Thiền sư Hương Hải với tinh thần nhập thế tích cực
Minh Châu Hương Hải là vị thiền sư đầy nhiệt huyết của thời đại, người đã có vai trò to lớn trong việc kế thừa phát huy tinh thần nhập thế tích cực của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo ra bước ngoặt cho Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII.
Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) là một thiền sư nổi tiếng của Việt Nam thời Hậu Lệ, tổ tiên bốn đời của Ông là khởi nghĩa kiệt tiết công thần Trung lộc hầu, người Áng Độ, Nghi lộc, Nghệ An, theo phò Nguyễn Hoàng và tới sống ở Quảng Nam.
Ông sinh năm Mậu Thìn 1628, sống tại làng Bính An Thượng phủ Thăng Hoa (nay thuộc Quảng Nam). Tục danh là Tổ Cầu (có tài liệu ghi chép là Tổ Tích). Từ nhỏ, Ông đã là người thông minh, hiếu học. Năm 18 tuổi Ông thi đỗ Hương tiến (trình độ cử nhân hiện nay) và được bổ làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Lan (ở ngôi: 1635 – 1648).
Năm 1652, Ông được bổ làm tri phủ Triệu phong (Quảng Trị hiện nay), với tinh thần đam mê tìm hiểu Phật giáo từ nhỏ, Ông đã đến thụ giáo với thiền sư Viên cảnh Lục Hồ, được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Tiếp đến Ông tới học đạo với Thầy Viên Khoan Đại Khâm[1].
Năm 1655, nhận thấy thời thế Vua Lê thì mất quyền, chúa Trịnh thì âm mưu chiếm đoạt. Ông đã từ quan và quyết chí xuất gia: “Thôi thà nấp bóng cửa thiền, mai sau tránh thoát khỏi kiếp trần duyên, dẫu không hay thành Phật thành Tiên, nhưng cũng là từ chướng đoạn phiền vậy.”[2]Ông dựng 3 nhà tranh để ở và tu ngoài đảo Tim Bút La (cửa biển Hội An) khoảng chục năm. Việc tu hành của Ông được nhiều người biết đến, Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần đã mời Ông về trụ trì viện Thiền tịnh ở núi Qui Kỉnh, tại đây Mẹ của quốc công và ba con, bảy trăm vị chánh quan, hơn một trăm vị phó quan, hơn một ngàn quân lính trong ngoài đồng quy y học đạo…
Tinh thần nhập thế của Thiền sư Hải Lượng và các pháp hữu đệ tử Trúc Lâm cuối thế kỷ XVIII
Ông là người uyên thâm về Nho học, quan niệm của Ông là dung hòa giữa Nho giáo và Phật giáo có thể bổ túc cho nhau trên phương diện trị an:
“Lên tận nguồn Nho trông bát ngát
Vào sâu biển Pháp thấy mênh mông”
(Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát
Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm)
Tháng 3 năm Nhâm Tuất 1682, do bị dèm pha nên đã cùng hơn 50 đệ tử vượt biển ra đàng ngoài. Tại đây, sau khi Trịnh Tạc mất, con trai là Trịnh Căn nối ngôi đã ban cho Ông áo mão, lương thực và tiền bạc, giao tước quận công Lê Đình Kiên giúp đỡ và thành lập viện Thiền tịnh (chùa Nguyệt Đường, Phố Hiến). Ông tinh tấn thiền định 18 năm, theo Hương Hải thiền sư ngữ lục: “ngoài 20 tác phẩm chú giải kinh luận và bài kệ vừa nhắc còn có 16 đoạn trích văn xuôi cùng 58 bài thơ. Ngài đã dịch sang chữ Nôm 20 tác phẩm…”[1] Dựng một đài Cửu Phẩm Liên Hoa có thể xoay được theo mô hình Tam tổ Huyền Quang ở chùa Côn Sơn Kiếp Bạc trước đó vài trăm năm. Trong các năm 1683 -1685, từ Thiền tịnh đơn sơ ban đầu đã tạo thành một ngôi tổ đình làm trung tâm văn hóa giáo dục, thu hút nhiều giai cấp trong xã hội, liên tục đào tạo ra các thế hệ thiền sư có danh tiếng, hơn 70 vị đệ tử trực tiếp hàng chữ Chân, hàng chữ Như, Tính, Hải…theo như bài kệ truyền pháp của thiền phái Lâm Tế dòng Trí Bảng Đột Không:
Trí tuệ thanh tịnh
Ðạo đức viên minh
Chân như tính hải
Tịch chiếu phổ thông
Có thể khẳng định rằng “Thiền sư Minh Châu Hương Hải là một tác gia lớn không những của văn học và triết học Phật giáo Việt Nam, mà còn của văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung. Từ nửa cuối thế kỷ XVIII, cuộc đời và tác phẩm của Minh Châu Hương Hải đã lôi cuốn sự chú ý của những người trí thức đương thời, trong đó nổi bật nhất là nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784)”[1]
Ngày 12 tháng 5 năm Ất Mùi 1715, sau khi ngồi kiết già an định 2 giờ và phó chúc bài kệ, Ông đã viên tịch ở tuổi 88.
Thời đương bát thập bát
Hốt nhiên đăng tọa thoát
Hữu lai diệc hữu khứ
Vô tử diệc vô hoạt
Pháp tính đẳng hư không
Sắc thân như bào mạt
Ðông độ ly ta bà
Tây phương liên ngạc pháp
(tuổi đương tám mươi tám
Tọa thoát tự nhiên bỗng
Có đến cũng có đi
Không chết cũng không sống
Pháp tính giống hư không
Sắc thân như bọt mọn
Ðông độ rời ta bà
Tây phương đài sen đón)
Có thể nói, Minh Châu Hương Hải là ngọn đèn của Phật giáo Đàng Trong với Thiền Tĩnh viện (Quảng Nam) và Phật giáo Đàng ngoài với Đạo tràng Nguyệt Đường (Hưng Yên). Đúng là “gần xa đầm ấm, hương thiền nức xông” (Sự lý dung thông), đem ánh sáng Phật pháp đến cho mọi người.
Vào những ngày tháng cuối đời, vị Thượng Tọa bạch thiền sư rằng:“Phật pháp vi diệu có gì thiết yếu mong Thầy truyền trao cho lý tột!”.Thiền sư Hương Hải dặn dò như sau: “Đạo giáo từ xưa đến nay đã trao phó là bặt ngôn từ, không lời để nói, chính ta ngay lúc đó phó thác”. Ứng dụng bằng cách: “Lấy tâm mà dùng”.Chữ tâm được đặt lên hàng đầu, hay có thế thấy đây chính là cốt tủy của Phật giáo Trúc Lâm “Phật tại tâm”.
Khi Vua Lê Dụ Tông hỏi Thiền sư Hương Hải:
- Trẫm nghe Lão sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão sư thuyết pháp cho trẫm nghe để trẫm được liễu ngộ.
- Xin bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu bốn câu kệ này:
Hàng ngày quán lại chính nơi mình
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh
Trong mộng tìm chi người tri thức
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.
Âm:
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.
Quay lại, tập trung vào chính mình là phận sự chính. Tâm tư của con người luôn chạy nhảy không nghỉ ngơi, đủ mọi hỉ lộ ái ố, sân si phiền não khổ đau. Muốn làm chủ tâm mình, thì quán sát lại chính mình, suy nghĩ một cách cẩn trọng, không cần tìm cầu ở bên ngoài. Mình hãy tự là thủ lĩnh dẫn đường, điều hướng cho chính mình. Khi tâm lắng đọng và buông bỏ mọi điều, sẽ nhận ra tâm Phật nơi chính mình. Muốn nhập thế thì trước tiên phải tu, tập trung vào chính mình ấy là tu.
Thiền sư Minh Hải đã nhấn mạnh tinh thần này cho Vua Lê Dụ Tông khi hỏi về “Thế nào là ý của Phật”
Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không để ý dấu
Nước không tâm lưu bóng.
Âm:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Hình ảnh con chim nhạn bay qua trên bầu trời, bóng nó trải dài trên mặt nước. Con chim nhạn không cố ý lưu giữ hình bóng của mình trong nước, mặt nước cũng không cố ý lưu giữ bóng hình của con chim. Cũng như vấn đề tâm của ta, khi tiếp xúc với cuộc đời trần thế, mọi suy nghĩ lớn nhỏ khi xuất hiện, ta không mong cầu, không chờ đợi, không phụ thuộc,chỉ đóng vai là người quan sát. Khi thực hành được như vậy, chính là tu. Vô tâm chính là phương châm của Thiền sư Minh Châu Hương Hải, đó cũng là bí quyết của sự đắc đạo, giác ngộ.
Thiền sư Minh Hải đã thấu suốt tư tưởng “phản quang tự kỷ” tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: “soi sáng lại chính mình, đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác để được”. Thiền sư đã dạy đại chúng như sau: “Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, ngay ngoại cảnh mà trực nhận tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện tiền, những vết trần tự rỗng. Ta phải dùng lưỡi dao trí của tâm tự giác mà rạch lấy tâm châu. Phải dùng mũi giáo tuệ chặt đứt lưới kiến chấp muôn đời. Ấy chính là tông chỉ cùng trực thuyết vậy.” Chính vậy, tinh thần đạo Phật là tinh thần nhập thế, dòng thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế, không phân biệt màu da, sắc tộc, hoàn cảnh.
Khi giảng Kim cương Kinh lý nghĩa Thiền sư đã chỉ dạy về sự tu tập đạt tới giác ngộ cũng không tách rời những việc như mặc áo, ăn cơm: “Phật rằng hết thảy chư pháp đều cũng dùng sự tu hành cho được thành đẳng chính giác. Thiền gia dầu bỏ, ắt lỗi ý kinh. Khác nào chưa đến ngạn mà đã bỏ thuyền, há mình chẳng chìm trong nơi khổ hải? Hết thảy chúng sinh, từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng khỏi pháp tính tam muội. Dầu khi mặc áo, ăn cơm, đàm thuyết, đối đãi, lục căn thường hành, nhậm vận thi vi, thật những là pháp tính diệu dụng. Chẳng biết phản bản hoàn nguyên, vậy bèn tùy danh chấp tướng, tình mê vọng khởi, tạo chủng chủng nghiệp. Dầu hay biết được, nhất niệm hồi quang, liễu phàm tâm chứng được thánh tâm, chuyển thể pháp đều nên Phật pháp” [1]. Tư tưởng của thiền sư là không rời thế gian, nên sau khi thực hiện xong việc ẩn tu, thiền sư đã trở về đất liền giáo hóa chúng sinh, phụng sự, hòa mình vào thế gian để làm lợi ích cho đời theo tinh thần tùy duyên, tùy tục, theo thế sự mà hành động, đó chính là tinh thần nhập thế: “ Tại thế tính hằng ly thế. Cư trần, lòng vốn viễn trần, ắt rằng thật là cứu cánh pháp” [2].
Thiền sư chú trọng việc dịch thuật các kinh điển sang chữ Nôm và trước tác thơ văn bằng tiếng Việt sử dụng từ ngữ dễ hiểu, không sử dụng từ hoa mỹ hay chuyên môn cao siêu với mục đích tập trung vào số đông, giúp họ dễ tiếp cận giáo lý Phật pháp chính là thể hiện tinh thần dân tộc, tinh thần tự chủ. Đó là tinh thần của Thiền Trúc Lâm “miễn được lòng rồi chẳng cần pháp khác”.
Ngoài ra, Thiền sư còn chú trọng độ tăng, thuyết pháp, đông đảo đệ tử về quy y học đạo, càng ngày càng làm lớn mạnh, phát huy, nhân rộng tinh thần nhập thế. Những đệ tử của ngài là những tăng sĩ tinh ba, tiếp tục sự nghiệp của Thiền sư Hương Hải hoằng truyền Chánh pháp, phổ độ quần sanh.
Minh Châu Hương Hải là vị thiền sư đầy nhiệt huyết của thời đại, người đã có vai trò to lớn trong việc kế thừa phát huy tinh thần nhập thế tích cực của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo ra bước ngoặt cho Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII. Những cống hiến lớn lao của thiền sư đã đã góp phần vào việc xây dựng nền Phật giáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Chú thích:
[1] Theo bia pháp Tổ Hương Hải ở chùa Nguyệt Đường thì ngài Hương Hải thụ giáo chính thức với Thiền sư Đại Khâm trước rồi tham vấn ngài Lục Hồ sau. Cũng theo bia tháp này thì pháp hiệu ngài Đại Khâm là Viên Thực chứ không phải Viên Khoan, cả hai vị đều là Thiền sư từ Trung Quốc đến hành đạo ở vùng đất nay là tỉnh Quảng Trị (xem Nguyễn Minh Quý, “thân thế và sự nghiệp Hương Hải Thiền sư qua tấm bia Tổ sư bi ký”, trong sách Thông báo Hán Nôm học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.545 -548).
[2] Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, tập VI, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.70
[3] Hai mươi tác phẩm chú giải của Hương Hải gồm: (1) Giải Pháp học kinh, (2) Giải Kim cương kinh lí nghĩa, (3) Giải Sai di giới luật, (4) Giải Phật tổ tam kinh, (5) Giải Di Đà kinh, (6) Giải Vô lượng thọ kinh, (7) Giải Địa Tạng kinh, (8) Giải tâm kinh đại điên, (9) Giải Tâm kinh ngũ chỉ, (10) Giải Tâm châu nhất quán, (11) Giải Chân tâm trực thuyết (12) Giải Pháp bảo đàn kinh, (13) Giải Phổ khuyến tu hành, (14) Giải Bảng điều, (15) Soạn Cơ duyên vấn đáp tinh giải, (16) Soạn Sự lí dung thông, (17) Soạn Quán vô lượng thọ kinh quốc ngữ, (18) Soạn Cúng Phật tam khoa, (19) Soạn Cúng cửu phẩm, và (20) Soạn Cúng Dược sư. Trong số này, hiện mới tìm được 4 tác phẩm, đó là những tác phẩm số 2,5,9 và 16. ( Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.25)
[4] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
[5] Toàn tập Minh Châu Hương Hải, tr.248
[6] Toàn tập Minh Châu Hương Hải, tr.228
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm