Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 29/11/2016, 03:09 AM

Thiền sư Chân Nguyên - người có công phục hưng môn phái Trúc Lâm

Một trong những ngọn đuốc sáng của Phật giáo đàng ngoài là thế kỷ 17 là Thiền sư Chân Nguyên, trụ trì chùa Long Ðộng. Chính Chân Nguyên và các đệ tử của ông đã làm phục hưng phái Trúc Lâm, cứu vãn được một số quan trọng những tác phẩm của các thiền Tổ Trúc Lâm bằng cách sưu tầm, hiệu đính, khắc bản và lưu hành những tác phẩm này.

Thiền sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, ông sinh năm 1646, xuất gia năm 19 tuổi, học với Thiền sư Chân Trú tại chùa Hoa Yên, được pháp danh là Tuệ Ðăng. Nhưng sau đó không lâu, Chân Trú qua đời. Bèn cùng với bạn đồng liêu là Như Niệm tu hạnh đầu đà, du phương để tham vấn thêm Phật pháp. Sau đó Như Niệm đổi ý, không đi vân du nữa mà về trú trì chùa Cô Tiên, Tuệ Ðăng bèn lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham học với Thiền sư Minh Lương, đệ tử của Chuyết Chuyết. Minh Lương đặt pháp hiệu cho ông là Chân Nguyên. Chữ chân là chứ thứ hai trong bài kệ tuyền pháp của Minh Hành, sau chữ minh của Minh Lương.

Ở đây, Chân Nguyên thụ bồ tát giới đốt hai ngón tay để phát nguyện hạnh đạo bồ tát. Ông xây dựng đài Diệu Pháp Liên Hoa tại chùa Vĩnh Phúc. Sau đó ông được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Ðộng và Quỳnh Lâm, xưa vốn là những trung tâm lớn của phái Trúc Lâm. Năm 1684, Chân Nguyên dựng đài Cửu phẩm Liên hoa tại chùa Quỳnh Lâm, theo kiểu mẫu đài Cửu phẩm Liên hoa mà Huyền Quang đã dựng ngày xưa tại chùa Ninh Phúc. Năm 1692, hồi bốn mươi sáu tuổi, ông được vua Lê Hi Tông triệu vào cung để tham vấn đạo Phật. Khâm phục tài đức ông, vua ban cho Chân Nguyên mỹ hiệu Vô Thượng Công và dâng cúng áo cà sa cũng những pháp khí để thờ tự. Năm 1722, hồi 76 tuổi, ông được vua Lê Dụ Tông phong chức tăng thống và ban hiệu Chính Giác Hòa thượng. Năm 1726, trong tư thế kiết già, ông tịch và tháng mười âm lịch, thọ 80 tuổi. Vua Dụ Tông truyền dựng tháp Tịch Quang tại chùa Long Ðộng và chùa Quỳnh Lâm.

Sách Ðăng kế lục nói rằng một hôm ông tham vấn Minh Lương về một điều thâm diệu trong Phật pháp thì chỉ thấy Minh Lương nhìn thẳng vào hai mắt ông một hồi lâu, nhờ đó mà ông giác ngộ. Minh Lương có để lại một bài kệ phó pháp sau đây cho Chân Nguyên:

Ngọc xinh ẩn trong đá
Hoa sen nảy tự bùn
Nên biết tìm giác ngộ
Nơi sinh tử trầm luân.

(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ư nê
Tu tri sinh tử xứ
Ngộ thị tức bồ đề)

Chân Nguyên có nhiều đệ tử xuất sắc, trong số các vị ấy, ta có thể kể Như Hiện, Như Trừng, Như Sơn và Như Trí. Chữ như là chữ thứ ba trong bài kệ truyền pháp của Minh Hành. Chân Nguyên để lại hai bài kệ truyền pháp, bài sau đây được chép trong sách Kế đăng lục:

Chính niệm phân minh được suốt ngày
Là đem thể tính tự phô bày
Giác quan vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành giác ngộ ngay

(Hiển tích phân minh thập nhị thì
Thử chi tự tình nhậm thi vi
Lục căn vận dụng chân thường kiến
Vạn pháp tung hoành chính biến tri).

Còn một bài nữa được chép trong bài Ngộ đạo nhân duyên do ông sáng tác:

Thể tính xưa nay vốn nhất như
Hào quang chiếu sáng cõi không hư
Nếu lấy giác quan mà vận dụng
Tinh thông muôn pháp đạt vô dư

(Cùng kim cắng cổ bản như như
Pháp tính viên đồng xán thái hư
Ưng xuất lục căn năng vận dụng
Tinh thông vạn pháp triệt vô dư)

Những sáng tác của Chân Nguyên hiện có:

1. An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh
2. Ngộ Ðạo Nhân Duyên
3. Thiền Tịch Phú (*)

Ông còn hiệu đính và trùng khắc Thánh Ðăng Lục; các thế hệ sau ông được phú chúc sự nghiệp phục hồi nền văn học Phật giáo nước nhà. Như trí trùng san sách Thuyền uyển tập anh (1715). Như sơn soạn kế đăng lục (1734). Như trừng và như hiện chuyển ra văn Nôm những bản về giới luật như Sa di thập giới, Hai mươi bốn thiên uy nghi, v.v... từ trước chỉ lưu truyền bằng Hán văn. Tịnh Quang trùng san thượng sĩ ngữ lục (1763). Sách Tam tổ thực lục được trùng san 1765 cũng do người trong pháp phái thực hiện

Thiền tông bản hạnh

Như đã nói trong các chương X và XVIII, tên đầy đủ của sách là An Tử Sơn Trần Triều Thiền tông Bản Hạnh. Ðây là một cuốn sách viết bằng thơ Nôm lục bát, cùng tài liệu của các sách Thánh Ðăng Lục, Khóa Hư Lục và Tam Tổ Thực Lục. Bản của chúng tôi được đọc thuộc bản in năm 1745 do ni cô Diệu Thuần ở chùa của bổn sư là Liễu Viên. Tuy tài liệu dùng để viết sách đều lấy ở các tác phẩm cổ, nhưng đoạn đầu và đoạn cuối sách phản chiếu khá rõ rệt quan điểm thiền học của Chân Nguyên.

Ngộ đạo nhân duyên

Ðó là một bài văn chữ Hán, cũng nói về quan niệm thiền của Chân Nguyên, kèm theo nhiều bài thơ và kệ của tác giả. Bài này thấy in trong kỳ trùng khắc năm 1745 của sách Thiền tông bản hạnh.

Thiền tịch phú

Ðây là một bài phú Nôm về chùa Long Ðộng, rất giàu từ ngữ thuần túy Việt Nam. Bài này làm ta nhớ bài Vịnh Hoa Yên Tự Phú của Huyền Quang. Bài phú này được chùa Long Ðộng duy trì và được Thiền Phổ phiên âm và in trong Ðuốc Tuệ số 7, ra ngày 21.1.1936 tại Hà Nội.

Ðể có một ý niệm về nghệ thuật phú Nôm của Chân Nguyên, chúng ta hãy đọc một đoạn trong Thiền tịch phú:

Am thờ tổ ngói lấp gỗ lim
Nhà trú tăng vách vôi tường gạch
Mấy bức kẻ chữ triện mực giồi
Bốn bên diễu câu lơn sóc sách.

Gác rộng thênh chuông đưa ba chập, niệm nam mô nhẹ tiếng boong boong
Lầu cao vót trống điểm mấy hồi, đọc thần chú khua tang cách cách

(...)

Chè Bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm
Bách tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch
Quả Bồ đề ăn ngọt xớt, muôn kiếp hằng no
Hoa Ưu bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch

Sang Tây phương bệ ngọc đứng phơi
Về Ðông độ tòa vàng ngồi phịch
Bể Từ bi thênh thang rộng rãi, mặc sức chở người
Thuyền Bát nhã thăm thẳm bao la, giàu lòng độ khách

(...)

Thích Ca Phật tổ ngồi tuyết sơn khô chẳng gầy gùa
Di Lặc Tiên quang di vận thủy đẩy đà phục phịch
Ðức Huệ Năng bát nguyệt thung phường
Tổ Ðạt Ma cửu niên diện bích

Thần quang đoạn tý, lúc còn mê mặt khó đăm đăm
Ca Diếp nhãn đồng, thoạt chốc ngộ miệng cười khềnh khệch
Dù ai quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa
Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu cua tai ếch...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: bài kinh cứu khổ

Tư liệu 11:17 09/05/2024

Cô gái trẻ quỳ bên bàn thờ Phật một hồi lâu và khóc trong cơn đau khổ cùng cực. Bỗng trên hư không vang lên câu hỏi: Tại sao con khóc? Cô gái nhìn lên đức Phật và nói:

Cả dãy phố cháy rụi chỉ trừ hai quán cơm chay

Tư liệu 16:30 08/05/2024

Sau trận hỏa hoạn, có một người phụ nữ sống gần đó đến hỏi bà chủ quán chay: Nhà bà thờ thần thánh gì mà được điều không thể nghĩ bàn này?

Chuyện ly kỳ về chú chó nghe Kinh

Tư liệu 09:45 07/05/2024

Tôi niệm Phật với nó một lúc, sau đó tôi vào nhà hỏi chú Tư về chuyện con chó. Chú bảo ba ngày nữa sẽ thịt nó để liên hoan, tôi nói sơ qua với chú về nhân quả tội phước, nhưng chú không chịu tin.

Hoài niệm Hòa thượng Thích Trí Thủ

Tư liệu 08:37 06/05/2024

Một buổi chiều xuân năm 1958, tôi lên núi Trại Thủy Nha Trang, thăm chùa Hải Đức. Tôi không vào chùa, tôi đi dạo chung quanh chùa nhìn tứ-vọng-cảnh, rồi ra sân xem những chậu hường, lấy giống từ Đà Lạt.

Xem thêm