Thực tập "biết mình"
Khi nhìn những biến chuyển của xác thân và những sinh động của tâm thức trong “yên lặng đủ”[1], những sai lầm về mình bắt đầu được nhìn rõ. Mình biết mình nhiều hơn và đúng hơn.
Những đồng hoá vô thức về mình và của mình bắt đầu nhẹ nhàng tan rã. Mình biết trong vắng lặng, thân tâm này không hơn một tập hợp của vật chất và năng lượng. Các yếu tố vật chất thuộc đất, nước, gió và lửa hoà hợp nhau duy trì hình thức của thân xác. Các rung động năng lượng thuộc tâm thức quân bình nhau duy trì dòng sống của sinh mệnh. Tuỳ thuộc cường độ rung động năng lượng tâm thức, dòng sống sinh mệnh có những trạng thái sống khác nhau.
Khi rung động năng lượng tâm thức bằng không, hiện hữu trở về trạng thái tự nhiên của nó. “Xả niệm thanh tịnh” là trạng thái hiện hữu khi cường độ rung động năng lượng tâm thức bằng không. Biết mình chính xác nhất là lúc mình hiện hữu trong tâm “Xả niệm thanh tịnh”[2].
Tôi hay của tôi lúc đó không có ý nghĩa gì hết. Mình nhìn thấy dòng sống sinh mệnh sinh động. Mình nhìn thấy tập hợp vật chất biến thiên. Không có cái gì trong tận cùng vắng lặng (vô niệm) có thể gọi tên hay định vị được. Cái chết cũng không gọi tên và định vị được. Mình biết mình, biết hiện hữu sinh động, nhưng không có hình thức mình nào và hiện hữu sinh động nào ở lại trong cái biết đó cả.
Đức Phật Gotama gọi hiện hữu sinh động trong biết mình là hiện hữu vô ngã hay vô ngã tướng. Hiện hữu bao gồm xác thân và tâm thức trôi chảy sinh động không thể gọi là tôi hay của tôi được bất cứ gì[3].
Hữu hình hay vô hình, vật chất hay tâm thức, có thể giả danh hoá hay khái niệm hoá cho một mục đích nào đó. Nhưng nếu kẹt trong giả danh hay khái niệm đó, khổ đau, bất an, cô đơn, mặc cảm, phẫn nộ, tự mạn sẽ ngay lập tức khởi sinh.[4]
Cái đẹp trong những cái đẹp nhất của nhân loại như lòng bi mẫn và tâm hạnh nguyện sẽ ngay lập tức sụp đổ khi cái tôi khái niệm và cái của tôi giả danh không được biết rõ trong chính mình.
Biết mình là cái biết cuối cùng đi vào giải thoát. Chứng thực trọn vẹn vô ngã tướng, trải nghiệm hiện hữu khi rung động năng lượng tâm thức bằng không là pháp ấn của biết mình thật sự.
Thở vào hay thở ra, biết rõ. Cảm giác hay ý niệm, biết rõ. Ký ức hay tâm tư, biết rõ. Nhận thức hay hành vi, biết rõ. Biết rõ mọi thứ trong sinh động như chính nó trên thân và trong tâm là bắt đầu biết mình. Biết cho đến khi biết rõ hiện hữu vô ngã bằng tự thân trải nghiệm trạng thái rung động năng lượng tâm thức bằng không ngay tại đây và bây giờ. Mọi thứ không giữ gì để nói và cũng không thêm gì để muốn.
Thương là thương. Ngồi là ngồi. Thương tự nó là đủ. Ngồi tự nó là an. Thêng thang trong nhân, duyên và quả. Một bầu trời với đầy đủ trăng-sao, mưa-nắng và đêm-ngày thêng thang.
Nhuận Đạt
-------------
[1] Kinh nghiệm thiền tập đa số cho biết thời gian để vắng lặng đủ là mười nghìn giờ ngồi yên.
[2] Tâm thức vắng lặng tự nhiên, không cấu uế, không chấp thủ, nội tỉnh, được Đức Phật Gotama gọi là Tứ Thiền.
[3] Đức Phật Gotama chia sẻ với năm người học trò đầu tiên tại Lộc-uyển, được ghi lại trong Kinh Vô Ngã Tướng.
[4] Không chấp trước (無所住) hay không dính kẹt là tinh thần pháp hành nền tảng Đức Phật Gotama chia sẻ trong Kinh Kim Cang (金剛經) của Bắc Truyền và cả Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna-sutta) của Nam Truyền.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm