Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Thầy cảm thấy hồi hộp, xúc động khi nhập thất (*)

Trạng thái an lạc trong thất khi điều phục được tâm quả là “bất khả tư nghì”, không thể miêu tả được, chỉ có chính hành giả mới biết. Người nhập thất điều tâm tốt, khi ra thất rồi, vẫn có được khả năng thấy tâm rất rõ, giúp ích rất nhiều cho đời sống tu tập hằng ngày. Nhập thất là một phương pháp tu tập tối thiết của người tu để tiếp cận chân lý giải thoát.

Đối với các mối quan hệ hằng ngày thầy hay xuề xòa, dễ dãi cho qua: “thôi kệ…” đó là câu cửa miệng mà thầy hay nói, nhưng trong tu học thầy luôn nghiêm khắc với chính mình. Để chuẩn bị cho ngày nhập thất, thầy tìm đọc, nghiên cứ kỹ các tài liệu sách vở một cách riết ráo và chú ý tham hỏi ý kiến những huynh đệ nhập thất trước đó.

Thầy thường xuyên lên chánh điện lạy Phật cầu gia bị. Tập ngồi thiền lâu hơn thường ngày. Thầy ý thức đây là dịp tu tập quan trọng cho mình, không phải là sự đối phó hay khoa trương, do vậy thầy chuẩn bị cho mình thật kỹ về tinh thần cũng như kiến thức. Tu tập phải dụng công toàn diện, không thể phiến diện nghĩ rằng chỉ có tu tâm là đủ.

Đi quả là bằng chân nhưng nếu chỉ có hai chân cử động thôi thì không thể về đích được. Phải có ý muốn đi, có mắt nhìn đường và cả người cùng chuyển động hỗ trợ cho chân bước đi thì mới tới đích được. Phải khiêm cung nhận biết khả năng mình, không thể ngã mạn so mình với những bậc tuệ giác cao, chỉ cần một cành hoa, một tiếng hét là có thể hốt nhiên đại ngộ. Thầy luôn ý thức học hỏi một cách cẩn thận, bất cứ làm việc gì cũng chu đáo chuẩn bị.

Đến ngày thầy nhập thất. Y  Hậu trang nghiêm thầy lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Thầy Minh Thanh được phân công hộ thất, cũng y hậu chỉnh tề đưa thầy vào.  Dù đã chuẩn bị kỹ nhưng thầy vẫn cảm thấy hồi hộp, xúc động. Thầy đã từng nghe nhiều câu chuyện  kể lại tâm trạng khi ở trong thất: rất nhiều những biến hiện của tâm khi nó ở yên không có cảnh và duyên tiếp xúc.

Đối với  người nhập thất có phương pháp điều tâm thích hợp, hiệu quả thì trạng thái rất  an lạc. Nhưng nếu người nhập thất chưa quen, điều tâm chưa tốt thì rất nhiều chướng ma quấy phá. Trước khi vào thất thầy cũng như các huynh đệ đều đã được nghe hòa thượng giải thích dặn dò: “Tâm ta như con vượn, lúc nào cũng muốn leo trèo, nhảy nhót suốt ngày, không thể  ngồi yên cho nên  khi để tâm không  là nó sanh khởi vọng niệm, người tu phải  biết nhận  ra nó để mà điều phục.

Khi nhập thất phải lưu ý không nên sợ hãi khi gặp ma ấm hoặc Phật cảnh hiện ra, lúc đó phải trụ tâm, thân đâu tâm đó không nên xao động cũng như  tham đắm. Phải biết bớt việc từ  bên trong lẫn bên ngoài, phải giữ tâm hiện tiền không để cho nó chạy theo tập khí, việc đi đứng nằm ngồi chấp tác trong khi nhập thất cũng phải biết hạn chế”…

Qui định ở trong thất: ngoài những dụng cụ cá nhân và y hậu…không đựợc mang vào thất bất cứ vật gì kể cả kinh tụng. Thầy tự phân thời khoá cho chính mình:

Ba giờ khuya thầy thức dậy ngồi thiền niệm Phật. Lúc đầu thầy ngồi được khoảng một giờ và vài ngày sau bắt đầu tăng dần lên. Sau giờ tọa thiền là thể dục đi thiền hành quanh thất. Khi ngồi thiền, thầy nhận rõ những hoạt động tâm thức di chuyển. Tâm càng lắng chừng nào thì những hoạt động của tâm càng thấy rõ từng li từng tí, giống như mặt nước vậy, nước càng yên mặt hồ càng hiện rõ bóng dáng của sự vật. Tám giờ thầy lại ngồi thiền niệm Phật. 12 giờ thọ trai rồi chỉ tịnh đến 13g30. 14giờ lại ngồi thiền niệm Phật. Buổi chiều thì đi thiền hành  quanh thất.

Vào buổi tối cảnh vật xung quanh yên lặng và tâm cũng dễ tĩnh. Có lúc  thầy cảm giác mọi vật quanh mình mất hết, chỉ có mình đối diện với mình, lòng nhẹ tênh nhưng trạng thái đó chỉ thoáng đến, bước đầu chưa giữ  được lâu.

Khi duyên cảnh bên ngoài bị cắt thì cũng là lúc  nội tâm bắt đầu hoạt động, nhưng nhờ trước đây thầy đã học rất kỹ Kinh Lăng Nghiêm nói về ngũ ấm ma nên thấu rõ phần nào vọng khởi từ bên trong.

Ngày đầu tâm rất yên, qua ngày thứ hai, thứ ba thì lại lăng xăng nhớ tới việc này việc nọ. Sống trong thất có lúc khởi lên ý mong muốn cho mau hết ngày giờ nhưng mỗi lần như vậy thầy biết tâm mình đang duyên bên ngoài nên tỉnh giác kéo nó trở về. Phương pháp nầy người xưa gọi là “chăn tâm”. Có những lúc theo dõi tâm, thầy cảm thấy nhức đầu và sau đó thầy thả lỏng thân tâm không trụ một chỗ  nữa. Đây là giai đoạn con khỉ bị trói chặt quá nên nó vùng vẫy, phải buông dây ra từ từ không nên cột chặc. Có đêm sau khi tọa thiền niệm Phật xong, đặt lưng nằm  xuống mới vừa chợp mắt ngủ là sa vào những giấc chiêm bao triền miên. Mới hay giữ được chánh niệm thật khó. Thầy nhớ đến bài kệ trong kinh Người biết sống một mình:

Đừng tưởng nhớ quá khứ
Đừng lo lắng tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.

Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chải và thảnh thơi


Bài kệ đã phần nào giúp thầy trở về chánh niệm. Thầy bắt đầu dụng công ngay vào cả những sinh hoạt cá nhân, khi rửa mặt đánh răng, khi nghỉ ngơi đều theo dõi tâm mình, không để những tạp niệm sinh khởi, dẫn dắt.

Chú tâm và dành nhiều thời gian thực hiện pháp môn niệm Phật để choán chỗ, không để những vọng tưởng len vào tâm. Khi đi thiền hành, thầy đưa mắt nhìn vào khuôn viên Huệ Nghiêm, thế là những nhớ nghĩ đủ thứ ập đến. Thầy biết ngay và bắt đầu áp dụng phương pháp sơ đẳng làhạn chế cái nhìn.

Sau nhiều ngày, khi đã làm chủ được tâm hơn, thầy mới từ từ thả lại ánh mắt. Thầy nhìn vào khuôn viên Huệ nghiêm nhưng tâm không lung tung nhớ nghĩ nữa. Trước đây khi sống trong chúng, thầy cũng đã từng thực tập thiền hành, nhưng chỉ là sự thực tập đơn giản. Bây giờ, sống trong thất, qua nhiều ngày lắng rõ tâm, thầy mới thực sự cảm thấy có những bước thiền hành an lạc, khác hẳn với trạng thái thư giãn khi thiền hành trước kia. Rồi những lúc nghỉ ngơi, nằm lắng nghe tiếng gió, tiếng con chim nào đó kêu thánh thót… tiếng hót như mở ra cảnh vật ở quê nhà thời thơ ấu.

Thầy cũng lập tức nhận thấy và nhẹ nhàng khởi tâm niệm Phật. Khi ăn cơm, nhận thấy bữa ăn hôm nay không ngon, tâm bắt đầu dấy tưởng ý niệm phân biệt, lần đầu thì thầy ngưng ngang bữa ăn, niệm Phật sám hối, nhưng lần sau thì thầy có thể vẫn tiếp tục ăn, không quá khắc khe với tâm mình nữa, nhưng biết cảnh giác hơn.

Cứ như thế, dần dần thầy điều phục, từ việc làm chủ được lục căn đến làm chủ tâm thức và càng ngày càng cảm thấy nhẹ nhàng, tự tại, không khẩn trương, khổ công như trước nữa.

Triết gia Descartes lý luận: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”; có thiền sư cho rằng càng tư duy chúng ta càng không có mặt, vì khi tư duy chúng ta đánh mất sự sống trong dòng tư duy.

Tư duy trở thành một chướng ngại khiến ta không tiếp xúc thực sự được với sự sống. Phái Thiền Tào Động cũng nói: “Phi tư duy thị thiền chi yếu giả” (không tư duy là điểm thiết yếu của thiền). Có nhập thất và điều được tâm mới thấy và hiểu rõ điều này.

Tuy những ngày sống trong thất “chăn tâm” rất khó, nhưng  những lúc chăn được thì tâm rất khinh an (nhẹ nhàng).  Có sống những giờ phút theo dõi tâm mình như thế mới thấy được những cái hay cái dở của chính mình để mà điều phục. Điều phục được tâm bình thường mới có được an lạc.

Trạng thái an lạc trong thất khi điều phục được tâm quả là “bất khả tư nghì”, không thể miêu tả được, chỉ có chính hành giả mới biết. Người nhập thất điều tâm tốt, khi ra thất rồi, vẫn có được khả năng thấy tâm rất rõ, giúp ích rất nhiều cho đời sống tu tập hằng ngày. Nhập thất là một phương pháp tu tập tối thiết của người tu để tiếp cận chân lý giải thoát.

Thu Nguyệt
Chú thích: (*): Câu chuyện được trích từ Truyện kỳ "Bóng áo nâu"
                   (*): Tiêu đề do BBT thay đổi


TIN, BÀI LIÊN QUAN
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ái là gốc của mọi vấn đề và nỗi khổ

Phật giáo thường thức 15:20 24/04/2024

“Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên lấy tham ái làm căn bản, lấy tham ái làm sở nhân. Tham ái là căn bản của khổ.”

Hạnh phúc trong hôn nhân có hoàn toàn là thuận pháp?

Phật giáo thường thức 13:45 24/04/2024

Hỏi: Chồng con bảo mới đầu thích con, muốn chinh phục, khi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn và cùng nhau trải qua nhiều chuyện thì hiểu hơn về con, lúc này tình cảm sâu đậm hơn. Quá trình tìm hiểu dẫn đến yêu và cưới của con có đang thuận pháp không thầy, khúc đầu có phải là tham ái không ạ?

Nói về Phật tánh (Phật tính)

Phật giáo thường thức 12:50 24/04/2024

Phật tính là từ quan trọng bậc nhất trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa, các kinh luận Đại thừa đều đề cập đến Phật tính.

Nhiệm mầu của sự mỉm cười và im lặng

Phật giáo thường thức 10:52 24/04/2024

Có 2 điều đơn giản trong cuộc sống sẽ giúp bạn vượt qua được khó khăn và tránh những rắc rối là như sau:

Xem thêm