“Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên”
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ.
Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi, mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ.
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý.
Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.
Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ “phải” đây không phải là luân lý, là bổn phận. “Phải” đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng: “Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?” Tôi trả lời: “Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.”
Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!
Trích trong sách "Bông Hồng cài áo".
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nói với Phật
Góc nhìn Phật tử 10:37 15/11/2024Tôi đã từng là một người chạy theo tham vọng. Mỗi ngày, tôi vùi đầu vào công việc, luôn tin rằng hạnh phúc và thành công chỉ có thể đến từ tiền bạc và địa vị. Cuộc sống cứ trôi qua như một dòng chảy hối hả, không chờ đợi ai, và càng lao về phía trước, tôi lại càng thấy mình kiệt quệ.
Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất
Góc nhìn Phật tử 13:50 14/11/2024Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.
Mẹ là chính một kỳ quan
Góc nhìn Phật tử 16:30 13/11/2024Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...
Tu tập đúng mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình
Góc nhìn Phật tử 11:20 13/11/2024Sự tu tập đòi hỏi một trái tim sâu sắc và ý thức nhạy bén để hiểu rõ về cân bằng giữa gia đình và phụng sự. Sự cân bằng này sẽ giúp người chồng và người vợ cảm nhận được sự liên kết mạnh mẽ giữa việc phục vụ xã hội và hạnh phúc gia đình.
Xem thêm