Tây Du ký: Tất cả là một
Quả thực Ngô Thừa Ân là nhà thâm hiểu Phật pháp. Qua Duy thức học, ông đã dựng những nhân vật trong truyện rất có ý nghĩa nói lên công phu kiên trì của hành giả trên đường hành đạo.
Tác giả khéo dựng năm nhân vật chính, mỗi nhân vật biểu hiện ngụ ý sâu xa như:
*- Ngài Đường Huyền Trang chỉ cho Tạng thức (thức thứ 8).
*- Tôn Ngộ Không (Tề Thiên Đại Thánh) chỉ cho Ý thức (thức thứ 6)
*- Trư Bát Giới chỉ cho năm thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức (Tiền ngũ thức).
*- Sa Ngộ Tịnh chỉ cho Mạc Na thức (thức thứ 7).
*- Con ngựa chỉ cho Sắc thân hay Sắc uẩn.
(Năm nhân vật này sẽ nói sau).
Tất cả là năm thầy trò tượng trưng cho năm uẩn hay tám thức. Tám thức là nói về phần tinh thần có thể chỉ cho bốn uẩn sau đây: “Thọ, Tưởng, Hành, Thức”. Còn con ngựa là chỉ Sắc uẩn.
Đây xin đại lược hồi 24, 25, 26 nói về việc này.
Khi mấy thầy trò đến núi Vạn Thọ, trên núi có quán gọi là Ngũ Trang Quán, chủ là tiên ông tên Trấn Nguyên Tử hổn danh Dữ Thế Đồng Quân. Trong quán có thứ báu lạ là khi hỗn độn vừa phân, hồng mông mới phán, trời đất chưa mở mang đã có cây linh căn ấy tên là Thảo Hoàn Đơn, ăn một quả sống bốn vạn bảy ngàn năm.
Trước khi tiên ông đi vắng bảo đồ đệ ở nhà “Lát nữa sẽ có bạn cố nhân đến phải tiếp đãi tận tình”. Lúc mấy thầy trò đến, đệ tử tiên ông hái hai quả nhân sâm biếu Đường Tam Tạng làm quà, Tam Tạng sợ quá không nhận vì quả giống đứa trẻ mới sinh... Tôn Hành Giả nghe nói nhân sâm quí hiếm nào giờ chưa biết, mới lén ra sau vườn xem và hái trộm để ăn thử. Vì trái nó xung khắc với Ngũ Hành nên khi rớt xuống đất liền mất, Tôn Hành Giả lấy áo hứng được ba trái đem về chia cho hai sư đệ cùng ăn. Vừa ăn, vừa bàn cãi nên các chú tiểu đồng nghe được liền mắng nhiếc mấy thầy trò thậm tệ, khiến Tôn Hành Giả nổi giận dùng thần thông bay ra sau vườn đánh bật ngã cây nhân sâm, rồi nửa đêm mấy thầy trò lén trốn ra khỏi viện... Tiên ông về hay việc cây nhân sâm bị đồ đệ bạn mình làm hư hại, liền đuổi theo bắt về hạch tội. Sau cùng tiên ông nói nếu cứu được cây nhân sâm sống lại thì cho đi. Tôn Hành Giả liền đồng ý.
Tôn Hành Giả đến mấy nơi cầu cứu không được nên mới đến Quan Âm Bồ Tát cầu khẩn. Bồ Tát cùng đến Ngũ Trang Quán cứu cây. Bồ Tát dùng nước trong Tịnh bình chế ra chung ngọc và sai Tôn Hành Giả lấy tay thấm nước trong chung áp vào rễ, cây từ từ sống lại. Tiên ông cám ơn Bồ Tát và sai đồ đệ hái nhân sâm đãi Bồ Tát cùng mấy thầy trò Đường Tăng, rồi mới nhận Đường Tăng hai nhà như một.
Ngô Thừa Ân thật khéo diễn đạt, Ngũ Trang Quán là chỉ cho thân năm uẩn mà chủ là Trấn Nguyên Tử, thế danh Dữ Thế Đồng Quân (uy lực tương đồng tạo hoá, ý ám chỉ tâm chân thật – Bổn tâm). Trong Ngũ trang- quán có báu lạ là cây nhân sâm, trái nó giống hình đứa bé mới sinh, khi ăn vào sống muôn tuổi, lại ở trên núi Vạn Thọ. Đây là hình ảnh tượng trưng cho tâm chân thật phát ra diệu dụng ở sáu căn.
Cây nhân sâm là của báu ở trên núi vạn thọ tức là ám chỉ cho Bổn tâm thanh tịnh (vô lượng công đức), sáng suốt (vô lượng quang), vĩnh hằng (vô lượng thọ). Đường Tăng không chịu nhận hai củ nhân sâm là nói A lại da (thức thứ tám) cái gốc chính là Như Lai Tạng Tâm (Bổn tâm), mà Bổn tâm thì không có hai có một gì cả, nhưng do vì bất giác nên bảy thức trước đồng thời phát sinh tác động thu thập những chủng tử thiện ác đem vào vồn chứa trong A lại da, thành thử A lại da đầy ấp những chủng tử tạp nhiễm không còn thanh tịnh trong sạch sáng suốt như thuở nguyên sơ (xem mục Đường Tăng).
Trong nhà Thiền có câu “Giống như hạnh anh nhi”, là nói khi người đã thể nhận Tâm chân thật và hằng sống thì rất hồn nhiên và tự tại, vì vô tư không động niệm trước ngoại duyên chi phối, giống như đứa bé mới sinh ra rất hồn nhiên vô tư, những hiện tượng chung quanh diễn bày nó đều thấy, nghe v.v... mà không phân biệt đẹp xấu, thiện ác, không so sánh được mất, hơn thua... Nó thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe, tay quơ chân chòi v.v... (đây là nói dụ, chứ đứa bé sơ sinh sáu thức vẫn trôi chảy tiềm ẩn bên trong, không phải như các vị thiền sư thấy biết mà không động niệm). Nhưng tâm chân thật không phải là năm uẩn nên nói xung khắc với Ngũ Hành, vì nó quý báu vô lượng nên khi cứu sống cây phải lấy chung bằng ngọc đựng nước trong tịnh bình và phải chính bàn tay của Tôn Hành Giả áp vào rễ thì cây mới sống được.
Đây nói tâm chân thật ở ngay thân năm uẩn, do vì lãng quên mà không nhận biết được coi như đã mất (cây bị chết). Song muốn nhận lại thì phải ĐỊNH (nước trong tịnh bình), GIỚI (thân tâm trong sạch tượng trưng cho chung bằng ngọc) và TUỆ (Tôn Hành Giả dùng tay thấm nước áp vào rễ cây) thì mới thể nhận tâm chân thật được (cây sống lại).
Tác giả khéo chỉ bày trong thân năm uẩn có báu lạ đó là tâm chân thật của mỗi người sẵn có, nếu ai nhận và hằng sống thì tuổi thọ đồng với trời đất, nghĩa là tuổi thọ vô lượng, giống như chủ của Ngũ trang quán là Dữ Thế Đồng Quân trên núi Vạn Thọ. Còn mấy thầy trò Đường Tăng ngầm chỉ năm uẩn nên tiên ông nói là bạn cố nhân nay mới gặp. Rồi náo loạn ở Ngũ trang trốn đi mấy lần mà vẫn bị Tiên ông thâu vào tay áo bắt về, rốt cuộc chỉ đòi cứu sống cây nhân sâm. Khi cứu xong thì lại đãi đằng xem như anh em một nhà, rồi đưa tiễn lên đường.
Cũng vậy, khi Bổn tâm bị che lấp (cây chết) nên thấy có chủ thể (ngã) và đối tượng (pháp) thì vạn pháp muôn sai ngàn khác (có ông có tôi đánh nhau náo loạn), nhưng lúc chân thể được phục hồi (cây sống lại), thì thấy chủ thể và đối tượng không hai, tâm pháp đồng nguồn vạn pháp nhất như (anh em một nhà).
Năm thầy trò trên bước đường thỉnh kinh gặp những chướng ngại như: Ma quỷ đón đường bắt ăn thịt, gặp đủ mọi khổ sở gian nan mà vẫn lập chí vững mạnh tiến bước, cuối cùng đến được Tây phương thỉnh kinh.
Cũng vậy, trên đường hành đạo có những nghịch cảnh cản trở hay gặp thuận cảnh mà dính mắc đó chẳng qua là sự chướng ngại ở nội tâm và ngoại cảnh (sẽ nói ở sau). Nhưng đối với giáo lý Duy thức học, những cái cho là chướng ngăn đó đều từ tâm thức biến hiện. Nếu người thấu đáo được lẽ này và có ý chí nghị lực luôn tiến bước không hề lui sụt thì sẽ đạt đến giác ngộ giải thoát. Bằng ngược lại chưa rõ lý này lại đổ thừa cho ngoại duyên ngăn trở, nghiệp lực lôi kéo thì khó mà tiến được.
Năm thầy trò đi thỉnh kinh gặp ma quái cản trở, đôi lúc lại có Phật, Bồ Tát ... trợ duyên, tất cả những nhân vật này là hình ảnh biểu trưng cho những trạng thái tâm của con người. Vì sao? Vì trong kinh nói tâm mỗi người có đủ mười cảnh giới: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn (Tứ thánh), Trời, Người, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục (Lục phàm). Có khi tâm ta thanh tịnh sáng suốt viên mãn, bi trí tròn đầy như Phật. Có lúc tâm tự tại an nhiên trên các pháp, từ bi cứu giúp chúng sinh như Bồ Tát. Khi thấu suốt lẽ thật các pháp do nhân duyên sinh nên không dính mắc, tâm tịch tĩnh như Duyên Giác. Rõ tường tận các pháp vô thường không chủ thể nên tâm an định như Thanh Văn. Lúc thì khiêm cung, hiền thiện như Trời (Ngọc hoàng). Có lúc hiền hậu, thật thà như người hành đạo (Đường Tăng). Khi sáng suốt rõ đâu là thiện ác, tà chánh, hư ngụy không lầm lẫn như người trí (Tôn Hành Giả). Lúc sân hận, ngã mạn tật đố, đấu tranh lăng xăng chính là tác nhân của loài A Tu La (thể hiện Tề Thiên lúc còn làm yêu tinh, cùng các yêu tinh khác). Có khi tham đắm, bỏn xẻn, ích kỷ bị ngũ dục lôi kéo đó là nhân sanh cõi Ngạ Quỷ (thể hiện Bát Giới lúc còn làm yêu tinh và yêu quái khác đón bắt Đường Tăng). Có lúc si mê tối tăm không rõ phải trái, chánh tà như Súc-sinh (thể hiện Sa Tăng lúc còn làm yêu tinh). Đôi lúc tâm hồn bị giày vò bức bách, đau khổ cùng cực như ở cõi Địa Ngục. Song xét cho cùng thì những trạng thái đó đều từ Bổn tâm thanh tịnh chính mình mà ra chớ chẳng phải ở đâu khác.
Thêm một cách hiểu khác nữa là năm nhân vật trong truyện để chỉ cho thân và tâm của con người thường tình. Con ngựa chỉ cho sắc thân mấy chục ký này, còn bốn thầy trò chỉ cho sắc tâm. Bởi vì Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng là sắc, mà sắc ở trong tâm (nội sắc) do chấp ngã và chấp pháp mà có. Vì sao? Vì thọ và tưởng nhận các duyên bên ngoài, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh đắm nhiễm dính mắc mà có thọ khổ, thọ vui và thọ không khổ không vui. Lại nhơn lãnh thọ khổ, vui... mà có tưởng, bởi do có cảm thọ mới thu nhận các ấn tượng từ ngoài đem vào rồi sanh ra nghĩ nhớ tưởng tượng, nếu vừa lòng thì vui thích, không vừa lòng sanh buồn ghét ... cho nên thọ và tưởng đi đôi khi tâm hướng ra ngoài duyên theo trần cảnh. Do xúc thọ rồi khởi vọng động, hết niệm này tới niệm nọ nên nói nó là hành (sự vận hành của tâm), giống như cuộn phim khi quay chiếu trở lại, những hình ảnh đó do từng phim từng phim ghép lại thành một chuỗi dài hình ảnh liên tục không gián đoạn. Bởi có dòng tương tục trôi chảy ở tâm, khi gặp duyên đối cảnh thì liền nhớ lại rõ ràng để so sánh phân biệt nên gọi là tâm thức. Hơn nữa cho thấy rằng “Thọ, Tưởng, Hành, Thức” sanh khởi là do có đối tượng làm chỗ duyên (sở duyên). Chẳng hạn như thọ là thọ thức ăn uống nào đó mà thấy có ngon dở... hay tưởng là tưởng tượng về hình ảnh nào đó..., cho đến hành, thức cũng lại như thế. Hễ cái gì nhờ duyên mà có thì không thực vốn hư vọng. Vì vậy, khi xúc mà không ái nhiễm đắm mắc thì thọ, tưởng không khởi, dòng tương tục cũng bị đoạn dứt, tâm sẽ được an định. Đó là cái nhân tiến đến giác ngộ giải thoát.
Do vì tâm không khởi tưởng duyên theo dính mắc các pháp nói là phá chấp mà nhận được nguồn tâm vốn sẵn an định. Từ đó mới thấy tánh và tướng không ngoài nhau mà đồng một nguồn cội không còn riêng rẽ. Vì sao? Vì các pháp vốn tự như như bất động, mà như như thì bình đẳng không lớn nhỏ, cao thấp. Dù nhỏ cỡ hạt bụi hay lớn như quả núi đều bình đẳng như nhau trên sự rỗng lặng bất động, vì các pháp xưa nay vốn như thế. Nếu thấy có lớn nhỏ, tánh tướng v.v... sai biệt là tại chúng ta khởi vọng động sanh tình thức mà có những cặp đối đãi. Con người sanh tình thức không giống nhau nên mỗi người thấy mỗi cách theo nghiệp cảm, do vậy mà thân tâm mỗi người không ai giống ai, dù là anh em sinh đôi. Bởi do mê lầm nhận tướng của tâm và sắc thân là mình nên bị trôi lăn ba cõi sáu đường. Nay thấu rõ tận gốc rễ của thọ và tưởng đều không thực thể - vì nó lúc có lúc không. Còn cái Rõ biết được thọ, tưởng khi có khi không thì cái đó (tạm gọi) không hình tướng nên không sanh diệt, không thêm bớt mà luôn hằng còn trùm khắp.
Việc này cũng giống như ban đêm ngoài trời không có mây, ta nhìn lên bầu trời đầy sao, nếu không trụ tâm vào một ngôi sao nào thì lúc đó ta thấy mình thênh thang như cả bầu trời. Còn tâm ta trụ vào một ngôi sao nào đó thì sẽ bị hạn cuộc nơi ngôi sao ấy mà không thấy được tất cả ngôi sao trong bầu trời. Cũng vậy, cái chân thật đó không bị hạn cuộc vào nơi nào nên trùm khắp thênh thang, nhưng khi đã có thọ, tưởng thì cái Rõ Biết hiện hữu thênh thang đó bị che khuất không còn sáng suốt như xưa, mà cái biết bị hạn cuộc trong phạm vi tình thức. Do chúng ta lao theo thọ và tưởng mà quên đi chứ nó không thiếu vắng phút giây nào, cũng như ban ngày có mây phũ che án mặt trời, dường như không thấy nó, nhưng thật ra mặt trời vẫn luôn hiện diện tỏa sáng không lúc nào vắng. Nếu không có mặt trời thì không thể nào biết có mây che vậy.
Khi bám chấp vào sắc uẩn, thọ tưởng tà vạy thúc đẩy, lòng sanh tham sân si nhiều, không sớm thì muộn sẽ bị rơi vào Địa Ngục, giống như Đường Tăng bị các yêu tinh bắt trói bỏ vào động không thể tự thoát ra được, nếu không có Tôn Hành Giả (trí tuệ) tìm cách giải cứu hay đi cầu viện Bồ Tát, Phật (tâm từ bi hỷ xả hay an định sáng suốt) đến giải nạn thì Đường Tăng chẳng thể nào ra khỏi động của yêu tinh được.
Ở đây nói động yêu tinh là chỉ cho tâm ái nhiễm dính mắc các pháp do tham sân si che lấp bản tánh sáng suốt an định. Vì vậy cổ đức nói: “Ba cõi do tâm tạo”. Nếu không tất cả tâm thì các pháp dù hiện bày trước mắt vẫn thấy là không đối với người có cái nhìn này, họ thấy biết tất cả mà không động niệm.
Thiết nghĩ, đại lược toàn truyện Tây Du Ký ý nói lên Ý thức từ đâu sanh ra; công năng của nó từ đâu lưu xuất, rồi ứng dụng công phu tu đến giác ngộ (kiến tánh), và khi đã giác ngộ phải công phu thế nào để lúc gặp những chướng duyên ở nội tâm và ngoại cảnh mà vẫn tiến bước không bị ngăn ngại cho đến ngày giải thoát viên mãn (đến Tây phương thỉnh kinh). Và có những hồi tác giả nói về nhân quả nghiệp báo như ở hồi 09, 39, 71, 95, cho thấy một chút nhân nhỏ cũng bị quả báo để chúng ta dè dặt thận trọng trong cuộc sống mà tránh đừng tạo những nhân xấu, ác. Và ông cũng đả phá tà đạo phù phiếm, mê tín như ở hồi 44-46. Từ đây về sau sẽ nói từng nhân vật chính.
(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).
Trong thực tế sau khi đóng phim Tây Du Ký năm 1986, chú ngựa vào vai diễn Bạch Long Mã đã có một kết cục bi thảm. Việc này, chúng tôi sẽ nói ở bài viết sau. Thật buồn thương. A di đà Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm