Suy nghiệm từ sự giác ngộ của Châu-lợi-bàn-đặc và Vô-não

Chúng ta sinh ra không giống nhau. Mỗi một cuộc đời là một thân phận. Có người thông minh, có người không thông minh. Có người đẹp sắc, có người không đẹp sắc. Có người biết mình, có người ít biết mình. Gia cảnh, giáo dục, tín ngưỡng và môi trường sống cũng khác nhau.

Chúng ta chủ động được rất ít trong đời sống. Từ xác thân cho đến tâm tư, có một cái gì đó hoàn toàn tự do khỏi ý muốn chủ quan của ta. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy rất khổ vì mình không được là mình. Ta cô đơn và ôm chặt những nỗi niềm giữa chốn đông người lặng lẽ. Bước tới không được, dừng lại không được. Ta chỉ còn cố gắng và tìm vui trong những đẹp đẽ nhất có thể, để chạy trốn chính mình trước những niềm đau.

Tĩnh lặng, nhìn mình và hiện thực thế giới sống quanh mình, ta nhận ra khổ đau không dành riêng ai cả.

 Ở đâu có thích và cố giữ cái mình thích, ở đấy có khổ đau. Người người có khổ đau, nhà nhà có khổ đau. Mỗi người có một kiểu khổ. Từ khổ đau chính mình, người ta làm khổ đau người khác. Làm khổ qua lại nhau mà có khi mình không biết.

Mình nhân danh rất nhiều cái đẹp đẽ và không đẹp đẽ một cách vô thức làm cho nhau khổ. Mình không biết cái đẹp đẽ và không đẹp đẽ đều vô thường, duyên hợp (có điều kiện) và chỉ có ý nghĩa trong những không gian và thời gian giới hạn.

Tĩnh lặng hơn và nhìn sâu hơn, chúng ta thấy mọi người đều không muốn khổ đau. Mọi người đều muốn sáng đẹp như là mình. Có những sai lầm, làm rồi, người ta mới biết mình mê muội. Có những hành động, nhận kết quả rồi, người ta mới hiểu mình vô minh. Người ta rất khổ, rất thấy có lỗi và rất muốn thay đổi, đi tới những tốt đẹp.

Đức Phật thuyết pháp

Đức Phật thuyết pháp

Đức Phật Gotama nói khổ là một chân lý. Khổ là do thích muốn và cố giữ những thích muốn liên hệ đến các dục. Tất cả những bất thiện, mê lầm đều sinh ra từ thích muốn và cố giữ những thích muốn liên hệ đến các dục trong quá khứ hoặc hiện tại. Mỗi người phải nhận lãnh, kế thừa kết quả của tất cả những bất thiện và mê lầm do mình thực hiện.

Có người, do thân cận các bậc chân nhân, lắng nghe được diệu pháp, có niềm tin chân chánh, nên sớm tự mình thanh tịnh mình, tự mình sáng đẹp mình được. Có người, do chưa thân cận bậc chân nhân, chưa nghe được diệu pháp, chưa đủ niềm tin chân chánh, nên chưa thể tự mình thanh tịnh và sáng đẹp mình. Người ấy cần nương tựa minh sư và thiện hữu. Người ấy cần nâng đỡ và đưa bước qua một đoạn đường xa.

Sự nâng đỡ và đưa bước, đặc biệt trên con đường giác ngộ (Bát chánh đạo) là vô cùng quan trọng. Khi một ai đó đã thấy mình lầm lỗi, đã thấy mình u mê và đang cố gắng bước ra khỏi lầm lỗi và u mê đó bằng niềm tin và sự chân thành, chúng ta đừng bỏ quên họ.

Châu-lợi-bàn-đặc, một nhà sư kém thông minh, học đâu quên đó, nhiều người coi thường. Thầy đã bị đoàn thể mất niềm tin. Người anh của Thầy cũng là một nhà sư, nhìn thấy em mình qua nhiều năm tháng không tiến bộ cũng không còn đủ kiên nhẫn nữa. Anh của Thầy khuyên Thầy nên trở về nhà, đừng làm nhà sư nữa. Bản thân Thầy cũng tự thấy mình kém cỏi, không nên tiếp tục làm nhà sư. Nhưng Đức Phật Gotama không cho phép Thầy về nhà. Đức Phật nói: Này con, đừng trở về, hãy đi với ta, bây giờ ta sẽ trực tiếp hướng dẫn và nâng đỡ con. Con đừng tìm về quá khứ và cũng đừng lo lắng tương lai. Quá khứ đã qua rồi, còn tương lai thì chưa tới con ạ. Con hãy học an trú trong hiện tại. Cái gì sinh trong tâm, ghi nhận. Cái gì diệt trong tâm, ghi nhận. Ghi nhận và xem xét cái sinh và diệt đó có thiện hay không. Nếu thiện, nuôi dưỡng. Nếu bất thiện, buông bỏ. Đặc biệt, mỗi khi con quét rác, hãy nhớ quét tâm mình. Bên ngoài làm sạch thế nào, bên trong con cũng làm sạch như vậy. Ý niệm là pháp dẫn đầu. Hành động sẽ theo sau ý niệm. Ý niệm trong con trong sạch, an lạc sẽ theo con. Ý niệm trong con nhiễm ô, khổ não sẽ theo con.

Được Đức Phật nâng đỡ và hướng dẫn trực tiếp, Châu-lợi-bàn-đặc xúc động đến rơi nước mắt. Thầy tự hứa sẽ nỗ lực bằng toàn bộ năng lượng thể xác và tinh thần của mình. Kết quả, sau một thời gian tinh tấn theo lời Đức Phật hướng dẫn, Châu-lợi-bàn-đặc đắc quả A-la-hán, tự mình biết mình, tự mình giải thoát mình, tự mình là ngọn đèn cho chính mình và cho muôn loại có duyên.

Vô-não (Angulimala), một người sát nhân vì niềm tin mù quáng. Người ta vừa sợ mà vừa ghét Vô- não. Nhưng với lòng bi mẫn, Đức Phật đi tìm gặp Vô-não. Thấy Đức Phật, Vô-não đuổi theo định giết Ngài. Vô-não chạy, Đức Phật chánh niệm bước. Chạy gần đến Đức Phật, Vô-não la lớn: Đứng lại, ông hãy đứng lại. Đức Phật từ ái trả lời: Ta đã đứng lại, này Vô-não, con chưa đứng lại. Nghe lời của Đức Phật nói, Vô-não bổng giật mình. Có một người không sợ mình, có một người hiểu mình, có một người thương mình, Vô-não cảm được và bật khóc. Vô-não quỳ xuống ôm đôi bàn chân Đức Phật và nói: Con đang đứng lại, xin người thương con, xin người dẫn con đi trên con đường người giác ngộ. Đức Phật chạm tay lên tóc Vô-não, từ ái lên tiếng: Ta biết con đang đứng lại. Ta biết tâm con rồi sẽ lớn, trí con rồi sẽ sáng. Ta sẽ dẫn con đi trên con đường giác ngộ. Hãy từ bỏ gậy và kiếm. Hãy an trú với tâm không làm hại. Từ nay, trong con mắt tinh thần và trên đôi chân đi về giác ngộ, ta luôn có mặt soi đường và khích lệ cho con.

Vô-não đi theo Đức Phật, ẩn cư, học hỏi và quyết an trú với tâm không làm hại. Không lâu sau, Vô-não thanh tịnh được tâm ý, vượt thoát được ái thủ, thành tựu A-la-hán, trọn vẹn tự biết mình với đầy đủ từ bi và sáng suốt trong tâm.

Anh chị em ạ, nâng đỡ là một phẩm chất tâm hồn rất cần được nuôi dưỡng để cho nhau có thượng duyên và phúc lạc. Cái này có thì cái kia có, nhân loại không nâng đỡ nhau thì nhân loại sẽ không bao giờ có đủ hoà bình và hạnh phúc. Hôm nay ta nâng đỡ người, ngày mai người nâng đỡ ta.

Thế giới sống luôn mới và có nhau, sự trưởng thành tâm trí của một con người không thể tách rời khỏi tình yêu và sự nâng đỡ của người khác được. Khi người ta khổ đau, mình không nâng đỡ. Khi mình khổ đau, cũng sẽ không có ai nâng đỡ. Khung trời thênh thang cho mình sẽ chật hẹp, năng lượng thiện đẹp cho người sẽ cạn khô và nụ cười hạnh phúc trong đôi mắt của nhau cũng sẽ biến mất, khi bao dung và nâng đỡ không còn có mặt trong suy nghĩ, lời nói và hành vi của chúng ta.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Giác ngộ để làm gì? Giải thoát đi đâu?

Phật giáo thường thức 23:57 26/12/2024

Kính thưa Thầy, như Thầy vừa chỉ dạy, cái dòng nhân-quả-nghiệp báo đó nó không có ngừng nghỉ, như cây mít thì chắc chắn sẽ ra trái mít. Nếu vậy thì con người mình có tu tập cách mấy thì cũng sẽ chỉ là con người mà thôi, không thể nào mà ra khỏi cái thân phận con người được.

Người Phật tử giữ năm giới để chặn đứng con đường tội lỗi

Phật giáo thường thức 17:28 26/12/2024

Là đệ tử Phật, đi chùa, lạy Phật, tụng kinh liên miên, mà chưa giữ tròn năm giới thì thật là xấu hổ. Chúng ta giữ giới cho Phật hay cho mình?

Chuyện về màn cúng dàng kinh điển đẩy bà Thanh Đề xuống địa ngục

Phật giáo thường thức 16:04 26/12/2024

Nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, chủ yếu bắt nguồn từ sự bỏn xẻn và đặc biệt là lòng hiểm ác. Chính vì những nghiệp này, bà bị đọa vào kiếp ngạ quỷ, trở thành quỷ đói.

Những cách hữu hiệu giúp ta giảm bớt lo sợ tiến dần đến hết sợ

Phật giáo thường thức 16:03 26/12/2024

Làm thế nào để giảm bớt lo sợ dần dần tiến đến hết lo sợ để chúng ta có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống?

Xem thêm