Thái độ của Đức Phật với phân biệt đẳng cấp xã hội
Kinh Veda là một trong những bộ kinh cổ và đồ sộ nhất của nhân loại. Với người Ấn Độ cổ đại, không có gì trong cuộc sống lại không được diễn tả trong kinh Veda.
Tuy nhiên, không phải những gì trong kinh Veda đều mang lại giá trị tốt đẹp cho người. Sự phân biệt đẳng cấp đến mức khắc nghiệt được cụ thể hóa trong Veda đã ảnh hưởng nặng nề đến tình đoàn kết dân tộc cũng như sự phát triển xã hội Ấn Độ. Đến tận ngày nay, xã hội Ấn Độ vẫn chưa thoát khỏi những định kiến về sự phân biệt đẳng cấp đó.
Xã hội Ấn Độ cổ đại tồn tại bốn giai cấp. Trong đó, giai cấp Bà-la-môn được sinh ra từ miệng Phạm Thiên (Brahma), giai cấp Sát-đế-lỵ được sinh ra từ hai tay Phạm Thiên, giai cấp Phệ-xá được sinh ra từ bắp chân Phạm Thiên, giai cấp Thủ-đà-la được sinh ra từ lòng bàn chân của Phạm Thiên. Các giai cấp được phân tầng từ cao xuống thấp theo vị trí mà Phạm Thiên đã sinh ra họ, ở đó Bà-la-môn là giai cấp cao quý nhất, là con thừa tự của Phạm Thiên.
Sự phân biệt đẳng cấp trên được bảo vệ bằng cả thần quyền và thế quyền. Đức Phật đã ra đời trong một xã hội với đầy dẫy những bất công như vậy. Những người Bà-la-môn cho rằng: Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, các giai cấp khác là hạ tiện. Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính tông của Phạm Thiên, sinh ra từ miệng Phạm Thiên, do Phạm Thiên sinh ra, là con cháu thừa tự của Phạm Thiên (Kinh Trường Bộ II).
Phê phán lại những quan điểm thần bí về nguồn gốc các giai cấp trong xã hội của những người Bà-la-môn, Đức Phật chỉ ra rằng: Vợ của những người Bà-la-môn cũng có kinh nguyệt, có mang thai và có cho con bú như những người phụ nữ ở giai cấp khác nên những đứa trẻ của người Bà-la-môn cũng được sinh ra như những đứa trẻ của những giai cấp khác. Hơn nữa những người Bà-la-môn cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử, máu của người Bà-la-môn cũng đỏ, và nước mắt cũng mặn như bao người khác.
Người Bà-la-môn phạm pháp cũng phải chịu tội trước pháp luật, hay nói rộng ra thì người Bà-la-môn không thể thoát khỏi sự chi phối của luật nhân quả báo ứng như những người khác (Trường Bộ Kinh). Cũng vậy, trên bước đường giải thoát nếu người Bà-la-môn không tinh tấn tu hành thiền định thì vẫn chịu luân hồi trong lục đạo, và nếu họ siêng năng tu hành thì vẫn đạt được giải thoát như những người khác, vì thế giữa người Bà-la-môn và những người thuộc đẳng cấp khác trong xã hội không khác về phương diện con người.
Đức Phật nhấn mạnh rằng, cơ sở để phân biệt người đó là cao quý hay hạ tiện là những hành động của bản thân chủ thể (quan điểm này hoàn toàn phù hợp với khoa học đạo đức hiện đại, một con người tồn tại trong xã hội thì cái làm nên bản chất của người đó không phải từ bên ngoài mang lại mà chính từ những hành vi đạo đức trong thực tiễn cuộc sống của họ), chứ không phải việc người đó được sinh ra từ đẳng cấp nào.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh III, Đức Phật đã nói rằng: “Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: "Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng” (Kinh Kalama).
Quán chiếu về sự phân biệt đẳng cấp tồn tại trong xã hội Ấn Độ, những nghịch lý đó mang lại lợi ích cho mọi người hay chỉ một số ít giáo sĩ Bà-la-môn, nó có được sự tán thán, ca tụng của những bậc thiện tri thức không, từ đó chúng ta có thể nhìn nhận về sự tồn tại của một xã hội như vậy là đúng hay sai, cho dù những điều đó có được gi trong sách vở, được thừa nhận trong tôn giáo đi nữa.
Trong kinh Trường Bộ II (kinh Khởi thế nhân bổn), sau khi Đức Phật trình bày về quá trình hình thành và tiến hóa của thế giới, Ngài đã giải thích về sự xuất hiện những đẳng cấp khác nhau trong xã hội. Trước tiên là sự khác nhau về giới tính giữa nam và nữ, khi xã hội lao động để sản xuất ra những của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình thì có những kẻ lười biếng không chịu lao động mà muốn trộm cướp tài sản của người khác, lúc này xã hội đề cử những người coi sóc để hạn chế trộm cướp trong xã hội.
Và những người đó, là những người Sát-đế-lỵ đầu tiên. Tiếp đó, xã hội cử những người hơn họ về đạo đức để chỉ dạy cho mọi người những người điều đạo đức, đó là những người Bà-la-môn đầu tiên. Trong xã hội có những người chuyên lao động, làm kinh tế để nuôi gia đình đó là những ngườ Phệ-xá đầu tiên.
Qua sự giải thích đó cho thấy, Đức Phật lý giải sự khác biệt các giai cấp trong xã hội từ những sự khác biệt của phân công xã hội, về nghề nghiệp, đạo đức và sự phân công đó được xã hội giao phó, được quyết định bởi xã hội, tức đời sống của con người do con người quyết định chứ không phải do ý muốn của một lực lượng bên ngoài. Không có sự phân biệt đẳng cấp mang tính tiên thiên, cũng không có giai cấp nào được sinh ra từ một vị thần thiêng liêng, bắt các giai cấp khác quy phục mình, nên những điều mà giai cấp Bà-la-môn nói về đẳng cấp là vô lý, mị dân và không có căn cứ.
Trên quan điểm thực tiễn, Đức Phật đã viện dẫn đến hai xã hội ở Ionia và Kamboja (thuộc Hi Lạp cổ đại), ở đó tồn tại giai cấp chủ nô và nô lệ, có những trường hợp nô lệ biến thành chủ nô và ngược lại có những chủ nô biến thành nô lệ, ở đó nếu những người Thủ-đà-la giàu có thì họ có thể sai khiến cả những người Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn và cả những người Phệ-xá (Kinh Trung Bộ II, kinh Assalayana).
Như vậy, Đức Phật đã luận giải về những vấn đề xã hội trên quan điểm lịch sử. Sự phát triển xã hội là một quá trình, những trạng thái tồn tại của xã hội đều có nguồn gốc từ nguyên nhân bên trong bản thân nó, không có một xã hội tồn tại mặc định được sáng tạo bởi các thế lực siêu nhiên.
Đức Phật đã hiện thực hóa những lý thuyết của Ngài vào thực tiễn, mà trước hết là Tăng đoàn (Sangha). Chắc hẳn ta còn nhớ Tỷ-kheo ni Mantanga, một thiếu nữ Thủ-đà-la say đắm ngài A-nan, khi được Phật khai ngộ đã trở thành một nữ Thánh giả. Như thế, trong Tăng đoàn, Đức Phật không lấy sự phân biệt đẳng cấp làm cơ sở mà Ngài dựa vào đạo đức của từng người để thu nhận, cũng như để phân biệt trên dưới cho dù người đó ở đẳng cấp nào trong xã hội (sự phân biệt này không làm xã hội trở nên mâu thuẫn, bởi nó dựa trên sự tự nguyện và lòng từ bi, kính trọng của mỗi người).
Ngoài Mantanga, Đức Phật còn chấp nhận nhiều đệ tử khác thuộc đẳng cấp hạ tiện trong xã hội vào Tăng đoàn như Sati con người đánh cá, Upali làm nghề thợ cạo, Nanda làm nghề chăn bò… Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Ngài đã khẳng định: Tất cả những người thuộc bốn đẳng cấp khác nhau trong xã hội khi họ thực hành theo luật và pháp của Như Lai thì trở thành những thành viên của Tăng đoàn, ở đó mọi sự phân biệt về đẳng cấp trong xã hội đều không tồn tại.
Có thể nói, Đức Phật là nhà cách mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Ngài đã chống lại sự phân biệt đẳng cấp để mang bình đẳng cho mọi người. Tư tưởng về xã hội và hành động thực tiễn của Đức Phật mang tinh thần nhập thế, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho mọi người. Với Đức Phật, tất cả mọi chúng sinh (không riêng gì con người hay bất kì một giai cấp nào) đều có Phật tính, và nếu tu hành theo đúng giáo pháp của Như Lai thì đều đạt đến sự giác ngộ, giải thoát.
Vì thế, Đạo Phật nói chung và Đức Thích-ca nói riêng không hề có thái độ thờ ơ trước những vấn đề của xã hội mà tham gia xây dựng và chuyển hóa xã hội rất tích cực.
Tiếp thu những tư tưởng nhân văn, và tinh thần nhập thế của Đức Phật, Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển không tách rời mà luôn đồng hành cùng với dân tộc. Ở Việt Nam, có vị vua xuất gia (Trần Nhân Tông), có vị vua xuất thân từ nhà chùa (Lý Công Uẩn), có những vị thiền sư ra cứu đời giúp nước như Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận...
Và ngày nay, tiếp bước tinh thần nhập thế đó, có rất nhiều vị xuất gia tu hành nhưng vẫn tham gia vào công tác xã hội bằng những việc làm thiết thực và cụ thể góp phần mang lại đời sống an bình cho con người, cũng như qua đó xiển dương giáo pháp của Như Lai, đưa giáo lý đạo Phật thâm nhập vào đời sống của cá nhân và xã hội nhằm hướng mọi người đến một đời sống đức hạnh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ
Kiến thức 16:17 23/12/2024Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Xem thêm