Thiền tập cho người bận rộn
Cuộc sống hiện đại hiếm ai có thể ngồi thiền nhiều giờ liền đều đặn mỗi ngày. Bởi thế cuốn sách "Thiền tập cho người bận rộn" của thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một số phương pháp khác đơn giản hơn, như việc gợi ý một số điều bạn nên tâm niệm mỗi lúc thức dậy, khi đi bộ hay khi đánh răng.
Những điều tâm niệm này hầu hết là những câu thơ ngắn, dễ hiêu, dễ thuộc, nhưng có tác dụng cải thiện tâm hồn về lâu về dài. Bên cạnh những bài tập do thầy Nhất Hạnh tự nghĩ ra, trong quyển sách còn có 1 số phương pháp và giới luật truyền thống, được truyền từ thời đức Phật, nhưng được thầy Nhất Hạnh đơn giản hóa cho phù hợp với suy nghĩ của con người hiện đại (ví dụ như phép thiền Tứ Niệm Xứ hay Ngũ Giới). Cuốn sách chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.
Bạn có rất nhiều việc cần làm và bạn rất thích làm những việc ấy. Làm việc đem lại cho bạn nhiều hứng thú và niềm vui, nhưng làm việc nhiều quá, lo toan nhiều quá thì rất mệt. Bạn muốn thực tập thiền quán để được thảnh thơi hơn, để có thêm sự an lạc và niềm vui sống hàng ngày. Thế nhưng bạn không có thì giờ mỗi ngày để dành cho thiền tập. Vậy phải làm sao đây? Cuốn sách này sẽ đem đến giải pháp cho bạn.
Dưới đây là những đoạn trích hay từ cuốn "Thiền tập cho người bận rộn" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Ngay khi mới thức dậy, bạn có thể mỉm cười liền lập tức, nụ cười này mang tính giác ngộ: bạn ý thức là một ngày mới được bắt đầu và hăm bốn giờ tinh khôi là món quà mà sự sống đang hiến tặng cho bạn. Đó là tặng phẩm quý giá nhất. Bạn có thể đọc thầm hoặc đọc lớn tiếng bài thơ này:
Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Bạn có thể vẫn nằm yên trên giường, buông thẳng hai tay và hai chân một cách thoải mái trong khi đọc bài thi kệ ấy. Thở vào, đọc thầm câu đầu. Thở ra, đọc thầm câu thứ hai. Thở vào, đọc câu thứ ba. Thở ra, đọc câu thứ tư. Và với nụ cười, bạn ngồi dậy, quơ dép và đi vào phòng rửa mặt.
Làm thức ăn sáng
Làm thức ăn sáng cũng là thiền tập! Nấu nước sôi, pha trà, lọc cà-phê, nấu cháo trắng, nướng bánh mì, chiên cơm nguội, sắp đặt bàn… tất cả những việc đó đều có thể được làm trong chánh niệm, nghĩa là trong ý thức sáng tỏ rằng bạn đang làm cái đó, bạn đang vui khi làm cái đó, cái đó đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Chánh niệm là năng lượng thắp sáng ý thức chiếu rọi vào những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Chánh niệm là trái tim của thiền tập. Khi pha trà mà bạn ý thức rằng mình đang pha trà, không nghĩ tới quá khứ, không nghĩ về tương lai, tâm mình đặt hết vào việc pha trà, như thế là bạn đang có chánh niệm. Chánh niệm giúp ta sống sâu sắc từng giây phút của cuộc sống hằng ngày! Ai cũng có khả năng chánh niệm, nhưng với người thực tập chánh niệm hùng hậu hơn, và người ấy có khả năng an trú trong hiện tại nhiều hơn.
Thời gian làm thức ăn sáng có thể được biến thành một buổi thiền tập, vui lắm. Nếu có người khác đã xuống bếp rồi và đang chuẩn bị làm thức ăn sáng, bạn cũng nên đi xuống bếp và giúp người ấy, mời người ấy cùng làm trong chánh niệm, cả hai thực tập sống trong giây phút hiện tại, biến thời gian làm thức ăn sáng thành một niềm vui.
Ăn sáng
Bạn có thể sắp đặt để buổi ăn sáng được thảnh thơi và yên vui. Đừng đọc báo, đừng mở máy truyền hình, đừng nghe đài phát thanh. Ngồi thẳng, nhìn thức ăn trên bàn, nhìn mọi người, thở và mỉm cười, để nhận diện và trân quý. Bạn có thể nói một câu gì đó với người ngồi trước mặt bạn.
Ví dụ: Có mẹ đang ngồi ăn sáng với con, con hạnh phúc quá! Hoặc: Hôm nay trời nắng đẹp, bố nhớ ra thăm vườn và nằm võng cho con nhé. Hoặc: Hôm nay anh sẽ thu xếp về sớm một chút để có dịp giúp em làm cơm chiều… Những câu nói như thế là để công nhận sự có mặt quý giá của những người thương, đó là sự thực tập chánh niệm. Có chánh niệm thì tất cả những trao đổi trong bữa ăn sáng đều có công năng giúp bạn và những người khác nhận diện và trân quý những điều kiện hạnh phúc mình đang có. Rửa bát, dọn bàn sau khi ăn sáng có thể trở thành niềm vui như vào một ngày đẹp trời.
Đối trị tập khí
Tập khí là thói quen, và đây là thói quen xấu, được lặp lại rất nhiều lần.
Thói quen đầu tiên mà ta phải nhận diện là chạy về tương lai. Có thể thói quen (tập khí) này đã được truyền xuống từ tổ tiên và cha mẹ. Ta mải lo lắng cho tương lai nên không có khả năng sống sâu sắc và an lạc trong hiện tại. Ta có niềm tin âm ỉ trong lòng là hiện giờ ta chưa thể có hạnh phúc được và ta còn cần một số điều kiện khác, thì mới thực sự có hạnh phúc.
Ta suy đoán, dự kiến, chuẩn bị, mơ ước về những “điều kiện hạnh phúc” ấy mà ta sẽ có trong tương lai. Và ta chạy về tương lai, cả trong những giấc ngủ. Hoặc ta có quá nhiều lo lắng, sợ hãi về tương lai, không biết tương lai của mình sẽ ra sao, và những lo lắng, bồn chồn ấy cũng không cho phép ta an trú được trong hiện tại. Phép thiền tập của bạn là đem tâm về hiện tại. Làm thế nào để bạn nhận diện được tập khí ấy mỗi khi bạn bị nó lôi đi. Bạn chỉ cần chú ý tới hơi thở và mỉm cười với tập khí ấy: Ô hay, mình lại bị tập khí kéo đi rồi. Nhận diện được tập khí, thì tập khí buông bỏ bạn, bạn có tự do để sống an vui trong hiện tại. Mới bắt đầu thiền tập, bạn sẽ phải nhận diện nó mỗi ngày nhiều lần. Biết sống an lạc trong hiện tại cũng là một tập khí, một thói quen tốt. Những thói quen này, bạn cần phải tập luyện mới có được.
Chải răng, mặc áo, tắm gội, lái xe, đi bộ… bạn hãy để hết tâm ý vào việc bạn đang làm, tìm an lạc và hạnh phúc ngay trong những giây phút ấy. Nếu bạn có thực tập hơi thở ý thức, thì bạn có cơ hội nhận diện tập khí bạn nhiều hơn và mỗi lần nhận diện, thì tập khí kia sẽ không kéo bạn đi theo nữa. Đây đã là bắt đầu của thảnh thơi, của giải thoát, của an lạc. Phép tu này gọi là nhận diện đơn thuần. Tập khí của ta ơi, ta biết mi đang biểu hiện. Bạn không cần vật lộn với nó, không cần đàn áp nó, chỉ cần nhận diện. Chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện bất cứ cái gì đang xảy ra, trong đó có tập khí của bạn.
Phá bỏ ngục tù quá khứ
Có những người luôn bị quá khứ ám ảnh, tiếc thương, hờn oán, hối hận và khổ đau làm cho họ suốt ngày bị giam hãn trong ngục tù quá khứ, và do đó cũng không thể sống thảnh thơi trong giây phút hiện tại.
Quá khứ thật ra không còn nữa, chỉ có những ấn tượng, những hình ảnh còn lại trong chiều sâu tâm thức. Những cái đó có thể ám ảnh ta, phong tỏa ta, ảnh hưởng đến cách hành xử của ta trong giây phút hiện tại. Những cái ta nói và ta làm có thể do bị chúng thúc đẩy. Như vậy là ta mất tự do.
Hơi thở chánh niệm cho ta biết rằng trong giờ phút hiện tại những đe dọa đó, những đau thương đó, những tàn ác đó không còn có mặt và ta có thể an trú được một cách an toàn trong giây phút hiện tại. Hơi thở chánh niệm cho ta biết là những ấn tượng ấy, những hình ảnh ấy không phải là thực tại và cái ý thức ấy giúp cho ta thoát khỏi vòng ảnh hưởng của những ám ảnh và ấn tượng kia.
Cũng như khi Tôn Ngộ Không trước khi đi cầu cứu với Phật Bà Quan Âm đã vẽ một vòng tròn và dặn Tam Tạng đừng bước ra khỏi vòng tròn đó, thì yêu quái sẽ không thể làm gì được Tam Tạng trong khi Tôn Ngộ Không vắng mặt. Nhưng trong khi Tôn Ngộ Không đi rồi, yêu quái hiện hình thành một phụ nữ lâm nguy cầu Tam Tạng tới cứu giúp, và khi Tam Tạng bị lừa, bước ra khỏi vòng tròn thì yêu quái bắt đầu nắm được Tam Tạng.
Cái vòng tròn đó tượng trưng cho sự sống có thật trong giây phút hiện tại. Nếu ta biết thở, biết ngồi yên, biết đi trong chánh niệm thì ta còn ở trong vòng tròn, và ta tiếp xúc được với sự sống đang có mặt mà không còm bị ma quỷ của đau thương, của hiểm nguy quá khứ điều khiển ta nữa. Nếu trong quá khứ, bạn đã từng bị đối xử độc ác, lợi dụng tình dục, trải nghiệm khổ đau, bạn phải biết cách thực tập để trong mỗi phút giây có thể thấy được là những cái ấy đã chỉ xảy ra trong quá khứ, còn trong giây phút hiện tại thì bạn an toàn, không có những hiểm nguy và ác độc nào cả. Nhận diện bóng ma quá khứ, nói với chúng rằng chúng chỉ là bóng ma không có thật, là cách tự giải phóng mình ra khỏi ngục tù quá khứ. Thực tập thở, đi, ngồi, và làm việc trong chánh niệm trong vài tuần lễ, bạn sẽ thành công và những cảm xúc đau buồn sẽ không còn trở lại.
Thiền đi
Thiền đi là một phép tu mầu nhiệm giúp cho ta có mặt từng giây phút trong giờ phút hiện tại. Mỗi bước chân có ý thức giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt. Bạn có thể phối hợp hơi thở và bước chân và đi một cách bình thường dù là trên hè phố, trước sân ga hay bên bờ sông. Thở vào bạn có thể bước hai bước, và quán chiếu đã về, đã tới. Đã về tức là đã về với sự sống trong giây phút hiện tại, đã tới tức là gặp sự sống rồi, không cần vội vã, bôn ba, tìm kiếm gì nữa. Quê hương của mình là sự sống nằm trong giây phút hiện tại. Chỉ giây phút hiện tại mới có thật, trong khi đó quá khứ và tương lai chỉ là những bóng ma. Những bóng ma này có thể tác dụng đưa tới tiếc nuối, khổ đau, lo lắng, và sợ hãi. Nếu mỗi bước chân của bạn đưa bạn về được với hiện tại thì những bóng ma này không còn có quyền hành gì trên bạn nữa cả.
Thở ra, bạn bước ba bước và nói thầm ta đã về, ta đã tới. Hoặc con đã về, con đã tới. Con đã về tới quê hương đích thực của con là sự sống mầu nhiệm đang có mặt, con không còn lang thang đi tìm kiếm gì nữa. Đi như vậy tức là đã dừng lại. Dừng lại, đó là thiền chỉ, samatha. Ta dừng lại được thì tổ tiên, ông bà và cha mẹ trong ta cũng dừng lại được. Ta bước được một bước thảnh thơi thì tất cả tổ tiên có mặt trong từng tế bào cơ thể ta đều cũng bước được một bước thảnh thơi như ta. Bạn là người có hiếu nhất trên trần gian nếu bạn dừng lại được và bước được những bước thảnh thơi như thế cho tổ tiên và cho cha mẹ.
Đã về
Đã tới
Bây giờ
Ở đây
Vững chãi
Thảnh thơi
Quay về
Nương tựa.
Bài kệ trên đây là những lời thiền ngữ để giúp cho bạn an trú được vững chãi trong giây phút hiện tại, nắm lấy những lời thiền ngữ này cho vững thì bạn sẽ thiết lập được sự có mặt của bạn một cách vững chãi trong hiện tại, cũng như lên cầu thang bạn nắm vững thành vịn cầu thang thì sẽ không bao giờ té.
“Bây giờ, ở đây” là địa chỉ của sự sống, là nơi ta về, nơi ta tới, nơi ta có quê hương, có bình an, có hạnh phúc, nơi ta gặp gỡ được tổ tiên, bạn bè và con cháu của ta. Thiền tập là để ta luôn luôn trở về nơi chốn ấy. Mỗi bước chân của bạn đưa bạn về với sự sống trong giây phút hiện tại. Bạn hãy thử thực tập thiền đi chậm xem. Bước một bước, thở vào trong khi bước, và nói: “Con đã về”. Mình phải đầu tư một trăm phần trăm thân thể và tâm trí mình vào bước chân và hơi thở mình thì mình mới thực sự đã về, đã tới. Nếu ý thức (Niệm) và sự tập trung (Định) của bạn vững vàng thì bạn có thể về được 100%, tới được 100%. Nếu chưa thực sự về tới 100% nơi địa chỉ “bây giờ và ở đây” thì bạn đừng bước thêm bước nào nữa cả.
Cứ để mình trong tư thế ấy mà thở cho đến khi bạn dừng lại được sự rong ruổi của tâm ý, cho đến khi bạn đã thực sự đã về đã tới một trăm phần trăm trong giây phút hiện tại. Lúc ấy, bạn sẽ mỉm cười, nụ cười của thành công, chiến thắng, và bạn bước thêm một bước nữa, với thiền ngữ “Đã tới”. Bước chân vững chãi như dấu ấn của vị quốc vương trên một sắc lệnh. Bàn chân bạn ghi dấu ấn đã về đã tới trên mặt đất. Đi như thế thì chế tác được năng lượng thảnh thơi và vững chãi. Đi như thế thì tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Đi như thế thì được nuôi dưỡng, được trị liệu. Có những người chỉ nhờ thiền đi mà chữa được bệnh của mình.
“Vững chãi, thảnh thơi” nghĩa là bạn không bị quá khứ lôi kéo, không bị tương lai lôi kéo, bạn có tự do. Đây không phải là tự kỷ ám thị, đây không phải là sự mong cầu, bởi vì nếu bạn an trú được trong hiện tại thì bạn đang có vững chãi và đang có tự do. Thảnh thơi là không bị những con ma quá khứ và tương lai lôi kéo. Thảnh thơi là không còn hấp tấp chạy về tương lai. Vững chãi và thảnh thơi là nền tảng của hạnh phúc đích thực.
“Quay về nương tựa” là một bài tập mà đức Thế Tôn trao truyền cho các vị đệ tử trong những ngày gặp gỡ cuối trước khi Ngài qua đời.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Hãy có lòng tốt”: Bộ sách của Đức Dalai Lama
Sách Phật giáo 16:45 31/10/2024Cuộc sống là một hành trình dài và chúng ta phải trải qua vô vàn thử thách của cảm xúc: từ yêu, ghét, tức giận, hờn dỗi… Nhưng con người lại được kết nối bởi những thứ vô hình đó. Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau hay rời xa nhau vì sự chán ghét.
Chúng ta sống vì điều gì?
Sách Phật giáo 16:36 27/10/2024Người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn.
Lời khuyên để có hạnh phúc của thiền sư Khenpo Sodargye
Sách Phật giáo 22:43 22/10/2024Qua câu chuyện về ba cách sống, thiền sư Khenpo Sodargye đưa ra lời khuyên về cách để sống hạnh phúc.
CEO Nguyễn Tuấn Quỳnh: "Nhờ sách của Thiền sư Nhất Hạnh tôi đã vượt qua nỗi đau mất mẹ"
Sách Phật giáo 09:30 18/10/2024Cuốn sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi giúp Nguyễn Tuấn Quỳnh hiểu sâu sắc hơn về sự sống và cái chết, mang lại sự an ủi trong thời khắc đau buồn
Xem thêm