Tiểu sử Hòa thượng Thích Tâm Duy (1946 - 2021)
Suốt cả cuộc đời xuất gia tu tập, bất cứ lúc nào Hòa thượng cũng hết mình chăm lo cho Phật sự, Ngài luôn luôn lấy việc phụng sự Đạo pháp làm kim chỉ nam, lấy giới luật làm nền tảng cho sự vững chãi trong đời sống phạm hạnh.

Hòa thượng Thích Trừng Vinh, húy Tâm Duy, hiệu Pháp Hiển.
- Nguyên Ủy Viên BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi.
- Chứng minh BTSPG thị xã Đức Phổ.
- Nguyên Trưởng BTS PG thị xã Đức Phổ.
- Nguyên đại biểu Hội Đồng Nhân Dân thị xã Đức Phổ
- Nguyên Ủy Viên UBMTTQVN Thị Xã Đức Phổ
- Trụ Trì Chùa Phước Lâm, P.Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ.
I. Thân Thế
Hòa thượng thế danh Nguyễn Hối, pháp danh Thích Tâm Duy, Tự Trừng Vinh, hiệu Pháp Hiển, thuộc dòng Lâm Tế Phổ, đời thứ 42. Hòa thượng sinh ngày mùng 3 tháng 8 năm Bính Tuất - 1946 tại tổ dân phố Tân Mỹ, phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài là người con thứ 3 trong gia đình có năm anh chị em ba trai hai gái. Thân Phụ là cụ ông Nguyễn Chiến, thân Mẫu là cụ bà Trần Thị Thơm.
II. Thời Kỳ Xuất Gia, Thọ Giới
Với túc duyên sâu dày nên được sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo, thuở nhỏ, Ngài thường đến chùa lễ Phật. Nhận thức cuộc đời ảo mộng, vô thường nên hạt giống xuất trần thượng sĩ nảy mầm rất sớm. Từ đó, Hòa thượng phát tâm xuất gia tu học với Bổn Sư là Hòa thượng Thích Hồng Ân tại Tổ Đình Thiên Ấn, Thành phố Quảng Ngãi vào ngày 2 tháng 6 năm 1964.
Từ đó, chốn Thiền môn sáng chiều bồi công tích đức, khuya sớm chuyên tâm kinh kệ, nên oai nghi đỉnh đạc, tâm đạo vững vàng. Vào năm 1970, Ngài được bổn sư cho phép thọ giới Sa Di tại Giới đàn Vĩnh Gia được tổ chức tại Chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng. Sau một thời gian chuyên tâm cần mẫn, tinh tấn hành trì nên Ngài được Bổn sư cho phép thọ giới Tỳ kheo tại Đại giới đàn Ấn Quang được tổ chức vào ngày 22 tháng 7 năm 1975 tại tổ đình Ấn Quang, thành phố Hồ Chí Minh, do Hoà thượng Thích Hành Trụ làm đàn đầu. Từ đó, giới thể tròn đầy, được chính thức dự vào hàng Thích tử Như lai cùng với hạnh nguyện phụng sự đạo pháp, lợi lạc chúng sanh là cơ sở nền tảng cho việc phụng sự đạo Pháp và chúng sanh của hào thượng sau này.
III. Phụng Sự Giáo Hội
Kể từ khi GHPGVN được thành lập năm 1981 nhằm thống nhất tất cả sinh hoạt Phật giáo Việt Nam, giai đoạn này hòa thượng đã chính thức được suy cử đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Đức Phổ mãi cho đến hết nhiệm kỳ III (2013-2017).
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, hòa thượng từng là Ủy Viên BTS GHPG tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với trọng trách gánh vác Phật sự của Giáo hội qua 35 năm, bao nhiêu khó khăn, thăng trầm của xã hội, đất nước cũng như Giáo hội, nhưng Phật giáo tại Đức Phổ luôn phát triển bền vững trong mọi hoàn cảnh xã hội. Từ đó, có thể nói, Hòa thượng là một cây đại thọ Phật giáo tại tỉnh nhà. Với trọng trách của một vị lãnh đạo giáo hội, Hòa thượng luôn luôn quan tâm, nhắc nhở tăng ni tại địa phương sống hòa hợp, đoàn kết, cùng nhau chia sẽ, gánh vác Phật sự và phát triển giáo hội ngày một hưng thịnh.
*Hoằng Pháp Độ Sanh
Hoằng pháp lợi sanh là bổn phận của người xuất gia. Cho nên, ngoài việc chăm lo công tác hành chánh của Giáo hội, Ngài còn chú trọng đến việc thiết lập hoằng pháp cơ sở, trong nhiều năm, Hòa thượng đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các đạo tràng tu tập như đạo tràng Bát Quan Trai, đạo tràng Niệm Phật. Và hơn thế nữa, Phật tử tại gia mà hòa thượng đã Quy y với đến số lượng cả ngàn.
*An Cư Kiết Hạ
Giới luật Phật giáo điều thiết yếu của người xuất gia, cho nên an cư kiết hạ trách nhiệm và bổn phận của một tỳ-kheo không thể thiếu. Những năm đầu thập niên 2000, mặc dù số lượng chư tăng tại Huyện nhà còn ít nhưng hàng năm, Hòa thượng vẫn tổ chức khóa An Cư tập trung để tạo điều kiện cho chư tăng cùng nhau tu tập. Và trãi qua 10 năm, Hoà thượng từng đảm nhiệm chức vụ Hóa Chủ hạ trường an cư tập trung chư Tăng địa phương được tổ chức tại Chùa Phước Lâm từ năm 2010 – 2018 và chức vụ Thiền chủ hạ trường Chùa Kim Long, phường Phổ Ninh năm 2019 – 2020.
*Trùng Tu Xây Dựng
Vào tháng 2 năm 2018, hòa thượng cũng đã quyết định khởi công đại trùng tu ngôi chánh điện Chùa Phước Lâm với tầm vóc quy mô để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tu tập cho Phật tử gần xa. Với phước lực và oai đức của Hòa thượng, chỉ trong thời gian chưa đến hai năm, ngôi chánh điện đã hoàn thành viên mãn.
*Suy Cử, Tấn Phong
Để suy tôn những công đức to lớn đối với Phật giáo địa phương, Hòa thượng được cung thỉnh vào tôn vị chứng minh BTSPG thị xã tại Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo thị xã Đức Phổ, Nhiệm kỳ IV (2017 – 2021). Đối với tôn túc giáo phẩm của GHPGVN, Ngài được Ban Thường Trực Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm thượng tọa vào năm 2002 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2002 – 2007 và giáo phẩm Hòa thượng vào năm 2017 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2021.
IV. Tham Gia Công Tác Xã Hội
Đạo pháp và Dân tộc thường đồng hành phát triển đất nước ngày một hưng thịnh. Tinh thần đoàn kết – hòa hợp – phát triển đã tạo nên sự lớn mạnh của tăng già và cộng đồng xã hội. Do vậy, đối với công tác xã hội tại địa phương, hòa thượng đã từng tham gia Hội đồng Nhân dân và UBMTTQVN thị xã Đức Phổ trong nhiều nhiệm kỳ.
Như vậy, suốt cả cuộc đời xuất gia tu tập, bất cứ lúc nào Hòa thượng cũng hết mình chăm lo cho Phật sự, Ngài luôn luôn lấy việc phụng sự Đạo pháp làm kim chỉ nam, lấy giới luật làm nền tảng cho sự vững chãi trong đời sống phạm hạnh.
V. Thời Kỳ Bệnh Duyên và Viên Tịch
Vô thường, sanh diệt là bản chất của các pháp hữu vi nên thân tứ đại của Hòa thượng cũng không ngoài quy luật đó. Dù pháp thể luôn khiếm an, nhưng Hoà thượng thường xuyên quan tâm đến tình hình Phật giáo địa phương cũng như việc khuyến tấn hàng đệ tử, tứ chúng. Do đó Hòa thượng mãi là tấm gương sáng đàn hậu hoc noi theo.
Năm tháng cuối đời, tuy bệnh duyên chi phối nhưng Hòa thượng luôn luôn giữ chánh niệm và tỉnh giác. Nhưng than ôi! Tứ đại vô thường, duyên trần đã mãn, hạnh nguyện viên thành, Hoà thượng đã an nhiên thị tịch vào lúc 16 giờ 50 phút ngày 18 tháng 6 năm Tân Sửu, nhằm ngày 27 tháng 7 năm 2021 tại Chùa Phước Lâm, Phường Nguyễn nghiêm, thị xã Đức Phổ. Trụ thế 76 năm; Hạ lạp 47 năm.
Với công đức tu hành, giới hạnh thanh cao, phụng sự Phật pháp trong tinh thần vô ngã vị tha, cho nên sự viên tịch của Hòa thượng đã để lại trong tâm tư của chư Tôn đức pháp lữ, môn đồ tứ chúng với bao niềm kính tiếc vô hạn.
Nam Mô Từ Lâm Tế Phổ, Tứ Thập Nhị Thế, Thiên Ấn Tông Phong, Phước Lộc Pháp Phái, Phước Lâm Đường Thượng, Húy Tâm Duy, Thượng Trừng Hạ Vinh, Hiệu Pháp Hiển, Nguyễn Công Hòa Thượng Giác Linh.
Môn đồ pháp quyến
Phụng soạn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Tổ Như Hiển - Chí Thiền
Tăng sĩ
Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền, thế danh Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1861 tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học và kính tin Phật pháp, từ nhỏ, Ngài đã được hun đúc tinh thần đạo đức và lòng yêu nước sâu sắc.

Đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đạt Pháp
Tăng sĩ
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đạt Pháp (1923-2014), được lấy tôn hiệu Đại giới đàn do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An vừa tổ chức đầu tháng 3/2025. Cổng thông tin Phật giáo - Phatgiao.org.vn đăng lại tiểu sử của Ngài.

Người khổ hạnh nhất
Tăng sĩ
Endo Mitsunaga - vị Tăng sĩ Nhật Bản hoàn thành lộ trình tu khổ hạnh khắc nghiệt nhất thế giới.

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch
Tăng sĩ
Hòa thượng Thích Tâm Tịch, pháp hiệu Như Sơn, thế danh là Nguyễn Đình Khuê, sinh ngày 17 tháng 11 năm Ất Mão 1915, tại phố Hội Bình, tỉnh Yên Bái (nay là phường Hồng Hà, TP Yên Bái - tỉnh Yên Bái). Ngài nguyên quán tại làng Đình Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội; sinh trưởng trong một gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Văn; thân mẫu là cụ bà Lê Thị Cúc. Ngài là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 4 tuổi thân phụ qua đời và sau đó 10 năm thân mẫu cũng tạ thế.
Xem thêm