Tích lũy thiện nghiệp cho một năm mới may mắn
Nhân dịp một năm sắp qua, chúng tôi xin giới thiệu đến Quý vị phúc báo của những thiện nghiệp trích lược theo kinh “Nghiệp báo sai biệt”, như cánh thiệp chúc phúc đầu năm giúp Quý vị có những định hướng đúng đắn cho cả một năm mới may mắn, an lành.
Ai đã từng làm người cũng phải suy nghĩ và thắc mắc rằng, tại sao cuộc sống này có sự sai biệt quá lớn giữa người với người, giữa người với vật. Những thăng trầm được mất trong cuộc đời với muôn vàn sự sai khác và sâu kín, nhiệm mầu vượt khỏi tầm hiểu biết của con người; nên khi sống, họ không biết mình từ đâu đến, và sau khi chết không biết mình đi về đâu. Chỉ bằng cách quán chiếu, soi sáng lại chính mình mới giúp chúng ta thoát khỏi sai lầm này, mà biết cách làm chủ bản thân. Khi làm điều lành chúng ta được hưởng phúc báo tốt đẹp, làm ác phải chịu quả báo sa đọa khổ đau, chân lý đó chính là luật nhân quả nghiệp báo.
Thời Đức Phật còn tại thế, một thanh niên vì thấy sự bất bình đẳng và những sai biệt trong xã hội nên muốn tìm ra sự thật của kiếp người. Nghe Phật là bậc xuất trần thượng sĩ, có thể giải quyết được mối nghi ngờ của nhiều người bất kể là tín đồ tôn giáo nào, anh đã tìm đến Đức Phật. Sau khi đỉnh lễ và vấn an Đức Thế Tôn xong, anh cung kính ngồi sang một bên thưa hỏi Đức Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn, vì cớ sao có sự bất công và sai biệt quá lớn của tất cả chúng sinh trên thế gian này, kẻ quý phái cao thượng, người hạ liệt thấp kém, người sống lâu, kẻ chết yểu, người giàu sang, kẻ nghèo khổ, người nhiều bệnh, kẻ ít bệnh, người quyền cao chức trọng, kẻ nô lệ thấp kém, người đẹp đẽ dễ thương, kẻ xấu xí khó nhìn, người thông minh sáng suốt, kẻ ngu dốt tối tăm?
Đức Phật tóm gọn lại bằng một ý chính như sau:
- Này chàng thanh niên, các chúng sinh loài có tình thức là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, họ được sinh ra từ nghiệp và họ bị nghiệp trói buộc. Do đó, hiện tại có kẻ thấp hèn và cao thượng, tùy theo nghiệp nhân tốt xấu đã gieo tạo trong quá khứ.
Đức Phật trả lời quá súc tích và cô đọng làm chàng thanh niên không thể hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, nên mới thỉnh cầu Đức Phật giải thích cụ thể từng chi tiết. Ngài dạy như sau:
1. Có mười thiện nghiệp khiến chúng sinh được trường thọ
Một là tự mình chẳng sát sinh, hai là khuyên người chẳng sát sinh, ba là khen ngợi việc chẳng sát sinh, bốn là thấy người khác không sát sinh tâm sinh vui mừng, năm là thấy người khác hoặc chúng sinh bị giết tạo phương tiện giúp thoát khỏi, sáu là thấy người sợ chết an ủi tâm họ, bảo là thấy người sợ sệt giúp họ được bình an, tám là thấy các khổ hoạn nạn khởi tâm thương xót, chín là thấy các hoạn nạn cấp bách liền khởi tâm đại từ bi, mười là thường bố thí cho chúng sinh các thức ăn nước uống. Do mười nghiệp trên được quả báo sống lâu dài.
Kinh “Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức” cũng dạy về công đức cứu mạng chúng sinh rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sinh tu phúc, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn. Phóng sinh là cứu chuộc sinh mạng chúng sinh, sinh mạng của vô số chúng sinh được trường thọ, thì đồng thời thọ mạng của chúng ta cũng được kéo dài. Bởi vận mạng chúng ta gặp phải trong đời này là kết quả của những nhân duyên thiện ác đã tạo tác trong nhiều đời mà ra, nếu tạo nhân thiện thì được quả báo thiện, nếu tạo nhân ác thì bị quả báo ác. Vận mạng chúng ta trong tương lai phụ thuộc và nằm trong tay của chúng ta, qua việc tích phúc hành thiện, thành tâm sám hối, trong đó thực hành phóng sinh công đức lực về thay đổi mạng vận rất lớn, trực tiếp mà lại nhanh chóng.
2. Có mười thiện nghiệp khiến chúng sinh được quả báo giàu sang
Một là xa lìa việc trộm cướp, hai là khuyên người khác không trộm cướp, ba là khen ngợi việc chẳng trộm cướp, bốn là thấy người khác chẳng trộm cướp tâm sinh vui mừng, năm là thường cúng dàng những tài vật cần nuôi sống cha mẹ, sáu là đối với những bậc Hiền Thánh tôn trưởng thường cung dàng những phẩm vật cần thiết, bảy là thấy người được lợi tâm sinh vui mừng, tám là thấy người cầu lợi thì tạo phương tiện giúp đỡ, chín là thấy người bố thí tâm sinh vui mừng, mười là thấy đời đói rét khởi tâm thương xót. Do mười nghiệp trên nên khiến chúng sinh được quả báo tài sản nhiều.
Sống ở đời, ai cũng mong được sinh vào nhà khá giả, có điều kiện để học hành cũng như tạo dựng vốn liếng làm ăn, thiết lập đời sống hạnh phúc an vui. Nhưng sinh vào nhà cha mẹ là ai, hoàn cảnh như thế nào… là điều mà ta không thể tự quyết được, tất cả đều do nghiệp duyên quá khứ của mình dẫn dắt. Rồi khi lớn lên, trong cuộc chạy đua tìm kiếm mưu sinh đầy biến động thì không phải ai cũng đi đến thành công.
Người được gia đình hỗ trợ bước đầu về nhiều phương diện thì cũng đỡ vất vả nhưng không lấy gì đảm bảo là họ sẽ làm ăn thành đạt. Lại có không ít người khởi nghiệp từ chút vốn cỏn con hoặc thậm chí là hai bàn tay trắng, đơn thương độc mã nhưng lần hồi đã gặt hái thành quả giàu sang.
Khi đứng trước thềm vinh quang, khá nhiều người nghĩ rằng nhờ mình thông minh tài trí hơn người. Suy nghĩ như vậy không sai nhưng cạn cợt, thấy bề nổi mà chưa thấy hết bề sâu. Bởi người tài trí như mình ở trên đời không phải là hiếm, tài trí thì cũng phải có phúc báo nữa mới hội đủ duyên để thành đạt.
Mọi phúc đức giàu sang đều do nhân bố thí, cúng dàng mà nên. Ngược lại, nghèo hèn do vì bỏn xẻn chỉ lo cho riêng mình mà phải gánh chịu. Bố thí và cúng dàng là pháp tu để phát triển lòng từ bi và gieo trồng phúc báo trong hiện tại và mai sau. Đặc biệt là ai cũng thực hiện được pháp tu này. Nếu chúng ta nghèo khó, không có tài sản để bố thí và cúng dàng thì bố thí bằng lời nói an ủi động viên giúp đỡ người khác, thấy người bệnh thì thăm hỏi hoặc chăm sóc, nếu có thời gian thì đến chùa làm công quả, như vậy giàu nghèo gì ai cũng có thể bố thí, cúng dàng được.
3. Có mười thiện nghiệp khiến chúng sinh có được uy quyền
Một là đối với chúng sinh tâm không tật đố, hai là thấy người khác được lợi tâm sinh vui mừng, ba là thấy người khác mất lợi tâm khởi thương xót, bốn là thấy người khác được khen tốt tâm sinh vui mừng, năm là thấy người mất tiếng khen tốt thì khuyên nhủ chớ ôm lòng buồn phiền, sáu là phát tâm Bồ đề tạo hình tượng Phật, bảy là đối với cha mẹ mình và Hiền Thánh cung kính phụng thờ, tám là khuyên người xả bỏ nghiệp uy thế yếu, chín là khuyên người tu hành hạnh đại uy đức, mười là thấy người không uy đức chẳng sinh lòng khinh chê. Do mười nghiệp trên được quả báo uy thế lớn.
4. Có mười thiện nghiệp khiến chúng sinh được phúc báo ít bệnh tật
Một là chẳng thích đánh đập tất cả chúng sinh, hai là khuyên người khác chẳng nên đánh đập, ba là khen ngợi việc không dùng roi gậy, bốn là thấy người không đánh đập tâm sinh vui mừng, năm là cung kính cúng dàng cha mẹ của mình và những người bệnh tật, sáu là thấy Hiền Thánh bệnh hoạn chăm sóc cúng dàng, bảy là thấy người bệnh hoạn tâm vui vẻ thì mình rất hoan hỷ, tám là thấy người bệnh khổ thì cho thuốc hay và khuyên người giúp đỡ, chín là thấy người bệnh khổ khởi tâm thương xót giúp đỡ, mười là đối với các thức ăn nước uống tự biết tiết lộ. Do mười nghiệp trên nên được quả báo ít bệnh tật.
Ngoài ra, sở dĩ phát sinh những tai nạn, bệnh tật khó trị là do những nghiệp sát sinh của chúng ta từ trước đây chiêu cảm nghiệp báo vậy. Đã tạo nghiệp sát sinh thì phải chịu quả báo sát sinh, để giải quyết điều này, một pháp thực hành thù thắng khác là phóng sinh, để đền trả cái nợ sát sinh, tiêu trừ nhân sát sinh là căn bản sinh ra bệnh tật, khi ấy bệnh khổ sẽ chuyển biến tốt hơn.
5. Có mười thiện nghiệp khiến chúng sinh được phúc báo thân đoan chính
Một là không sân hận, hai là bố thí quần áo, ba là yêu kính ông bà cha mẹ, bốn là tôn trọng bậc Hiền Thánh đạo đức, năm là thường tô của hộp trang sức tháp thờ Phật và chùa chiền, sáu là quét dọn sạch sẽ nhà cửa tăng đường, bảy là san bằng đất trong Tăng già lam, tám là quét rửa tháp Phật, chín là thấy người xấu xí chẳng sinh lòng khinh chê mà lại khởi tâm cung kính, mười là thấy người sắc đẹp liền biết nguyên nhân quá khứ đã gieo trồng phúc đức nên hôm nay kết quả sắc đẹp. Do mười nghiệp ấy nên được quả báo sắc đẹp.
Nhiều người khoan hậu có khuôn mặt có phúc, người dịu dàng lương thiện có khuôn mặt xinh đẹp. Người thô bạo, vẻ mặt hung dữ; rất nhiều phụ nữ trung niên lão niên có phẩm tính không tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt. Thật ra, tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu tâm và hành động thiện nghiệp được tích lũy lâu dài; cũng vì vậy, có rất nhiều người càng tu tập càng đẹp ra.
6. Có chúng sinh cung kính, lễ bái Bảo tháp, chùa chiền thờ Phật, được mười công đức
Một là người ấy được sắc đẹp và giọng nói thanh tao; hai là những lời nói ra đều được mọi người tin theo; ba là ở giữa đại chúng không sợ sệt; bốn là Trời người thế gian yêu mến giúp đỡ; năm là đầy đủ uy thế; sáu là chúng sinh uy thế đều đến gần gũi để giúp đỡ; bảy là thường được gần gũi chư Phật, Bồ Tát; tám là đầy đủ đại phúc báo; chín là mạng chung sinh cõi Trời; mười là mau chứng Niết Bàn. Đó gọi là lễ bái Bảo tháp thờ chư Phật được mười công đức.
Bảo tháp chính là hiện thân của chư Phật. Mặc dù chúng ta không có phúc duyên để hạnh ngộ Đức Phật, nhưng tôn tượng Phật, Bảo tháp, kinh sách và tất cả biểu tưởng giác ngộ khác chính là phương tiện của chư Phật. Thông qua thực hành cung kính lễ lạy, bạn đón nhận được những phẩm chất thân, khẩu, ý giác ngộ của chư Phật, đồng thời tịnh hóa mọi chướng ngại. Mỗi khi thăm viếng Bảo tháp hay ngôi chùa nào, chúng ta cần nhớ rằng chỉ một động tác lễ lạy trước một bức tượng Phật thôi (chắp tay trước ngực đỉnh lễ cũng là một cách lễ lạy đơn giản), cũng mang lại cho chúng ta vô lượng công đức. Trong một ngôi chùa có thể có hàng trăm bức tranh và tượng Phật, cho nên việc chắp tay đỉnh lễ hướng lên các Ngài mang lại lợi ích không thể nghĩ bàn. Đây là cách đơn giản và dễ dàng để bạn tích lũy công đức.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm