Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 20/06/2023, 06:47 AM

Thương mái chùa, thương màu áo nâu

Ngôi chùa, từ nhỏ trong tâm trí tôi rất đỗi thiêng liêng. Ở đó có Phật, có thầy, có những người bạn đạo cùng chí hướng và tâm nguyện, nên đến chùa nhìn ai cũng gần gũi, dễ thương.

Đến chùa thực sự rất bình an. Có lẽ vì ở đó có từ trường của những vị chọn con đường giải thoát, buông bỏ thế tục, có hiểu biết và tình thương lớn. Tiếp xúc với những vị có tâm rộng giúp mình nhẹ nhàng, như thể lúc mình tin tưởng thả mình vào biển để nước ôm ấp dịu dàng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong kinh Phước đức, Đức Thế Tôn dạy:

“Lánh xa kẻ xấu ác

Được thân cận người hiền

Tôn kính bậc đáng kính

Là phước đức lớn nhất.

Sống trong môi trường tốt

Được tạo tác nhân lành

Được đi trên đường chánh

Là phước đức lớn nhất”.

Thế mới biết, phước đức là nhân lành gieo trồng từ nỗ lực hôm nay và cũng là quả tốt đã tạo từ nhiều đời. Không phải ai thấy Phật cũng kính, thấy chùa cũng thương, thấy người tu cũng hiểu con đường rộng lớn mà vị ấy đã chọn. Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều rằng “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” để nói về nghiệp riêng của mỗi người. Quả thiệt, “Phật pháp khó nghe”, chọn nghe lời Phật dạy để sống với tinh thần đó là phước lớn mà mình phải vun trồng.

Tất nhiên, có những người đến chùa nhưng chưa hiểu Phật. Vì không hiểu nên vẫn cầu xin đủ thứ. Trong khi Thái tử Tất Đạt Đa chọn bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, ngôi vị chí tôn để tìm đường giải thoát thì ta đến chùa cầu Ngài ban cho danh, sắc, tài… Và phi lý là cầu đạt được những giá trị đó nhưng lại làm quá nhiều ác nghiệp. Không có nhân nhưng muốn gặt quả, đó là tham cầu.

Và có những người đến chùa nhưng chỉ toàn tìm kiếm để nhìn thấy những cái chưa đẹp, còn thiếu sót (vốn dĩ khó chu toàn) của một ngôi chùa, một vị thầy, sư cô nào đó. Khi chùa chưa thể đáp ứng được mong muốn quá lớn của mình thì bảo chùa không thiêng. Khi thầy lỡ có ứng xử chưa được dễ thương thì quy chụp cho đạo, sẵn sàng bày tỏ “không đi chùa nữa”.

Ngôi chùa hay con đường giải thoát vốn trong suốt như vốn dĩ, nếu người hành đạo ở đó có sai thì cũng không nên nói ra điều cắt đứt lộ trình đến bờ giải thoát của mình. Tôi nghe nhiều vị thầy dạy như thế khi có Phật tử hỏi, nhỡ gặp tu sĩ phạm giới, phạm pháp thì mình phải làm gì. Tôi đồng tình với cái thấy và cách nghĩ ấy vì người tu cũng đang trên bước đường hướng thiện. Phật dạy “y pháp bất y nhân”, không nên vì một người tu chưa tốt mà bỏ chùa, bỏ đạo.

Quay lưng với chùa vì chán một vị thầy là sự thiệt thòi vì ta không nhìn thấy những điểm sáng khác ở ngôi chùa đó hoặc nhiều ngôi chùa khác, ở vị thầy, cô khác!

Không ai bỏ một chiếc áo chỉ vì một vết bẩn. Cũng không ai đốt bộ đồ chỉ vì một con rận ký sinh ở trong đó, trừ người giận. “Giận con rận đốt cái áo” là một hành xử thiệt thòi cho mình. Thay vì bỏ áo, ta có thể tìm cách bắt con rận ra.

Đến với đạo, với chùa cần học để hiểu và tu đúng để có kết quả. Đó là sự an lạc tự thân nhờ sửa ý-khẩu-thân theo hướng tốt đẹp lên. Khi tu đúng như vậy, ta sẽ có cái nhìn đúng, không quy chụp toàn bộ chỉ vì vài cái thấy không tốt ở những người hành đạo hay ở chính ngôi chùa mình đến. Kết quả của sự tu đúng cũng chính ở chỗ ấy, ở chỗ ta không bao giờ bỏ chùa, bỏ đạo.

Ta đến chùa bằng tâm-ý nào thì sẽ thấy những điều tương ứng. Đến vì muốn tìm lỗi của chùa của thầy thì sẽ để mắt đến những điều chưa đẹp. Và cứ thế, dù đến chùa nào, gặp thầy nào ta cũng sẽ dùng đôi mắt ấy để nhìn, chuốc vào mình phiền não.

Trong cõi Ta-bà này, nếu để thấy vết bẩn không khó, chỉ khi lòng ta đủ bao dung và muốn hướng thượng thì ta mới tìm cái tốt, cái hay để học và hành theo, nâng mình lên.

Người Nhật có câu “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Cúi đầu không phải là sợ hãi mà là để nhìn xuống, nhìn sâu, học hỏi thay vì phán xét. Thực ra, nếu biết cúi đầu, ngay với lỗi lầm người khác ta cũng có thể học: đó chính là tránh tạo nhân xấu tương tự.

Thật sự, rất biết ơn vì mình đã được biết đến mái chùa, được đi trên đường vui của những người biết đạo. Nhờ đó, tôi có cái nhìn trung dung hơn, thấy được những nỗi khổ niềm đau đều có căn nguyên để tránh, để gieo các nhân-duyên thiện lành ngay hiện tại. Nhìn sâu, thấy mái chùa là trường học, là nơi nương tựa của chúng sinh, bởi vậy, cứ mỗi ngôi chùa mọc lên là lại thêm một cơ hội để con người “cải tà quy chánh”, sống đẹp, sống thiện.

Càng có thêm người tu, dù chưa giỏi; càng có thêm mái chùa sẽ càng giảm thiểu những cái hư, cái xấu nơi đời. Càng thêm những tụ điểm ăn chơi con người càng sa đọa. Nghĩ thế tự dưng thương kính màu áo nâu và tiếng chuông chùa ngân nga mỗi sáng…

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm