Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 13/07/2023, 10:52 AM

Thiền định tuỳ duyên cùng diễn giả Phan Đăng

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn cuốn sách “39 Đoản thiền để thấy” của tác giả Phan Đăng.

Cuốn sách “39 Đoản thiền để thấy” của tác giả Phan Đăng.

Cuốn sách “39 Đoản thiền để thấy” của tác giả Phan Đăng.

Trước cuốn này con số 39 đã xuất hiện ở hai cuốn khác của cùng tác giả: "39 Câu hỏi cho người trẻ" (2021) và "39 Cuộc đối thoại cho người trẻ" (2022). Và hãy để ý ở cuốn này con số 39 không chỉ có ở tên sách mà còn ở số lượng in (3039) và giá bán (139). Điều này không phải ngẫu nhiên. Nhiều bạn đọc đã hỏi tác giả tại những cuộc ra mắt sách về con số 39. Và câu trả lời của Phan Đăng là: cho phép tôi được giữ điều bí mật này cho mình, vì 39 là con số thiêng đối với tôi.

Trong tên sách "39 Đoản thiền để thấy" thì chữ cuối được in nghiêng: thấy. Đó hẳn là chủ ý của tác giả. Vì chương thứ 5 trong 5 chương của cuốn sách có tên là "Thấy để không thấy". Và từ tên sách có thể nghĩ là sẽ có 39 đoản thiền khác nữa ngoài thấy, chẳng hạn nghe. Ở sách này Phan Đăng dành nói về những trạng thái tiệm ngộ khi người ta có thể thiền trong đời sống, đó là: Cắt để thấy, Đi để thấy, Nhìn để thấy, Soi để thấy, và cuối cùng Thấy để không thấy.

Thiền là gì? Theo một tài liệu cho biết, đó vừa là con người của chúng ta - bản chất thực sự của chúng ta tự bộc lộ ra trong từng khoảnh khắc – vừa là điều gì đó mà chúng ta làm - một sự thực hành có kỷ luật qua đó chúng ta có thể nhận ra niềm vui của hiện hữu. Đây không phải là một hệ thống đức tin mà người ta có thể cải đạo sang. Không có giáo điều hay học thuyết. Thiền là kinh nghiệm trực tiếp về cái mà chúng ta có thể gọi là thực tại tối hậu, hay cái tuyệt đối, nhưng nó không tách rời cái bình thường, cái tương đối. Kinh nghiệm trực tiếp này là quyền bẩm sinh của chúng ta. Thực hành tọa thiền - thiền định - là một cách để nhận ra bản chất bất nhị, sống động, vi tế và liên kết với nhau của mọi sự sống.

356401369_6837081266323255_4764331993063541198_n

Chính con đường hướng tới chứng ngộ này đã được chỉ ra cách đây khoảng 2.600 năm bởi hoàng tử Ấn Độ Siddhartha Gautama, người sau này được gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. "Phật" đơn giản có nghĩa là "người đã tỉnh thức, đã giác ngộ". Lời dạy vĩ đại của Phật là tất cả chúng ta đều có thể tỉnh thức; rằng về cơ bản, tất cả chúng ta đều là chư phật - chư phật Do Thái, chư phật Cơ đốc giáo, chư phật Ấn Độ giáo, chư phật Hồi giáo, chư phật thế tục.

Phan Đăng viết 39 đoàn thiền đúng theo tinh thần này từ sự quán tưởng những cái thấy của mình truyền cho người đọc để thấy và ngẫm - ngấm - thấm mỗi khoảnh khắc sống trong đời. Trời nắng như nung vào phòng lạnh hưởng cái gió điều hoà nhiệt độ hay ra ngồi giữa trời hưởng cơn gió hồ thổi tới, giữa cái nhân tạo và cái thiên tạo chọn cái nào cho thoát cái nóng đang dày vò ta? Trong hoàn cảnh này ai làm ta khổ - đó là câu hỏi Phan Đăng đặt ra. "Nếu chúng ta coi cảm giác nắng nóng khó chịu là một nỗi khổ, thì giải pháp của chúng ta phải chăng là chạy trốn nỗi khổ. Không! Làm sao chạy trốn được. Làm sao có thể bắt ông tròi nóng/lạnh theo ý ta! Không thể bắt những đối tượng ngoài ta phải vận động vì ta, không thể ép những nỗi khổ niềm đau không rơi xuống cuộc đời ta, vậy nên tâm thế đối diện với nỗi khổ sẽ là yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống của ta." (07, Cắt để thấy, tr. 36). Cơn mưa trên lá có gì là lạ, mưa đã bao lần làm ướt lá và lá đã bao lần ướt trong mưa. Nhưng nhìn theo thiền con mắt Phan Đăng thấy ra: "Tức là trong chiếc lá vốn có cơn mưa. Một chiếc lá chết cũng có nghĩa là một phần cơn mưa đã chết. Nhưng khi đó cơn mưa cũng không trách chiếc lá. Chúng cứ bình thản tựa vào nhau trong vòng quay sinh diệt. Sự bình thản đó ĐẸP như hơi thở của Đức Thế Tôn. Như sự lim dim của vũ trụ." (38, Thấy để không thấy, tr. 144). Một chuyến đi tới quê hương Đức Phật, bước chân và con mắt được bước được nhìn chính nơi Phật chứng ngộ, càng mở ra cho Phan Đăng thấy cái lớn lao giản dị của Phật "chẳng đến từ đâu, chẳng đi về đâu, nhưng đã tạc lên Trái Đất một tư tưởng – một con đường. Giản dị lắm: một con đường cho hoa rơi." (10, Đi để thấy, tr. 48). Con đường ấy Phật đã khai mở khi ngồi nhập Niết Bàn giữa những bông hoa sa la rơi xuống. Trong cuộc sống trần tục con người ít khi thấy hoa rơi ngay cả lúc đang ngắm hoa và hoa rơi. Hoa không vì người mà rơi. Người không vì hoa mà sống. Cứ tự nhiên thế mà trong hoa có người và trong người có hoa.

356386311_273957448657903_9143401210062615464_n

Đọc 39 đoản thiền của Phan Đăng có người sẽ thấy, có người sẽ không thấy những cái tác giả đưa ra cho để thấy. Cũng có người sẽ nghĩ khác tác giả. Chẳng sao cả. Phật tự tâm. Phật không cầu mà đến, không đuổi mà đi. Những đoản thiền này như chút hơi thở nhẹ, chút rung rinh mặt nước, chút lay động lá cành, chút lặng im chẳng biết tại sao, đọc sẽ nhẹ nhàng, có thể mỉm cười, có thể cau mặt, có thể một tiếng thở dài. Mà cũng có thể chẳng còn gì cả, chỉ là trang giấy cuối cùng đề con số 39 nhưng đoản thiền này không có. Thế là đủ. Thế là thiền.

Phan Đăng là một nhà báo được nhiều người biết đến. Anh đã ở những vị trí công việc bảo đảm sự ổn định và danh tiếng cho mình. Nhưng trước tuổi 40 (anh sinh 1984) Phan Đăng đã tự bứt mình khỏi những ràng buộc công việc phận sự để cho tâm trí mình một cơ hội nhìn sâu vào trong mình giữa cõi nhân sinh và tự nhiên. Nói theo Khổng tử thì anh đã bước vào cái tuổi không còn hồ nghi gì ("Tứ thập nhi bất hoặc"). Nói theo nhà Phật thì là anh đã gặp cơ duyên và bước đầu đã đạt duyên. Mà Khổng cực hướng ngoại, Phật cực hướng nội là tưởng thế thôi, nhưng thực ra người tỉnh thức không thiên về một cực nào vì đã nhận ra "sự bổ trợ qua lại giữa bên ngoài và bên trong" và điều này mới quan trọng "mà thật ra ngoài - trong cũng chỉ là những khái niệm mang tính chất quy ước của loài người mà thôi." (30, Soi để thấy, tr. 118).

Vậy là Phan Đăng đã gặp duyên. Chữ duyên trong Phật lớn lắm, rộng lắm, bao trùm hết thảy. Vạn vật do duyên. Và bài thơ thật hay về duyên Phật, duyên đời, về Thiền chính là bài "Cư trần lạc đạo" của Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Tổ phái Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

(Ở đời vui đạo cứ tuỳ duyên

Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền)

39 đoản thiền của Phan Đăng cũng là một cách tuỳ duyên thiền định.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nhà sư và khu vườn: “Lắng nghe giáo lý loài hoa”

Sách Phật giáo 21:39 03/11/2024

Qua tác phẩm Nhà sư và khu vườn, tác giả Hyunjin – trụ trì chùa Maya tại Cheongju, Chungcheong Bắc, Hàn Quốc – chia sẻ những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống qua hình ảnh bốn mùa tuần hoàn trong khu vườn chùa.

“Hãy có lòng tốt”: Bộ sách của Đức Dalai Lama

Sách Phật giáo 16:45 31/10/2024

Cuộc sống là một hành trình dài và chúng ta phải trải qua vô vàn thử thách của cảm xúc: từ yêu, ghét, tức giận, hờn dỗi… Nhưng con người lại được kết nối bởi những thứ vô hình đó. Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau hay rời xa nhau vì sự chán ghét.

Chúng ta sống vì điều gì?

Sách Phật giáo 16:36 27/10/2024

Người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn.

Lời khuyên để có hạnh phúc của thiền sư Khenpo Sodargye

Sách Phật giáo 22:43 22/10/2024

Qua câu chuyện về ba cách sống, thiền sư Khenpo Sodargye đưa ra lời khuyên về cách để sống hạnh phúc.

Xem thêm