Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Toàn (1950-2023)
Kể từ sau Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng (2022-2027), Hòa thượng trở bệnh, tuy vậy ngài vẫn tham dự các kỳ họp quan trọng của Giáo hội, động viên chư tôn đức BTS cố gắng hoàn thành các Phật sự, nhắc nhở chư Tăng Ni, Phật tử tu học, tích cực tham gia các công tác từ thiện lợi đạo ích đời.
I. Thân thế:
Hòa thượng pháp danh Nguyên Hoàng, pháp tự Thiện Toàn, pháp hiệu Quang Chơn, thế danh Nguyễn Đức Huy, thuộc thế hệ thứ 10 Thiền phái Liễu Quán, nối pháp đời thứ 44 dòng Lâm Tế chánh tông.
Hòa thượng sinh ngày 20-2-Canh Dần (1950) tại thôn Tân Tây, xã Tiên Thọ, H.Tiên phước, tỉnh Quảng Nam trong gia đình có 9 anh em. Hòa thượng là người con trai thứ hai. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đức Quang, pháp danh Nhuận Vinh. Năm 1975, cụ ông xuất gia với Đại lão Hoà thượng Thích Từ Ý, pháp tự Thích Thiện Minh, hiệu Quang Tánh, nguyên Uỷ viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, Chánh Đại diện Phật giáo H.Tiên Phước, trú trì chùa Thọ Quang (xã Tiên Thọ, H.Tiên Phước, Quảng Nam). Thân mẫu là cụ bà Hồ Thị A, pháp danh Tịnh Đàm.
II. Thời kỳ xuất gia học đạo:
Được sinh ra trong gia đình có nề nếp nho gia đạo đức vững chắc và kính tin Tam bảo. Thuở nhỏ, Hòa thượng là người rất thông minh sáng dạ, hiếu học và hiền lương nên được mọi người thương quý. Mặc dù sinh ra nhằm thời đất nước chiến tranh loạn lạc, nhưng Hoà thượng vẫn giữ tâm hướng Phật. Tuy đời sống khó khăn, Ngài vẫn thường xuyên theo song thân lên chùa làng tụng kinh, lễ Phật, và tỏ ra là người có túc duyên sâu dày đối với Tam bảo.
Năm 16 tuổi (1966), duyên lành hội đủ, được sự ái hộ của song thân, Hòa thượng đã phát tâm xuất gia, được Đại lão Hòa thượng Từ Ý, tại chùa Hòa An (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), thâu nhận làm đệ tử, ban cho pháp danh Nguyên Hoàng.
Cuối năm 1966, ngài được Hòa thượng bổn sư gởi ra tu học tại chùa Cẩm Hà, TP.Hội An với Thượng tọa Thích Hành Sơn. Năm 1967, ngài xuống tu học tại chùa An Lạc và tiếp đến là chùa Pháp Bảo với Hòa Thượng Thích Trí Minh.
Năm 1969-1971, ngài tham học tại Phật học viện Bảo Tịnh, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Năm 1970, ngài được Hòa thượng bổn sư cho thọ giới Sa-di tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, do Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu đắc giới, pháp tự Thiện Toàn cũng có từ đó.
Năm 1971-1974, Hòa thượng là học Tăng tại Phật học viện Liễu Quán, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Năm 1973, Hòa thượng được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Phước Huệ thuộc Phật học viện Hải Đức Nha Trang do Trưởng lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Đường đầu Hòa thượng, được bổn sư ban pháp hiệu Quang Chơn. Cũng trong năm này, Hoà thượng tốt nghiệp tú tài và tiếp tục theo học tại Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Sau năm 1975, Viện Đại học Vạn Hạnh giải thể, Hoà thượng trở về tu học tại TP.Tam Kỳ, được Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam tín cử đảm nhiệm chức vụ trú trì chùa Tiên Mỹ, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1980, Hoà thượng tham dự An cư kiết hạ cùng với chư tôn đức Tăng tại chùa Phổ Đà, TP.Đà Nẵng.
Năm 1984, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM) khai giảng khoá đầu tiên, Hoà thượng tiếp tục theo học và tốt nghiệp Cử nhân Phật học vào năm 1988.
Năm 1989, Hoà thượng tốt nghiệp Cử nhân Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Năm 1991, Hòa thượng tốt nghiệp Cao học (Thạc sĩ) chuyên ngành Lịch sử tại Viện Khoa học Xã hội TP.HCM.
III. Thời kỳ hành đạo:
1. Tham gia công tác Phật sự:
Năm 1981, GHPGVN được thành lập. Đến tháng 5-1982, tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng lần thứ nhất, Hòa thượng được suy cử vào Ủy viên Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng trong suốt 2 nhiệm kỳ 1982-1987, 1987-1992.
Năm 1992, tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng nhiệm kỳ III (1992-1997), Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức vụ Chánh Thư ký tỉnh Giáo hội. Cũng trong thời gian này, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Hiệu phó Trường Cơ bản Phật học Quảng Nam Đà Nẵng và tham gia giảng dạy tại 2 trường Phật học Đà Nẵng và Tam Kỳ.
Năm 1994-1997, Hòa thượng là Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Năm 1992, Hoà thượng được suy cử Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TƯ nhiệm kỳ 1992-1997.
Năm 1994, Hòa thượng được Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam Đà Nẵng bổ nhiệm trụ trì chùa Thanh Hà, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính là TP.Đà Nẵng trực thuộc TƯ và tỉnh Quảng Nam, Hòa thượng được Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng. Đến năm 2007, sau khi Hòa thượng Hiệu trưởng Thích Từ Mẫn viên tịch, Hòa thượng được Giáo hội bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng.
Năm 2002, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ, Phó Chánh đại diện Phật giáo Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2002-2007, ngài được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa.
Năm 2004, Hòa thượng được bầu làm đại biểu HĐND Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2004-2009.
Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ III (2007-2012), Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức vụ Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử.
Năm 2008, Hòa thượng làm Chánh chủ khảo tại Đại giới đàn Trí Thủ do Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng tổ chức.
Năm 2012, tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ IV (2012-2017), Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử.
Năm 2013, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đệ tam tôn chứng tại Đại giới đàn Phước Trí do Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng tổ chức.
Năm 2017, tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ V (2017-2022), ngài được Đại hội suy cử giữ chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.Thanh Khê.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, ngài được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.
Từ năm 2017 đến nay, Hoà thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử TƯ.
Năm 2018, Hòa thượng được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn Tôn Thắng do Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng tổ chức.
Năm 2019, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, Trưởng ban trụ trì chùa Pháp Lâm - trụ sở của Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng.
Với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận/huyện nhiệm kỳ 2021-2026, Hòa thượng luôn quan tâm, chỉ đạo Ban Trị sự Phật giáo 7 quận, huyện tổ chức Đại hội thành công viên mãn.
Năm 2022, tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ VI (2022-2027), ngài được Đại hội tín nhiệm suy cử chức vụ Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng.
2. Đào tạo Tăng tài, hoằng pháp lợi sanh:
Hoà thượng là vị thầy suốt đời tận tuỵ với sự nghiệp hoằng pháp và giáo dục Phật giáo. Ngài là vị Giáo thọ sư kỳ cựu đối với nhiều thế hệ Tăng Ni, đặc biệt là bộ môn Duy thức học. Có thể nói, thế hệ Tăng Ni trẻ lãnh đạo các cấp Giáo hội tại TP.Đà nẵng và tỉnh Quảng Nam hiện tại đều là học trò của ngài, được đào tạo tại Trường Trung cấp Phật học TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trước đây. Trong quá trình giảng dạy, Hoà thượng đã dành thời gian biên soạn và dịch nhiều tập giáo án rất công phu làm tài liệu giảng dạy cho Tăng Ni sinh. Các tập giáo án đó hiện nay đã được xuất bản thành những bộ sách có giá trị như:
- Nghiên cứu về Duy thức học.
- Giảng giải văn Quy Sơn Cảnh Sách.
- Luận Đại thừa năm uẩn.
- Giảng giải hai thời công phu.
- Nhân minh luận.
- Kinh Lăng già.
Ngoài việc giảng dạy cho Tăng Ni sinh, Hòa Thượng còn là vị Giáo thọ sư cho các huynh trưởng bậc Lực của Gia đình Phật tử Đà Nẵng, là vị giảng sư thuyết pháp cho các khoá tu của cư sĩ Phật tử. Ngài còn dành thời gian hướng dẫn tín đồ thông qua việc chứng minh, tham dự các khóa lễ như: Lễ hội Quán Thế Âm, Đại lễ Phật thành đạo, Đại lễ Phật đản; ban đạo từ tại Đại lễ Vu lan, trai đàn và các lễ đặt đá hay khánh thành các ngôi tự viện,...
Năm 2012, trên cương vị Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học TP.Đà Nẵng, Hoà thượng đã khởi xướng mở lớp Trung cấp Phật học dành cho cư sĩ Phật tử. Đây là lớp Trung cấp Phật học dành cho hàng cư sĩ tại gia đầu tiên tại TP.Đà Nẵng cũng như cả nước. Trên nền tảng đó, Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã đào tạo được 3 khoá với trên 200 học viên cư sĩ đã tốt nghiệp, hiện đang đào tạo khoá IV (2022-2025) với 121 học viên cư sĩ đang theo học.
Năm 2014, nhận lời cung thỉnh của người học trò cũ là Thượng toạ Thích Đạo Từ, Hoà thượng đã sang Hoa Kỳ thăm viếng nhiều nơi và thuyết pháp tại nhiều đạo tràng tu học.
Với sự đóng góp to lớn của Hòa thượng đối với Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN, UBND, UBMTTQVN thành phố tặng nhiều Bằng Tuyên dương công đức và bằng khen.
3. Công tác xây dựng trùng tu:
Năm 1997, Hòa thượng phát tâm đại trùng kiến ngôi chùa Thanh Hà và tổ chức lễ khánh thành vào năm 2002. Ngoài ra, Hòa thượng còn cố vấn và hỗ trợ tịnh tài xây dựng chùa Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam.
4. Nhiếp hóa đồ chúng:
Hòa thượng đã truyền tam quy ngũ giới cho hàng ngàn Phật tử khắp nơi. Với tinh thần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, ngài đã thế độ trên 30 vị đệ tử xuất gia kế thừa, hầu hết các đệ tử của Hòa thượng đều có trình độ Phật học lẫn thế học, trong đó nhiều vị đã trưởng thành, đang đảm nhiệm các chức vụ của Giáo hội và trú trì các tự viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng và các tỉnh thành.
IV. Những ngày cuối đời:
Bi giả, nhẫn giả
Nhẫn giả, trí giả
Trí giả, bất động giải thoát viên dung giả
Tịch lặng trên chóp đỉnh cao
Đường hẹp trần gian rũ bỏ
Mênh mang trời rộng tiêu dao
Khứ lai vận hành đã tỏ.
Kể từ sau Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ VI (2022-2027), Hòa thượng trở bệnh, tuy vậy ngài vẫn tham dự các kỳ họp quan trọng của Giáo hội, động viên chư tôn đức Ban Trị sự cố gắng hoàn thành các Phật sự, nhắc nhở chư Tăng Ni, Phật tử tu học, trao dồi giới đức, tích cực tham gia các công tác từ thiện để lợi đạo ích đời.
Đầu mùa Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023, bệnh tình của Hòa thượng trở nặng. Mặc dù Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, môn đồ pháp quyến hết lòng chạy chữa; các y, bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM tận tình chăm sóc. Dự tri thời chí, sáng ngày 18-3-Quý Mão, ngài bảo đệ tử đưa về chùa Thanh Hà để nhiếp tâm niệm Phật, chế ngự cơn đau. Đến ngày 22-3-Quý Mão, khi hàng đệ tử ngồi quanh hộ niệm, Hòa thượng đã trút hơi thở cuối cùng, thâu thần thị tịch nhẹ nhàng như đang đi vào giấc ngủ lúc 15 giờ 25 phút. Trụ thế 74 năm, 51 hạ lạp.
Biên tập theo bản của môn đồ pháp quyến.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm