Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 07/03/2018, 10:39 AM

Thiền sư Thích Nhất Hạnh "An lạc từng bước chân"

Cuốn sách “An lạc từng bước chân” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như một dòng suối trong xanh, như cơn gió mát lành, thổi vào lòng những niềm vui bé nhỏ.

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi chúng ta đều có quá nhiều lo nghĩ. Công việc, bài tập, tiền bạc, những mối quan hệ, những khó chịu, giận dữ, bực bội, những kỳ vọng mà người thân gửi gắm… tất cả làm con người đôi khi muốn phát điên! Giữa một dòng chảy đầy xáo trộn như thế, cuốn sách "An lạc từng bước chân" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như một dòng suối trong xanh, như cơn gió mát lành, thổi vào lòng những suy nghĩ mới, những niềm vui bé nhỏ.
 
"An lạc từng bước chân" chia làm nhiều chương, rất dễ đọc. Tôi vốn ít đọc các sách về tôn giáo, nhưng "An lạc từng bước chân" viết rất gần gũi, dễ hiểu. Cuốn sách viết về những điều quanh ta như ăn một bữa cơm, ngắm một bông hoa, một bông bồ công anh, rửa chén,… tất cả những sự việc bình thường đó đều ẩn chứa những bài học lớn lao về ý nghĩa cuộc sống. Khép lại cuốn sách, tôi nhớ được một vài bài học:

Rửa chén: Ít ai thích rửa chén. Nếu bị bắt buộc phải rửa thì cảm thấy rất khổ sở, chỉ muốn rửa thật nhanh cho xong để còn làm việc khác (ví dụ như ăn món tráng miệng). Thiền sư Thích Nhất Hạnh gợi ý ta nên biết trân trọng và tìm niềm vui trong cả những công việc nhỏ bé nhất như rửa chén, chú ý tới bàn tay, tới nước rửa và tới từng cái chén. Sự hiện diện của ta và những cái chén trên đời là một sự mầu nhiệm. Nếu ta coi việc rửa chén là cực hình thì chắc gì ta đã thấy vui khi ăn tráng miệng, vì lúc đó đầu óc ta sẽ lại lo nghĩ tới một điều khác nữa. Người nào biết sống trọn vẹn từng giây phút là người hạnh phúc!

Hoa bồ công anh: Mỗi khi ta mỉm cười - một nụ cười của an lạc và hạnh phúc - là ta đã đem đến niềm vui cho những người xung quanh. Nhưng nhiều người thường quên mất việc mỉm cười. Trong cuốn sách có một câu thơ “Tôi đã mất nụ cười. Nhưng may mắn quá. Hoa bồ công anh đang mỉm cười cho tôi”. Tìm lại nụ cười trên cả những bông hoa dại ven đường - tìm lại niềm vui mà ta tưởng đã đánh mất trong cuộc sống bề bộn này.
 
Thiền hành: Mỗi khi ta đi, thường là đều muốn đến một nơi nào đó. Thế nên cuộc sống của ta lúc nào cũng có vẻ gấp rút, bấn loạn. Thiền hành tức là đi mà không cần biết đích đến, chú ý đến từng bước chân, đến hàng cây xanh đang run run, đến bầy trẻ con đang vui chơi… Mỗi khi ăn một múi quýt, uống một chén trà, ta cũng hãy làm với một tinh thần như vậy. Sống bớt toan tính, hưởng thụ giây phút hiện tại. Nhiều người bảo “Nếu cứ như thế thì bao giờ mới thành công được? Sống thì luôn phải làm một cái gì đó, đạt được một điều gì đó chứ!”.

Nhưng họ quên rằng muốn tạo an lạc cho tương lai thì phải tạo an lạc cho giây phút hiện tại. Một họa sỹ tài danh muốn vẽ tranh hoa đã hỏi Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thưa Thầy, con phải nhìn cái hoa như thế nào để lột hết vẻ đẹp của nó trong bức tranh của con?”. Thiền sư đã trả lời: “Nếu anh nhìn cái hoa với ý đồ như vậy thì khó mà thấy được vẻ đẹp của hoa. Hãy buông bỏ mọi toan tính thì anh mới mong tiếp xúc được với hoa”.

Nhiều người sống với phương châm phải hy sinh hiện tại để có một tương lai huy hoàng. Người ta đặt quá nhiều hy vọng vào ngày mai mà quên mất niềm vui đã có sẵn bây giờ và ở đây. Sách kể về câu chuyện đứa bé được mẹ cho ăn bánh. Cậu bé liền ra ngoài sân nhà, vừa nhìn trời nhìn mây vừa chậm rãi cắn từng miếng bánh trong nửa tiếng hoặc 45 phút. Bé thấy thích thú vô cùng, vừa ăn vừa ngắm trời đất, ngắm con chó, con mèo và mấy bụi tre. Với cậu bé, không có gì để lo nghĩ cả, dù quá khứ hay tương lai, bé sống hoàn toàn cho hiện tại với cái bánh, với con chó, con mèo, với bụi tre, với mọi thứ. Bạn nghĩ bạn lớn lên và đã đánh mất miếng bánh thời thơ ấu, không đâu, nó vẫn còn đâu đó trong trái tim bạn!
 
Trong cuộc sống, ta rất hay giận dữ. Thường là do người khác nói những điều khó nghe, làm những việc trái ý ta. Cuốn sách gợi ý một cách để đối phó với cơn giận. Đó là tìm hiểu tại sao người đó lại nói như vậy, làm như vậy. Một người nói với ta một câu ngang ngược, có thể vì một người khác vừa nói với anh ta như vậy. Có thể chính người cha nghiện ngập của anh ta đã gieo câu nói đó vào đầu anh ta. Hiểu được nỗi khổ của con người, ta sẽ dễ tha thứ và thương yêu họ hơn, cũng là giúp chính ta vượt qua cơn giận.

Cuốn sách cũng nói nhiều đến phương pháp “tập thở” để tìm niềm vui trong cuộc sống. Rất đơn giản, chỉ cần hít vào thở ra và ý thức rằng hơi thở đang đi vào, đi ra. Đây là bước đầu tiên nhưng cũng là những gì cơ bản nhất của thiền tập. Thiền sư nói chỉ cần vài lần hít thở như vậy thôi là bạn sẽ thấy hơi thở mình êm dịu và toàn thân nhẹ nhàng thanh thản. Điều này mình đã được trải nghiệm trong lớp yoga. Hít thở crystal-clear air, theo dõi từng lần “Tôi đang hít vào” - “Tôi đang thở ra”, đầu óc dần dần bớt những suy nghĩ rối rắm đi, thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

Một cuốn sách thấm đẫm triết lý Phật giáo như vậy, tóm lược trong vòng một trang là không thể. Nhưng đọc cuốn sách và chiêm nghiệm nó, mọi người sẽ tìm được một chút bí quyết cho mình để đối phó với cuộc sống đầy áp lực này, sẽ hiểu thêm vì sao sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày càng trở nên phổ biến…

Đọc sách của Thiền sư, giống như ngắm một bông sen trắng trong một buổi sớm mai vậy…

Khánh Ngọc
Nguồn link: http://www.elle.vn/the-gioi-van-hoa/review-sach-an-lac-tung-buoc-chan-thich-nhat-hanh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm