Thiền sư Chân Nguyên – bậc thầy hoằng pháp lỗi lạc
Thiền sư Chân Nguyên là ngọn đuốc sáng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật
1. Hành trạng
Thiền sư Chân Nguyên có thế danh là Nguyễn Nghiêm, tự là Đình Lân, mẹ họ Phạm. Ngài sinh vào giờ Ngọ, ngày 16, tháng 9, năm Đinh Hợi (1647). Thiền sư quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Lớn lên, Ngài theo học người cậu là ông Giám sinh. Ngài rất thông minh, hạ bút thành văn. Năm 19 tuổi, nhân đọc sự tích đệ tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang, Ngài tỉnh ngộ rồi nói: “Đến như cổ nhân ngày xưa, dọc ngang lừng lẫy, mà còn chán sự công danh, nữa mình là một anh học trò” [3, tr. 11], bèn phát nguyện xuất gia. Ngài lên chùa Hoa Yên, núi Yên Tử bái yết Thiền sư Chân Trú – Tuệ Nguyệt xin xuất gia.
Sau, Thiền sư Chân Trú viên tịch. Ngài lại đến núi Côn Cương, chùa Vĩnh Phúc, xin làm đệ tử Thiền sư Minh Lương. Ngài hỏi Thiền sư Minh Lương: “Bao năm dồn chứa ngọc trong núi, tận mặt hôm nay thấy thế nào, là thế nào?” Thiền sư Minh Lương nhìn thẳng vào mắt Ngài. Ngay khi ấy, Ngài lĩnh ngộ, liền sụp lạy. Tổ dạy: “Dòng Thiền Lâm Tế giao ngươi kế thừa làm thịnh lên ở đời.” Tổ bèn đặt Pháp hiệu cho Ngài là Chân Nguyên. Lúc bấy giờ, Ngài thụ Tỳ kheo giới. Năm sau, Ngài lập cái đài Diệu Pháp Liên Hoa, thỉnh tam Tôn (tượng Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Di Lặc) về chứng đàn làm chay, phóng sinh, thí thực. Ngài đã chí thành đốt hai ngón tay để cúng dường tam Tôn, cầu thọ Bồ tát giới. Từ đó, Ngài thường xem sách hoàng quyển, giữ lễ thanh qui.
Năm 1692, vua Lê Hy Tông triệu vào nội cung ướm hỏi mầu nhiệm tu hành của Ngài. Vua khâm phục, ngự viết ba chữ Vô Thượng Công để khen tặng, rồi ban cho áo và pháp khí.
Đến năm 80 tuổi, nhằm giờ Dậu, ngày 28 tháng 10, Ngài an nhiên thị tịch. Đến ngày 30 tháng 10, Đại chúng trà tỳ kim thân Ngài, thu xá lợi dựng tháp tại hai chùa Long Động và Quỳnh Lâm để tôn thờ.
2. Sơ lược bối cảnh lịch sử
Sau thời kỳ vàng son hưng thịnh Lý – Trần, vào giai đoạn thuộc Minh, với chính sách thâm độc triệt tiêu văn hóa bản địa, Phật giáo Đại Việt bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều chùa viện, pháp khí, kinh sách bị quân xâm lược thiêu hủy hoặc đưa về Kim Lăng (Trung Quốc). Năm 1428, với chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, lập nên nhà Hậu Lê. Nhà Hậu Lê lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo nên Phật giáo ít được coi trọng, nhất là giai đoạn Lê Sơ (1427 – 1527). Phật giáo Trúc Lâm đời Trần vang bóng một thời, nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã trở nên phai tàn.
Đến nhà Lê Trung Hưng (1592 – 1789), đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài, nhưng nhìn chung cả vua Lê, chúa Trịnh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn (Đàng Trong) đều quan tâm đến Phật giáo.
Thời kỳ này, xuất hiện nhiều vị cao Tăng thạc đức hoằng truyền chính pháp nên Phật giáo Đại Việt đã có sự khởi sắc rõ rệt.
3. Công cuộc hoằng Pháp của Thiền sư Chân Nguyên
Khoảng nửa cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, Thiền sư Chân Nguyên đã xuất hiện như một ngôi sao sáng trên bầu trời Đại Việt. Ngài đã cùng với hàng môn đồ và các bậc cao tăng khác hết sức nỗ lực phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm và xương minh Phật Pháp tại Đàng Ngoài.
Vì vậy, không chỉ chú trọng đào tạo tăng tài mà Thiền sư Chân Nguyên còn quan tâm tới việc hoằng Pháp độ sinh, nhất là giáo hóa tầng lớp vua, chúa, quí tộc, quan lại, sĩ phu, trí thức…
Bằng trí tuệ giác ngộ siêu việt, với Đạo hạnh sáng trong, Ngài đã cảm hóa được vua Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, chúa Trịnh, hoàng thân, quốc thích, quan lại trong triều.
Năm 1692, Thiền sư Chân Nguyên được vua Lê Hy Tông mời vào cung để tham vấn Phật Pháp. Với phong thái tự tại, định tĩnh, Thiền sư đã đối đáp linh hoạt, nhanh nhạy và trả lời khúc triết những điều thắc mắc của nhà vua. Vì vậy, vua rất khâm phục tài đức của Ngài. Vua ra chiếu chỉ ban cho Ngài danh hiệu Vô Thượng Công. Nhân đó, vua cũng cúng dường Thiền sư Chân Nguyên áo cà sa cùng những pháp khí để thờ tự.
Năm 1722, lúc ở tuổi 76, Thiền sư Chân Nguyên được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống, lại ban mỹ hiệu Chánh Giác Hòa thượng. Sự kiện này cho thấy uy tín và tầm ảnh hưởng to lớn của Ngài đối với vua cũng như triều đình lúc bấy giờ. Được Ngài giáo hóa, vua Lê Dụ Tông đã cho trùng tu, tôn tạo ba ngôi bảo tháp của tam Tổ Trúc Lâm tại chùa Côn Sơn và các thắng tích Phật giáo khác. Ngoài ra, các phật sự ích đời, lợi Đạo của Ngài đều được vua cùng triều đình rất mực ủng hộ.
Thiền sư Chân Nguyên còn khéo cảm hóa chúa Trịnh và thân tộc của ông. Nhờ đức giáo hóa của Ngài mà chúa Trịnh và thân tộc rất ủng hộ Phật Pháp. Các phật sự của Ngài đều được vua Lê, chúa Trịnh, hoàng tộc hết lòng phò trợ.
Đặc biệt, nhiều người trong dòng dõi vua Lê, chúa Trịnh sau khi thấm nhuần Phật lý đã phát tâm xuất gia, trở thành tu sĩ Phật giáo.
Bà Trần Ngọc Am – đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, đã rời phủ Chúa, từ bỏ cuộc sống vinh hoa, xuất gia theo Phật. Bà về tu hành ở chùa Phật tích, tỉnh Bắc Ninh. Năm Chính Hòa thứ bảy (1686) đời vua Lê Hy Tông, bà đã đứng ra trùng tu ngôi chùa với quy mô rất lớn. Sau khi hoàn thành, chùa trông rất tố hảo, bề thế và được đổi tên là Vạn Phúc tự.
Ngài Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733) có thế danh là Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương1. Sống trong cảnh lầu son gác tía mà Ngài thường để lòng nơi cửa thiền. Một hôm, ông dâng sớ xin xả tục, xuất gia theo Phật, được nhà vua chấp nhận. Nghe danh đức của Tổ Chân Nguyên, Ngài lên thẳng chùa Long Động, trên núi Yên Tử đỉnh lễ Tổ xin thế phát xuất gia. Sau vài lời vấn đáp, Tổ bảo Ngài: “Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở ngươi” [4, tr. 476]. Từ đó, Ngài được ban pháp danh là Như Trừng. Nhờ sự giáo dưỡng của Tổ, sau này, ngài Như Trừng trở thành một bậc long tượng trong chốn thiền môn. Đồ chúng theo Ngài tu học rất đông. Do vậy, Ngài đã lập thành một phái hiệu là Liên tông.
Nhiều sĩ phu, nhà Nho do tác động của thời cuộc, lại được sự cảm hóa của Thiền sư Chân Nguyên và các môn đồ, nên đã qui y Tam Bảo, nghiên tầm Phật lý. Nhìn chung, nội dung bia ký ghi lại quá trình trùng tu, xây dựng những chùa trong giai đoạn này đều do một số bậc cao tăng hoặc các nhà trí thức đó soạn.
Năm 1668, chùa Hoa Long, xã Như Ký, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo do sự hỷ cúng của cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hiểu và công chúa Minh Châu. Để ghi lại sự kiện này, nhà chùa đã cho khắc bia đá lưu danh: “…Tiến sĩ Phạm Văn Đạt soạn bia “Hậu Phật bi minh” ghi công đức vào năm Cảnh Trịnh 6 (1668)…” [1, tr. 667]. Tiến sĩ Phạm Văn Đạt đã soạn văn bia “Hậu Phật bi minh” với tâm thái hoan hỷ, thành kính thể hiện bằng lời văn trang trọng, mang đầy ý nghĩa Phật Pháp. Điều này chứng tỏ ông có thiện cảm rất sâu xa và thường để lòng nơi Phật giáo.
Văn bia Kiến khai Cửu phẩm Liên hoa bi ký tại chùa Động Ngọ, Thanh Hà, Hải Dương có đoạn: “…Khoa Giáp Tý thi trúng Quốc tử giám Giám sinh Lý Trung Đỗ Khắc Thiệu soạn…” [2, tr. 147]. Đoạn văn bia này cho thấy Giám sinh Lý Trung Đỗ Khắc Thiệu đỗ khoa Giáp Tý đã soạn nội dung văn bia này. Trong nội dung văn bia, tác giả đã trình bày duyên khởi tạo dựng tháp Cửu phẩm Liên hoa và tán thán công đức của Thiền sư Chân Nguyên. Điểm đặc biệt nơi nội dung văn bia là văn từ rất trang nhã, hàm chứa giáo nghĩa thâm sâu của Đại thừa Phật giáo, hiển thị duy tâm Tịnh độ trên tòa sen Cửu phẩm. Qua đó, chứng tỏ tác giả rất uyên bác, có tâm hướng Phật và thực sự am hiểu giáo lý Phật đà.
Với vai trò là Tăng thống, sự giáo hóa của Ngài càng trở nên sâu rộng. Ngài cảm hóa được mọi giai tầng trong xã hội. Chính họ đã trở thành lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ cho tâm nguyện phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm của Ngài.
Ngay với tăng, ni, Phật tử, Thiền sư Chân Nguyên cũng linh hoạt thi thiết các phương tiện thích ứng với từng căn cơ nhằm giúp họ hướng thiện và hướng thượng. Để thực hiện việc giáo hóa này, Ngài đã trước tác nhiều thể loại sách cho hành giả theo các pháp môn khác nhau ứng dụng tu tập. Tuy phương tiện có đa dạng, nhưng Ngài vẫn hướng người tu học khai ngộ bản tâm, thấu suốt bản tính, chứng nghiệm Tịnh độ hiện tiền. Từ đây, nhiều hành giả tu tập có kết quả và chính họ trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy công cuộc phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.
Đặc biệt, Thiền sư Chân Nguyên là người đi tiên phong trong việc thơ hóa các tích truyện Phậtgiáo dưới hình thức “kể hạnh”. “Kể” là kể chuyện, “hạnh” là hành trạng của các vị Bồ tát, Tổ sư. Các trước tác của Ngài theo thể loại này gồm có: Đạt Na thái tử hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Hồng Mông hạnh… Nhìn chung, văn học “kể hạnh”, “hát kệ” với hình thức thơ lục bát truyền thống dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ nên đã đi sâu vào lòng quần chúng phật tử.
Vì vậy, trải qua bao thăng trầm lịch sử, trong dân gian, nhất là tại các chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, các già vãi vẫn duy trì các bài kể hạnh, hát kệ trong sinh hoạt Phật giáo. Đặc biệt, trong các dịp lễ trọng như lễ Phật đản, Vu lan, giỗ Tổ, hội chùa…ngoài nghi thức cúng Phật, cúng Tổ, tụng kinh… các già vãi vẫn thường hát kệ hạnh để tán dương Phật, Tổ, ca ngợi những bậc Thầy đã dày công kiến tạo già lam, truyền đăng tục diệm tại bản tự.
Như vậy, sự giáo hóa của Thiền sư Chân Nguyên là rất rộng sâu. Do ảnh hưởng giáo hóa của Ngài mà nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau đã phát tâm hướng Phật và hộ trì Chính Pháp. Trên cơ sở đó, công cuộc phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm của Ngài đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Kết luận
Nhờ có các bậc cao tăng đắc đạo, khéo giáo hóa như Thiền sư Chân Nguyên mà Phật giáo từ chỗ ít được quan tâm, bị bình dân hóa trở lại lan tỏa vào tận chốn cung vua, phủ chúa, quan trường. Theo đó, từ vua, chúa đến thứ dân đều phát tâm hướng Phậtvà đồng lòng ủng hộ Phật giáo. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm ở Đàng Ngoài. Vì vậy, có thể khẳng định Ngài là một nhà hoằng Pháp lỗi lạc, một ngôi sao sáng của Phật giáo Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII.
Chú thích:
1. Còn gọi là Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670 – 1702). Ông sinh được 17 người con trai, trong đó, con trưởng là Trịnh Cương (sau này nối nghiệp chúa, được tôn phong là Hy Tổ Nhân Vương), con thứ 11 là Như Trừng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hiền Đức (2009), Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 667.
2. Trang Thanh Hiền (2010), Cửu phẩm Liên hoa trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 147.
3. Lê Mạnh Thát (1980), Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, tập I, Tu thư Vạn Hạnh, TP.HCM, tr. 11.
4. Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 476.
Thích Đạo Ngộ
Học viên Cao học khóa I Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 9/2019
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm