Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khai mở nền móng ý niệm Tỉnh thức từ gốc rễ Thiền của đạo Phật qua lăng kính và truyền thống Thiền của Việt Nam...
Trong suốt quá trình lịch sử Việt, trên bình diện triết và đạo học, trí thức Việt chỉ có giao lưu với thế giới Âu Mỹ trên con lộ một chiều. Văn hóa Việt chỉ du nhập và tiếp thu những sản phẩm tư tưởng từ Tây phương - chứ chưa hề có nhân vật nào có khả năng khai mở một dòng tri thức từ Việt Nam để đem gieo giống tư duy ra hải ngoại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nhất Hạnh) có lẽ là người đầu tiên và duy nhất đã làm dược chuyện nầy.
Đó không phải là một đánh giá chủ quan quá cao – mà là một sự thể học thuật khách quan.
Hãy đi vào Wikipedia, trang tự điển bách khoa trên mạng, gõ tìm “Thich Nhat Hanh”, để đọc danh sách những cuốn sách bằng Anh ngữ mà Nhất Hạnh là tác giả. Hầu hết các tác phẩm trên đều đã được chuyển ngữ ra các ngôn ngữ lớn trên thế giới.
Hãy đi vào các hiệu sách ở Âu Mỹ, trên những kệ sách về tôn giáo và triết học, để nhìn thấy hàng loạt sách Nhất Hạnh được trưng bày ngang với tầm nhìn của khách hàng.
Hãy đi vào các phòng sách giáo khoa của các đại học ở Hoa Kỳ và Âu châu để thấy những tác phẩm Nhất Hạnh là các đầu sách bắt buộc phải đọc cho sinh viên về các khoa tâm lý, triết học, tôn giáo và văn hóa.
Ở các phân khoa triết học và tôn giáo tổng hợp Đông Tây, tư tưởng Nhất Hạnh đứng vị trí cao trọng hàng đầu - có lẽ chỉ có đứng đằng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây tạng trong giòng triết học Phật giáo và Á châu.
Hạt giống tư tưởng mà Nhất Hạnh gieo cho khối nhân loại Tây phương là hai ý niệm Từ bi và Tỉnh thức. Có thể nói rằng, phong trào Chánh Niệm – Mindfulness – vốn đang lan tỏa trên nhiều bình diện văn hóa và tâm lý hiện nay ở Âu Mỹ được khởi động và phát huy bởi Nhất Hạnh.
Đây là một hiện tượng văn hóa không mang nội dung hay hình thái tôn giáo – dù rằng gốc rễ của hai ý niệm về Tỉnh thức và Từ bi mang nội dung Phật giáo Đại thừa và truyền thống Thiền định Đông phương. Nhất Hạnh đã khai mở nền móng ý niệm Tỉnh thức từ gốc rễ Thiền của đạo Phật qua lăng kính và truyền thống Thiền của Việt Nam. Do đó, ta có thể nói rằng, tư tưởng và thực hành Chánh Niệm mà Nhất Hạnh khởi xướng và rao giảng khắp thế giới chính là tư tưởng Việt Nam.
Tính ưu việt của tư duy đạo học và triết học Chánh niệm mà Nhất Hạnh truyền bá là khả thể vươn thoát khỏi tư tưởng nhà Phật truyền thống vốn đã từng mang nhiều sắc thái tôn giáo huyền bí. Nhất Hạnh - không những chỉ là một tu sĩ Phật giáo, mà là một triết gia Tỉnh thức - đã thành công trong việc kiến tạo một hệ thống tư tưởng tâm lý học và đạo học mới. Bằng một hệ quy chiếu và tiêu chuẩn tư duy hiện đại, với một thể loại ngôn từ cập nhật, mang bản sắc thực nghiệm, tư tưởng Nhất Hạnh đã thẩm thấu sâu sắc vào tâm lý cũng như ý thức con người Âu Mỹ hiện nay.
Chìa khóa thành công của Nhất Hạnh nằm nơi sự khai mở được lớp vỏ huyền bí của ý niệm Thiền định và tâm Từ Bi để chỉ thẳng vào trái tim Đạo lý mà trong đó đức tin thần học nay đã được chuyển hóa và nâng cao thành khả thể khai sáng cho tri thức và hành động.
Từ đó, với Nhất Hạnh, phong trào Chánh niệm đang lan tỏa ở Âu Mỹ hiện nay là cả một trào lưu Hiện sinh mới cho các tầng lớp quần chúng ưu tú và trẻ trung nơi các khối nhân loại Tây Âu. Đây là một con lộ sinh thức thực tiễn trên nền tảng Tiếp-Hiện (Inter-Being) cho một đời sống Tinh thần không Tôn giáo – Spirituality without Religion.
Khi các thế hệ trí thức trẻ cấp tiến Âu Mỹ từ bỏ tôn giáo truyền thống cha ông, họ đã đi vào một khoảng trống sâu và lớn ở năng lực Tinh thần; khi mà triết học Tây Âu nay đã khô cạn hết niềm hứng khởi siêu hình mà chỉ còn loay hoay với phân tích ngôn ngữ, thì Nhất Hạnh đã mang đến cho khối nhân loại đó - vốn đang khao khát một đời sống Tinh thần - một bát nước Chánh niệm đơn giản và tươi mát nhưng không thiếu chiều sâu về bản thể và nhận thức luận.
Nhất Hạnh không nhân danh Chân lý, không tự cho mình là bậc Thầy để trao truyền kiến thức. Mà khác đi. Như là một người đánh khẽ tiếng chuông Tỉnh thức, Nhất Hạnh chỉ là người hướng dẫn cộng đồng nhằm khơi mở một câu chuyện bình dị, bắt đầu một cuộc đối thoại đơn giản – tất cả đều nhằm nhắc nhở nhân loại rằng, mọi sự Thật hay Ảo tưởng, Giác ngộ hay Vô minh, tất cả chỉ là hiện thân cho một tầm mức khai sáng nơi trình độ Tự ý thức và bản sắc sinh hiện trong Chánh niệm của từng cá nhân.
Nếu một ngày nào đó, bạn đi về một làng quê xa xôi ở miền Trung Việt Nam, bạn có thể sẽ thấy một em bé chăn trâu, ngồi bên ngôi mộ vắng giữa cánh đồng trơ trọi, chăm chú đọc Thả một bè lau của Nhất Hạnh, hay bạn bước vào một tiệm sách ở phố xá đông đúc Hà Nội hay Đà Nẳng, hay Tokyo, hay Madrid, bạn sẽ thấy độc giả đang đứng nhìn từng bìa sách của Nhất Hạnh – thì bạn nên nhớ rằng, ở cùng thời điểm ấy, trong một căn hộ nhỏ ở Paris, hay nơi một ghế đá công viên ở Munich, hay là trong thư viện đại học Stanford, California, một sinh viên tâm lý học nào đó đang nghiên cứu The Miracle of Mindfulness (Phép lạ của Tỉnh thức), hay là một phụ nữ trung niên, một nhà giáo đã nghỉ hưu ở San Diego, Mexico City, đang đọc và thưởng thức về một bản sắc ý nghĩa của Chánh niệm với Understanding Our Mind (“Để hiểu về tri thức”). Khi đó, bạn sẽ thấy câu chuyện gieo hạt giống Tỉnh thức của Nhất Hạnh đã được lan truyền và phổ cập hóa trên thế giới như thế nào.
Và cũng lúc ấy, bạn cũng sẽ hiểu tại sao khối nhân loại cấp tiến tiền phong Tây phương đang đón nhận Nhất Hạnh với vòng tay lớn. Từ Jack Cornfield, nhà văn nổi tiếng, đến Jim Yong Kim, nguyên chủ tịch Ngân Hàng Thế giới, đến Marc Benioff, nhà sáng lập công ty Salesforce… là những học trò lừng danh của Nhất Hạnh. Họ không phải là những đệ tử theo truyền thống thầy-trò cũ. Họ đến với Nhất Hạnh trong tinh thần tư duy và đạo học duy lý và tỉnh thức. Như bà Elizabeth Gilbert, một nhà văn Mỹ, được trích trong Wikipedia tiếng Việt, đã phát biểu về Nhất Hạnh rằng:
Nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói Thầy đã đưa từng người chúng tôi vào trong yên tĩnh chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc nhưng chưa khám phá hay khẳng định. Khả năng Thầy đã phát khởi trạng thái này trong tất cả chúng tôi, chỉ bằng sự hiện diện của Thầy - đây là một năng lực thiêng liêng. Và đấy là lý do ta tìm đến một Sư phụ: Với hy vọng là công đức của Thầy sẽ soi rạng cho ta sự cao quý khuất lấp nơi chính mình.
Đến với từng người, từng cá nhân, từng nhóm nhỏ, hay với những khóa giảng cho cả ngàn người, từ hơn nửa thế kỷ qua, Nhất Hạnh đã đi khắp địa cầu, gõ nhẹ từng tiếng chuông, gieo hạt giống Tỉnh thức cho nhân loại.
Từ nay, lịch sử tư tưởng và triết học Tây phương và Thế giới đã ghi thêm tên một triết gia quen thuộc, một nhà đạo học tiên phong – một con người đến từ Việt Nam: Thích Nhất Hạnh.
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 00:00 ngày 22/1/2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây 80 năm.
Sơ lược Tiểu sử của Thầy Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.
- Năm 1942, xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.
- Tháng 9 năm 1945, thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân.
- Năm 1947, theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.
- Năm 1949, rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.
- Tháng 10 năm 1951, thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu.
- Năm 1954: Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt.
- Năm 1955, làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.
- Năm 1957, thành lập Phương Bối Am, Bảo Lộc.
- Năm 1961 – 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Sáng tác đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”.
- Năm 1964, được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.
Năm 1965, thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 1966, thành lập Dòng tu Tiếp Hiện.
- Ngày 1/5/1966, được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.
- Ngày 11.05.1966, rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu 39 năm lưu vong.
- Năm 1967, được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.
- Năm 1968 – 1973, vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Trong thời gian này, được mời dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại trường đại học Sorbonne, Pháp Quốc và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.
- Tháng 9 năm 1970, được GHPGVNTN chính thức đề cử làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris.
- Tháng 5 năm 1970, tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ.
- Năm 1972, chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng với nội dung: sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất.
- Năm 1971, thành lập Phương Vân Am, Paris.
- Năm 1976, cứu giúp thuyền nhân và thực hiện chương trình “Máu chảy ruột mềm”.
- Năm 1982, thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp.
- Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn, Hoa Kỳ; năm 2000, thành lập Tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.
- Năm 1999, cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.
- Năm 2005, trở về Việt Nam lần thứ nhất. Thành lập tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc.
- Năm 2007, trở về Việt Nam lần thứ hai, tổ chức ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế tại ba miền.
- Năm 2008, trở về Việt Nam lần thứ ba, thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
- Từ năm 2008, thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Đức; Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Hoa Kỳ; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris; Làng Mai Thái Lan; Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hong Kong; Tu viện Nhập Lưu, Úc; Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch, Việt Nam, tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.
- Tháng 10 năm 2018, trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam.
00:00 giờ ngày 22/01/2022, an nhiên thị tịch tai Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu.
Thầy Thích Nhất Hạnh để lại ánh sáng
- Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?!
- Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền toạ, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy!
- Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình.
- Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.
(Lời thiền sư Thích Nhất Hạnh)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Chân dung từ bi 08:05 19/10/2024Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Xem thêm