Không khéo chúng ta sẽ bị thế nhân chê cười là thụ động, là yếm thế tiêu cực. Nếu người biết ứng dụng tu ngay trong cuộc sống thì hành động nào cũng lợi ích thiết thực, vì làm tất cả việc mà không thấy có ta làm, không thấy đối tượng ta giúp và không thấy công việc giúp ích, nghĩa là trên ba việc đó đều thấy rỗng lặng - “Tam luân không tịch”. Vì mỗi hành động phát xuất từ tâm rỗng lặng sáng suốt nên thấy tất cả pháp đều bình đẳng rỗng lặng. Nếu nghe nói không cho khởi nghĩ, đến khi đói nằm đó chờ chết, gặp người bị nạn trước mắt chẳng giúp đỡ...  không làm việc gì cả, đó là hiểu Phật pháp lệch lạc, là ngộ nhận lời Phật Tổ dạy.

Một cảnh trong phim Tây Du Ký.

Một cảnh trong phim Tây Du Ký.

Còn như nói có suy nghĩ là mình thì khi không khởi động suy nghĩ mình mất rồi sao? Đâu phải vậy ! Khi không khởi động suy nghĩ, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe v.v... Mắt, tai ... là vật chất sẽ bị hư hoại, tự nó không thể thấy nghe ... được, vậy phải có một cái (tạm gọi) Linh tri thường hằng hiện hữu gá nơi sáu căn, dù không khởi động suy nghĩ, sáu căn vẫn sáng tỏ rõ ràng. Ngay nơi cái hằng tri hằng giác này mà thể nhận thì thảnh thơi an lạc biết bao! Như khi mắt mở thấy cảnh sắc, khi mắt nhắm thấy không cảnh sắc, khi có tiếng nghe có tiếng, khi không tiếng nghe không tiếng, khi vui biết đang vui, khi đau biết đang đau, lạnh biết lạnh, nóng biết nóng; cho đến khi không nghĩ tính mình cũng rõ biết, lúc có nghĩ tính vẫn rõ biết là đang nghĩ tính v.v... Người trí có cái thấy biết này mà người ngu cũng có cái thấy biết này. Cái Thấy Biết này từ xưa đến nay chưa từng bị sanh diệt, luôn hằng hiện diện không lúc nào rời chúng ta, chớ không phải đợi có suy nghĩ, tính toán mới là có thấy biết, mà khi ấy chỉ không có khởi động suy nghĩ tính toán thôi. Nó vốn bình đẳng không phân biệt ngu hay trí gì cả, cho đến các loài động vật khác đều có cái hằng thấy biết trong lặng này. Ngay đó thật là thảnh thơi an lạc lại chẳng chịu, đòi phải có suy tư nghĩ tưởng mới là mình thì thật mê lầm. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm có câu chuyện chàng Diễn Nhã Đạt Đa soi gương, chàng ta thấy bóng đầu mình trong gương, lát sau anh úp gương lại không thấy bóng đầu mình đâu nữa vội la hoảng lên “Tôi mất đầu rồi!!” Mà đầu thật của anh hiện hữu đâu có mất, vì anh nhận lầm cái bóng đầu ở trong gương cho là mình nên mới la hoảng. Nếu cho có khởi động suy nghĩ là mình thì cũng giống như chàng Diễn Nhã Đạt Đa vậy.

Đôi khi chúng ta cũng có vài ba giây phút tâm không khởi động mà ít ai chịu vậy, lại cảm thấy như mất mình hay sợ cô đơn lẻ loi, nên tìm việc này chuyện kia khởi nghĩ để khỏa lấp chỗ trống vắng ấy, thật là đáng tiếc! Nếu người biết sống với tâm chân thật thì dù thân có làm việc gì nặng nhọc đi nữa, nhưng tâm không máy động, chỉ biết công việc đang làm thì việc làm mau đạt kết quả và cảm thấy thản nhiên an ổn không uể oải, mệt nhọc, dù người bên ngoài thấy mình cực nhọc, vất vả. Do đó người biết sống đúng là khi cần khởi thì khởi, không cần khởi tâm vẫn an định, người như thế ở đâu cũng cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng. Còn không biết thì dù có nằm giường êm nệm ấm mà suy nghĩ lăng xăng mãi vẫn là khổ, càng suy nghĩ thần kinh càng căng thẳng muốn phát điên, mà thời đại bây giờ người ta gọi là bệnh stress.

Từ chỗ thanh tịnh sáng suốt do bất giác một niệm vọng động mà phát sinh sơn hà đại địa cùng tất cả loài hữu tình, từ đó có nam nữ, được mất, thương ghét, phải quấy v.v... Bởi có ý thức rồi có đủ thứ chuyện. Khi tâm bị vọng động thì hết ý niệm này đến ý nghĩ nọ nối tiếp không mạch lạc, ráp nối việc này qua việc kia không đầu đuôi gì cả. Cho nên một tư tưởng khởi lên là một con khỉ đã sanh. Nhưng nếu chúng ta có nhìn lại từng tâm niệm thì sẽ thấy một việc phải quan tâm. Những ý niệm ta thấy nó cứ tiếp nối nhau, mà trong cái khoảng giữa của ý niệm này và ý niệm kế có một khoảng cách rỗng lặng, chớ không phải liền mạch nhau. Thí dụ như ta đang nói một câu thì từng chữ từng lời nối tiếp liên tục mới thành câu văn, nhưng từ chữ đầu câu đến chữ kế nó có một khoảng trống, chớ những chữ trong câu văn không có dính chùm nhau. Cũng vậy, nếu chúng ta thấy được chỗ rỗng lặng giữa khoảng cách của hai ý niệm thì chúng ta không quan tâm với những vọng niệm nữa, thấy nó giống như cái bóng ẩn ẩn hiện hiện trong cái rỗng lặng sáng suốt vậy.

Ở đây nói rỗng lặng mà rõ biết tất cả chớ không phải rỗng trơn không ngơ; khi có niệm rõ biết có niệm, khi niệm lặng mất thì vẫn rõ biết rỗng lặng. Nếu sáng suốt rõ trạng thái đó mọi thời mọi lúc trong cuộc sống thì dù có những cảnh nghịch hay thuận đến, ta vẫn an nhiên không bị chộn rộn, khổ đau. Thế nên Cổ Đức nói: “Tiền niệm bất sanh tức tâm, hậu niệm bất diệt tức Phật” (Trước niệm không sanh tức tâm, sau niệm không diệt tức Phật). Nghĩa là trước khi niệm chưa khởi đó là Tâm chân thật, và khi niệm lỡ đã sanh rồi một lát sau nó lại lặng mất (chưa có niệm kế tiếp), thì chính cái rỗng lặng mà hằng rõ biết sau khi niệm lặng đó là Chân tâm hiện diện, nên nói là “Sau niệm không diệt tức Phật”. Chính cái chỗ rõ biết rỗng lặng khi chưa có niệm và sau khi niệm lặng đó nó luôn an định sáng suốt không sinh diệt, là tâm Phật của mỗi người sẵn có vậy. Song phàm phu mê muội lại cho những ý niệm là mình nên quên đi cái rỗng lặng sáng suốt ấy mà có đủ chuyện khổ đau. Vì thế, trong kinh nói là trùng trùng duyên khởi. Việc này giống như chúng ta đi ra biển thấy những lượn sóng nối tiếp đuổi theo nhau không dừng, hết lượn này đến lượn khác, nhưng những lượn sóng đó từ nơi mặt biển mà có, bởi duyên có gió làm dậy sóng nên mặt biển yên tịnh bị khuất lấp. Muốn thể nhận mặt biển hãy ngay nơi sóng mà nhận, rời sóng không thể có mặt biển.

Cũng vậy, niệm này tới niệm kia là từ nơi tâm thể thanh tịnh lưu xuất, do khi đối duyên chợt bất giác nên vọng động phát khởi. Đã vọng động thì tâm thể thanh tịnh bị phũ che. Nếu muốn trở lại phải ngay nơi chỗ vọng động đó mà thể nhận, rời chỗ vọng động không thể có tâm thanh tịnh được. Chỉ dừng duyên ngoài không hòa hợp tiếp tục và bất giác lắng lại thì ý niệm tự hóa tán, tâm thể hiện bày. Nên Cổ Đức nói: “Chẳng sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm” hay “Niệm khởi liền giác, giác niệm liền không” là vậy. Nhưng khởi động trong việc chánh đáng, việc lành giúp người là phải làm vì đó là thể hiện lòng từ đối với nhân sinh.

Có anh bạn kể rằng, anh cùng một đoàn người ra Vũng Tàu tham quan và tắm biển. Hôm đó biển êm nên ai cũng muốn bơi lội thỏa thích, bỗng nhiên có một cô gái đang bơi bị vọp bẻ tay chân không lội được nữa, đành la cầu cứu rồi từ từ chìm. Lúc đó anh lội cách cô khoảng hai mươi mét, nếu anh không bơi lại thì cô sẽ chết chìm, cho nên anh cố lội nhanh lại nắm tóc cô đưa lên khỏi nước và kéo vào bờ làm hô hấp, một lát sau cô mới tỉnh lại. Nếu lúc cứu cô mà anh nghĩ bậy bạ là sai, chỉ nghĩ cứu khỏi chết là đúng.

Đây giống như ở hồi 17. Tôn Hành Giả đánh yêu gấu không thắng nên đi cầu viện Bồ Tát Quan Âm... Giữa đường Tôn Hành Giả gặp một yêu tinh bạn của yêu gấu đang trên đường đến chúc mừng khánh tuế nó, Tôn Hành Giả liền đánh chết. Lúc gặp Bồ Tát, mới lập kế nói: “Bồ Tát nên biến ra yêu tinh bị đánh chết để đến lừa yêu gấu ...”. Khi Bồ Tát biến giống yêu tinh, Tôn Hành Giả liền nói: “Bồ Tát là yêu tinh hay yêu tinh là Bồ Tát?”. Bồ Tát nói: “Ngộ Không, Bồ Tát, yêu tinh đều là nhất niệm, nếu bàn đến gốc đều là không có”.

Cũng vậy, như mẩu chuyện cứu người ở trên, khi cứu người chỉ biết cứu người không nghĩ gì khác là Bồ Tát. Còn cứu người mà có niệm vì tự ngã cảm thọ là yêu tinh. Cho nên cũng một việc làm mà Bồ Tát hay yêu tinh cũng chính ta, chỉ khác trên ý niệm, còn bàn đến gốc ý niệm thì không có nơi chốn, vì tất cả đều từ tâm lưu xuất. Như ta đang chạy xe cùng chiều với người, bỗng người chạy trước vấp ổ gà té, ta có lòng từ là phải giúp ngay vì việc đó ở trước mắt, nếu người bị thương nặng phải khởi nghĩ đưa đi bệnh viện và hỏi thăm để báo cho thân nhân họ biết. Cho nên việc trước mắt làm lợi ích người thì phải làm, xong rồi buông xả đừng ái chấp dính mắc.

Khi có việc cần nhớ mà ta không chịu nhớ, còn có việc không đáng nhớ lại khởi động nhớ, nghĩ thì thật là điên đảo. Nếu khởi động làm với tâm từ bi là vì vị tha chớ không phải vị kỷ. Cổ Đức có nói: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần. Vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Nghĩa là tâm chân thật trong đó không có một mảy bụi (vọng động). Nhưng trong cửa vạn hạnh (đối với tất cả việc lành) thì không bỏ một việc nhỏ. Có số người hành đạo không hiểu cho nên chẳng dám khởi động, thấy mọi việc đều để vậy, nhà dơ không quét, củi hết không lo, gạo hết không dám khởi động v.v... thật là vô trách nhiệm. Như nghe nói tâm mình thanh tịnh không động, rồi cứ kiềm đè cho niệm lắng xuống để được thanh tịnh không dám thấy biết, nhớ nghĩ điều gì cả, trở thành vô tri như gỗ đá thì thật là tai họa cho đạo Phật ngày nay. Nên ngài Lục tổ có nói: “Nếu trăm vật chẳng nghĩ, chính khi đó khiến cho niệm bặt đi ấy là pháp phược, ấy là biên kiến”. Trong đời thường nếu sống đúng với đạo thì không phải như thế. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chỉ không dính mắc trói buộc, như khi mắt thấy tất cả cảnh vật cái nào ra cái nấy, không xen tạp lẫn lộn, tuy ý thức không máy động nhưng vẫn rõ biết rỗng lặng an nhiên, nên trong kinh nói: “Phân biệt tất cả pháp mà đối với đệ nhất nghĩa chưa hề lay động”. Nghĩa là thấy nghe biết tất cả pháp, không mống niệm khen chê, phải quấy, tốt xấu..

Nếu người biết tu không phải đợi ngồi một chỗ mới gọi là tu, ở ngay đời sống hằng ngày tuy hoạt động nhưng vẫn tu được, miễn sao sáu căn tiếp xúc sáu trần, cái Biết vẫn hằng hữu nơi sáu căn mà đừng ái chấp dính mắc các pháp thì ngay đó là Phật pháp, là cảnh giới Phật ở trước mắt chớ không đâu xa. Vì làm tất cả việc mà không đắm nhiễm nên tâm không chao động, lại sáng suốt làm lợi ích cho nhân loại vì vậy định và huệ đều đầy đủ. Đó là địa vị Phật. Mà Phật là giác. Giác tức là Biết. Giác ngộ là Nhận Ra hay Rõ Ra cái Biết hiện hữu này để hằng sống. Chính cái Biết hiện hữu này khi có vọng hay không vọng nó luôn trong lặng sáng suốt nơi sáu căn của chúng ta. Dù các căn có đóng đi nữa (câm hoặc điếc) thì vẫn rõ biết hằng hữu biểu hiện qua các căn khác nhạy bén hơn. Ví dụ cái rõ biết linh hoạt trong lặng đó giống như là dòng điện, còn sáu căn thì giống như là bóng đèn, quạt máy, tủ lạnh, bếp điện, truyền hình v.v., khi ta bật công tắc thì các vật dụng trên hoạt động theo công dụng của mỗi thứ, nhưng dòng điện thì chỉ một. Nó có khả năng làm chuyển động các vật dụng trên, chớ các vật dụng không tự chuyển động được. Các vật dụng có hình tướng cho nên bị định luật của vô thường làm hư hoại, còn dòng điện không hình tướng luôn hiện diện không lúc nào thiếu vắng. Cũng thế, trong mỗi chúng ta đều có cái rõ biết trong lặng luôn linh hoạt, do vì chúng ta khi tiếp xúc với sáu trần bất giác vọng động, sinh ra vọng thức rồi lao theo các vọng tình dính mắc các pháp, thâu thập các hiểu biết suy lường, tạo thành kiến chấp đem vào ký ức làm chủng tử cho vị lai, cho đó là mình khôn ngoan, hiểu biết lanh lợi mà quên đi cái rõ biết trong lặng hiện diện. Trong khi ấy, không biết rằng nhờ có cái rõ biết trong lặng này chúng ta mới hoạt động nói năng, tới lui làm mọi việc.

Bốn thầy trò Đường tăng chứng thành đạo quả.

Bốn thầy trò Đường tăng chứng thành đạo quả.

Vì vậy, tất cả mọi động dụng đều phát xuất từ tâm rỗng lặng rõ biết. Nếu người sống được với tâm đó thì tất cả chỗ đều là cảnh giới Phật. Người xưa nói: “Căn trần không đến nhau là giải thoát”. Điều này chúng ta nên chiêm nghiệm kỹ sẽ thấy rõ, căn là căn, trần cảnh là trần cảnh không có cái nào đến với cái nào cả. Nếu thấy căn cảnh có đến nhau là tại chúng ta bất giác vọng động, khởi tình thức trên trần cảnh. Khi nhìn sự vật ta liền moi lục trong ký ức những danh tự, khuôn sáo do người xưa đặt ra, rồi gán ép cho sự vật một cái tên để gọi, mà không chịu nhìn nó một cách bình lặng thản nhiên. Thật ra trần cảnh vốn trụ nơi bản vị của nó. Còn sáu căn khi mở là thấy, nghe.... rõ biết tất cả trần cảnh đang hiện diện. Ví như mắt mở là thấy tất cả cảnh sắc ở trước, nếu thấy chỉ là thấy, không một máy động nào thì ngay đó liền giải thoát. Cho nên trong kinh nói: “Tâm sinh thì các pháp sinh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Tâm diệt ở đây không phải đợi diệt hết tâm lăng xăng sinh diệt mà chúng ta phải có cái nhìn sâu sắc hơn về chữ “Diệt” này, có nghĩa là “Tịch diệt” (vắng lặng). Thế thì khi tâm vắng lặng nhìn các pháp đều vắng lặng. Thông thường giáo lý căn bản cho rằng muôn pháp có sanh có diệt là vô thường, đó là do nhìn trên mặt sự tướng mà nói; trái lại các kinh Đại thừa cho ta biết các pháp xưa nay vốn tịch diệt và thường hằng bất biến, đó là nhìn trên mặt tự tánh mà nói, nên thấy các pháp chỉ giả dối sinh ra, giả dối diệt đi chớ chẳng phải thật có sinh diệt. Nếu quả có thật sinh thì chẳng bao giờ mất, làm sao mà có diệt được; trái lại nếu có thật diệt thì mất hẳn, làm sao lại có sanh? Sở dĩ các pháp có sanh là vì có tâm, bởi có tâm nên có pháp. Tâm pháp đồng thời tương sanh tương diệt không trước không sau, vì lẽ đó kinh nói: “Nhất tâm sanh vạn pháp, vạn pháp đều do tâm; tâm tức là pháp, pháp tức là tâm; ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Tỏ ngộ được cái lý đó thì rõ tâm bất nhiễm trước khi niệm khởi, bởi vì tâm bất nhiễm đó xưa vốn chẳng sanh, nay vốn chẳng diệt; chẳng sanh chẳng diệt mới là chân tịch diệt. Vậy thì khi vọng niệm không sanh thì tất cả muôn pháp đều vắng lặng. Thế nên tất cả pháp đều do tâm tạo ra, ba cõi sáu đường từ đây có, cho đến Phật, Thánh cũng từ đây lập. Nên có bài:

Thật tướng các pháp vốn rỗng lặng.

Chỉ vì tâm động các pháp sinh

Tâm Như các pháp đều lặng lẽ.

Một niệm vừa sanh bị che lòa.

Rồi một hôm con khỉ đá cùng tất cả loài khỉ lần đến dòng suối đùa giỡn, lũ khỉ nói: “Nếu ai chui vào tìm được đến nguồn mà không bị xây xát mình thì chúng ta sẽ tôn làm vua”. Con khỉ đá vội lên tiếng xin đi. Khỉ đá liền nhắm mắt nhảy vào giữa suối, mở mắt nhìn thì ra suối không có nước mà đó chỉ là một vệt trắng của hơi nước. Định thần lại thấy một cây cầu, trong là hang động, nhìn ngắm chung quanh thấy có đầy đủ tất cả giống như một cơ nghiệp của thế giới riêng biệt và thấy bia đá đề: “Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động”. Quan sát xong khỉ đá lại nhảy ra, lũ khỉ xúm lại hỏi đủ thứ. Khỉ đá nói: “Trong đó không có nước chỉ là một tòa cầu; bên cầu có hoa cỏ, tòa nhà, bếp, bát, chậu, giường, ghế đầy đủ tất cả như một cơ nghiệp, nơi đó rất rộng rãi. Chúng ta hãy cùng nhau vào ẩn náu ở đấy khỏi chịu trời nóng lạnh ... Rồi tất cả lũ khỉ đều nhảy theo con khỉ đá vào động ... Sau đó lũ khỉ tôn khỉ đá làm vua. Khỉ đá xưng là Mỹ Hầu vương ...”

Đoạn này cho thấy con khỉ là chỉ cho ý thức, còn một vệt cầu vồng trắng trước hang động chỉ cho dòng tâm thức đang niệm niệm tương tục không gián đoạn. Mà cái hang động là ám chỉ cho cái kho tạng thức. Thế nên trong Duy thức học nói: “Tạng thức hằng chuyển biến luôn, mỗi niệm, mỗi niệm sanh diệt tương tục không gián đoạn. Cũng như dòng thác nước từ trên cao đổ xuống, vì chảy nhanh quá, bởi do liên kết tiếp tục nhiều giọt nên ở xa trông thấy như là một vệt trắng, nó biến chuyển sanh diệt luôn, nên không phải thường nhất mà hằng luôn trôi chảy không ngừng”. Còn lúc khỉ đá nhảy qua khỏi vệt trắng đến một cây cầu thấy có hang động là nói ý thức làm nhân cùng với tạng thức. Khi vào trong động thấy có nào là tòa nhà, hoa cỏ, cây cảnh, hang đá, chén dĩa, giường, ghế v.v... là ý nói khi còn mê lầm thì trong kho tạng thức có đủ tất cả những chủng tử thiện ác để làm nhân tiếp nối sanh tử. Kinh Lăng Già nói: “Tạng thức làm nhân hiện ra sáu trần cảnh giới của tự tâm”. Thành thử tất cả những đồ vật trong động Thủy Liêm là tượng trưng cho những hình ảnh sáu trần ở tự tâm hiện ra, rồi thức thứ sáu nương ý căn duyên theo những hình ảnh hiện ra đó mà khởi niệm phân biệt tương tục, nên có hiện hành sinh diệt, vì vậy trong Duy thức nói: “Chủng tử khởi hiện hành”. Lại ý thức đối với ngoại trần sanh đắm nhiễm, dính mắc vọng khởi phân biệt, từ đó ý căn đưa những bóng dáng ấy vào tạng thức nên nói là “Hiện hành huân vào chủng tử”. Bởi khi ý thức đã có thì các pháp cũng từ đó mà dựng lập vậy.

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm