Thừa tự của nghiệp
Chính Nghiệp, tức hành động, tạo điều kiện để tái sinh. Nghiệp quá khứ tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại. Nghiệp hiện tại phối hợp với nghiệp quá khứ, tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp vị lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ và trở nên cha mẹ của tương lai.
>>Kiến thức
Thừa tự của nghiệp từ quá khứ
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt nói: “Thanh niên Subha bạch Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi họ là loài người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Có người đoản thọ, có người trường thọ? Có người nhiều bệnh, có người ít bệnh? Có người đẹp sắc, có người xấu sắc, có người trí tuệ yếu kém, có người đầy đủ trí tuệ?
Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loại hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu. Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông sát sinh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh.
Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Ở đây, khi mạng chung nếu được đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó phải đoản mạng. Nhưng nếu có người đàn bà hay đàn ông từ bỏ sát sinh, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Ở đây, khi mạng chung nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó được trường thọ v.v..."
Trong lịch sử Phật Giáo có rất nhiều điển tích nói lên cái nhân quả do mình làm mình chịu, không ai có thể gánh thay cho mình được, như sự tích bà Mục Liên Thanh Đề, thân mẫu ngài Mục Kiền Liên. Bà Thanh Đề khi còn sống đã làm nhiều điều độc ác, tham lam và ích kỷ, không bao giờ làm phước, bố thí hay giúp đỡ người nghèo khổ, nên khi mệnh chung bà phải đọa vào địa ngục A-Tỳ, làm thân ngạ quỷ, đói khát cực khổ.
Hay ngay chính Đức Phật cũng thế, có những nghiệp Ngài đã gieo trồng trong những kiếp xa xưa đến kiếp hiện tại Ngài cũng thọ nhận quả, chẳng hạn như việc Tỳ khưu Devadatta kết oan trái với Đức Phật, lăn đá làm bầm bàn chân của Đức Phật, hay nàng Cincàmànavikà vu khống Đức Phật, khiến voi say Nàlàgiri định xông đến chà Đức Phật. Ở đây ta nhấn mạnh đến những nghiệp nhân đã tạo ra từ quá khứ và dẫn đến hiện tại, những nghiệp nhân ấy đến khi hình thành quả thì dầu cho bất cứ đối tượng nào cũng phải gánh chịu. Thế nên trong kinh thường nói: “Bồ tát sợ nhân chúng sinh sợ quả”.
Những ai không mê mờ nhân quả chính là những người rất sợ nhân quả, vì khi đã tạo nhân thì rất khó hoán đổi. Trong khi đó những kẻ vô văn phàm phu thì khi làm một chuyện gì ít khi lo nghĩ đến nhân, cho đến khi những nhân xấu trổ quả thì lúc đó rất sợ và tìm mọi cách để lẫn trốn, nhưng nào có được. Chúng ta đề cập đến những quả mà đức Phật phải chịu trong đời sống hiện thế của Ngài. Tuy nhiên những quả báo ấy cũng không tác động được nhiều đến Ngài.
Theo luật nhân quả, thì quả vui hay quả khổ của người đang thụ hưởng đều do những nhân tốt hay xấu do chính người ấy, chứ không phải do người khác đã gieo trồng, trong kiếp hiện tại hay trong những kiếp quá khứ. Với cái nhận thức và tầm nhìn giới hạn của chúng ta nên chúng ta chỉ thấy trước mặt cái quả đang trổ mà không thấy được tất cả các nguyên nhân vi tế đã sinh quả ấy, vì các nhân ấy không phải chỉ là những nhân đã gieo trồng trong kiếp này mà có thể là đã được gieo trải từ nhiều kiếp trong quá khứ. Nhà Phật gọi là nhân quả ba đời, (có nghĩa là bao gồm nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại và nhiều kiếp trong tươntg lai).
Có một ý thức trực giác về nghiệp quả - một sự hiểu biết rằng hạnh phúc, và bất hạnh của chúng ta tùy thuộc vào hành động của chúng ta và vì vậy chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về định mệnh của chúng ta - điều này đã đặt cuộc đời chúng ta trong một vị trí có sức mạnh.
Nếu chúng ta hiểu rằng tất cả mọi thứ, tất cả không chừa một việc gì, đều xảy ra do từ một nguyên nhân thì chúng ta sẽ hiểu thế nào là an toàn. Như vậy, khi có một sự đau khổ, mâu thuẫn, hiểm nguy, đau đớn, hay một vấn đề xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chúng ta không chỉ đơn thuần tìm cách tiêu diệt nó. Tốt hơn là chúng ta nên can đảm thay đỗi những điều kiện tạo môi trường cho việc đó xảy ra và nuôi dưỡng hay duy trì sự tồn tại của nó.
Thừa nghiệp từ quá khứ là một hệ quả tất yếu đối với chúng sinh, thế nhưng không phải tất cả những gì con người tác tạo trong quá khứ thì phải thọ lãnh trong kiếp hiện tại hay tương lai. Nếu như có một điều tuyệt đối như vậy thì chúng sinh không thể nào tu hành giải thoát sinh tử được. Và điều này cũng đã được đức Phật khai thị:
“Ai nói như sau: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Và này, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả báo như vậy, như vậy".
Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, có những người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ấy đưa nó vào địa ngục. Có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng không được thấy trong tương lai”.
Hơn nữa, trong đời sống hiện tại không phải con người lãnh thọ tất cả những khổ đau gì đều do những nguyên nhân của quá khứ. Nếu như hoàn toàn phủ nhận hiện tại thì không thể được. Vì hiện tại là một nhân tố quan trọng trong đời sống con người:
“Này các Tỷ-kheo, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ". Đối với vị ấy, ta đến và nói: "Chư Tôn giả, có thiệt chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ?" - Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: "Thưa phải, có như vậy". - Ta nói với họ như sau: "Như vậy, thời các Tôn giả do nhân nghiệp quá khứ sẽ trở thành người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo v.v..." nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ và lý do viên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có "đây là việc phải làm" hay "đây là việc không nên làm".
Như vậy sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm, không được tìm thấy là chân thật, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ngươi được, vì các ngươi sống thất niệm và các căn không được hộ trì. Như vậy, đây là sự chỉ trích đúng pháp của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy”.
Qua đoạn kinh trên, ta thấy rằng đức Phật chỉ trích những người cho nghiệp quá khứ giống như một định mệnh. Nhất thiết những cảm thọ gì, hành vi gì trong hiện tại cũng đều cho rằng do nghiệp quá khứ quy định cả, thế thì hiện tại chỉ quay theo quá khứ. Sát sinh, trộm cắp, nói láo v.v... đều do nghiệp quá khứ sai khiến, chứ hiện tại không có trách nhiệm gì.
Vậy thì không còn sự lựa chọn: đây là việc nên làm, đây là việc không nên làm, đây là tu, đây không phải tu; thời danh từ Sa-môn, người tu, trở thành vô nghĩa; bởi không thể kể đây là một công phu của một ý chí tự do lựa chọn, mà chỉ là một sự thụ động tuân theo nghiệp quá khứ sai sử, hiện tại chẳng có công lao gì. Cuộc sống con người, không phải chỉ sống cho quá khứ, mà điều quan trọng chỉ là cảm nhận những gì mình làm trong quá khứ để kiến tạo đời sống hiện tại cho được hạnh phúc.
Thừa tự nghiệp từ cộng đồng
Con người ngoài sự tác tạo nghiệp riêng của bản thân thì chính sự tạo nghiệp của bản thân họ cũng đã góp phần vào sự thác sinh hay cùng chung sống trong một cộng đồng xã hội. Như một người hiền lành suốt đời tụng kinh niệm Phật để hồi hướng vãng sinh, thì phần chắc ngay sau khi lâm chung họ sẽ thác sinh về cảnh giới lành hay ngay trong nước Phật. Nếu như cuộc đời của một chúng sinh nào đó luôn tạo những ác nghiệp thì phần chắc sau khi thác sinh họ phải luân chuyển vào những cảnh đau khổ, thấp hèn.
Một khi thác sinh vào chỗ nào thì chính trú xứ đó, những thành phần đang cùng sống trong trú xứ ấy phần lớn cũng có những nghiệp nhân tương ứng. Chính vì thế sau khi thác sinh và cùng sinh trưởng trong một hoàn cảnh thì những tác động của hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của mỗi con người trong trú xứ ấy. Trong khi chịu ảnh hưởng trong cùng nhiều mối quan hệ tương giao với nhau thì một điều tất nhiên xảy ra là những phát khởi của vấn đề tạo nghiệp đều có những cái chung nhất giống nhau. Ta có thể nói khác đấy cũng là một hình thức chịu nghiệp từ cộng đồng.
Thừa tự nghiệp từ cộng đồng chính là những tác động của cộng đồng đến bản thân của từng cá nhân. Lúc đó cá nhân không còn là tự ý hay chủ đích theo mọi suy nghĩ của bản thân mình mà lúc đó tùy thuộc vào cộng đồng xã hội. Thí dụ như đang sống trong thời buổi loạn ly của chiến tranh. Hầu hết tất cả những chàng trai đều phải lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Chính những cộng nghiệp ấy đã đưa họ đến những việc làm mà chính bản thân họ cũng không muốn thực hiện.
Một thí dụ khác sẽ cho ta thấy về tính thừa tự nghiệp từ cộng đồng, như một người sinh ra từ một gia đình gia giáo thì thường những hành động suy nghĩ của họ cũng phần nào tương ứng với gia đình mà họ đang sống. Chính điều đó lại tác động đến bản thân họ và trở thành những nghiệp riêng của họ. Bên cạnh đó nếu như một người sống trong gia đình hoàn cảnh thật phức tạp, có những sinh hoạt bất thiện thì tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con cháu họ và chính những người thọ nghiệp chung giờ đây trở thành nghiệp của riêng mình.
Tuy nhiên vấn đề nghiệp của nhiều người trong cộng đồng xã hội, đan xen với biệt nghiệp của từng cá nhân, khiến cho cơ chế vận hành của nghiệp khá phức tạp, mà chỉ có bậc Thánh như Phật mới có thể hiểu hết ngọn ngành, chi tiết: "Với thiên nhãn thuần tịnh, vượt xa tầm nhìn của loài người, Ta thấy các chúng sinh chết và tái sinh như thế nào, Ta thấy những người cao quý và kẻ nghèo hèn, kẻ xuất sắc và người bần tiện, mỗi người đều theo nghiệp của mình tạo ra mà có được thân phận hạnh phúc hay bất hạnh".
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm