Thầy tôi dạy thế giới Cực Lạc trong tôi
Mỗi lần nói đến niệm Phật, mỗi lần nghĩ đến cảnh giới Cực Lạc ở Tây Phương, là mỗi lần tôi nhớ đến Thầy tôi, một hành giả nhất tâm với câu niệm Phật, tâm luôn luôn lúc nào cũng quy hướng về cảnh giới Tây Phương của Đức Phật A Di Đà.
Thầy tôi một đời Truy y Thích tử, trọn kiếp xưng tán Đại Thừa, Người chưa bao giờ lìa câu niệm Phật và cũng không phút giây nào quên phát nguyện được Phật độ vãng sanh, pháp môn mà Thầy tôi hoằng truyền cũng là Pháp Môn Tịnh Độ, vì vậy hàng đệ tử chúng tôi nương theo Thầy học Phật, đều thấm nhuần câu Niệm Phật, và quy hướng về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Ngày còn để chỏm mỗi bửa công phu chiều, tụng Kinh A Di Đà, tụng tới đoạn mô tả về cảnh giới Cực Lạc, nào là có ao thất bảo, trong ao có hoa sen lớn như bánh xe, đất thì bằng vàng, cây cối tốt tươi xinh đẹp, treo đầy các thứ châu báu.v.v…không còn ngôn từ nào để có thể tả hết vẻ đẹp của cảnh giới Cực Lạc, đẹp quá chừng, tôi liền hỏi Thầy tôi làm thế nào để có thể thấy được cảnh giới đó, Thầy tôi dạy: “con phải siêng năng tụng kinh thật nhiều vào, tụng cho đến thuộc lòng, tụng cho đến nhập tâm, thì cảnh giới Cực Lạc tự nhiên sẽ hiện ra trước mắt con.”. Tôi kính tin vâng lời và chuyên tâm trì tụng.
Tụng Kinh A Di Đà, học Kinh A Di Đà, Niệm Phật A Di Đà, tất cả trong tôi đều dồn về một tâm nguyện, làm thế nào để thấy được cảnh giới Tây Phương. Tâm niệm đó được tôi kiên trì cứ như vậy trì niệm đến bốn năm năm. Năm tôi đến tuổi đăng đàn thọ Sa Di Giới, điều kiện của mỗi giới tử thọ giới Sa Di phải thuộc hai thời công phu, trong đó kinh A Di Đà, trong thời công phu chiều rất là khó học, thiền ngữ trong Thiền lâm có câu: “Lăng Nghiêm sợ bà già, Di Đà sợ Xá Lợi Phất”.
Trong Kinh Di Đà do Phật thường gọi ngài Xá Lợi Phất, cho nên danh hiệu của Ngài Xá Lợi Phất trong Kinh cứ lập đi, lập lại rất nhiều, cho nên rất là khó học thuộc và dễ bị lộn, vì vậy nhờ có mấy năm trì tụng, cho nên tôi thuộc làu làu, không còn lo phiền làm sao để học thuộc Kinh Di Đà nữa. Ngày tôi trả thuộc Kinh Di Đà để Thầy tôi cho đi thọ giới, tôi đọc ro ro, không có chổ vấp, Thầy tôi vui lắm, Thầy hỏi tôi: “con thấy cảnh giới Cực Lạc chưa?”, tôi tròn xe hai mắt, không hiểu và cũng không biết cách để trả lời, nên lại thêm một lần thắc mắc.
Được vào Nam tu học là một ước nguyện của tuổi vừa mới lớn như tôi, thành phố Sài Gòn, chùa chiền trong miền Nam, đời sống tu học trong miền Nam, như cứ lấn dần đi tâm nguyện được nhìn thấy cảnh giới Cực Lạc trong tôi, và rồi cuối cùng tôi cũng được Thầy tôi cho vào Nam học tập, tôi vui đến nỗi trước ngày lên đường, cả đêm không thể ngủ được, cứ mong trời mau sáng để được lên đường, khi tôi vào đảnh lễ Thầy đi học, Thầy tôi lại hỏi: “con đã thấy cảnh giới Cực Lạc chưa?”, tôi tròn xoe mắt nhìn thầy, thêm một lần không hiểu Cực Lạc ở đâu.
Vào Nam đi học, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thành phố Sài Gòn sao mà to lớn đẹp quá, người ở đâu mà thật là đông, nhà lầu cao tầng, cao đến nhìn muốn ngút mắt, mọi thứ ở đây, tôi chưa từng được nhìn thấy ở quê mình, hết thảy và tất cả đối với tôi đều là mới lạ, còn chùa chiền thì thôi không cách nào có thể diễn tả được, vừa đẹp, vừa to, vừa khác lạ, không có một chút gì để chùa ở quê tôi có thể giống được, còn tượng Phật thì pho nào pho nấy, thật là to và thật là trang nghiêm đẹp đẽ, nhìn hoài không chán, thật là bất khả tư nghì. Tôi bỗng chợt có một niệm đầu, cảnh giới Cực Lạc có đẹp như thế này không, chắc còn phải hơn thế này nữa, ở đây dù đẹp nhưng vẫn chưa có tất cả những gì, trong kinh A Di Đà đã diễn tả về cõi Cực Lạc, tôi lại thêm một niệm suy tư.
Mỗi năm cứ độ hè về, tôi lại trở về chùa, thăm chùa, thăm Thầy, để rồi được tận hưởng những phút giây thiêng liêng nhất, khi Thầy tôi khai đạo, dạy dỗ chúng tôi. Tôi luyên thuyên đủ điều, nhất là khi có đủ duyên lành đi học ở Đài Loan, rồi đi tham cứu ở các nước khác, tất cả những nơi tôi đến đều mới lạ, mà tôi chưa từng thấy và nghe qua, Thầy tôi cứ như vậy, ngồi nghe tôi kể và cuối cùng thì Thầy cũng chỉ hỏi tôi một câu: “con đã thấy cảnh giới cực lạc chưa?”. Tôi lại một lần nữa ngơ ngác, không hiểu câu hỏi của thầy, thôi lần này thì phải đảnh lễ Thầy, xin Thầy chỉ dạy cách nào để thấy được cảnh giới Cực Lạc.
Thầy tôi dạy: “cảnh giới Cực Lạc, không có xa, bởi vì con không chịu nhìn thấy. Đức Phật Di Đà rất gần, bởi con còn lắm chuyện phiền lo, nên không thể được chiêm ngưỡng Ngài, đôi khi con đã thấy cảnh giới Cực Lạc rồi, nhưng vì do tâm vọng động nên không nhận ra được, và có lúc đứng trước đức Phật Di Đà rồi, nhưng cứ vẫn cho rằng là người mình không quen, bởi thế dạy con niệm Phật, để tâm được thanh tịnh, tâm thanh tịnh rồi, thì cảnh giới Cực Lạc hay Đức Phật Di Đà đều ở trong con, Tâm, Phật, Chúng sanh cả ba đều không khác.”.
Lời dạy của Thầy tôi, như kéo tôi về với thực tại, quay trở là cuộc đời, nhìn về với quá khứ của chính mình, để tìm lại Đức Phật Di Đà và cảnh giới Cực Lạc của Ngài, đôi khi đã thấy rồi nhưng không kịp để nhận ra.
Ngày còn để chỏm, Thầy tôi dạy: “con phải siêng năng tụng kinh thật nhiều vào, tụng cho đến thuộc lòng, tụng cho đến nhập tâm, thì cảnh giới Cực Lạc tự nhiên sẽ hiện ra trước mắt con.”. Đúng là tôi đã thấy được cảnh giới Cực Lạc trong lời dạy này. Vì sao, vì khi Thầy tôi dạy, tôi nhất tâm làm theo, không một niệm sai khác. Tin rằng lời dạy của Thầy tôi đó là “Tín”, chuyên tâm tụng đọc Kinh A Di Đà đó là “Hạnh”, tụng đến thuộc lòng, không cần lật sách cũng có thể đọc không sai một lời, nhập vào tâm đây là “Nguyện”.
“Tín Hạnh Nguyện” là cốt lõi của Pháp môn Tịnh Độ, khi đã đầy đủ rồi thì nhân duyên sanh về cảnh giới Cực Lạc đã hiện tiền. Người đầy đủ ba pháp Tín Hạnh Nguyện cũng là người cụ túc tính chất của “Nhất tâm bất loạn”. Thầy tôi dạy: “nếu trong tâm không loạn, thì Cực Lạc hiện tiền, Cực Lạc trước mắt rồi, thì Đức Phật Di Đà đang đứng ở trước mặt ta, chớ chẳng đâu xa”.
Thầy tôi còn dạy: Một ngày nào đó, nếu con có thể liễu nghĩa được hai câu kệ của chư Tổ ngày xưa là: “Bất cấu, bất nhiễm thị Tây Phương, vô não vô ưu chơn Cực Lạc”; có nghĩa là nơi chốn nào, không còn có sự phân biệt, dơ sạch hay ô nhiễm nữa, thì nơi ấy là cảnh giới Tây Phương, chốn nào không còn sanh ưu tư, phiền não nữa nơi ấy đích thực là Cực Lạc.
Theo quan niệm của Thầy tôi, cõi Tây Phương Cực Lạc trong quá khứ, trong hiện tại và cả trong vị lai, đều có chung một tính chất như nhau, đó là: “có không trong giây phút, ẩn hiện như sát na, theo tâm để thành tướng, đủ duyên nên hiện tiền.”. Vì vậy cho nên chỉ có những người chân thật niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, tịnh tâm niệm Phật, thì mới có đủ nhân duyên để hội ngộ, tương xúc, cảm nhận được sự hiện tiền của cảnh giới ấy, còn bằng không tất cả cảnh giới của Cực Lạc mà ta có thể thấy được, chỉ là ảo giác, cùng với sự suy diễn của phàm tâm, tưởng tượng biến thành cảnh giới Cực Lạc, để rồi tự đánh lừa mình, cuối cùng cũng chỉ là phiền não, rồi tự đắm chìm trong cảnh giới của vô minh.
Ngày tôi trả thuộc Kinh Di Đà để Thầy tôi cho đi thọ giới, tôi đọc ro ro, không có chổ vấp, Thầy tôi vui lắm, Thầy hỏi tôi: “con thấy cảnh giới Cực Lạc chưa?”, nếu như là ngày hôm nay, thì tôi đã có chút ít cảm nhận về cảnh giới Cực Lạc mà Thầy tôi hỏi, nhưng hôm ấy thì thật là ngu ngơ, không có lấy một niệm đầu về hiểu biết, ý niệm câu hỏi ấy của Thầy tôi.
Đọc Kinh không còn sợ quên, không còn sợ không thuộc, hoan hỷ trả bài, không có chút gì vướng bận với bộ Kinh mình đang trả, tự tại an vui, không phải lo bị Thầy quở trách, giây phút đó, hoàn cảnh đó ứng với câu “chốn nào không còn sanh ưu tư, phiền não nữa nơi ấy đích thực là Cực Lạc”. Tôi lại bỏ qua một giây phút, một phước duyên được thấy và sống trong cảnh giới Cực Lạc mà chính mình không hay biết.
Được vào Nam tu học là một ước nguyện của tuổi vừa mới lớn như tôi… ngày lên đường, cả đêm không thể ngủ được, cứ mong trời mau sáng để được lên đường, khi tôi vào đảnh lễ thầy đi học, Thầy tôi lại hỏi: “con đã thấy cảnh giới Cực Lạc chưa?” thật là khó hiểu, thấy được cảnh giới Cực Lạc có liên quan gì đến tôi vào Nam học tập?.
Giờ thì hiểu rồi, có đấy, lẽ vì đất phương Nam mà tôi sắp đi vào, ôm ấp trong tôi biết bao hy vọng, niềm vui về tương lai, được học hành Phật Pháp, được tỏ ngộ ý thú Đại Thừa, được nghiên cứu Ngũ Thừa Thánh Giáo, được hòa mình vào cuộc sống trong các Đại Tùng Lâm, gieo duyên với chúng sanh, hội ngộ thầy lành, bạn quý, và rốt ráo đến nơi Phật đạo tràng, đến khi thành tựu, trở lại quê nhà hoằng dương Thánh giáo, báo đáp công ơn Phật và Thầy Tổ.
Nếu như tôi có thể hoàn thành được các tâm niệm và ước nguyện trên, thì có khác gì đâu được vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, vì tất cả mọi người phát tâm tu hành Pháp môn Tịnh Độ, ước nguyện được vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc cũng chỉ vì những hạnh nguyện và ước nguyện mà tôi đã nêu trên, ai cũng muốn về Tịnh Độ để được nghe Đức Phật A Di Đà thuyết pháp, để thấu ngộ nguồn chân, được làm bạn với các bậc bất thoái chuyển Bồ Tát, được an tịnh tu hành, một ngày nào đó đắc đạo “hồi nhập Ta Bà hóa độ chúng sanh”. Cho nên Thầy tôi hỏi: “con đã thấy cảnh giới Cực Lạc chưa?”, ở chổ này là ý như vậy đó.
Những cảnh vật tôi đã thấy khi vào tu học ở Sài Gòn, rồi sau này là Đài Loan và khi đi tham cứu ở các nước khác tất cả những nơi tôi đến đều mới lạ, mà tôi chưa từng thấy và nghe qua, và luôn phát tâm học hỏi. Thầy tôi ngồi nghe tôi kể và cuối cùng thì Thầy cũng chỉ hỏi tôi một câu: “con đã thấy cảnh giới Cực Lạc chưa?”. Tôi lại một lần nữa ngơ ngác, rồi cuối cùng thì Thầy tôi cũng dạy: “Tất cả các cảnh giới mà con có thể thấy được, thấy trong tâm hoan hỷ, thấy trong niệm thanh tịnh, thấy trong nguyện học hỏi, thấy trong tâm khởi nguyện tán thán, thấy trong lòng muốn được an trụ, thấy mà không còn một chút ưu phiền não động, tất cả những cảnh giới thấy trên tinh thần đó, dù trên thiên thượng, hay dưới trần gian, cho đến cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ.v.v… tất cả đều là cảnh giới Cực Lạc trong nguyện lực của Đức Phật A Di Đà.
Tôi thật sự bừng tỉnh và thêm một lần nữa bỏ lỡ cơ hội, được đứng trong cảnh giới Cực Lạc và được đối diện với Đức Phật A Di Đà, tôi thật là phước duyên kém cỏi, bỏ lỡ biết bao cơ hội được vãng sanh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, phước mỏng nghiệp dày, được đứng trước Phật, mà tự mình không hay không không biết, tự mình lầm tưởng, huyển hóa cảnh Phật ra khỏi trần gian, rồi tự xa lìa cảnh Phật hiện tiền, tự mình thần thánh hóa chư Phật, để cuối cùng được đứng trước Phật mà không hề hay biết đó sao.
Cảnh giới Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà mà Thầy tôi dạy cho tôi đó là: “Không dơ không sạch là Tây Phương, không não không phiền là cực lạc”, còn Đức A Phật Di Đà Thầy tôi dạy “trong hết thảy Pháp giới, đâu đâu cũng là thân của Đức Phật A Di Đà”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm