Đây là chuỗi bài pháp nói về các công hạnh của Bồ Tát, đã được Thượng tọa liên tục chia sẻ trong suốt hơn một năm nay. Thông qua những bài pháp này, các phật tử hiểu rõ hơn về quá trình tu tập, đạo hạnh, năng lực siêu nhiên của các bậc Bồ Tát. Từ đó, mọi người có thể noi theo học tập, tu hành để có thể tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được.
Bài pháp thoại lần này đề cập đến hạnh nguyện thứ 10 “
Thập giả phổ giai hồi hướng”, đây cũng là đạo hạnh cuối cùng trong thập hạnh Phổ Hiền. Nhờ đạo hạnh này, mọi người biết được luật nhân quả rất linh hoạt, người gieo nhân tốt có thể lái quả báo theo ý của mình. Việc hồi hướng này giúp phước của các phật tử được nhân đôi, tâm mở đến vô tận. Đồng thời, chúng sinh nhờ đó mà được lợi ích.
Mở đầu bài pháp, Thượng tọa khẳng định, chín hạnh Bồ Tát đã được nói đến trước đó, chỉ cần mọi người thực hiện từng chút một trong cuộc sống thì nó cũng khiến cuộc đời chúng ta thay đổi nhiều lắm. Sự thay đổi ấy có thể bản thân ta không chú ý nhưng người khác lại nhận ra ngay.
Ví dụ, một tuần không lễ Phật, ngồi thiền, ta thấy cuộc sống vẫn vậy nhưng mọi người lại thấy ta dạo này hay phiền não, cư xử thiếu khôn ngoan, tinh tế. Một tuần thôi, cuộc đời ta đã vậy rồi, nếu cả đời không ngồi thiền, không lễ Phật, không biết nó còn thay đổi nhiều đến đâu nữa. Nghĩa là chỉ cần mỗi ngày chăm chỉ lễ Phật, tán thán Phật, ngồi thiền, làm việc công đức, ngưỡng mộ người tốt thì cuộc đời ta sẽ dần thay đổi theo hướng tích cực, những người gần ta cũng được dễ chịu, bình yên.
Thật ra, cái mà mọi người thấy dễ chịu ấy chính là tâm bình an, được lan tỏa ra từ chính tâm từ bi của chúng ta. Chỉ là, bản thân ta không cảm nhận được điều ấy thôi. Giống như vị giảng sư đi giảng nhiều quá mà quên tu thì chưa cần giảng, mọi người tự thấy khó chịu mà không biết tại sao. Ngược lại, những vị sư tu hành đàng hoàng, chỉ nhìn mặt là chúng sinh cũng thấy yên tâm rồi. Cuộc sống có những cái vô hình như vậy nên suốt thời gian qua, khi nghe thập hạnh Phổ Hiền, chúng ta có sự thay đổi chứ không phải không.
Dấu hiệu để nhận ra điều này là những người quanh ta được vui hơn. Tức là kết quả tu hành không nằm ở nơi ta. Khi nào thấy những người quanh ta được yên vui, hạnh phúc thì biết ta tu đúng. Mọi người còn bất an, còn đau khổ thì ta tu sai. Họ chính là tấm gương để ta soi lại mình chứ tự bản thân ta thì không thể biết được.
Quay về chủ đề bài pháp, Người khẳng định “Thập giả phổ giai hồi hướng” là rất nhiều công đức vĩ đại từ nhiều kiếp trước mà Bồ Tát đã thực hành được. Cuối cùng, Ngài hồi hướng hết, tức là định hướng lại quả báu. Ta biết rằng, cái gì có nhân thì có quả, gieo nhân gì, gặt quả nấy. Vậy nhưng, Bồ Tát muốn gieo nhân này, gặt quả khác, giống như gieo hạt xoài ra cây cam vậy. Đây vừa là bí quyết, vừa là nội dung của bài học hôm nay.
Bình thường, ta làm nhiều điều phước, nếu không định hướng quả báu thì cái nhân tự ra theo con đường đi của nó. Ví dụ, ta tặng xe cho em bé để làm phương tiện đến trường thì quả báu tự hiện ra với ta là có xe đi, việc học hành thuận lợi. Em bé dùng chiếc xe ta tặng để làm việc thiện khác thì ta cũng được hưởng phước. Hay khi xe ta hỏng thì có người đến đưa đón,… Tức là, mọi việc trong cuộc đời ta hết sức suôn sẻ, thuận lợi, nhất là về vấn đề giao thông.
Tuy nhiên, giờ ta không muốn quả báu như vậy mà muốn một quả báu khác thì phải định hướng. Chẳng hạn, ta không muốn đi xe chạy mà muốn xe bay. Xã hội phát triển như hiện nay, việc xuất hiện chiếc xe bay là điều hoàn toàn có thể. Nhờ tác ý về quả báu, thường ta sẽ là người mua chiếc xe bay đầu tiên.
Ngoài xin xe cộ, ta cũng có thể xin những thứ khác như xin đi tu, xin được an ổn trong thiền định. Ta nhớ rằng, quả báu tâm linh không dừng lại ở vật chất. Vậy nên, khi ta hướng cái nhân về phía nào thì cái phước hướng về phía đó, không cho ta cái phước về vật chất nữa. Nhưng đổi lại, ta dễ nhiếp tâm, ít vọng tưởng hơn khi ngồi thiền. Học về “Phổ giai hồi hướng”, ta học được nhân quả mới, giúp thay đổi quả báu chứ không để nó tự phát. Và cái hồi hướng cực kì cao thượng chính là mong muốn sau này đắc đạo để gieo duyên, giáo hóa độ cho chúng sinh.
Ta không biết, nhưng quả báu được ưu tiên theo lời hồi hướng cao thượng. Tức là, khi ta hướng quả báu ra phía làm lợi cho chúng sinh thì những quả báu khác sẽ mất hết. Không có nhà cửa, xe cộ hay địa vị, chỉ còn lại sự tu hành cực khổ đến khi chứng Thánh quả để có thể bước ra giáo hóa chúng sinh. Lúc đó, cái quả mới hiện ra hoàn toàn.
Ngoài ra, cũng chính lời hồi hướng mong ai cũng đắc đạo mà sau này, đệ tử của ta rất nhiều. Số đệ tử đắc thành đạo quả cũng lớn. Tuy nhiên, từ lúc ta làm việc phước cho đến khi thành tựu quả phước báu cũng phải 1- 2 kiếp, có khi mất đến cả 30 - 40 kiếp. Trong luân hồi vô tận này, 30 - 40 kiếp rất nhỏ bé, chớp mắt là ta thành tựu được sự hồi hướng rồi. Do đó, hãy lái nhân quả theo một hướng hợp lí, đừng để nó tự trôi theo tự nhiên.
Nói đến hồi hướng, ta có hai cách hiểu: một là định hướng quả báu, hai là tặng cái phước báu. Thường chúng ta có ba đối tượng để hồi hướng cái phước là: thân quyến, bản thân ta và toàn thể chúng sinh. Ai đã đọc hoặc nghe kinh Phật sẽ thấy đối tượng chúng sinh có được nhắc đến. Đó là “
Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo”.
Trước đây, khi chưa học bài pháp này, ta vẫn nghĩ ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng, ai làm tội thì chịu tội, ai làm phước thì hưởng phước nhưng thật ra không phải vậy. Công đức ta tạo ra có thể đem tặng lại người khác. Đặc biệt như vậy.
Nghĩa là nhân quả không khắt khe mà rất cởi mở, linh động, phước ta làm ra nhưng người khác có thể hưởng. Khi ta hồi hướng, cái phước của ta cũng được tăng lên trùng trùng, lớp lớp. Đạo đức của ta cũng theo đó tăng lên. Ở đây, ta tốt hai lớp là: biết làm phước và tặng phước. Chúng không chỉ khiến chư thiên cảm động mà còn giúp người khác biết đến đạo Phật, tu hành có thành tựu.
Việc tốt ta giúp người là những cái cụ thể, rõ ràng nhưng phước ta có lại vô hình. Trên đời này, mấy ai nhìn được cái phước, mấy ai tin được nhân quả. Người nào tin được nhân quả mới biết cái phước vô hình. Giờ chúng ta không đòi hỏi, không xin cái vô hình đó nữa mà đem cho người khác luôn.
Người nhấn mạnh, tặng phước cho người khác, tất yếu chúng sinh mắc nợ ta. Vì thế, ta nhận được sự kính trọng, vâng lời của họ, dù chưa gặp, chưa tiếp xúc một lần nào. Trách nhiệm của ta lúc này là phải nói chuyện nhân quả để chính bản thân những người đó tự biết làm phước cho mình. Cái phước tự ta tạo ra mới bền vững, phước người khác cho chỉ là tạm bợ thôi. Nếu không tích cực làm phước thì sớm muộn, cái phước được nhận từ người khác cũng hết. Nguyên tắc là như vậy.
Bình thường, người có tâm tốt thường sinh về cõi trời, mọi việc thường thuận theo ý muốn. Tuy nhiên, ta không được để cho quả báu tự do, cũng đừng hưởng thụ quả báu cho mình. Người nào tích cực làm phước mà không hồi hướng thì quả báu sẽ đi theo hướng của nó, tức là ta đang dành quả báu đó cho bản thân. Nhưng hồi hướng cho chúng sinh thì cái hồi hướng đó không thực tế bởi chúng sinh quả đông, còn cái phước của ta lại quá nhỏ. Nếu đem chia cái phước đó ra thì không ai nhận được gì. Vì thế, việc ta hồi hướng cho khắp chúng sinh là điều không tưởng.
Nói vậy không có nghĩa là việc hồi hướng cho chúng sinh không mang lại lợi ích. Tuy kết quả thực tế hầu như không có nhưng nó lại mở lòng ta đến vô tận, không bị hạn chế bởi một số đối tượng ít ỏi. Đây chính là một trong những yếu tố cần thiết để có thể chứng quả Thánh A La Hán, trở thành Phật. Từ cái mở lòng ấy, ta hiểu rằng, dù chỉ một việc công đức nhưng ta có thể hồi hướng cho nhiều người, kể cả một lúc hồi hướng cho ba nhóm đối tượng là: người thân, bản thân và chúng sinh.
Còn vị Bồ Tát, khi đã làm công đức thì nó rất to lớn, vĩ đại chứ không nhỏ bé như chúng ta. Lúc ấy, các vị ấy thường hồi hướng hai điều. Một là hồi hướng cho bản thân để được chánh đẳng, chánh giác như Phật. Hai là hồi hướng cho khắp chúng sinh đều đồng thành Phật đạo. Cái hồi hướng đúng nghĩa mà Bồ Tát Phổ Hiền dạy trong kinh chính là hai điều này. Tức là dù làm được bao nhiêu công đức, cũng không xin, không hưởng theo phước thế gian.
Hai điều này hình như không tưởng nhưng Bồ Tát chỉ hồi hướng về hai điều này thôi bởi thành Phật rất khó, mà cầu cho khắp pháp giới chúng sinh thì không biết bao giờ thành. Tuy nhiên, nó cần thiết để đánh vỡ tâm thức của chúng ta. Bình thường, tâm chúng ta là ích kỉ, đây là bản năng (kiết sử), không cần ai phải dạy.
Người lí giải, trong đạo Phật, bản năng gọi là kiết sử, tên ngày trước của nó là thân kiến, nay gọi là vị kỉ (nghĩa là chỉ nghĩ đến bản thân mình). Bản năng xuất hiện tự nhiên, cùng với sự xuất hiện của con người nên không đáng trách. Nhưng từ cái ích kỉ mà tạo thành sự thiệt thòi, đau khổ cho người khác thì lại đáng trách. Đây là điều rất cay đắng. Cuộc đời là như vậy. Cho nên, ta tu làm sao, đừng để những điều không đáng trách xảy ra.
Tuy nhiên, để diệt được sự vị kỉ rất khó, chỉ khi nào chứng được quả Thánh Tu Đà Hoàn, ta mới diệt được thân kiến, làm mất hoàn toàn vị kỉ. Cuộc sống của các vị lúc này hoàn toàn là vị tha, làm gì cũng nghĩ cho lợi ích của người khác. Kể cả những việc nhỏ nhất như ăn uống, ngủ nghỉ. Một điều thú vị là cái nhân để phá vỡ vị kỉ chính là những lời hồi hướng không tưởng ta đã nói ở trên. Đó là việc hồi hướng công đức cho chúng sinh rộng khắp. Vì điều này mà hôm nay chúng ta có mặt tại đây.
Ta nghĩ hồi hướng cho mọi người là điều bình thường nhưng chính điều này lại đập vỡ cái kiết sử. Cứ tích lũy mãi như vậy, một ngày nào đó, nhân duyên đầy đủ, ta chứng được quả Tu Đà Hoàn. Ngay giây phút ấy, ba cái kiết sử: ích kỉ, nghi và giới cấm thủ, cùng lúc bị phá tan. Đến đây, ta thấy những lời hồi hướng cao thượng đó cần thiết như thế nào rồi.
Hay như việc ta nguyện cho thế giới hòa bình. Ngoài việc cầu nguyện cho quốc gia, dân tộc mình, ta cầu nguyện cho cả thế giới thì đây là lời hồi hướng rất cao thượng, ai cũng nên làm bởi nó mang lại cho ta cái phước không bị rơi vào những vùng có chiến sự mà được đầu thai vào những nơi bình yên, hạnh phúc, có khi lên cõi trời luôn.
Tuy nhiên, công đức từ lời hồi hướng đó cũng không đủ mà cần thêm nhiều công đức khác. Ví dụ như ăn chay, không sát sinh,... Vậy là, từ việc cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân duyên lại đưa đẩy ta làm thêm một công đức nữa là ăn chay. Nếu ai cũng làm được vậy, không chỉ đất nước mà cả thể giới này đều trở nên yên ổn, thanh bình.
Hiện nay trên thế giới, rất nhiều nơi đang xảy ra chiến tranh. Ngoài các cuộc nội chiến, còn có những sự chống phá tinh vi, chặt chẽ từ các thế lực bên ngoài. Nhưng khi các âm mưu đó sắp thành công thì lại có sự chuyển biến ngược lại. Nghĩa là, các âm mưu chống phá bị vạch trần, đất nước lại được củng cố, bình yên. Đó là do nhiều người trong quốc gia biết hồi hướng, cầu nguyện những lời cao thượng cho đất nước, cho thế giới.
Ta thấy rằng, trên thế giới, đạo Phật chưa phải là đa số do bị chống phá, mưu hại ở nhiều vùng. Nguyên nhân do các quý thầy hiền lành, ngây thơ, nhiều khi cũng do các đạo khác mưu tính giỏi, dẫn đến đạo Phật dần bị thu hẹp. Là một người con Phật, hiểu hết lợi ích mà đạo Phật mang lại cho chúng sinh, ta khao khát làm sao để có thể mang Phật pháp phủ trùm khắp chốn, khiến đạo đức con người được lan truyền rộng khắp. Đây thực sự là một mong ước, một lời hồi hướng không tưởng.
Thực sự, cái lời hồi hướng lớn lao ấy ta chỉ nguyện cầu thôi chứ không biết cách nào để thực hiện. Nhưng nếu nhiều người cầu nguyện sẽ động đến chư thiên. Thấy lời phát tâm cao cả đó, chư thiên bắt đầu ra tay, giúp sức. Đến một ngày, lời nguyện ước đó sẽ thành nhân quả đầy đủ.
Người nhắc nhở, vì ước nguyện đó mà ta phải nỗ lực, vất vả, khổ cực cả đời. Khi cố gắng hết sức rồi, chư thiên mới giúp đỡ, mới cho ta thấy phép lạ ở cuối đường. Bỗng nhiên Phật pháp nảy nở chỗ này, phát triển ở chỗ kia. Ta chỉ có lòng thành thôi, còn tất cả là do chư thiên thực hiện. Mà lòng thành là gì, là làm thật nhiều việc phước nhưng không nhận quả báu mà đem nó hồi hướng.
Ví dụ, ta rủ mọi người cùng đi đắp đường nhưng xin hồi hướng công đức này để Phật pháp phủ trùm cả thế giới, cho đạo đức lan rộng cả hành tinh, không hưởng cái phước của mình nữa. Bỗng nhiên, ta có cơ hội lan truyền đạo Phật cho người khác. Đây là điều cao thượng.
Theo nhân quả, ta làm phước thì được phước. Khi ta có phước thì ta có ba thái độ đối với cái phước này. Một là lấy cái phước đó rồi chờ hưởng nó về sau. Chắc chắn sau này ta sẽ có nhà cao cửa rộng, mọi việc hanh thông, có duyên đối với tâm linh tu hành. Hai là bỏ cái phước đó đi, không nghĩ tới, không cần quả báu. Những người này cực kì cao thượng, không chấp không, không chấp cái phước. Ba là hồi hướng, định hướng quả báu cho khắp thế gian này biết đến Phật pháp.
Như vừa rồi, chùa Phật Quang có làm tượng Phật bằng đá cao 12m, với gương mặt được rất nhiều người xem cho là đẹp nhất thế giới. Những ai đã từng góp công, góp sức, thành tâm cầu nguyện để hoàn thành được công trình này thì được quả báo là gương mặt dần dần trở nên đẹp. Đây là thái độ thứ nhất đối với phước báu.
Cái thứ hai là vì nghe quý thầy đang làm tượng nên đến góp công góp sức, chứ không quan tâm đến quả báu, hạng người này rất cao thượng. Tuy nhiên, cũng không cao thượng bằng hạng người thứ ba là lấy phước báu để hồi hướng cho Phật pháp bao trùm được khắp chốn. Thái độ này rất thông minh, khôn ngoan và ta cần nhiều hơn nữa những thái độ như thế này.
Không chấp công là loại đạo đức rất cao. Mà đạo đức thì luôn đi với trí tuệ, bởi người không có trí tuệ thì không có đạo đức. Nhớ rằng, người đạo đức mà trí tuệ kém cũng không phải đạo đức, bởi họ không biết phản ứng mạnh, ta chỉ gọi họ là người hiền thôi. Còn người đạo đức thực sự là người có trí tuệ, biết rõ điều đúng sai, biết lỗi trong tâm, biết kiểm soát và đánh giá từng ý nghĩ của mình. Cho nên, việc không chấp công là hành động rất đạo đức, trí tuệ.
Ngược lại, những người làm được chút việc nhỏ mà lúc nào cũng ghi nhớ, hễ mở miệng ra là kể công thì một lúc nào đó, từ trạng thái chấp công sẽ rơi vào trạng thái ỷ công, rồi đến cậy công. Giờ ta là người có trí tuệ, dù có làm việc công đức gì thì ai hỏi cũng coi như không, phủi sạch cái công, xóa hết nó trong kí ức. Đây mới là cách cư xử trí tuệ, đạo đức.
Không chấp công là một đạo đức rất lớn, phải có trí tuệ sâu sắc mới làm được điều này. Trong đạo Phật, có hẳn 600 quyển kinh Đại Bát Nhã chỉ để nói về hai việc. Một là Bồ Tát phải làm vô số công đức và toàn là những công đức rất vĩ đại. Hai là dù làm bao nhiêu công đức cũng không được chấp công.
Người khẳng định, việc hồi hướng rất cao thượng mà ít ai thấy. Nếu ta mang của cải, vật chất đem tặng thì có thể nhìn thấy ngay. Nhưng nếu đem cái phước đi tặng thì không ai thấy bởi nó vô hình. Tuy không được người đời ghi nhận nhưng nó lại tạo thành cái rất lớn lao, vĩ đại trong tâm hồn ta. Đây thực sự là đạo đức của một bậc Thánh.
Hiện nay, từ Thánh đang bị mọi người lợi dụng và sử dụng một cách lệch lạc, sai trái. Ta thường nghe nào là Thánh chửi, Thánh ngủ, Thánh ăn, Thánh chơi,… nhưng đó không phải bậc Thánh mà đạo Phật nhắc đến. Ngay cả những đại gia, mang tiền tỉ ra làm phước, cũng chỉ được gọi là người tốt thôi, chứ chưa chứng quả Thánh được.
Theo thập hạnh Phổ Hiền, Thánh phải là người biết mình có phước rồi đem cái phước đó tặng lại cho đời. Hành động này không ai thấy được nên thực sự, ta khó biết ai là Thánh trong cuộc đời này.
Tóm lại, “
Thập giả phổ giai hồi hướng” chính là đem cái phước vô hình, định lại quả báo cao thượng. Đây là bước cuối cùng để trở thành Thánh. Học qua 9 hạnh Phổ Hiền, cái phước ta làm ra đã quá nhiều rồi thì tới cái hạnh cuối cùng này, ta phải thành Thánh, đem tặng hết cái phước đó cho cuộc đời, không giữ cho mình nữa.
Tuy nhiên, khi tác ý phải cẩn trọng bởi nếu sơ suất thì quả báo sẽ đi hướng khác. Do tâm còn động niệm nên đa số phàm phu chúng ta đều để quả báo trôi theo hướng hưởng thụ cá nhân. Đây là lí do khiến Bồ Tát phải hồi hướng luôn sau mỗi lần làm phước. Và cả trước khi xuống trần, các vị cũng chuẩn bị rất nhiều lời hồi hướng. Như khi Phật pháp suy tàn, các vị xin xuống trần gian để phát huy lại Phật giáo. Trước khi đầu thai xuống làm người hay sau khi đã đầu thai làm người rồi, các vị còn phải hồi hướng rất nhiều điều khác nữa.
Ta biết rằng một điều tốt xuất hiện giữa cuộc đời này thường khó được chấp nhận vì điều ác lúc nào cũng thống trị thế giới. Nếu để cái tốt xuất hiện rồi lan tỏa ra cộng đồng thì vị trí của cái xấu trong xã hội sẽ bị đe dọa. Vậy nên, cái tốt luôn bị chống phá, mưu hại, cần được hồi hướng để nhận sự che chở, bảo vệ.
Học tập những vị Bồ Tát, chúng ta cũng phải chuẩn bị trước, sau đó thực hành thật nhiều những lời hồi hướng cao thượng. Nhân đây, Người cũng chia sẻ 5 lời hồi hướng mà chúng sinh cần thực hành mỗi ngày. Chúng đều là những điều rất cao thượng, mang lại lợi ích cho chúng sinh rộng khắp.
Đầu tiên, ta hồi hướng những công đức để xin cho Chánh pháp của Phật rực sáng trở lại trên thế gian, mọi người ai cũng tu đúng theo giáo lí Phật dạy.
Thứ hai, Phật pháp suy tàn cũng là lúc điều xấu ác tràn lan. Cũng bởi thế gian thiếu sự xuất hiện của những bậc Thánh. Mà bậc Thánh không phải tự nhiên xuất hiện, phải tu chứng mới thành. Thế gian mà có nhiều người tu chứng thì cái ác sẽ bị đẩy lùi. Vậy nên, ta xin hồi hướng tất cả những công đức mình làm được để thế gian có nhiều người tu chứng trở lại.
Thứ ba, trong đạo Phật có nhiều tông phái nhưng chỉ có một mục tiêu tu tập đúng đắn duy nhất là hướng đến vô ngã, giải thoát. Nên dù ở tông phái nào, ta cũng xin khước từ hết quả báo nơi cá nhân để đoàn kết với nhau, hướng về mục tiêu chung là vô ngã giải thoát.
Thứ tư, nguyện cho người Việt Nam ai cũng giỏi thiền định để hướng dẫn lại cho những du khách nước ngoài. Có thể chúng ta không giàu sang bằng họ nhưng ta đủ kĩ thuật, kiến thức để dạy lại cho họ về thiền.
Thứ năm, nguyện cho thế giới loài người luôn đoàn kết với nhau trong niềm tin nhân quả.
Hạnh nguyện Bồ Tát là cái vô cùng, vô tận. Với trí tuệ hiện tại của chúng sinh, cần phải cố gắng rất nhiều mới có thể tiếp cận, thấu hiểu được. Việc tiếp cận này không chỉ dừng lại trên lí thuyết, mà cần được thực hành hàng ngày. Nó không chỉ làm thay đổi cuộc đời ta mà còn mang lại sự bình an, hạnh phúc cho những người xung quanh. Đồng thời, tạo ra phước báo để ta tiến sâu hơn nữa vào đạo lí Phật dạy, sớm chứng ngộ, giải thoát.
Ngoài ra, bài pháp cũng chạm đến trái tim người nghe, đánh thức lòng vị tha đang bị ngủ quên trong mỗi người. Thực sự, từ trước đến nay chúng ta ích kỉ, nghĩ cho bản thân mình nhiều quá mà quên đi việc yêu thương, chia sẻ cho những người xung quanh. Trao yêu thương đi để nhận lại yêu thương vốn dĩ là một quy luật của cuộc sống, là mối quan hệ nhân quả giữa “cho” và “nhận” mà chúng ta ít nhận ra.
Từ hôm nay, chúng ta sẽ sống khác đi, sống vì người khác nhiều hơn, lan tỏa yêu thương rộng rãi để chúng sinh ai cũng được vui vẻ, hạnh phúc. Đây chính là thông điệp mà Thượng tọa muốn gửi đến tất cả mọi người sau bài pháp này.
Tuệ Đăng