Hoà thượng Thích Gia Quang: Phật giáo không có tục đốt vàng mã và việc đốt vàng mã là vô nghĩa!
Đốt vàng mã từ lâu đã trở thành một tập tục quen thuộc của người Việt. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vàng mã dâng cúng rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của và mất an toàn.
>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: "Phật giáo không có tục đốt vàng mã và việc đốt vàng mã là vô nghĩa".
Phóng viên: Đốt vàng mã đã trở thành một thói quen trong xã hội và đang có xu hướng ngày càng phát triển, biến tướng do nhiều người không hiểu tường tận ý nghĩa của việc làm này mà chỉ thực hành theo tâm lý đám đông. Hòa thượng có thể giải thích rõ hơn về tục này?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Tục đốt vàng mã trong Phật giáo không có. Đây là tập tục có lâu đời của người Trung Quốc hướng về kính hiếu thần thánh, ông bà tổ tiên… Trước đây, giáo hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn người dân, bà con phật tử không nên đốt vàng mã; hướng dẫn làm thế nào để trang nghiêm, tốt đẹp trong lễ hội, hiếu hỷ trong giới Phật giáo. Gần đây, khi kinh tế phát triển, người dân có điều kiện kinh tế hơn nên tập tục này đã phát triển mạnh trở lại.
Để tránh những lầm tưởng cho rằng đây là nghi lễ của Phật giáo, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng không tích cực từ tập tục này gây ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản nhắc nhở trụ trì các chùa phổ biến, khuyến cáo người dân hiểu rõ hơn, tường tận hơn để hạn chế và dần dần đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã, đặc biệt là tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng thờ Phật.
Phóng viên: Việc đốt vàng mã không có trong giáo lý nhà Phật, vì thế hành vi này tại các chùa chiền có phải là vô nghĩa không, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Việc làm này vô nghĩa với đạo Phật. Thể hiện tâm linh của người dân với các bậc thần thánh, quan trọng nhất vẫn là thành tâm. Cần khuyến cáo bà con hiểu rằng việc kính hiếu các thần linh, ông bà tổ tiên về mặt tâm linh đều đáng trân trọng, nhưng cũng phải hiểu rằng các ngài là thần thánh, còn ông bà tổ tiên đều đã chuyển sang đời sống khác. Do đó, tất cả đều không còn dùng đồ tương tự như ở trần gian này nữa. Có đốt nhiều, hóa vàng nhiều thì các bậc thần linh, ông bà tổ tiên cũng không dùng được. Nếu người dân hiểu rõ được điều này mà tự bỏ được hành vi đốt vàng mã thì rất tốt.
Phóng viên: Như Hòa thượng phân tích thì nhiều người quan niệm sai lầm rằng việc đốt vàng mã là bày tỏ tấm lòng thành kính với thần phật, tổ tiên. Nhưng ngoài cách thức hóa vàng mã thì có cách thức nào khác để người dân có thể lựa chọn để bày tỏ lòng thành?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Khi người dân hiểu rằng thành kính, tri ân, chính là sự thành tâm, rằng bậc tiền nhân, người quá cố… không dùng đồ của người trần gian thì tôi tin họ sẽ không mù quáng mà đốt thật nhiều đồ vàng mã. Còn việc bày tỏ lòng thành kính thì có thể hướng mọi người tụng kinh, niệm phật, giúp người nghèo, làm việc có ích làm từ thiện xã hội… Tôi tin như vậy không chỉ nuôi dưỡng tâm trong sáng mà chắc chắn ông bà, tổ tiên cũng vui vì việc làm của họ.
Phóng viên: Không chỉ đốt đồ mã mà tục dâng sao giải hạn cũng từng được xác định là không có trong giáo lý nhà Phật, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Cúng sao giải hạn đúng là trong Phật giáo cũng không có nhưng có lễ cầu an, thể hiện trước Phật thánh, cầu mong có được sự bình an, sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống. Thay vì dâng sao giải hạn thì làm lễ Phật cầu an, tụng kinh Phật, làm theo tấm gương của Phật, cầu Phật để có nhiều an lành, thành công, hạnh phúc trong cuộc sống.
Phóng viên: Nhiều người vẫn luôn tâm niệm rằng phải làm mâm cao, cỗ đầy thì thần phật mới chứng. Điều này hiểu có đúng không, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Cầu nghĩa là bày tỏ sự mong muốn, còn được hay không là chuyện khác. Nếu mình thành tâm, chỉ làm điều tốt lành thì việc lễ sẽ được an. Nhưng nếu mình không làm điều tốt lành, không thành tâm, không sống tốt thì chắc chắn khó có thể được an. Người làm lễ cũng phải hướng cho người đi lễ làm những điều tốt lành, nhất tâm làm theo điều Phật dạy thì buổi lễ đó mới có ý nghĩa.
Cầu phúc, tài, lộc, thọ, bình an là nguyện vọng chính đáng của mỗi con người. Có cầu được hay không là do chính sự thành tâm, do hành động của mỗi người. Việc xin và tạ, tôi không dám bình luận nhưng làm gì thì quan trọng cũng ở lòng thành kính, ở tấm lòng, không nhất thiết phải đi lễ tạ, phải lễ to. Các ngài đã là thánh, là thần, các ngài không có nhu cầu cần đến lễ to, lễ lớn.
Việc sắp lễ cũng như vậy. Ban tam bảo thì lễ hương, hoa quả… thành tâm, thành kính chứ không nhất thiết phải đầy lễ, phong phú. Các ban lễ thánh có thể bày chút lễ mặn ngoài hoa quả cũng không sao. Nếu cứ phải lễ đầy, lễ nhiều thì không lẽ nhà giàu họ cầu, họ xin được hết, người nghèo không được chứng tâm? Nếu hiểu như vậy thì phải chăng người nào càng giàu có, cung tiến lên chùa càng nhiều thì sẽ được sống mãi mà không phải tu tâm tích đức hay sao?
Hãy hiểu rằng đến lễ chùa cần có cái tâm để tự cải thiện mình theo lời dạy của Phật là làm phúc, làm điều lành, không làm điều ác. Thiên kinh vạn quyển của nhà Phật cũng chỉ dạy và khuyên con người có như vậy chứ không có chuyện dâng tiền lễ càng nhiều thì gặp càng nhiều điều tốt và là hoàn toàn hiểu sai, trái ngược với luật nhân quả theo tinh thần của đạo Phật.
Xin cảm ơn Hòa thượng
Trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này, nhiều các hành vi nếu người dân khi tham gia các hoạt động lễ hội không thực hiện nghiêm sẽ bị xử phạt hành chính như đốt vàng mã, cúng tiền vàng...
Cụ thể, hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thành lập ban tổ chức lễ hội theo quy định; bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi...
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Đây là những nội dung đáng chú ý quy định tại nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Phật giáo thường thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Nghi thức tụng Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện)
Phật giáo thường thức 21:13 22/12/2024Theo Hòa Thượng - Pháp Sư Tịnh Không, đối với những Phật tử bận rộn, không có nhiều thời gian để tụng trọn bộ Kinh Vô Lượng Thọ quá dài trên 2 giờ thì có thể phân ra thời khóa buổi sáng tụng Phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện) và buổi tối tụng từ phẩm thứ 32 (Thọ lạc không cùng tận) đến phẩm thứ 37.
Kinh Nhất Thừa là gì?
Phật giáo thường thức 15:45 22/12/2024Pháp môn nào có thể chứng đắc Phật quả rốt ráo trong một đời sẽ gọi là Nhất Thừa, pháp môn ấy cũng là pháp môn Nhất Thừa, kinh ấy cũng là kinh Nhất Thừa.
Cõi đời phiền não hay là mình phiền não cõi đời?
Phật giáo thường thức 15:12 22/12/2024Nên biết tất cả sự trói buộc gốc từ mình mà ra, nên bỏ cũng từ mình chớ không phải ở bên ngoài. Cho nên Phật bảo “buông” là buông cảnh, đừng dính với nó. Ta cứ đổ thừa cảnh dính mình, không ngờ mình dính cảnh.
Xem thêm