Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 14/09/2016, 12:31 PM

Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hạnh trụ trì chùa Bảo Thắng, Hội An

Cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hạnh thế danh Trần Thị Nữ, pháp danh Thị Liễu, tự Diệu Hạnh, hiệu Giác Ngộ, nối pháp đời 42 dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Ni trưởng sinh ngày 03/05/Mậu Thìn (1928) tại làng Minh Hương, Tp.Hội An, Quảng Nam. 

Thân phụ là cụ ông Trần Quang Cảnh pháp danh Thị Hoa và thân mẫu là cụ bà Tạ Thị Trách pháp danh Tâm Thành. Song thân của Ni trưởng là những người mộ đạo chân thành. Chính nhờ những duyên lành ấy đã ươm mầm bồ đề trong lòng Ni trưởng khi tuổi còn nhỏ.

Vào những thập niên 1930-1940, phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng khắp nơi. Tại Hội An, Hội An nam Phật học được thành lập, quý HT.Thích Đôn Hậu, HT.Thích Mật Thể v.v… thường vào thuyết pháp khiến cho phong trào học Phật dấy lên khắp nơi. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Ni trưởng theo song thân đến nghe pháp cũng như tham dự các khoá lễ cầu nguyện. 

Đặc biệt, trong những tháng ngày tản cư tại Trà Đỏa, Ni trưởng nghe quý Sư trưởng Như Hường, Đạt Hương v.v… tụng kinh khiến cho chủng tử xuất thế ngày một tăng trưởng. Sau khi hồi cư, Ni trưởng quyết định xả tục xuất gia, sống đời phạm hạnh giải thoát.
 
Ngày 02/10/Đinh Hợi (1947), Ni trưởng xuất gia với HT.Như Trạm - Tịch Chiếu tại tổ đình Phước Lâm, Hội An và được Hòa thượng ban cho pháp danh Thị Liễu. Thời gian tu học tại Phước Lâm được 1 năm thì HT.Tịch Chiếu bị giặc Pháp nghi ngờ làm cách mạng nên hạch sách theo dõi và Ngài đã trở vào lại miền Nam trụ trì chùa Tây Tạng, tỉnh Bình Dương. Ni trưởng bèn ra tham học tại Ni trường Diệu Đức, Huế. 

Năm Kỷ Sửu (1949), Ni trưởng cầu pháp với HT.Thích Đôn Hậu để thọ giới Sa-di-ni tại đại giới đàn chùa Báo Quốc do HT.Thích Tịnh Khiết làm đàn đầu truyền giới. Ni trưởng được HT.Đôn Hậu ban cho pháp tự Diệu Hạnh. 

Sau hai năm thực hành pháp của Sa di, Ni trưởng được thọ giới Thức xoa vào năm Tân Mão (1951). Với sự khát khao cần cầu giới pháp, học hạnh kiêm ưu nên Ni trưởng được sư trưởng thượng Diệu hạ Hương giám viện ni trường Diệu Đức cho thọ Tỳ kheo ni giới vào ngày 23/01/Quý Tỵ (1953) tại đại giới đàn chùa Báo Quốc do HT.Thích Tịnh Khiết làm đàn đầu truyền giới. 

Đến năm Đinh Dậu (1957), Ni trưởng thọ Bồ tát giới tại đại giới đàn Phật học viện Hải Đức, Nha Trang do đức trưởng lão Hòa thượng thượng Giác hạ Nhiên làm Đàn đầu truyền giới tôn sư.

Năm Tân Sửu (1961), Ni trưởng về chùa Bảo Thắng, Hội An để cùng với quý Sư trưởng Thích Nữ Đàm Minh, Sư trưởng Thích Nữ Như Hường chăm lo phật sự, xây dựng Ni bộ tại Quảng Nam. Cũng trong nằm này, quý Sư trưởng thành lập trường tư thục Bồ đề Diệu Nghiêm trong khuôn viên chùa Bảo Thắng để giúp con em nghèo có điều kiện học chữ. Ni trưởng được cử làm hiệu trưởng của trường.

Năm Nhâm Dần (1962), Sư trưởng Thích Nữ Đàm Minh được Giáo hội phân bổ ra Đà Nẵng lập chùa Bảo Quang để tiếp độ chúng ni; Giáo hội Tăng già Quảng Nam đã cử Sư trưởng Thích Nữ Như Hường và Ni trưởng làm Chánh phó trụ trì chùa Bảo Thắng, Hội An. Trong trọng trách mới này, Ni trưởng tích cực cùng với Sư trưởng Như Hường chăm lo phật sự. Từ đó, chùa Bảo Thắng ngày càng phát triển, Ni chúng theo về xuất gia tu học ngày càng đông.

Năm Quý Mão (1963), Phật giáo Việt Nam rơi vào pháp nạn trước sự kỳ thị tôn giáo của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Tại Quảng Nam, một Ủy ban tranh đấu được thành lập dưới sự lãnh đạo của HT.Thích Trí Giác, Ni trưởng là một trong những thành viên của Ủy ban, tham gia tích cực vào phong trào tranh đấu cho đến ngày chấm dứt Pháp nạn 01/11/1963.

Năm Giáp Thìn (1964), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam thành lập, Ni trưởng được cử giữ chức vụ Đặc ủy từ thiện xã hội. Từ đây, Ni trưởng đảm nhận trọng trách này qua nhiều giai đoạn của Giáo hội.

Trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt, nhiều trẻ em là nạn nhân của cuộc chiến bơ vơ không người chăm sóc. Trước những mảnh đời bất hạnh ấy, Ni trưởng cùng Sư trưởng Như Hường vận động xây dựng Cô nhi viện Diệu Nhân vào năm Bính Ngọ (1966) để góp phần xoa dịu nỗi tang thương thống khổ của dân tộc do chiến tranh gây nên.

Năm Canh Tuất (1970), Ni trưởng cùng với Sư trưởng Như Hường vận động trùng tu lại chùa Bảo Thắng theo lối kiến trúc 1 tầng trệt, trên làm chánh điện, dưới làm giảng đường để có chỗ thuận lợi cho chư ni và tín đồ tu học.

Năm Tân Dậu (1981), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành lập, Ni trưởng được mời làm thành viên BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện Phật giáo thị xã Hội An. Với tinh thần từ bi của nhà Phật, bằng uy tín của mình, Ni trưởng đã vận động giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khốn khó. 

Là một trong những bậc tôn túc ni giới hạnh trang nghiêm, Ni trưởng thường được cung thỉnh vào hội đồng thập sư truyền giới cho chư ni tại các giới đàn như làm dẫn thỉnh tại Giới đàn Vĩnh Gia năm Canh Tuất (1970) do Phật học viện Phổ Đà tổ chức; Tôn chứng tại các Giới đàn chùa Bảo Thắng năm Kỷ Dậu (1969); chùa Bảo Quang năm Ất Sửu (1985); chùa Diệu Quang năm Mậu Thìn (1988) v.v..

Ni trưởng được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê Đại Giới đàn Phước Huệ năm Bính Tý (1996) tại chùa Bảo Quang, Đà Nẵng; Đại Giới đàn Minh Giác năm Canh Thìn (2000) tại chùa Diệu Quang, Tam Kỳ; Yết-ma A-xà-lê Đại Giới đàn Ân Triêm năm Giáp Thân (2004) tại chùa Diệu Quang, Tam Kỳ; Đại Giới đàn Trí Thủ năm Mậu Tý (2008) tại chùa Bảo Quang, Đà Nẵng. Ni trưởng được cung thỉnh làm đàn đầu truyền giới tại các tiểu giới đàn tại bổn tự để truyền giới cho hàng môn đệ tấn tu đạo nghiệp.

Với những công lao đóng góp cho Giáo hội cũng như trong sự phát triển ni bộ tại Quảng Nam, Đà Nẵng nên Ni trưởng được đức Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni trưởng vào năm Đinh Sửu (1997) trong đại hội lần thứ IV của Giáo hội.

Năm Canh Thìn (2000), sau khi Sư trưởng thượng Như hạ Hường viên tịch, Ni trưởng được BTS Phật giáo tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm trụ trì chùa Bảo Thắng cho đến ngày hôm nay. 

Trong suốt 50 năm hành đạo, từ chùa Sư Nữ Bảo Thắng, dưới sự giáo dưỡng của Ni trưởng và Sư trưởng Như Hường, quý ni trưởng, ni sư, sư cô đã trưởng thành và ra đảm nhận trú trì các tự viện cũng như tham gia phật sự các cấp giáo hội tại Quảng Nam và các tỉnh thành trong cả nước như: Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Chơn; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Hoà, Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Thuận, Ni sư Thích Nữ Giải Thiện, Ni sư Thích Nữ Hạnh Phước, Ni sư Thích Nữ Hạnh Ngọc, Ni sư Thích Nữ Hạnh Nguyên, Ni sư Thích Nữ Hạnh Nguyện v.v…
Năm Canh Dần (2010), Ni trưởng giao việc điều hành bổn tự lại cho Ni sư Thích Nữ Hạnh Chơn đảm nhận, hằng ngày chuyên tâm trì kinh niệm Phật. Và theo sự vận hành của thời gian, thân tứ đại của Ni trưởng cũng bì quyện theo năm tháng. Sau một thời gian thân thể khiếm an, Ni trưởng đã mãn duyên Ta bà vào lúc 16h00 ngày 11/09/Giáp Ngọ (04/10/2014) hưởng thọ 87 tuổi đời và 61 hạ lạp.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế Bảo Thắng Đường thượng Huý thượng Thị hạ Liễu tự Diệu Hạnh hiệu Giác Ngộ Hòa thượng Ni Đài Tiền chứng giám.

Phật giáo Quảng Nam
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Xem thêm