Thực hành "Tâm Vô úy, Hạnh Từ bi" đẩy lùi đại dịch
Phần lớn các nạn dịch trên thế giới đều có nguồn gốc từ động vật và gây tổn hại rất lớn cho con người chúng ta như: đại dịch hạch Justinian, cái chết Đen, đại dịch Ebola, Cúm lợn, hay cúm H1N1 (2009 - 2010), SARS…
> Virus Corona - Sự bất an và trầm tĩnh
Trong kinh Phật có dạy: nhân loại sẽ phải trải qua các nạn của Tiểu tam tai và Đại tam tai. Tiểu tam tai gồm nạn đói, nạn dịch và chiến tranh đao binh, gây ra những điều đau thương và hủy hoại con người. Đại tam tai là thời gian còn tương đối xa, thế giới sẽ gặp phải các đại nạn về động đất, hỏa họa, thủy tai và cuồng phong bão tố (các kiếp tai về địa, thủy, hỏa, phong, không đại). Đây là những nạn dịch lớn gần như hủy diệt toàn bộ thế giới.
Lo lắng bên ngoài không đủ
Đại dịch Covid-19 gây ra đang hoành hành trên toàn thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe và tính mạng cộng đồng. Sau một thời gian tương đối thịnh vượng, an bình, loài người lại đang đối mặt mối hiểm họa vô hình và cũng không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, trình độ học vấn hay vị trí xã hội. Chính phủ nhiều nước đang thực hiện các biện pháp hết sức quyết liệt nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi đại dịch. Các lực lượng chức năng, những nhân viên y tế, các tình nguyện viên cùng toàn thể xã hội đang cố gắng hết sức phòng chống dịch bệnh bằng tất cả kiến thức và sức lực. Những việc làm này thực sự vô cùng đáng trân trọng.
Cuộc sống trong Chùa mùa virus corona
Hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại tất yếu khiến mọi người thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi. Tâm lý bất an khiến người dân ở nhiều nơi lo tích trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm… để đề phòng dịch bệnh. Đương nhiên chúng ta cần làm tất cả mọi việc trong khả năng để duy trì sự tồn tại của mình, nhưng nếu suy ngẫm cho kỹ thì điều đó cũng không hoàn toàn đảm bảo. Trên thực tế, chúng ta mới chỉ quan tâm đến các biện pháp phòng chống bên ngoài, dù rất cần thiết, mà chưa quan tâm đúng mức đến các biện pháp phòng chống từ bên trong tâm mình. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định và hướng dẫn của chính phủ và ngành y tế, chung tay cùng cộng đồng chống dịch, việc trưởng dưỡng tâm linh cũng đem lại cho chúng ta những lợi ích vô cùng to lớn.
Đức Phật đã giảng muôn vàn giáo pháp nhằm lợi ích chúng sinh, giúp chúng sinh bớt khổ đau, đem lại an vui, hạnh phúc trong đời sống thế gian và tâm linh. Khi dành thời gian suy ngẫm về những điều Đức Phật đã giảng, chúng ta thấy hiện giờ là lúc cần bình tĩnh, sáng suốt, dùng cả sức mạnh trí tuệ, tình yêu thương và lòng bi mẫn của mỗi người để chung sức đồng tâm vượt qua chướng nạn này.
Thanh thản với Vô thường
Muốn có sự bình tĩnh, sáng suốt trong tâm, chúng ta cần thực hành giáo pháp của Đức Phật về nghiệp, cần quan tâm đến nghiệp của bản thân. Chúng ta cần thấm nhuần về nghiệp, sự vô thường, quan hệ nhân quả và duyên khởi của vạn pháp trên thế gian. Giáo lý về nghiệp của đạo Phật rất đơn giản nhưng đồng thời cũng mô tả rất thâm diệu về sự vô thường biến dịch của đời sống thế giới. Do ảnh hưởng của nghiệp, vạn pháp thế gian lại đều phụ thuộc lẫn nhau, nên thế giới và bản thân mỗi người đều luôn có những thăng trầm. Từ vô thủy đến nay, chúng ta luôn đối mặt với sự thay đổi vô thường.
Vì có suy nghĩ bám chấp không muốn bản thân hay những người thân phải trải qua những khổ đau của già, bệnh, chết, nên chúng ta thấy sợ hãi khi phải đối mặt với những hiểm nguy. Hiện giờ, chúng ta thấy sợ hãi vì không muốn bản thân và mọi người mắc phải căn bệnh do virus này gây ra. Mặc dù suy nghĩ này hoàn toàn chính đáng, nhưng chúng ta không được phép để nỗi sợ hãi này chế ngự bản thân. Nếu cứ bám chấp vào các xúc tình phiền não, bị nhấn chìm bởi căng thẳng lo âu, chúng ta chỉ mắc kẹt trong những nỗi sợ hãi và chẳng đem lại kết quả gì tốt đẹp.
Chúng ta cần có trí tuệ hiểu biết và chấp nhận sự biến dịch vô thường của thế giới. Quan tâm đến nghiệp của bản thân chỉ đơn giản có nghĩa là chúng ta tự tạo ra sự thay đổi cho bản thân mình bằng cách thực hành các thiện nghiệp. Hiểu được điều này giúp chúng ta thấy bình tĩnh, tự tin trước các biến động vô thường của đời sống và không còn tâm lý sợ hãi, và cũng không hiểu nhầm rằng những gì đang trải qua là sự trừng phạt đối với những ác nghiệp chúng ta đã phạm phải trong quá khứ.
Đức Phật đã chỉ ra rằng vạn pháp trên thế giới đều trải qua quá trình thành – trụ - hoại - không. Để vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mỗi người chúng ta hãy tự mình tạo ra sự thay đổi. Hoàn cảnh khó khăn hiện tại rồi cũng sẽ trôi qua. Kể cả loại virus đang hoành hành cũng sẽ phải trải qua quy luật biến dịch vô thường này.
Ngăn chặn corona virus: Social distancing là gì?
Những biện pháp chủ động
Với hiểu biết về quy luật của nghiệp theo lời Đức Phật dạy, với sự tự tin, bình tĩnh trước hoàn cảnh hiện tại, có nhiều việc thế gian và tâm linh chúng ta có thể thực hiện để đối phó với đại dịch.
Trước hết, mỗi chúng ta đều cần phải tự ý thức chăm lo cho bản thân để tránh mắc phải và làm lây lan loại virus này. Hãy luôn giữ gìn vệ sinh cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, chúng ta cũng cần quan tâm chăm sóc mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già, giúp họ khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần. Trong mọi hoàn cảnh, hãy cố gắng thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh.
Tiếp theo, đừng bao giờ sợ hãi hay tuyệt vọng. Đức Phật từng dạy chúng ta nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, sống ở trên đời thì đừng cầu không khó khăn. Bất kỳ ai cũng có thể bị đau ốm hay mắc bệnh. Thế nên chúng ta cần bình tĩnh, hành động bằng trí tuệ thận trọng và chín chắn. Khi hiểu biết thấu đáo, vững vàng không sợ hãi trước hoàn cảnh khó khăn, chúng ta trở thành chỗ dựa, giúp mọi người thêm vững tin. Cùng nhau tạo thành sức mạnh của cả cộng đồng để đối mặt với dịch bệnh. Đây chính là một cách thực hành Vô úy thí.
Đồng thời, hãy hành xử bi mẫn và chia sẻ tình yêu thương với tất cả mọi người, làm hết sức mình để giúp đỡ những người mắc bệnh, an ủi và chia sẻ với những người đã mất đi người thân, cầu nguyện cho những ai đã thiệt mạng. Hãy trân trọng tri ân, hỗ trợ và khích lệ động viên các bác sỹ, y tá và các lực lượng chức năng đang vất vả tận tâm cứu chữa cho mọi người và phòng chống, ngăn ngừa đại dịch. Đừng ngần ngại thực hành hạnh bố thí, chia sẻ và đóng góp mọi nguồn lực, của cải và công sức cần thiết để giúp toàn xã hội đẩy lùi đại dịch.
Sức mạnh của tình yêu thương
Cùng với đó, hãy thực hành từ bi với muôn loài. Mọi hữu tình hàm linh đều có điểm chung là khát khao được sống, đều có bản năng sống và bảo toàn tính mạng. Bản năng tự nhiên nhất của chúng ta là chạy trốn khỏi những hiểm nguy đe dọa. Bởi vậy, giáng lên đầu chúng sinh những nỗi thống khổ không thể nhẫn chịu nổi, áp đặt cái chết cho chúng sinh một cách tàn nhẫn như thể những sinh vật này không hề biết đau đớn là gì, đó là sự vô minh và mù quáng lớn nhất. Sẽ không quá lời khi gọi đó là những việc làm của ác quỷ, không sớm thì muộn những hành động đó cũng sẽ tước đi của chúng ta sức khỏe, sự may mắn và những giá trị nhân văn.
Loại virus gây bệnh chết người đang lây lan nhanh chóng gần đây là một ví dụ điển hình của điều này. Quả báo của những hành động tàn bạo này là chúng ta phải đối mặt với căn bệnh chết người do loài virus lạ gây ra nhắm vào chính loài người. Theo nhiều báo cáo, các căn bệnh nan y không phương cứu chữa lây lan nhanh chóng khắp nhiều nơi trên trái đất đều xuất phát từ thói quen ăn các loài động vật.
Chúng ta hãy xem bài học này là cơ hội để chúng ta cùng thực hành về lòng từ bi. Chúng ta phải nhận ra một điều rằng con người không phải là loài hữu tình duy nhất tồn tại trong vũ trụ này. Có biết bao chúng sinh hữu tình khác cũng đang chung sống cùng chúng ta. Bởi vậy, chúng ta cần TÔN TRỌNG mạng sống của tất cả các chúng hữu tình nếu muốn cứu chính mình!
Thông điệp đặc biệt từ Đức Đạt Lai Lạt Ma về đại dịch coronavirus
Sống tỉnh thức trong niềm trân trọng tri ân
Xã hội loài người trong thời hiện đại vốn đã quen với lối sống tập trung với mật độ dày đặc ở các đô thị lớn. Các thói quen sinh hoạt khiến chúng ta có sự giao tiếp, tương tác quá lớn giữa mọi người với nhau, nên nhiều người thấy chưa quen khi phải thực hiện giãn cách giao tiếp giữa người với người để ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, nếu suy ngẫm cho kỹ, đây chính là thời gian chúng ta có cơ hội củng cố sự gắn kết với gia đình, một việc mà trong thời gian bận rộn trước đây chúng ta thường chưa có điều kiện quan tâm đúng mức. Hãy dành thời gian chuyện trò cùng những người thân yêu, dạy dỗ và vui đùa cùng con cái, chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm của bản thân, và lắng nghe để hiểu rõ tâm tư, tình cảm của mọi người trong nhà. Để làm quen với việc giãn cách xã hội, không thấy tù túng khi ở nhà, chúng ta hãy kết nối với thiên nhiên qua khoảng trời xanh và tán cây bên ngoài cửa sổ, lắng nghe tiếng chim hót, nhìn ngắm và chăm sóc cây cối trong nhà… Hãy tận dụng thời gian ở trong nhà làm những việc trước đây bạn quá bận rộn, chưa có cơ hội để thực hiện, như tăng cường rèn luyện sức khỏe, đọc một cuốn sách mới, gửi một tin nhắn thăm hỏi đến bạn bè và người thân. Hãy nghe nhạc thiền, âm nhạc thiên nhiên, chân ngôn thần chú, ngắm tranh hoặc xem phim có phong cảnh thiên nhiên, ăn chay, đeo đồ gia trì hộ thân của đạo Phật… để tạo ra năng lượng bình an hộ trì cho mình, cho ngôi nhà và những người sống trong nhà. Chúng ta cũng cần biết trân trọng tri ân sự thực là thân thể hiện đang khỏe mạnh, có những vật dụng và đồ ăn thức uống cần thiết. Mọi hoạt động trong ngày của chúng ta đều cần giữ chính niệm để được hạnh phúc, có năng lượng tích cực để tạo ra thêm sức đề kháng cho bản thân và mọi người.
Ngoài ra, một việc rất quan trọng là chúng ta cũng rất cần trưởng dưỡng tâm linh để đem lại bình an trong tâm và thay đổi nghiệp xấu, tạo ra nghiệp lành cho bản thân và thế giới. Tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Ngài Shantideva (Tịch Thiên) dạy về lợi ích to lớn của việc thực hành trưởng dưỡng tâm linh như sau:
Dù trực tiếp hay là gián tiếp,
Mỗi hành đều hướng nghiệp lợi tha.
Bao nhiêu công đức hà sa,
Hướng về quả Giác cũng cho hữu tình.
Tất cả chúng ta đều có tiềm năng vô cùng to lớn! Trong hoàn cảnh hiện tại, hãy sử dụng tối đa hiểu biết, trí tuệ, sự khéo léo, tình yêu thương và lòng bi mẫn của bản thân.
Năng lượng chữa lành của tu tập cầu nguyện
Thực hành thiền và tu tập cũng là một việc thực sự quan trọng. Hãy dành thời gian thực hành các pháp tu tỉnh thức, bi mẫn và trí tuệ. Pháp thiền đơn giản nhất là quan sát hơi thở để đối trị với sợ hãi hay lo lắng. Tâm tỉnh thức bao la như bầu trời, những suy nghĩ, lo âu của chúng ta tựa như những đám mây xuất hiện rồi lại tan biến. Vì thế một mặt chúng ta đừng lo lắng, nhưng đồng thời cũng cần có những hành động cụ thể.
Sau khi thiền và tu tập xong, chúng ta hãy hồi hướng công đức cầu nguyện cho thế giới được bình an và việc nhanh chóng tìm ra phương thuốc chữa lành căn bệnh hiện tại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh nhanh chóng thoát khỏi căn bệnh này. Những lời cầu nguyện rất quan trọng vì đó là tâm nguyện để chúng ta thực hiện những hành động cụ thể. Khi thực lòng mong nguyện điều gì, chúng ta đều có thể làm được. Khi có thái độ chân thành thì tâm sáng rõ sẽ giúp chúng ta có trí tuệ vượt qua chướng ngại, tìm ra giải pháp thoát khỏi đại dịch hiện hành.
Corona, nỗi sợ hãi và hạnh Vô úy thí
Sống trong thế giới cộng nghiệp với muôn loài thì sự lương thiện chỉ có nơi một nhóm người không thể đủ sức hóa giải nghiệp chướng của cộng đồng lớn như toàn thế giới. Điều này nhắc chúng ta cần phải cùng nhau tu tập, cùng nhau chuyển hóa nghiệp chướng để đem lại sự bình an và hạnh phúc cho chính mình, gia đình và xã hội. Các Bậc Thầy dạy: “Nếu một người tụng kinh và tu tập thì năng lực chỉ có một phần, nhưng nếu cả một cộng đồng đều tụng kinh và tu tập cầu nguyện thì năng lực không thể nghĩ bàn”.
Bên cạnh đó, tất cả chúng ta đều cần có nhận thức đúng đắn và cùng chung tay bảo vệ môi trường. Môi trường sống - mẹ Trái đất - sẽ không thể được bảo vệ khi một nhóm người nỗ lực gìn giữ còn những kẻ khác lại tìm cách hủy hoại. Chúng ta cũng cần chung sức tịnh hóa các nghiệp chướng chung của nhân loại.
Nguyện tất cả mọi người trên thế giới đều mạnh khỏe, bình an. Nguyện nhân loại sớm vượt qua hoàn cảnh khó khăn này và không gặp những chướng ngại tương tự trong tương lai. Mong nguyện tất cả nạn đói, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên và ô nhiễm môi trường… đều sẽ được tiêu trừ. Nguyện mọi tâm nguyện tốt lành đều được cát tường viên mãn!
> Xem thêm video "Thiền và trà"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm