Thiền sư Pháp Thuận với bài thơ Quốc Tộ
Tuy có nhiều kiến giải khác nhau nhưng xem ra cho đến nay Quốc tộ của Thiền sư Pháp Thuận là bài thơ nhận được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu xem là tác phẩm tiên phong cho nền văn học viết thời trung đại ở Việt Nam.
>NHỮNG NHÂN VẬT PHẬT GIÁO NỔI BẬT
Theo sách Thiền Uyển Tập Anh, Thiền sư Pháp Thuận ở chùa Cổ Sơn, quận Ải, không rõ quê. Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, rõ việc đương thời. Từ nhỏ đã xuất gia thờ sư Phù Trì chùa Long Thọ. Khi đã đắc pháp, nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ. Thời bấy giờ nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, sư tham gia đắc lực việc trù định kế sách. Khi thiên hạ thái bình sư không nhận phong thưởng. Hoàng đế Lê Đại Hành kính trọng sư, thường đem việc văn thư giao phó.
Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), người Tống là Lý Giác sang sứ, vua sai sư cải trang làm quan coi bến để theo dõi hành động của y. Gặp lúc có hai con ngỗng bơi trên sông, Giác ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện huống thiên nha.
(Nga nga một cắp nga
Ngước mắt ngó chân trời).
Sư đang cầm chèo ngâm theo cho đủ bài thơ tứ tuyệt:
Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi Thanh Ba.
(Lông trắng phơi nước biếc
Sóng xanh chân hồng bơi).
Giác vô cùng thán phục, về sứ quán làm thơ gửi tặng sư. Thuở đó vua thường đem vận nước ngắn dài hỏi sư. Sư đáp bằng bài thơ "Quốc Tộ" (Vận nước).
Phiên âm:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh
Dịch nghĩa:
Vận nước như dây mây leo quấn quýt
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình
Vô vi ở nơi cung điện,
[Thì ] khắp mọi nơi đều tắt hết binh đao.
Dịch thơ:
Vận nước như mây quấn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi cư điện các,
Chốn chốn dứt đao binh.
Theo bản dịch của Đoàn Thăng (Thơ văn Lí - Trần, tập I, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1977)
Theo Thiên Uyển Tập Anh, Pháp Thuận là một nhà bác học, giỏi về nghệ thuật, thi ca, có tài năng phụ tá nhà vua trong việc chính trị, thông hiểu về tình hình thực tại của đất nước. Pháp Thuận là người vừa thảo văn thư ngoại giao, vừa trù định chính sách cho nước. Do vậy, ta biết lý do tại sao vua lại hỏi Pháp Thuận về "Vận nước" và sư đã trả lời bằng thơ kệ.
Theo các sử gia thì bài kệ thơ này được làm sau biến cố Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết vào năm 979, tiếp đến là biến cố nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo mang quân tiến vào nước ta năm 981. Rõ ràng vận nước lúc bấy giờ rất rối ren. Nhưng với cái nhìn sắc sảo về nhân quả của một vị Thiền sư lỗi lạc, Pháp Thuận đã gợi ý cho nhà vua một phương sách ổn định nhân tâm và quốc độ.
Ta có thể đi sâu để hiểu nghĩa, những từ khó trong bài kệ thơ. "Dây quấn" (đằng lạc) vừa nói về tình hình rối ren như dây leo quấn chằng chịt không tìm ra đầu mối của nhân quả tương quan, vừa gợi ý sự đoàn kết của toàn dân, vua quan từ hình ảnh một bó cây bền chắc trước hiểm hoạ ngoại xâm.
"Vô vi cư điện các", chữ vô vi này rõ ràng không còn mang ngữ nghĩa vô vi của Lão Tử mà cũng không là hoàn toàn thuật ngữ Phật học với ý nghĩa rỗng rang, giải thoát. Vô vi ở đây đã trở thành một khái niệm tổng hợp cả ba nền tư tưởng Nho - Phật - Lão. Nhà sư khuyên vua và Triều đình phải sống đời trung chính, đạo đức hiền thiện, thuận theo lẽ tự nhiên, đừng nhũng nhiễu, hao phí tài lực của lê dân... để noi gương cho bá tính. Khi triều đình sống được như vậy và nhân dân một lòng đoàn kết thì xứ xứ sẽ không còn đao binh và trời Nam sẽ thái bình thịnh trị.
Chỉ với mấy câu kệ thơ, Pháp Thuận đã để lại cho nền văn học nước nhà một tác phẩm mang nhiều giá trị tư tưởng học thuật, tư tưởng chính trị, cùng thái độ hành xử của tu sĩ; vừa không đánh mất phẩm cách của sa môn, vừa giúp được vua, giúp được nước. Là một người đã cống hiến nhiều cho đất nước, nhưng về già, nhà sư đã từ chối lộc hàm, tìm chỗ sơn thuỷ để tĩnh cư.
Từ những bài thơ còn lại ít ỏi của một thời, ta cũng có thể hình dung được diện mạo văn học thời Đinh - Lê, tuy mới lập quốc, nhưng đâu phải vì vậy mà văn hoá, văn phong, tư tưởng không nội hàm một sinh lực với giá trị tâm linh lâu đời. Và nếu, giả sử không có Phật giáo, không có các nhà sư trí thức với tâm hồn lớn rộng, với cái trí thấy xa ngàn dặm, với cái biết ưu thời mẫn thế như Khuông Việt, như Pháp Thuận thì các triều đại này biết nương tựa vào ai?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Xem thêm