Thanh minh tháng ba - nghĩ về tục đốt vàng mã theo quan điểm Phật giáo
Vào cữ tháng ba, đây là tiết thanh minh tảo mộ người ta lại bộn rộn lo lắng chuẩn bị vàng mã để cúng kiếng người quá cố. Tục đốt vàng mã được coi là không thể thiếu vào ngày thanh minh trong tiết tháng 3 này. Đây là dịp vàng mã hóa đốt lớn nhất trong năm.
Tiết thanh minh (trong sáng) thì ai cũng biết rồi, nhưng tục (tảo mộ) trong tiết thanh minh ra đời ở Việt Nam chính xác từ bao giờ thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vậy tảo mộ là gì, thường thì người ta ngầm hiểu theo tục lệ là đi thắp hương ông bà, tổ tiên vào tiết thanh minh. Nhưng theo Hán ngữ tảo mộ nghĩa là dọn cỏ, vơ cỏ mọc trên mộ (người chết) để thắp hương. Còn tiết thanh minh là chỉ sự phân chia giai đoạn giữa các tháng hoặc mùa trong năm. Ví dụ như tiết xuân, tiết hạ, tiết đông chí chẳng hạn.
Theo HT Giác Hạnh, chữ tiết là chỉ thời tiết theo từng giai đoạn, nhưng vì là người Á Đông thường theo nông lịch, đặc biệt là người Trung Hoa thường gọi chữ tiết gắn liền với chữ tết, ví dụ như tết rằm tháng giêng, tết đoan ngọ, tết rằm tháng bảy (tết trung nguyên), tết trung thu, tết cơm mới, tết thanh minh (tảo mộ) tháng 3, nhiều địa phương ở nước ta tết này đều tổ chức khá rầm rộ.
Vậy, tết thanh minh, nếu nhìn ở khía cạnh lễ bái ông bà, tổ tiên với tinh thần hiếu nghĩa trong sáng theo chánh pháp thì đây là nét văn hóa; ngược lại nếu không theo chánh pháp, thì đây là vấn nạn mê tín dị đoan chỉ chuốc lấy phiền não, tức hao tổn về mặt tinh thần cũng như thiệt hại về vật chất kinh tế là rất dễ hiểu, bởi vì việc “cúng kiếng” cầu xin trái lẽ, với hủ tục đốt vàng mã vô tội vạ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Cho nên việc làm này chúng ta cần phải nhìn nhận thấu đáo và hành sự cho đúng đắn để mang lại lợi ích thiết thực về mặt tâm linh.
Đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc
Nhìn lại quá khứ, tục đốt, và rải vàng mã không phải là của người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Kinh dich Nho giáo cho biết, về thời thượng cổ người chết cứ để vậy đem chôn, không biết đến phần mộ, quan quách là chi. Trải qua các triều đại, việc chôn cất và mai táng người chết có nhiều hình thức. Đáng kể nhất là đời nhà Chu (1122 trước Tây lịch) có một quy định là khi người chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sùng ái (tức quý mến) cũng đều phải chôn theo.
Về sau tục lệ vô nhân đạo này đã được bãi bỏ và thay thế vào đó là Sô linh (tức người bện bằng cỏ). Đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách…Đến khi có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo…đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi thay thế cho vàng bạc đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Theo sách Thông Giám cương mục chép: “Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ vào thủy tổ nghề vàng mã được”. Từ đó người Trung Quốc bắt đầu có truyền thống đốt vàng mã khi mai táng, tế lễ, thờ cúng người chết.
Lúc đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Đến triều vua Đạt Tôn nhà Đường (762) Phật giáo đang trong thời kỳ thịnh đạt, lúc ấy có vị sư tên là Đạo Tăng nhận làm rằm tháng tháng bảy (lễ hội Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua Đạt Tôn rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân”. Vua muốn được lòng dân bèn thuận ý nghe theo.
Qua một vài sử liệu nêu trên, chúng ta thấy việc làm này đã trái ngược với giáo lý của nhà Phật. Ý nghĩa ngày rằm tháng bảy lễ hội Vu lan, nhân duyên bắt đầu từ việc báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ qua câu chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề (1). Nhưng lúc bấy giờ lòng dân mang đầy mê tín dị đoan, lại thêm có thông sức của vua Đạt Tôn truyền dụ nên đồng loạt thi nhau đốt vàng mã để kính thỉnh gia tiên, ngay cả hàng phật tử cũng không ngoại lệ; và hủ tục này lần lần thâm nhập vào tất cả các lễ tiết, rồi sau này trở thành các ngày tết trong năm.
Dân tộc ta đã từng trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều về những phong tục tập quán của người Trung Hoa. Bởi vậy, tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có, rồi ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân từ đời này sang đời khác chỉ với tâm thức mặc nhiên mơ hồ không có thực tế về thế giới tâm linh, bởi nó thiếu hẳn đi về mặt minh triết của giáo lý đạo Phật vốn vi tế và nhiều ứng dụng trong sáng.
Tín ngưỡng dân gian thần quyền và tín ngưỡng Phật giáo
Tiết thanh minh gắn liền với việc (tảo mộ) thăm viếng, cúng lễ ông bà tổ tiên, đây là tín ngưỡng dân gian. Nhưng với tinh thần Phật giáo Đại thừa (tức Phật giáo phát triển) tùy duyên bất biến nên không phản đối việc này. Với quan điểm tâm thành về việc cúng lễ báo hiếu ông bà tổ tiên theo tín ngưỡng chúng ta sẽ nói tới ở phần sau. Còn bây giờ, ta hãy nói đến việc đốt vàng mã ở nước ta hiện nay như thế nào?
Như trên đã đề cập, đất nước ta ảnh hưởng ngàn năm văn hóa Hán nên viêc đốt vàng mã của ta cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của phong tục văn hóa phương Bắc. Trung Hoa là nước có bề đầy văn hóa truyền thống lâu đời, họ cũng có những nét đẹp văn hóa riêng ta không phủ nhận. Nhưng ở đây chúng ta phải thừa nhận rằng hủ tục đốt vàng mã xưa của người Trung Quốc như đã đề cập ở phần trên chúng ta thấy chính họ cũng đã có thái độ phê phán rõ ràng, nhưng với nước ta việc làm này lại diễn ra ngày một gia tăng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay, mùng 1 và ngày rằm hàng tháng cùng với giỗ chạp, giải hạn, lễ chùa, xây nhà cửa…
Người ta đốt vàng mã thường cầu Trời, Phật, Thánh thần, gia tiên, cha mẹ ông bà phù hộ cho gia đình, bản thân được hanh thông may mắn trong cuộc sống. Thông thường cứ khi “có việc” là gia chủ sắm đồ cúng lễ, trong đồ lễ đó, không bao giờ thiếu một lễ tiền vàng mã (tiền âm phủ). Nhiều gia đình ở thành phố, thị xã, thị trấn số vàng mã đốt nhiều hơn, phong phú hơn về chủng loại, nghĩa là ngoài tiền vàng theo nghi thức thông thường, người ta cho rằng “âm dương đồng nhất lý” nên đồ vàng mã hiện nay đã phát triển theo cơ chế “thị trường” đó là nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, rồi áo quần, đồ trang sức cũng được cách tân theo thời hiện đại. Người sắm ít thì bỏ ra vài chục, vài trăm ngàn đồng, kẻ sắm nhiều thì tiền bỏ ra cả chục triệu, thậm chí còn hơn thế nữa.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước ta tiêu thụ tới trên 50.000 (50 nghìn) tấn vàng mã, tương đương số tiền 20 tỷ đồng. Chắc nhiều người còn nhớ vụ cháy tại hẻm 81 đường Lương Thế Vinh, quận Tân Phú, Tp.HCM năm 2016; vụ ở Hào Nam, Đống Đa, vụ Núi Trúc (Hà Nội) và nhiều vụ cháy khác xảy ra do đốt vàng mã và nguyên nhân từ vàng mã đã gây nên thiệt hại không nhỏ về người và của cũng như các tệ nạn xã hội mê tín dị đoan mà chúng ta không thể thống kê hết được.
Qua lịch sử được biết, Phật giáo Trung Quốc thời xưa cũng đã phản đối việc đốt vàng mã bởi theo quan điểm Phật giáo tồn tại 6 cõi luân hồi, con người chết đi có thể tái sinh vào một trong 6 cõi trời, thần, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Khi đó hoạt động thờ cúng, chăm sóc phần mộ, đốt vàng mã không còn ý nghĩa gì đối với người chết đã tái sinh. Như vậy, việc đốt vàng mã không những không có tác dụng như những gì chúng ta tưởng tượng và tin tưởng, mà còn phí phạm tiền của tài sản đồng thời gây nên những ảo tưởng hệ lụy về tâm linh thiếu thực tế trong sáng (qua sự suy đoán bản ngã chủ quan của không ít thầy bà tà đạo dọa dẫm có ý trục lợi).
Vậy theo quan điểm cùa đạo Phật, vấn đề cầu xin có tính bản ngã (tham, sân, si) thì điều này không đúng, bởi nó trái với luật nhân quả mà Phật dạy. Muốn điều tốt lành đến với mình thì chỉ có cách duy nhất là gieo nhân lành.
Các tổ thầy cho rằng, chúng ta tự nghiệm xét những gì (chúng ta) cầu xin đó, nếu được hết thì chắc rằng chúng ta đều giầu, đều vui vẻ, không ai khổ phải không. Nhưng kiểm lại chúng ta thấy nhiều người mê tín cầu cúng quá nhiều mà đã hết khổ chưa? Nếu cầu xin mà được thì chúng ta thấy bao nhiêu người mê tín họ ngày đêm van vái cầu xin sao vẫn nghèo khó đến độ ngẩn ngơ vậy.
Theo các minh sư cho biết, tổ nghiệp, người thân của chúng ta ai gieo nghiệp lành thì họ đã thăng lên cảnh giới cao rồi; còn ai gieo nghiệp xấu ác thì cũng đã đọa lạc. Nếu có cúng thì chỉ là cúng cô hồn, các đảng.
Theo quan điểm từ bi của nhà Phật, thì cúng cô hồn các đảng (tức chúng sinh) cũng có phước báo, nhưng không thể cúng bằng tâm (tham, sân, si) được. Bởi cúng thí thực không thể cúng theo kiểu đoạn thực, mà phải khai yết hầu (1) cho chúng, có như thế chúng mới thọ dụng được; theo đó, người lễ (chủ lễ) phải có giới hạnh để trì chú thuyết linh hàng cô hồn, các đảng (tức loài quỷ) được giải thoát khỏi cảnh khổ đau.
Vậy trong nhà Phật mới có câu “âm siêu dương thái” túc âm thăng cảnh giới an lành, thì dương chúng ta mới không còn bị lực lượng cõi âm quấy nhiễu u ám. Như thế có nghĩa là cúng lễ phải theo đúng chánh pháp mới đem lại lợi ích từ hai phía. (nếu không thì chỉ gây thêm phiền não chướng).
Để minh định cho điều này, chúng ta hãy suy ngẫm câu chuyện nhỏ dưới đây nói về tác dụng của việc trì tụng “Kinh Yêu Thương” mà ngay còn tại thế đức Thế Tôn đã dạy các đệ tử như thế này:
“Có một hôm một số đệ tử đến báo cho đức Thế Tôn biết là trong khu rừng mà các đệ tử đang cư trú có những lực lượng ma quái quấy nhiễu. Các đệ tử hỏi Phật là làm sao để cho khu rừng ấy yên ổn, đức Phật dạy rằng: “chắc là các loài sống trong khu rừng ấy đang bị đau khổ, đang tự làm khổ mình, và trong khi tự làm khổ mình thì họ làm khổ người. Vậy thì các thầy nên thực tập từ bi quán. Thực tập từ bi quán thì năng lượng của từ và bi sẽ thấm nhuần luôn với các vị đó. Các thầy nghe theo đức Phật đã đem Kinh yêu thương về tụng và thực tập. Thời gian sau khu rừng đó yên ổn, và như vậy là lòng từ và bi của các thầy đã liễu lộ và hiểu được những nỗi khổ đau của những loài kia. Nhờ vậy, mà khu rừng đó trở nên xanh mát yên ỏn”.
Qua câu chuyện và sự việc nêu trên giữa đức Phật và các đệ tử của Ngài hỏi về đạo pháp cho chúng ta thấy một điều: lễ cúng theo tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng đạo Phật có những nét khác biệt. Sự khác biệt chủ yếu ở đây là giới hạnh, là lòng từ bi và sự chân thật của người cúng lễ. Do đó, mới có câu cổ ngữ “lễ mọn tâm thành” và câu cổ ngữ này rất phù hợp với giáo lý đạo Phật, bởi nó không kẹt vào ngã chấp vật lý, mà tất cả duy tâm tạo đúng như lời kinh điển dạy.
Theo tục lệ cổ truyền, vào tiết thanh minh chúng ta thường ra đồng vơ cỏ trên mộ phần người thân, rối sau đó về nhà làm cơm cúng kiến ông bà, tổ tiên. Việc nhớ ơn báo hiếu tiền nhân đây là nét đẹp về đạo lý. Song, nếu chỉ dừng lại ở “cúng kiếng” coi trọng vật chất mà tâm không thành (tức coi nhẹ về đạo lý tinh thần) thì theo các tổ thầy dạy là vô dụng.
Tại sao nói vô dụng?
Xin thưa, nếu “cúng kiếng” mà bày vẽ (ngã mạn) sa lầy vào vật chất do (tiền đóng gạo góp, kẻ ít người nhiều) sẽ gây nên phiền não chướng. Bởi nó không xuất phát từ tâm yêu thương, thì con người chỉ “xào xáo” lẫn nhau còn đâu là tấm lòng hiếu kính người đã khuất. Vậy cúng lễ cốt ở chỗ tâm thành mới đem lại lợi lạc là vậy.
Trong kinh Vu Lan đề cập đến sức mạnh chú nguyện (tức tinh thần) của chư Tăng, và nhờ vào sức mạnh thanh tịnh của tăng đoàn (nhiều người) trong ngày tự tứ (2) mà bà Thanh Đề thoát khổ, bởi năng lượng của từ bi có tác dụng rất lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ vào tâm thức của bà Thanh Đề, làm cho bà thay đổi tận gốc rễ nghiệp bất thiện của mình và giải thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ.
Kinh Địa Tạng cũng đề cập phương pháp giúp cho người chết thoát khổ bằng cách sử dụng tài sản của họ vào việc công ích bố thí, cúng dường, hồi hướng công đức cho họ sẽ được lợi ích lớn. Tất cả những điều diễn tả trong kinh đều muốn nói lên một thực tế rằng, nếu sử dụng năng lượng tâm linh đúng chánh pháp sẽ tạo khả năng chuyển biến và thay đổi tâm thức tới đời sống chúng sinh cõi âm đang đau khổ là một thực tế bất khả tư nghị. Theo pháp tu mật tông,thầy Viên Giác cho rằng: “Công năng của gia trì và sức mạnh của trì chú, sức mạnh của lời nguyện là sức mạnh của tâm thành. Người trì chú có tâm đức sâu dầy thì bản thân của câu chú sinh ra lực cảm ứng có thể thông với quỷ thần, giúp đỡ và gia trì người ta. Sức mạnh của lời nguyện có thể câu thông với sự gia hộ của chư Phật, Bồ tát và các vị thần hộ pháp”.
Theo giáo lý nhà Phật, chúng ta tồn tại trên trái đất này bao gồm ngũ thú tạp cư (tức năm loài sống chung). Qua luân hồi sinh tử, ai gieo thiện nghiệp thì đã vãng sinh cõi lành, ngược lại ai tạo ác nghiệp thì đã đọa lạc tam đồ. Vào những ngày lễ tiết, chúng ta có lòng với ông bà, tổ tiên thì chí thành lễ bái (dù ông bà ở cảnh giới nào) nếu chúng ta thành tâm cầu nguyện lễ bái hay sám hối hồi hướng thì sẽ được chiêu cảm. Ngược lại, nếu vì ngã chấp (nặng về hình tướng vật dục) thì tâm thức sẽ bị (bôi đen) tức tâm thức nhiễm ô ấy không thể câu thông với các cảnh giới an lành. Vậy trong kinh có câu, tam giới duy tâm vạn pháp duy thức để nhắc chúng ta cúng lễ cầu nguyện cần phải có tâm thành thì mới đem lại lợi ích.
Thanh minh trong tiết tháng 3, đây là dịp con cháu cúng lễ ông bà, tổ tiên để nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục. Vậy, chúng ta phải gắng công tìm hiểu chánh pháp và nương vào chánh pháp để cúng lễ, hồi hướng cho người quá cố với năng lượng của tâm thành, chứ không phải cúng kiếng theo tà đạo. Đó mới là nét đep thanh tịnh của chúng ta trong tiết thanh minh (tảo mộ) này, gửi tới cha mẹ, ông bà tổ tiên với tấm lòng thơm thảo đầy phước lạc.
------------------
Chú thích:
(1) Khai yết hầu: (theo lễ thí thực giáo lý đạo Phật, trước khi thỉnh cô hồn, các đảng thọ thực, các sư phải tụng chú khai yết hầu vì loài ngã quỷ san tham tật đố nên bụng to như cái trống mà cổ họng thì nhỏ như cái kim, nên phải cúng cháo chúng mới thọ dụng được. Vậy dân gian có câu, cúng cháo thí cô hồn. (2) Ngày Tự tứ: xin xem kinh Vu Lan, và chuyện Phật giáo nói về Mục Kiện Liên báo hiếu.
Tài liệu tham khảo:
-Bài: Độ sinh độ tử qua kinh Yêu thương – Nội san nghiên cứu Phật học – Hữu Lơi - Thiện Trí Chân – số 4- 1979.
Bài: Tục “Đốt vàng mã”-Nếu duy trì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đáng buồn –Sở thông tin &du lich tỉnh Nam Hà –cinet.vn –ngay 7/3/2018.
-Hiển Mật viên thông – cư sĩ Trần Giác, Thích Đạo Chân, Thích viên Giác (chùa Dược sư Ban Mê Thuột, Tây Ninh ấn hành 1975.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm