Thiền sư trong phòng thí nghiệm
Một vị sư Phật giáo, Thiền sư, Triết gia, và trước đây là một khoa học gia, Matthieu Ricard tham dự án nghiên cứu cho thực tập Thiền có ảnh hưởng tích cực cho não bộ. Ông tình nguyện làm một đối tượng nghiên cứu về Thiền và Não Bộ.
Nhiều người nói thực hành thiền Chánh Niệm tốt cho não bộ, nhưng ai có thể chứng minh được điều này? Một vị sư Phật giáo, Thiền sư, Triết gia, và trước đây là một khoa học gia, Matthieu Ricard tham gia dự án nghiên cứu cho thực tập Thiền có ảnh hưởng tích cực cho não bộ. Ông tình nguyện làm một đối tượng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong những cuộc nghiên cứu quan trọng về Thiền và Não Bộ và ít có người ở trong một vị thế đặc biệt như ông để mô tả cuộc gặp gỡ giữa khoa học và Thiền quán.
Hai mươi năm trước đây hầu hết các nhà khoa học nghiên cứu não bộ tin rằng não bộ của một người trưởng thành không còn có thể thay đổi và không có tế bào não mới nào sinh sản thêm khi não bộ đã trưởng thành. Có thể có những phương pháp tạm thời nhằm tăng cường hay phát động những liên hoạt động liên hệ giữa các tế bào não, trong khi số lượng tế bào não càng ngày càng suy thoái theo tuổi tác. Những thay đổi não bộ thường xảy ra khi người ta còn ‘trẻ’. Hiện nay có nhiều ý kiến mới và các nhà khoa học nghiên cứu não bộ tin rằng não bộ sinh trưởng uyển chuyển (Neuro-plasticity) hơn là chúng ta nghĩ , nghĩa là não bộ tiếp tục biến đổi theo với kinh nghiệm sống và các tế bào não tiếp tục được sinh sản và tăng cường những hoạt động liên hệ giữa các tế bào não, tăng cường các hoạt động giữa các tế bào hiện có và sinh sản các tế bào mới.
Trong một nghiên cứu, Fred Gage và các đồng nghiệp tại Salt Institute ở bang California, nghiên cứu phản ứng của chuột cho biết là não bộ của chuột sinh sản thêm nhiều tế bào não khi được chuyển qua sống trong một môi trường mới, từ một cái lồng trơ trọi qua một nơi khác có gắn bánh xe cho chuột tập thể dục, có những đường hầm để chuột thám hiểm và có nhiều bạn để chuột chơi đùa. Kết quả thật bất ngờ: chỉ trong vòng 45 ngày, số lượng tế bào não tăng lên trong vùng não thùy hippocampus, nơi lưu trữ các tế bào não được chế biến và xử lý những kinh nghiệm kỳ thú - tăng thêm 15%, ngay cả trong não bộ của các con chuột già!
Điều này có xảy ra cho não bộ người như trong não bộ chuột không? Tại Thụy Điển Peter Ericksson nghiên cứu việc hình thành các tế bào não mới trong các bệnh nhân bị ung thư. Khi các bệnh nhân này qua đời não của họ được giải phẩu cho thấy cũng như trong loại chuột, tế bào não mới đã được tạo ra và tàng trữ khu não Hippocampus.
Các nhà khoa học thần kinh não bộ hiện nay nhận thấy là việc sinh sản các tế bào não suốt đời là một chuyện có thể xảy ra, như Damien Coleman nhận xét trong tác phẩm Destructive Emotions (Những tình cảm độc hại): ”(Khi chụp não) của các nhạc sĩ chơi vĩ cầm thực tập đàn mỗi ngày trong nhiều năm, một mô thức sinh sản tế bào não uyển chuyển xuất hiện (Neuroplasticity). Các máy chụp não cộng hưởng từ trường MRI cho thấy là, vùng não điều khiển các ngón tay chơi đàn tăng trưởng và các vùng não điều khiển các ngón tay của những người thực tập đàn từ lúc nhỏ cũng thay đổi.
Cũng thế việc nghiên cứu một số vùng não bộ của những người chơi cờ tây (Chess) và các lực sĩ thế vận cũng cho thấy vùng não điều khiển các hoạt động liên hệ cũng thay đổi. Và câu hỏi căn bản là nếu một người tình nguyện thực tập để làm giàu tâm linh bằng thiền quán, các vùng não bộ liên hệ có tăng trưởng không?
Đó chính là mục tiêu mà nhà khoa học thần kinh não bộ, Richie Davidson, và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu tại phòng thí nghiệm W.M. Keck về Chụp Hình Não Bộ và Hành Vi tại Đại học Wisconsin - Madison (Hiện nay có tên mới là Phòng thí nghiệm Waisman về Chụp Hình Não Bộ và Hành Vi).
Cuộc gặp gỡ kỳ thú
Các công trình nghiên cứu này khởi đầu từ một nơi cách xa đây một nửa địa cầu, tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn ở Ấn Độ, trong một ngôi làng nhỏ nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt cơ sở của chánh phủ Tây Tạng Lưu Vong, sau khi Trung Quốc xua quân vào xâm chiếm vào năm 1959. Vào mùa thu năm 2000, một nhóm các Khoa học gia hàng đầu về Thần Kinh Não Bộ họp mặt trong 5 ngày và thảo luận với Đức Đạt Lai Lạt Ma về ảnh hưởng của Thiền trên Não Bộ. Đây là lần họp thứ 10 trong một chuỗi các buổi họp đáng ghi nhớ, giữa các khoa học thần kinh não bộ và Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã được tổ chức từ năm 1985, do viện Tâm và Đời Sống (Mind and Life) bảo trợ, do sáng kiến của nhà khoa học Francisco Varela, một nhà nghiên cứu tiên phong trong khoa học về tri thức.
Đề tài là Tình Cảm Phá Hoại (Destructive Emotions) và tôi (Matthieu Ricard) được giao phó trách nhiệm trình bày quan điểm của Phật giáo dưới sự giám sát của Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi có cảm tưởng như mình đang bị khảo hạch trong một kỳ thi tại trường. Sau lần gặp gỡ ngoạn mục này, Daniel Coleman kể lại trong Destructive Emotions, một vài chương trình khác được tung ra kể về nghiên cứu và phát triển của vùng não của những cá nhân đã thực hành thiền quán lâu hơn 20 năm.
Bốn năm sau đó, vào tháng 11 năm 2004, các tạp chí khoa học có uy tín như Báo Cáo Nghiên Cứu của Viện Khoa Học Quốc Gia (Mỹ) lần đầu công bố những công trình nghiên cứu về tác động của Thiền Quán lên não bộ. Các tình trạng xảy ra trong các giai đoạn thiền quán trước đây thường được diễn đạt qua các kinh nghiệm cá nhân, lúc đó được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học.
Hiện nay có 12 thiền sư có nhiều kinh nghiệm, gốc Á Châu và Âu Châu trong truyền thống Tây Tạng (8 người gốc Á và 4 người gốc Âu, tăng sĩ lẫn cư sĩ) đã được Richard Davidson và Antoine Lutz, học trò của nhà khoa học não bộ lừng danh Francisco Varela, cộng tác nghiên cứu. Những thiền sư tham dự cuộc nghiên cứu này ước tính là đã từng thực tập Thiền từ 10 ngàn đến 40 ngàn giờ, từ 15 năm đến 40 năm, được so sánh với như ‘nhóm kiểm soát’, gồm 12 thiền sinh tập sự thuộc các nhóm tuổi khác nhau. Những người trong nhóm này chỉ được dạy và thực hành Thiền trong vòng một tuần lễ.
Thiền sư trong phòng thí nghiệm
Tôi (Matthieu Ricard) là một người tình nguyện tham dự thí nghiệm đầu tiên (guinea pig). Một thủ tục được chấp nhận, trong đó người thực hành thiền thay đổi qua lại giữa trạng thái đang thiền định và trung lập. Trước tiên các trạng thái này đã được thử nghiệm, và có 4 trạng thái được chọn lựa để nghiên cứu: Thiền từ bi, Định (focused attention) chánh niệm (open presence) và quán tưởng hình tượng.
Trong Phật giáo có những phương pháp dùng để thực hành Thiền từ bi. Các thiền giả nhắm khích động lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, để tâm bị tràn ngập bởi lòng thương lớn, không có giới hạn trên đối tượng đặc biệt nào. Trong khi đó Định đòi hỏi sự chăm chú đến một đối tượng đặc biệt đã được chọn lựa nào đó và dùng như một cái neo, và khi nào tâm đi lạc đường nhảy lung tung, thì dẫn tâm trở về cái neo đó. Đối tượng của định phải rõ ràng (ví dụ tượng Phật), im lặng, và vững vàng. Tránh những đối tượng dễ sinh ra cảm giác nhàm chán hay khiến ý tưởng dễ bị lạc hướng vì bị kích thích.
Đối tượng chánh niệm rộng rãi hơn, mở rộng, bao la và nếu tâm bị đi lạc thiền sư dùng ý thức để trở về hơi thở. Thiền chánh niệm thực ra không trụ ở chỗ nào, không để Tâm đi lạc, hoàn toàn an trú trong hiện tại. Khi có ý tưởng nào mới nổi dậy, người thực hành Thiền không ngăn chặn chúng, nhưng chỉ để chúng biến mất tự nhiên.
Quán tưởng hình tượng là một thực hành phức tạp. Hành giả hình dung hình tượng, vẻ mặt, quần áo, dáng ngồi hay đứng…và quan sát kỹ càng từng chi tiết hình tượng. Người hành Thiền hình dung toàn thể hình tượng và cố gắng quân bình hóa toàn thể hình tượng này.
Những phương pháp thiền quán khác nhau là những cách mà các Thiền sư luyện tập trong nhiều năm, nên phương pháp này đối với họ trở nên ổn định và trong sáng.
Trong phòng thí nghiệm, có hai cách chính để nghiên cứu hành giả Thiền.Phương pháp EEGs ghi lại hoạt động của những dòng điện với thời gian chính xác, trong khi máy đo cộng hưởng từ trường (fMRI), đo lượng máu chảy trong nhiều vùng khác nhau của não bộ, cung cấp chính xác những khu nơi các tế bào não đang hoạt động.
Các Thiền sư trụ trong trạng thái trung lập của não chừng 60 giây sau đó chuyển sang trạng thái Thiền. Quá trình này được lập đi lập lại nhiều lần. Các dụng cụ đo đạc gồm 256 censors ghi nhận cảm thọ của Thiền sư. Các dòng điện cho thấy sự khác biệt giữa một người mới ngồi Thiền và những Thiền sư có kinh nghiệm. Trong lúc thực hành Thiền từ bi, các Thiền sư có kinh nghiệm cho thấy các mức hoạt động não tăng lên nhờ các tia sóng gamma. Hiện tượng này trước đây chưa bao giờ được báo cáo trong khoa thần kinh não bộ”, Davidson cho biết.
Người ta cũng thấy các chuyển động của các sóng qua não được phối hợp tốt hơn, nhịp nhàng hơn so với nhóm kiểm soát, mức hoạt động của tia gamma tăng nhẹ khi họ ở trong trạng thái Thiền. Điều này cho thấy là não có thể được huấn luyện để thay đổi về mặt vật lý mà trước giờ nhiều người khó có thể tưởng tượng ra được. Và các Thiền sư có thể điều hành các hoạt động não một cách "có chủ ý”.
Một trong những khám phá thú vị nhất là những vị sư có kinh nghiệm từng thực tập Thiền lâu năm có thể làm khởi động nhiều tia gamma nhất. Điều này khiến Davidson đưa đến kết luận là "Thiền không những làm thay đổi hoạt động của não ngắn hạn mà có thể tạo những thay đổi dài hạn”
“Không loại bỏ khả năng những hoạt động não của những người mới hành Thiền và các thiền sư nhiều kinh nghiệm khác nhau trước khi họ thực tập Thiền”. Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt giữa các thiền sư mới thực tập và các thiền sư kinh nghiệm là do quá trình thực tập. Davidson nói rằng có bằng chứng cho thấy là những nhà sư thực hành Thiền nhiều năm có những thay đổi hoạt động não bộ nhiều nhất cho chúng ta thấy là thay đổi là do thực tập gây ra. Bằng chứng cũng cho thấy là những người thực tập Thiền lâu năm có nhiều tia gamma hơn những người trong nhóm kiểm soát, ngay trong khi não bộ của họ đang trong trạng thái trung lập, trước khi bắt đầu đổi sang trạng thái Thiền. Một tác giả chuyên viết về khoa học, Sharon Begley phê bình: “Điều này mở ra một khả năng thú vị là não bộ, cũng giống như các phần khác của cơ thể, có thể thay đổi một cách tự ý. Cũng giống như tập thể dục dưới nước làm bắp thịt thay đổi, luyện tập óc não có thể làm thay đổi chất xám trong những cách mà các nhà khoa học có thể bắt đầu hiểu được."
Phản xạ giật mình
Giật mình vì tiếng động lớn là một phản ứng tự nhiên sơ khai của cơ thể. Bắp thịt co rút một cách nhanh chóng khi thình lình nghe một tiếng động hay chứng kiến một cảnh kinh hãi bất ngờ. Trong phản xạ giật mình, năm bắp thịt ở mặt, phần lớn quanh mắt, co lại tức khắc. Toàn bộ phản ứng kéo dài chừng một phần ba giây.
Cũng như các phản xạ khác, đây là một phản ứng phát sinh từ tế bào não và thường không thể kiểm soát hay ngăn chặn được. Và theo những gì khoa học biết đến nay, không có cơ chế nào có thể kiểm soát được phản xạ này. Mức độ nghiêm trọng của những phản ứng tự động đó phản ảnh cho những tình cảm tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, buồn bã và kinh tởm. Các tình cảm tiêu cực mạnh chừng nào, phản xạ giật mình càng mạnh chừng đó.
Để thí nghiệm phản xạ giật mình của người thực hành Thiền, Paul Ekman và Robert Levenson, hai tâm lý gia tiên phong nghiên cứu về tình cảm, đã làm việc tại Phòng Thí Nghiệm Tâm Sinh lý tại Đại Học Berkeley. Các phản ứng vật lý của cơ thể người ngồi Thiền như nhịp tim, mức toát mồ hôi, và nhiệt độ của da được đo đạc. Phản ứng của mặt được quay phim để bắt kịp những phản ứng của tâm sinh lý trong phản xạ giật mình. Tiếng nổ thình lình dựa trên mức độ mà con người có thể chịu đựng được như một tiếng nổ lớn tương đương với một tiếng súng bắn bên tai.
Đối tượng thí nghiệm được cho biết là trong vòng năm phút sẽ có một tiếng nổ lớn. Người này được yêu cầu làm mọi cách để vô hiệu hóa phản xạ giật mình thành một phản ứng không đáng kể, nếu có thể được. Một số người phản ứng tốt hơn một số người khác, nhưng không có người nào áp đảo được phản xạ một cách hoàn toàn - dù là họ cố gắng hết sức. Trong số hàng trăm đối tượng nghiên cứu của Ekman và Levenson thí nghiệm, kể cả cảnh sát chuyên bắn sẽ, không có người nào áp đảo được phản xạ khi nghe tiếng nổ thình lình. Nhưng các người thực hành thiền có thể áp đảo phản xạ này được.
Ekman giải thích: “Khi các thiền sư cố gắng đàn áp phản xạ giật mình, phản xạ này hầu như biến mất. Từ trước đến giờ chúng tôi chưa thấy người nào có thể làm được chuyện này. Đây là một sự kiện hết sức ngoạn mục. Chúng tôi hoàn toàn không biết tại sao các thiền sư có thể dằn được các phản xạ giật mình này!”
Trong lúc thử nghiệm, các thiền sư thực hành hai loại thiền quán: Quán tưởng và chánh niệm. Cả hai loại Thiền này đã được rMRI nghiên cứu trước đó tại Madison. Ảnh hưởng tốt nhất là Thiền chánh niệm: “Trong trạng thái chánh niệm, họ không chủ động kiểm soát phản xạ giật mình, nhưng tiếng nổ hình như xảy ra ở một khoảng rất xa nào đó. Do đó tiếng động trở nên yếu ớt hơn." Ekman mô tả tại sao về phương diện vật lý: mặt của các thiền sư biến đổi, nhưng không có một bắp thịt nào ở mặt cử động. Và đối tượng được thí nghiệm giải thích: “Trong lúc ý thức bị đi lạc, tiếng nổ đem tôi về hiện tại và làm tôi ngạc nhiên. Nhưng không gian hiện tại mở rộng, tôi an trú trong hiện tại và tiếng nổ lớn xảy ra chỉ gây một ít khó chịu; giống như con chim lướt qua bầu trời”.
Mặc dù bắp thịt trên mặt của các thiền sư không co rút lại khi họ đang ở trong trạng thái thiền chánh niệm, nhưng những phản ứng vật lý khác như nhịp tim, đổ mồ hôi, áp huyết… vẫn tăng lên như trong phản xạ giật mình. Điều này cho chúng ta biết là cơ thể có phản ứng, ghi nhận ảnh hưởng của tiếng nổ, nhưng tiếng nổ đó không gây ra phản ứng tình cảm nào trên Tâm. Phản ứng của các thiền sư cho thấy tình cảm của họ trong tình trạng ‘xả’, một đặc tính trong tứ vô lượng tâm mà Phật giáo hay nhắc tới như thành quả của việc ngồi thiền.
Viễn tượng huấn luyện tâm linh
Nhà nghiên cứu Coleman viết:
‘Đi tìm một họa đồ …trong đó não bộ có thể huấn luyện được những tình cảm tích cực: hài lòng thay vì tham đắm, an lành thay vì bị khích động, từ bi thay vì sân hận. Dược phẩm là phương tiện chính tại Tây phương để thay đổi tình cảm rối loạn, tuy là rất hiệu nghiệm trong việc thay đổi trạng thái tình cảm vui buồn cho hàng vạn (triệu) bệnh nhân. Những thí nghiệm với các Thiền sư đặt ra câu hỏi là: một người qua nổ lực của chính mình, có thể mang tới những thay đổi tích cực lâu dài bằng cách thay đổi chức năng não bộ có thể có những kết quả tốt hơn dược phẩm trong việc tác động trên tình cảm?’
Về khoa học trí năng, thí nghiệm này không phải chỉ có mục đích chứng tỏ khả năng của một số thiền sư, nhưng giúp cho chúng ta suy nghĩ lại những giả định về tác động của việc huấn luyện tâm linh để tạo ra những tình cảm tích cực. Những gì chúng ta khám phá trong việc huấn luyện tâm linh, hay óc não, về phương diện vật lý, khác với những người chưa được huấn luyện. Đến một lúc chúng ta có thể hiểu những sự quan trọng tiềm ẩn của việc huấn luyện tâm linh và khiến mọi người suy nghĩ nghiêm túc hơn về Thiền quán như là một phương pháp huấn luyện. Davidson nói: “Điều quan trọng là khám phá ra quá trình huấn luyện tâm linh cho những ai có đủ quyết tâm thực hiện.
Chúng ta tự hỏi là cần bao nhiêu thời gian thực hành thiền quán mới đủ để làm não bộ thay đổi, nhất là trong phương pháp tế nhị như thực hành thiền. Cũng giống như đến mức nào một nhạc sĩ vĩ cầm đã thực tập bao nhiêu giờ mới có đủ khả năng thi vào Viện âm nhạc quốc gia? Phần lớn những thiền sư đang được Luts và Davidsob nghiên cứu đã thực tập 10 ngàn giờ Thiền quán, phần lớn trong các khóa tu hay trong sinh hoạt hàng ngày.
Mười ngàn giờ thực tập Thiền quán đối với nhiều người là một thời gian quá dài, phần lớn chúng ta không mấy ai đạt tới mức này. Tuy nhiên có nhiều tín hiệu đáng khích lệ từ nghiên cứu khác do Jon Kabat Zin và Davidson, các đối tượng thí nghiệm chỉ cần thực tập 3 tháng, não thùy phía trước bên trái của các nhân viên trong một công ty kỹ thuật cao cấp ở Madison thay đổi và cho thấy là có dấu hiệu kích hoạt. Những nghiên cứu của Davidson và các đồng nghiệp trong 20 năm qua cho thấy nhiều người thực tập báo cáo về tình cảm tích cực như ‘hỷ’, ‘vị tha’, ‘nhiệt tâm’, và họ cảm thấy có thêm nhiều sinh lực và cảm thấy sinh động vào cuối các thời kỳ huấn luyện. Hệ thống miễn nhiễm của các người được huấn luyện thực tập Thiền cũng tăng lên, các liều chủng ngừa trong mùa trong khóa huấn luyện có hiệu quả hơn 20% so với các chủng ngừa trong các nhóm kiểm soát.
Nói tóm lại viễn tượng dùng Thiền quán để huấn luyện tâm linh để làm cho các tình cảm phá hoại biến mất. Những yếu tố thực dụng trong Thiền Quán có thể rất quý giá trong việc phối hợp với giáo dục thiếu nhi để giúp các em khi trưởng thành sống được một cuộc đời có chất lượng hơn. Những kỹ thuật Thiền Quán có giá trị giải quyết cơ chế sâu xa nhất về Tâm của con người, giá trị như thế sẽ có tánh cách phổ quát, không cần phải mang nhãn hiệu Thiền ‘Phật giáo’. Tóm lại sự hợp tác hiện nay giữa khoa học và Thiền quán có thể giúp con người thấy được giá trị vô giá của việc huấn luyện Tâm Linh. Nếu sự quân bình giữa hạnh phúc và tình cảm được thực hiện bằng một khả năng có thể đào tạo, chúng ta không thể nào lượng giá đúng mức quyền lực chuyển hóa của Tâm và phải xem đây là những phương pháp sâu xa giúp chúng ta trở thành con người tốt hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm