Người vẽ tranh Phật mang hơi thở Việt: "Nhiều đời nhiều kiếp tôi từng vẽ Phật!"
Đào Nguyễn Duy Khang, quê Kiên Giang, pháp danh Pháp An bén duyên với dòng tranh Phật giáo từ 8 năm nay. Kể với Phatgiao.org.vn, từ ba tuổi, Khang đã có tình cảm với hội họa. Lớn lên, bạn thường vẽ hình tượng Phật, Bồ-tát khi nhìn thấy hình ảnh trên bao nhang...
Không chỉ vẽ vui, Pháp An còn là một thương hiệu khá nổi tiếng trong làng tranh tượng Phật giáo cũng như phát hành các ấn phẩm vở chép kinh được đông đảo Phật tử đón nhận.
Trước thềm Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, Duy Khang nói về việc vẽ tranh Phật, đem hình tượng, công hạnh của các Đức Phật, Bồ-tát vào tâm mình qua công việc đặc biệt của mình...
Duyên lành thuở ấu thơ
Bạn đến với mỹ thuật từ khi nào?
- Có lẽ đối với tôi đó gọi là năng khiếu bẩm sinh (cười). Ngay từ khi còn nhỏ, khoảng 3 tuổi, tôi đã bắt đầu biết vẽ vời, thậm chí ngay khi biết cầm viết, tôi cũng đã bắt đầu vẽ hình Phật.
Trong ký ức của mình, tôi thích vẽ Phật hơn bất cứ hình tượng nào khác vào thời điểm ấy, có lẽ như trong Phật giáo thường nói, đó là một nhân duyên từ nhiều đời, nhiều kiếp nào đó của tôi trong thời quá khứ.
Tôi bắt đầu vẽ Phật từ những nét đồ theo khuôn mẫu sẵn. Còn nhớ lúc đó tôi hay gom tranh Đức Phật được in ấn lồng vào các bó nhang, lật lại mặt sau và bắt đầu đồ theo các nét vẽ ban đầu. Cứ như vậy cho đến khi tự mình vẽ được theo góc nhìn, trí tưởng tượng của bản thân.
Sau này, tôi cũng hay vẽ vời và thi vào Đại học Kiến trúc TP.HCM, việc học đòi hỏi vẽ đa dạng hơn. Bẵng đi một thời gian, cho tới khi vào làm thêm tại quán cơm chay, rồi đồ thờ Phật giáo - tại đây, tôi lại được tiếp xúc với nhiều tranh Phật, ký ức tuổi thơ ùa về và niềm yêu thích vẽ tranh Phật một lần nữa trỗi dậy trong mình.
Lúc đó, tôi nghĩ, bắt đầu bắt tay vào công việc vẽ tranh Phật cũng là một cái hay. Vậy là Pháp An ra đời và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2017.
Có một điểm thú vị, đó là Pháp An cũng chính là pháp danh của tôi sau khi được quy y tại chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức) vài tháng trước khi thành lập công ty. Bản thân tôi cũng nhận thấy mình khá có duyên với Phật giáo, khi từ nhỏ đã thích vẽ tranh Phật, lớn lên lại đi làm tại nơi được tiếp xúc nhiều với Phật giáo, cho đến khi thọ nhận pháp danh và mở ra một nơi thỏa đam mê vẽ tranh Phật cho mình.
“Triết lý kinh doanh đề cao quy chuẩn đạo đức, theo tôi phải được đặt trên nền tảng của triết lý Phật giáo như Bát Chánh đạo, Ngũ giới, Tứ diệu đế… và quan trọng hơn hết là có phù hợp với những lời dạy của Đức Phật hay không. Đó là triết lý vận hành của Pháp An, không có nghĩa rằng, bắt buộc toàn bộ nhân viên đều là Phật tử thuần thành, vì theo tôi dù bạn là tôn giáo nào, thành phần nào, cũng cần giữ cho mình một chuẩn mực đạo đức chung. Điểm đặc biệt thú vị của Pháp An là các cuộc team building của công ty khác xa những công ty khác, chúng tôi thường tổ chức đi chùa, hành hương cho hoạt động này thay vì vui chơi giải trí.
* Mối nhân duyên của Khang, sự giao cảm của bạn khi đến với Phật giáo?
- Thực tế, từ nhỏ tôi rất thích những thứ thuộc về văn hóa Á Đông và Phật giáo chắc chắn là một phần rất đặc trưng, cũng hết sức tiêu biểu trong đó. Do vậy, từ khi thi đậu vào Đại học Kiến trúc TP.HCM, năm 2012, cũng là giai đoạn tôi mới bước chân vào Sài Gòn, tôi đã bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo. Với nhiều sự cộng hưởng thôi thúc, cho đến khi ra trường, tôi nhận thấy tâm hồn mình hướng về sự tự do, có phần bay bổng của người nghệ sĩ và mong muốn tìm kiếm sự an yên.
Khác với suy nghĩ nhiều người khi nhìn vào Pháp An bây giờ, thời mới nảy sinh ý định và có duyên thành lập nơi này, tôi không hề có nền tảng kinh tế hỗ trợ. Trong túi lúc đó chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng tiền dành dụm từ lương của những ngày làm thêm. Đến giờ khi nghĩ lại, tôi cũng không thể hình dung vì sao Pháp An có thể đứng vững và phát triển suốt 7 năm qua chỉ với 10 triệu đồng thuở ban đầu. Nếu đó không phải là sự trợ duyên và kết tập của nghiệp lành chiêu cảm nhiều đời trước, thì còn có lý do nào khác?
Kiên trì với đam mê, trầm tĩnh nhìn mọi việc...
* Với số tiền khởi nghiệp khiêm tốn ấy, bạn đã chuẩn bị những gì cho Pháp An?
- Trước tiên cần đính chính lại rằng, ban đầu Pháp An mà tôi tạo dựng chỉ mới là một fanpage chuyên nhận vẽ tranh Phật mà thôi, chứ chưa hoàn toàn là một phòng tranh có mặt bằng như bây giờ.
Thời điểm đó, tôi phải lui về ở với gia đình trong khoảng nửa năm, để tiết kiệm chi phí.
10 triệu đó tôi để dành mua giấy, bút, màu… và bắt đầu vẽ tranh Phật. Khởi đầu bằng sự sao chép những bức tranh đã sẵn có. Nhưng may mắn, những bức sao chép của tôi ngay khi được vẽ và đăng lên thì lập tức có người mua. Tiếp sau đó là dần có nhiều người đặt hàng vẽ tranh Phật hơn.
Như vậy, trong nửa năm, khi tôi đã có nguồn tranh nhất định, tay nghề cũng cải thiện và nâng cao hơn, tôi bắt đầu kêu gọi vốn bằng cách đưa các ý tưởng, kế hoạch xây dựng thương hiệu của mình lên một trang kết nối các nhà đầu tư. May mắn khi cũng có người đồng ý đầu tư vốn và lúc đó tôi chỉ chuyên tâm vào việc vẽ.
Tuy nhiên, công cuộc hợp tác đầu tư này cũng chỉ duy trì không bao lâu thì dừng lại vì đôi bên nhận ra con đường đi không còn phù hợp với nhau. Đối với tôi, đây có thể coi như sự vấp ngã đầu tiên trên con đường thành lập thương hiệu Pháp An, nhưng tôi vẫn chưa từng có ý nghĩ từ bỏ.
Thời điểm ấy tôi cũng tự nhìn nhận lại công việc của mình, nhận ra rằng nếu đã kinh doanh thì vẽ tranh Phật là chưa đủ. Do đó tôi mở rộng thêm mảng vẽ chân dung, thư pháp… chiêu mộ thêm nhân viên. Cuối cùng là thêm vào dòng hàng in ấn, chính từ lúc này, mô hình kinh doanh của Pháp An dần đi vào ổn định và bắt đầu phát triển đi lên cho đến nay.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hàng in ấn đang dần trở nên bão hòa, không còn phù hợp để tiếp tục duy trì, em quyết định chuyển hướng về như ban đầu, đó là thuần vẽ. Song, có một điều cần thừa nhận rằng, sau quá trình 7 năm tôi không còn đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng như trước mà trở nên trầm tĩnh hơn, không muốn mọi thứ trở nên quá quy mô mà chỉ muốn duy trì ở mức vừa đủ, để bản thân luôn trong trạng thái thoải mái nhất chứ không lo lắng dồn dập như trước.
* Đây có thể được coi là sự chuyển hóa trong tâm thức của bạn?
- Đúng vậy, có một sự thay đổi rõ rệt trong tâm thức của tôi và nó khác biệt rất nhiều so với những gì tôi hình dung thuở ban đầu. Ở khía cạnh kinh doanh, so với trước đây, tôi hiểu rõ bản thân ở hiện tại cần làm những gì, vẽ như thế nào để nắm bắt và tạo dựng thị hiếu, biết cách thức vận hành tổ chức của mình trơn tru hơn, nguồn lực cũng phổ biến và tay nghề cao hơn trước.
Mặt khác, về đạo tâm, khi dành thời gian nghiên cứu, tiếp xúc trực quan với văn hóa Phật giáo, rõ ràng thế giới quan của chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn và tôi cũng nhận thấy ở mình điều đó. Một sự sâu sắc hơn khi nhìn vạn vật, quán chiếu về cuộc sống và như vậy không những cái chất trong nét vẽ của tôi có sự chuyển biến mà ngay cả triết lý kinh doanh cũng thay đổi rất nhiều.
Tôi nói riêng và Pháp An nói chung không còn xô bồ nhộn nhịp như trước, thay vào đó là sự trầm tĩnh, ổn định và an yên.
* Bạn nghĩ như thế nào về mô hình hoạt động kinh doanh mảng văn hóa phẩm Phật giáo tại nước ta?
- Có lẽ sẽ có không ít ý kiến trái chiều, song, tôi cho rằng những mô hình kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo tại Việt Nam chưa thực sự tạo nên một chất riêng.
Rõ ràng chúng ta vẫn đang còn chịu phụ thuộc vào văn hóa phẩm Phật giáo từ nước ngoài. Đơn cử như tranh ảnh, chúng ta vẫn còn nhập những tranh ảnh, thậm chí tượng điêu khắc… gọi chung là mỹ thuật Phật giáo, lấy thiêng hướng của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng… mà thiếu đi bản sắc văn hóa riêng của người Việt. Hay, tư duy của đa số người Việt về ngành hàng này đều là tư duy kinh doanh ngắn hạn.
Phật giáo trên thực tế đã du nhập vào Việt Nam gần 2000 năm, song những tranh tượng Phật giáo mang chất thuần túy của người Việt lại không hề nhiều, phần lớn nằm ở phía Bắc, nhưng cũng chỉ ở mảng tượng, tranh hầu như rất hiếm hoi. Ngay từ khi bắt tay vào công việc vẽ hình Phật tôi đã luôn trăn trở về điều này và đây là lý do tôi tích cực Việt hóa các tranh Phật giáo, nhưng đến nay cũng chưa thể gọi là thành công. Vì như tôi đã nói, tư duy và thị hiếu của người Việt vẫn còn hướng về các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là văn hóa phẩm Phật giáo của Nhật, Trung…
Khắc họa một dòng tranh Phật thuần Việt
* Theo bạn, tranh Phật giáo thuần Việt cần có những tiêu chí nào?
- Khi bắt đầu vẽ một bức tranh nào, tôi thường tìm hiểu những vốn văn hóa cổ, như về đường nét hoa văn, cách vẽ bố cục…
Ví dụ như ở Việt Nam có hình ảnh rồng chầu lá đề, hay rồng Đại Lý, với bố cục nhìn như hình trái tim, hoa văn ấy rất đặc trưng và đẹp, hoàn toàn có thể ứng dụng vào bối quan phía sau tượng Phật. Hay, tượng A-di-đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) với trang phục rất riêng biệt, có thể sử dụng vào tranh vẽ Phật của người Việt.
Đặc biệt nhất phải kể đến hình tượng Quan Âm của Việt Nam, chứa đựng nét rất riêng so với Quan Âm ở những nước khác, như không có tấm vải trùm đầu thông thường mà thay bằng mũ quan, hay bệ tượng cũng khá ấn tượng, khác hoàn toàn với bệ tượng từ Nhật, Trung, nhưng tôi vẫn chưa thấy nó được ứng dụng nhiều trong tranh vẽ.
Chung quy lại, để mang tính thuần Việt, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng hoa văn, họa tiết của những tượng Phật giáo thời kỳ trước vào tranh vẽ Phật. Đó là cách để đề cao và nhấn mạnh chất riêng trong văn hóa Phật giáo của Việt Nam.
Song, rõ ràng, đây không phải là điều đơn giản, vì như tôi đã nói, tư duy thị hiếu tác động rất nhiều vào công cuộc Việt hóa các sản phẩm tranh Phật giáo nói riêng. Ngay như tôi, công việc này đã phải đình trệ trong vòng 3 năm trở lại đây vì tập trung vào kinh doanh, tức theo thị hiếu số đông. Tuy nhiên, đến nay, khi được tiếp xúc và đào sâu về Phật giáo, cùng với sự thay đổi về thế giới quan và cách thức kinh doanh, tôi đã quay trở lại tâm huyết ban đầu của mình, đó là tiếp tục Việt hóa tranh Phật và nó chỉ mới bắt đầu trở lại cách đây chưa lâu.
* Bạn có phải làm điều gì đặc biệt trước khi bắt tay vào vẽ tranh Phật không?
- Thật ra tôi không làm gì đặc biệt như cách mọi người hay chia sẻ, trước khi vẽ tranh Phật thường sẽ ngồi thiền, giữ trai giới v.v…
Tôi hoàn toàn tách bạch hai việc: tu tập và vẽ tranh của mình. Nghĩa là, trong đời sống hằng ngày, tôi vẫn ứng dụng các phương thức tu tập như nghe pháp bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, tập thiền định vào các khung thời gian cố định, đọc và nghiên cứu thêm kinh sách… nhưng khi vẽ, tôi chỉ đơn thuần cầm cọ và vẽ thôi.
Với tôi, vẽ chỉ đơn thuần là một công việc mà mình rất yêu thích và làm nó một cách thoải mái, không bị ràng buộc hay gò bó vào bất cứ khuôn mẫu hình thức nào.
Đôi khi tôi sẽ vừa vẽ tranh vừa nghe nhạc, cũng có lúc là nghe pháp, hay thậm chí chỉ đơn thuần là ngồi vẽ và tận hưởng sự tập trung của mình mà thôi.
Mầu nhiệm từ vẽ tranh
Khi vẽ về tranh Phật tôi cũng cảm nhận được sự mầu nhiệm, linh ứng của vị Phật ấy. Có lần khi vẽ về Ngài Văn Thù Bồ-tát cách đây 7 năm, do có một vị khách đặt vẽ. Thời điểm ấy tôi còn trẻ tuổi, với chút ít vốn kiến thức về Phật pháp, thường bày tỏ tranh luận của mình trên các nhóm diễn đàn về thiền và lần ấy bị quản trị viên của diễn đàn đuổi khỏi nhóm.
Mang tâm trạng bực tức thì có khách đặt vẽ tranh Ngài Văn Thù Bồ-tát. Tra cứu về công hạnh của Ngài, đến đoạn trên tay Ngài cầm thanh gươm để chặt đứt hết mọi phiền não của thế gian, bỗng nhiên tất cả bực tức và nóng giận âm ỉ trong tôi suốt hai ba ngày qua, ngay lập tức dừng lại trong giây phút đó. Hệt như một công tắc nguồn, khi đóng nó lại, mọi thứ dừng hẳn và tan biến đến bất ngờ. Tôi thậm chí còn đi tìm lại những bực tức của mình bằng cách nhớ lại cảm giác khó chịu khi đuổi khỏi nhóm, nhưng ngạc nhiên vì hoàn toàn không còn thấy nó nữa, như thể trước đó chưa từng có chuyện gì không vui đã xảy ra vậy.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm niệm sâu sắc về sự mầu nhiệm biến chuyển trong tâm thức của mình.
Tâm tình của Phật tử trẻ với vị giảng sư
* Là một Phật tử trẻ, bạn có gửi gắm mong muốn gì với các vị Thầy trong việc thuyết giảng hay không?
- Có thể nói, thế hệ Phật tử và chư vị giảng sư trẻ là rường cột của Phật giáo Việt Nam trong tương lai. Ý thức được điều này, mỗi người, đặc biệt là chư Tăng Ni trẻ cần hết sức lưu ý, cẩn trọng trong việc sử dụng mạng xã hội, truyền thông. Chúng ta đều biết rằng, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, một phần giúp cho việc hoằng pháp tiện lợi và lan tỏa hơn, mặt khác cũng có thể gây tổn hại trực tiếp đến hình ảnh Phật giáo, Tăng đoàn và công phu tu tập của các vị.
Hiện nay có nhiều vị tu sĩ được biết đến là luôn theo “trend” của thời đại, thậm chí được cho là “idol tóp tóp” vì “đu trend” kịp thời hơn cả giới trẻ. Điều này tạo nên một hiệu ứng thú vị, bất ngờ, gây kích thích, tò mò và đáp ứng thị hiếu số đông. Song đó là thị hiếu nhất thời và đôi khi bị đáng giá khá cợt nhã, gây ảnh hưởng đến oai nghi của người tu sĩ xuất gia theo nhà Phật. Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của truyền thông mạng xã hội và những quý thầy trẻ đang thực hiện.
Rõ ràng, việc “đu trend” của các vị Tăng Ni trẻ cũng mang lại lợi ích nhất định, khiến hình ảnh của Phật giáo lan tỏa mạnh hơn, thu hút nhiều giới trẻ biết đến đạo Phật và dễ tiếp thu hơn với họ. Do đó, mấu chốt của vấn đề là cần hết sức thận trọng, tiết chế và hiểu rõ vai trò của mình trong hàng ngũ Tăng đoàn chung của Phật giáo. Khi hiểu được như vậy, người tu sĩ chắc chắc sẽ biết cách gìn giữ hình ảnh mà vẫn lan tỏa được giáo pháp của Đức Phật đến thế gian, nhập thế nhưng không bị hòa tan trong đời sống thế tục.
“Tôi thường không chọn theo một vị Thầy hướng dẫn giáo pháp nào, mà ngay từ đầu, tôi chọn tìm hiểu giáo lý trước. Đi từ những lời dạy cơ bản của Đức Phật trong kinh tạng Pali, truyền thống Nam tông, cho đến các triết lý thâm sâu của kinh Đại thừa, truyền thống Bắc tông. Suy ngẫm và tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong hai trường phái này, đi dần đến từng pháp môn.
Theo tôi, khi đã có nền tảng cơ bản về giáo pháp, về sau khi nghe bất kỳ vị Thầy nào thuyết giảng cũng không còn quá trở ngại. Thay vì chọn lựa vị nào phù hợp, tôi thường sẽ nhìn vào những điểm mấu chốt trong lời giảng của các vị, cùng với sự lồng ghép kinh nghiệm tu tập thực chứng của các Ngài, từ đó tôi đối chiếu với kiến thức nền của mình và tự rút ra bài học cho bản thân.
* Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Ca sĩ Uyên Trang: "Nghe giảng về luật nhân quả nên tôi ngộ ra nhiều điều"
Phỏng vấn 12:01 23/10/2024Trong những năm vắng bóng, ca sĩ Uyên Trang - nổi tiếng với bài hit "Tình yêu và giọt nước mắt" - trải qua giai đoạn khó khăn vì bệnh tật, từng phải chữa tâm thần. Chị tiết lộ, nhờ nghe pháp, hiểu nhân quả, sống tích cực nên đã vượt qua biến cố nhẹ nhàng.
Xem thêm